Trang chủ     Bóng đá   /   Barca sa thải Koeman: Không làm gì là quyết định tồi tệ nhất!

Barca sa thải Koeman: Không làm gì là quyết định tồi tệ nhất!

Đôi khi, không làm gì là quyết định sáng suốt nhất. Nhưng cũng đôi khi, không làm gì chính là quyết định tồi tệ nhất. Joan Laporta đã không làm gì suốt hơn 1 tháng qua, và nếu tính xa hơn nữa, ông đã không làm gì từ sau mùa giải 2020/21. Giờ, ông đã làm: Sa thải Ronald Koeman.

Đã 2 lần trong mùa giải này chúng ta dự báo tương lai của Koeman sẽ được định đoạt. Đó là sau trận hòa 1-1 trước Granada khi Barca tung ra 54 quả tạt và sau thất bại 0-3 trước Benfica. Không một lần nào những dự đoán ấy thành sự thật. Joan Laporta vẫn án binh bất động.

Góc Hà Quang Minh: Nếu Johan Cruyff còn sống

Góc Hà Quang Minh: Nếu Johan Cruyff còn sống Barca đã quyết định sa thải Ronald Koeman rất nhanh, và họ cũng quyết định bổ nhiệm Xavi ngay lập tức. Điều đó chứng tỏ, mọi sự đã được lên kế hoạch từ đầu…

Sa thải Koeman, Barca chọn Xavi trở thành HLV tiếp theo?

Sa thải Koeman, Barca chọn Xavi trở thành HLV tiếp theo? Barca đã chính thức đưa ra quyết định xa thải Koeman và chốt danh sách 7 ứng viên cho vị trị huấn luyện trưởng của đội bóng, trong đó có Xavi.

Đến khi thua Real Madrid trong trận El Clasico vào cuối tuần trước, chẳng một ai còn buồn nhắc tới. Để rồi sau trận thua Rayo Vallecano vào rạng sáng nay theo giờ Hà Nội, quyết định sa thải được ban lãnh đạo Laporta đưa ra vào nửa đêm tại Tây Ban Nha, sau một cuộc họp khẩn kéo dài chừng 2 giờ đồng hồ. Vừa bất ngờ vừa không bất ngờ!

QUẢNG CÁO

Bất ngờ bởi với những động thái trước đó, có lẽ Laporta sẽ lại thỏa hiệp. Nhưng không bất ngờ bởi án trảm đã treo trên đầu Koeman từ lâu. Hãy nhớ lại thời điểm ngày 19 tháng 9, trên kênh truyền hình TV5 của Catalunya, Lluis Canut, một nhà báo thân tín với chiến lược gia người Hà Lan, đã nói: “Tôi không biết liệu Koeman có trụ được tới tháng 11 hay không.”

Koeman từng tâm sự tại quê nhà trong đợt nghỉ cấp CLB, rằng khi ông bước ra khỏi nhà và đi trên những con đường tại Barcelona, các CĐV Barca cảm ơn ông vì “nhờ có ông, đội bóng này trông có tương lai hơn”. Nhưng khi Koeman trên xe rời khỏi Camp Nou sau trận El Clasico vừa qua, cũng những CĐV Barca bám lấy, đầy tức giận, đòi ông từ chức. Mọi thứ đã tới giới hạn không thể chịu đựng.

Với Laporta, ông không thể tiếp tục không làm gì nếu không muốn trở thành Napoleon đắm mình trong bồn tắm và nhìn cả vương triều sụp đổ. Laporta giờ đã có đủ mọi lý do để không còn do dự.

Tại Camp Nou, mùi chính trị luôn phảng phất. Những gì còn đọng lại dưới kỷ nguyên Josep Maria Bartomeu đều đã bị Laporta loại bỏ, duy chỉ còn mỗi Koeman. Sau khi chính thức lên nắm quyền với nhiệm kỳ chủ tịch lần thứ hai, Laporta vẫn còn nhiều việc phải thu xếp. Cùng thời điểm, Barca của Koeman mang đến dấu hiệu lạc quan sẽ kết thúc mùa giải với cả chức vô địch Copa del Rey lẫn LaLiga. Nhưng rốt cục, họ tự bắn vào chân ở những thời điểm quan trọng nhất và niềm hy vọng LaLiga tiêu tan.

Hồi mùa hè, chuyện Laporta muốn thay thế Koeman bằng một gương mặt mới, bắt đầu một thời kỳ mới hoàn toàn đã không còn là điều bí mật. Nhưng mục tiêu ấy không thể đạt được và cuối cùng, Laporta phải thỏa hiệp. Sự thỏa hiệp ấy kéo theo những căng thẳng giữa đôi bên.

Từng có thời điểm, báo chí Tây Ban Nha loan tin về 3 điều kiện mà Laporta đặt ra dành cho Koeman nếu HLV người Hà Lan muốn tiếp tục giữ ghế. Đáp lại, Koeman “chửi” Laporta đích danh trước giới truyền thông – “Laporta đã quá nhiều chuyện”.

Từng có thời điểm, Koeman bước vào phòng họp báo, từ chối trả lời bất kỳ câu hỏi nào của cánh ký giả và phát đi tuyên bố: “Mùa này, kết thúc LaLiga với một thứ hạng cao sẽ là thành công; và đừng mong chờ phép màu sẽ đến ở Champions League”. Đáp lại, Laporta nói: “Tư tưởng chủ bại là thứ không được phép xuất hiện tại Barca”.

Camp Nou trở thành một môi trường đầy độc hại. Và nhìn vào cuộc giằng co giữa Laporta và Koeman, ai cũng hiểu nếu mối quan hệ ấy cứ kéo dài, người nào sẽ phải ra đi.

Đứng giữa sợi dây bị kéo căng ấy chính là di sản hữu hình mà cố huyền thoại Johan Cruyff để lại: người con trai Jordi Cruyff. Truyền thông Catalunya khẳng định, chính Jordi Cruyff – trong vai trò Giám đốc phòng Quốc tế của CLB – đã thuyết phục Laporta tiếp tục đặt niềm tin và trao cơ hội vào Koeman hồi đầu tháng 10 vừa qua.

Laporta, với phẩm chất chính trị của mình, luôn tôn sùng và cho thấy sự trân trọng với những gì thuộc về Johan Cruyff. Đấy không chỉ là dành sự tôn trọng cho Jordi Cruyff, mà còn nể tình Ronald Koeman – người mang về phòng truyền thống Barca chiếc cúp C1 đầu tiên trong lịch sử CLB. Nhưng di sản gắn với quá khứ, còn hiện tại gắn với tương lai.

Ronald Koeman đến Barca vào thời điểm CLB lâm vào nguy kịch và giờ ông rời đi cũng vào thời điểm CLB đang nguy kịch. Giữa hai mốc thời gian ấy, đường kẻ đã có lúc phất lên, mà như đã nói là giai đoạn từ đầu tháng 3 năm nay. Nhưng sau tất cả, nó liền bị ghì xuống.

Koeman chia tay Barca, để lại duy nhất một danh hiệu, là Copa del Rey 2021, sau chiến thắng 4-0 trước Athletic Bilbao tại La Cartuja của Seville. Đó có lẽ là trận đấu hay nhất, thuyết phục nhất và là kỷ niệm đẹp đẽ nhất trong 14 tháng ông tại vị.

Từ đầu mùa giải đến giờ, Barca của Koeman xét trên mọi đấu trường chỉ thắng 5, hòa 3 và thua 5. Không chỉ kết quả chôn vùi HLV người Hà Lan, lối chơi của Barca biến mùa giải chuyển giao này trở nên khó nuốt trôi với tất cả.

Đêm qua tại Vallecas là đỉnh cao sáng tỏ nhất của Barca hiện tại: một tập thể vô hồn, thiếu đi người chỉ huy trên sân và lối chơi lạc lối. Đến nay, Barca để thủng lưới 17 bàn, nhiều hơn số bàn thắng họ đã ghi được, là 16 bàn. Đó cũng chính là Barca đã chạm đáy.

Sau trận thua Real Madrid, Koeman phát biểu rằng “dần dần, đội bóng sẽ bắt đầu gặt hái những kết quả tốt trong những trận cầu lớn”. Lần gần nhất Barca thắng trong một trận cầu lớn, tức trước một đối thủ lớn xét trên mọi đấu trường là cách đây 1 năm. Ngày mai, 29 tháng 10 đánh dấu tròn 1 năm đó, kể từ khi Barca đánh bại Juventus trên đất Italia ở vòng bảng Champions League mùa giải trước.

Còn hôm nay, họ để thua 0-1 trước một đội bóng mới lên hạng, với Radamel Falcao là tên tuổi dễ dàng nhận biết nhất trong đội hình. Không chỉ đối thủ lớn, trước các đối thủ nhỏ, Barca cũng có thể thua bất kỳ lúc nào. “Tôi cũng không thể biết nữa?” là câu trả lời của Koeman khi được hỏi về tương lai của ông sau trận đấu tại Vallecas. Cũng ngày này 1 năm về trước, Josep Maria Bartomeu từ chức chủ tịch Barca.

Vài tuần trước, chúng ta còn tranh luận xem nếu Barca có một HLV mới, liệu họ có khá hơn, khi bối cảnh hiện tại là một đội hình gồm những cầu thủ hoặc quá già, hoặc quá trẻ, với những ca chấn thương hoành hành, với một nền tài chính cạn kiệt không thể nhấc tay trên thị trường chuyển nhượng. Không có câu trả lời nào thỏa đáng cả, bởi đấy chỉ là “giả sử”, là “nếu”. Sau đêm Vallecas, chủ đề nên được thay bằng: Barca liệu có còn tệ hơn nữa hay không?

Laporta không muốn biết câu trả lời và Laporta không muốn thấy câu hỏi ấy tồn tại. Laporta không muốn phải tiếp tục phải suy tư mà không làm gì cả. Vì không làm gì vào lúc này là quyết định tồi tệ nhất.

Có người sẽ thắc mắc, lẽ ra quyết định sa thải như ngày hôm nay phải được đưa ra từ sớm. Nhưng ngoài chuyện đền bù hợp đồng, tìm kiếm phương án thay thế,… Laporta có lẽ đã nhẫn nhịn, muốn trao thêm cơ hội cho Koeman.

Và Koeman cũng đã thử mọi cách, từ những hệ thống sơ đồ khác nhau – lúc thì 3-5-2, lúc thì 4-2-3-1, nhưng cả 3 lần thử ấy đều thất bại (trước Bayern, Benfica và Atletico), cách sắp xếp và lựa chọn nhân sự khác nhau (Frenkie de Jong đá tiền đạo cánh, Sergino Dest đá tiền đạo cánh, đẩy Pique lên đá tiền đạo), lối chơi khác nhau (tạt cánh đánh đầu), cho đến đặt cược vào những gương mặt non trẻ (Nico, Gavi, Balde) và cố hồi sinh những bản hợp đồng đắt giá tàn phai (Coutinho). Nhưng tất cả, tất cả chỉ đổi lại là gương mặt trầm buồn với hai tay cho vào túi của Koeman ở khu vực chỉ đạo.  

Đến một lúc nào đó, Laporta có lẽ cũng đã sẵn sàng cho phép Koeman từ bỏ 4-3-3 truyền thống, chỉ cần đổi lại những kết quả thành công và một lối chơi có cảm hứng. Nhưng Koeman cho thấy cái cảm giác rằng ông đã dùng hết tất cả những gì có trong tay, mà vẫn vô vọng. Và khi đã cạn kiệt giải pháp, cùng niềm tin xói mòn, Laporta phải hành động.

Koeman khi nói nhờ có ông mà Barca có tương lai thật ra cũng có lý. Nhờ có ông, những Pedri, Gavi, Nico, Mingueza hay Araujo được phát triển tại đội một, cũng như chính ông từng thúc giục mang về Eric Garcia. Họ đương nhiên có những khiếm khuyết và còn hạn chế, nhưng người trẻ chính là tương lai.

Chỉ có điều, như thế đã là đủ. Thực tại và tương lai được gây dựng như thế nào, giờ sẽ được thử thách cho một cái tên khác. Koeman sẽ mãi là huyền thoại của Barca, bởi đó là di sản. Lịch sử Barca sẽ luôn dành cho Koeman sự tôn trọng và biết ơn, không chỉ bới cú đá phạt hàng rào vào lưới Sampdoria, mà còn bởi ông đã dám chấp nhận đánh cược uy tín và thanh danh của mình để nhảy vào dầu sôi lửa bỏng của Barca hơn một năm về trước.

Ghế HLV chỉ khi ngồi vào mới biết nóng ra sao. Huyền thoại hay không huyền thoại, cũng dễ dàng bị ăn “chửi” như chơi.  

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Nhà phân tích bóng đá

Có thể bạn thích