Trang chủ     Bóng đá thế giới   /   Barcelona & Manchester United: Còn đâu ngày xưa oai hùng

Barcelona & Manchester United: Còn đâu ngày xưa oai hùng

Ngược dòng thời gian trở về 10 năm trước, Barcelona và Manchester United đang được coi là hai CLB mạnh nhất châu Âu khi chỉ trong vòng 3 mùa giải gần đó, họ đã hai lần đối đầu trong các trận chung kết UEFA Champions League.

Thấm thoắt 10 năm trôi qua, kết quả tồi tệ và màn trình diễn bạc nhược trước những đại kình địch Real Madrid và Liverpool tối qua dường như là chỉ dấu rõ nét nhất cho sự đi xuống của hai tượng đài một thời.

Ronaldo tẩn đàn em thua mình 16 tuổi vì tội dám giành bóng

Ronaldo tẩn đàn em thua mình 16 tuổi vì tội dám giành bóng Ronaldo và đồng đội đã trải qua một trận đấu tệ hại ngay trên sân nhà trước Liverpool. Thất bại này chắc chắn sẽ còn được nhắc lại nhiều lần về sau.

Phung phí cơ hội, Barca một lần nữa phơi áo trước Real Madrid

Phung phí cơ hội, Barca một lần nữa phơi áo trước Real Madrid Cập nhật kết quả, tỷ số trận đấu Barca vs Real Madrid 24/10 vòng 10 La Liga mùa giải 2021/2022.

Manchester United

Bất chấp những chi phiếu kỉ lục liên tiếp được kí duyệt trong gần 10 năm qua, thành công vẫn lẩn khuất sân Old Trafford dưới kỉ nguyên hậu Sir Alex Ferguson. 4 HLV khác nhau, hơn 1 tỉ Bảng Anh và trên dưới 40 tân binh đặt chân tới Manchester để đổi lại số danh hiệu ít ỏi và kém danh giá bổ sung vào phòng truyền thống. Không chỉ là vấn đề thành tích, những màn trình diễn thiếu thuyết phục lại càng khiến dấu hỏi được đặt ra nhiều hơn về định hướng chuyên môn mông lung của United. Trận thua thảm họa 0-5 trước Liverpool ngay trên sân nhà gần như bộc lộ toàn bộ những yếu điểm của đội bóng này thời điểm hiện tại.

QUẢNG CÁO

Man Utd nhận thất bại nặng nề trước Liverpool

Mùa hè năm 2013, thời điểm Sir Alex chia tay sự nghiệp cầm quân, David Moyes là người được chọn nhằm kế tục không chỉ chiếc ghế nóng tại Manchester, mà còn có nhiệm vụ tiếp quản cơ đồ “The United Way” đã được gây dựng. Đó là phong cách và bản sắc riêng biệt của Manchester United. Sự thử nghiệm nhanh chóng thất bại, nhường chỗ cho những giải pháp thức thời và nổi tiếng hơn, như Louis van Gaal hay Jose Mourinho nhằm giành lại vị thế thành tích. Rốt cuộc, cũng không thành công đáng kể nào được tạo ra, Man United lầm lũi tìm về giá trị xưa cũ thông qua hình bóng Sir Alex trong Ole Gunnar Solskjaer với những người xưa như Mike Phelan hay Michael Carrick.

Trong cùng khoảng thời gian ấy, khi United vật lộn đi tìm bản sắc chính mình, những đối thủ chính như Manchester City, Liverpool hay Chelsea lại nhanh chóng tiến hóa với lựa chọn cấp tiến trên băng ghế huấn luyện. Manchester United từng là đội bóng tân tiến tại Premier League với lối chơi hào hoa. Giờ đây, sau những sai lầm nối tiếp sai lầm trong định hướng chuyên môn, United đang thụt lùi trong cuộc chạy đua với các kình địch. Phải cậy nhờ tới Ole nói riêng và những giá trị xưa cũ của 10 năm trước để sử dụng cho thấy United đã bị bỏ xa đến nhường nào.

Manchester United muốn tạo áp lực tầm cao để đoạt bóng và phản công nhanh. Thế nhưng, khối đội hình của họ không có sự đồng bộ lẫn can đảm để đẩy cao đồng bộ nhằm thu hẹp cự li giữa các tuyến cũng như khóa chặt khoảng trống lộ ra. Ngay cả khi đẩy tới 4 nhân sự thường trực lên cao trong khối đội hình 4-2-4, United cũng không có được hiệu quả trong tranh chấp đoạt bóng như mục tiêu đề ra

.Fred và McTominay không thể bao quát hết khu vực trung tuyến

Thống kê cho thấy, đội chủ sân Old Trafford đang xếp cuối cùng EPL về số tình huống thực hiện áp sát, trong khi gã hàng xóm ồn ào Manchester City đứng ngay trên một bậc tại vị trí thứ 19. Tuy nhiên, sự khác biệt là rất rõ ràng khi xét tới khu vực thực hiện áp sát. Hơn 1/3 số lượng áp lực được đoàn quân Pep Guardiola tạo ra trong phạm vi 1/3 cuối sân đối phương, cho phép đội bóng này đủ khả năng tạo sức ép liên tục lên cầu môn.

Ngược lại, United dù chọn cách tiếp cận có vẻ là hiện đại, họ thiếu đi tổ chức áp sát mang tính hiện đại thực sự nhằm ngăn chặn đối thủ. Ngược lại, chính những hành vi pressing tự phát đơn lẻ và đầy chất ngây thơ, tiêu biểu nhất qua bàn thua thứ 2 phải nhận trước Liverpool là ví dụ không thể rõ nét hơn cho sự thất bại trong việc làm mới định hướng lối chơi. Chỉ 23.67% số tình huống áp sát của United được thực hiện trong khu vực 1/3 cuối sân, thấp nhất trong top 4 EPL 2020-21 và thấp thứ 4 tại EPL 2021-22.

Maguire đáng trách, nhưng không phải là toàn bộ lý do

Khi tổ chức lỏng lẻo phía trên bị xuyên thủng dễ dàng, gánh nặng đè lên khối phòng ngự phía sau là vô cùng lớn. Giới mộ điệu có thể chỉ trích màn trình diễn của Fred hay Scott McTominay trước Liverpool, nhưng chẳng phải với lựa chọn khác biệt mang tên Paul Pogba – Nemanja Matic mới một tuần trước đó gặp Leicester City, thảm họa vẫn xảy đến cho United hay sao? Cầu thủ dù đẳng cấp tới mấy, khi bị đặt vào hoàn cảnh của một hệ thống tập thể đầy lỗ hổng, sai số trong xử lí tình huống cá nhân rồi sẽ xảy ra. Harry Maguire hay Luke Shaw bị trách một, thì hệ thống đội bóng đáng trách mười.

Ban lãnh đạo Manchester United đặt niềm tin vào Ole với hi vọng vào sự tái hiện của huy hoàng triều đại Sir Alex. HLV người Na Uy tới nay vẫn đang nỗ lực điều chỉnh đội bóng đi theo con đường xưa, nhưng khi định hướng lẫn tổ chức thực hiện đều đã lỗi thời, thật khó có thể kì vọng cao hơn về sự tươi mới tại Old Trafford.

Barcelona

Thất bại sát nút của Barcelona trước kình địch Real Madrid trong trận El Clasico tối qua không quá thảm họa về mặt tỉ số như những gì Manchester United trải nghiệm trước Liverpool, nhưng màn trình diễn của đội chủ sân Camp Nou là hết sức thất vọng. Đối mặt với hệ thống phòng ngự lùi sâu số đông của đội khách, Barcelona hoàn toàn bế tắc trong việc khoan phá và tìm đường vào khung thành. Chưa hết, Blaugrana gặp vấn đề tương tự như đối thủ một thời Man United khi những lỗ hổng phía sau lộ ra từ hệ quả đẩy cao khiến cầu môn Marc-Andre ter Stegen liên tục chao đảo mỗi dịp Real Madrid đoạt bóng thành công để chuyển đổi phản công.

Trên thực tế, Barcelona tại Camp Nou ngày 24/10/2021 vẫn mang đậm bản sắc truyền thống và định hướng vốn có của CLB với sự xuất hiện của 8 cầu thủ Tây Ban Nha trên sân, trong đó hầu hết là sản phẩm tự đào tạo trưởng thành từ La Masia. Bất chấp việc Leo Messi rời bỏ đội bóng hè vừa qua, sứ mệnh và tôn chỉ lối chơi của Barcelona dường như được khẳng định rằng sẽ không thay đổi.

Cánh phải của Barca gần như không thể chơi bóng, khiến áp lực ở khu vực khác tăng lên

Đó là phương pháp đã giúp họ thống trị châu Âu những năm cuối thập niên 2000, đầu 2010 với lối đá kiểm soát bóng, phối hợp ngắn nhỏ dựa trên nền tảng của những cầu thủ cây nhà lá vườn, đậm đặc bản sắc xứ Catalonia. Đối đầu với Real Madrid hôm qua, Ronald Koeman – một huyền thoại trong màu áo Barcelona, nhận sứ mệnh tiếp nối truyền thống cao cả ấy. Ngoài những đàn anh như Sergio Busquets hay Gerard Pique gánh nhiệm vụ dẫn dắt, số tài năng trẻ như Gavi hay Ansu Fati cũng được tích hợp với mục tiêu hướng tới tương lai.

Nhưng tương lai ấy sẽ ra sao khi mặt bằng nhân sự hiện tại của Barcelona là không cao, hệ quả phần nào đến trực tiếp từ chính sách ưu ái sản phẩm La Masia bất kể chất lượng, cộng thêm những gượng ép nhất định từ phía Koeman trong triển khai lối đá “đúng bản sắc”. Hãy nhìn vào Eric Garcia, Oscar Mingueza hay Sergi Roberto, họ đều không phải những cầu thủ xuất sắc, nhưng đặt bên cạnh tầm vóc vốn có của Barcelona, khả năng của số cầu thủ này đều ở mức dưới trung bình. Cộng thêm sự lão hóa của những cựu binh như Busquets hay Pique, thi triển phong cách chơi đúng triết lí lại càng tăng thêm phần mạo hiểm cho Barcelona.

Mingueza trở thành tử huyệt của Barca ở trận này

Đội chủ sân Camp Nou vẫn dẫn đầu La Liga về số lượng đường chuyền sệt và có cự li ngắn với tỉ lệ chính xác hàng đầu. Tuy nhiên, quá phụ thuộc và dựa dẫm chỉ vào một phong cách quen thuộc khiến Barcelona dễ dàng bị đối phương bắt bài, đồng thời duy trì triết lí đòi hỏi sườn cá nhân cao tương ứng nhằm thực hiện chất lượng những yêu cầu đề ra, thứ mà Blaugrana hiện tại đang không sở hữu. Không thể phủ nhận những ảnh hưởng tiêu cực từ quản lí tài chính đã tạo nên vấn đề nhân sự chuyên môn hiện tại cho Barcelona. Thế nhưng, cũng không thể từ chối rằng, những kì vọng cứng nhắc về một bản sắc duy ý chí dựa trên ảo vọng thành tích quá khứ là nguyên nhân dẫn tới sự sa sút thành tích của Barcelona, hay cả Manchester United.

Kết luận

Chính sự một màu đó khiến Barca hay Man United gặp khó khăn trong giai đoạn chuyển giao thời cuộc. Trong khi những đối thủ có thể không vỗ ngực tự hào về một bản sắc lối chơi tạo dựng với “DNA riêng biệt” nào đó, họ vẫn duy trì thành công khi đề cao một tôn chỉ chung trong bóng đá, đó là “DNA chiến thắng”, bằng mọi giá, bằng sự đa dạng của phong cách và nhân sự chơi bóng.

Hãy nhìn vào Chelsea hay Real Madrid, sự hỗn loạn trên ghế huấn luyện lẫn phòng thay đồ từng xảy đến liên tục, nhưng danh hiệu là thứ hiếm khi vắng bóng mỗi dịp hai đội bóng này kết thúc mùa giải. Bản sắc là yếu tố đáng trân trọng, nhưng sự phức tạp và chuẩn mực cần đạt được nhằm duy trì và chạm tới thành công luôn luôn khó khăn và không hề đơn giản.

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Chuyên gia phân tích

Có thể bạn thích