Trang chủ     Bóng đá thế giới   /   Barcelona bại trận trước Atletico: Loay hoay và thiếu tổ chức

Barcelona bại trận trước Atletico: Loay hoay và thiếu tổ chức

Ronald Koeman từng nói Champions League sẽ chỉ là đấu trường để cọ xát, trong khi cơ hội vẫn còn đó ở LaLiga. Nhưng trận thua 0-2 trước Atletico Madrid rạng sáng nay chỉ ra rằng, chừng nào những bất ổn và biến động vẫn còn hiện hữu, tương lai sẽ còn mờ mịt với đội chủ sân Camp Nou.

6 trận đấu liên tiếp trên mọi đấu trường, Barcelona mới chỉ giành được 1 chiến thắng (3-0 trước Levante), còn lại là 2 trận hòa và 3 thất bại. Hai trận đấu liên tiếp đã qua, thầy trò Koeman đều nếm trải thất bại, từ Champions League tới LaLiga, với trận thua mới nhất là trong chuyến hành quân đến Wanda Metropolitano.

Barca và Atletico Madrid: Trận cầu quyết định của Koeman

Barca và Atletico Madrid: Trận cầu quyết định của Koeman Barca vs Ateltico Madrid sẽ là trận cầu tâm điểm tại vòng 7 La Liga và số phận của Koeman cũng sẽ được định đoạt sau trận đấu này.

Thượng tầng Barca họp đến 4h sáng để chuẩn bị sa thải Koeman

Thượng tầng Barca họp đến 4h sáng để chuẩn bị sa thải Koeman Giới chức cấp cao của Barca đã tổ chức một cuộc họp kéo dài đến 4h sáng để thống nhất các vấn đề về tương lai của đội bóng. Trong đó có việc sa thải Koeman.

Nếu như trước Benfica hồi giữa tuần là một hệ thống nhập cuộc 3-4-1-2 thì trước Atletico Madrid, Ronald Koeman – người không trực tiếp chỉ đạo trận đấu khi phải nhận án phạt – quyết định lựa chọn hệ thống 4-2-3-1 dành cho Barcelona. Busquets và Nico Gonzalez trở thành cặp tiền vệ trụ, Gavi, Coutinho và Frenkie De Jong lần lượt từ trái sang phải đá ngay trên, phía sau tiền đạo duy nhất là Memphis Depay.

QUẢNG CÁO

Trong bối cảnh Atletico của Simeone lựa chọn hệ thống 3-5-2 hay 5-3-2, có thể hình dung cấu trúc của Barcelona là dùng tam giác giữa sân đấu với tam giá tương ứng của đối thủ. Về lý thuyết, 4-2-3-1 là một hệ thống cân bằng trải thành nhiều lớp theo chiều dọc sân, giúp khu vực giữa sân và trung lộ của Barcelona có đông quân số.

Nhưng hệ thống gì thì cũng chỉ là trên giấy, còn trên sân, với Barcelona chỉ là mớ hỗn độn và sự rời rạc. Việc thay đổi hệ thống chiến thuật trong vài ngày, lúc 4-3-3, lúc 5-3-2 và giờ là 4-2-3-1 thì quả là một bài toán khó đối với các cầu thủ. Huống hồ, 4-3-3 xưa nay đã luôn là kim chỉ nam của Blaugrana.

Có cảm tưởng, việc thay đổi hệ thống chỉ là cho có, bởi thực tế trên sân phản ánh, dường như các cầu thủ không được luyện tập đầy đủ để hiểu họ cần phải làm gì. Kết cấu khi không có bóng thiếu tổ chức, chuyển đổi trạng thái kém, và những khoảng trống trung lộ xung quanh Busquets thì vẫn bao la.

Điều đáng nói là trong bối cảnh nhân sự thiếu hụt vì chấn thương như hiện tại, ngoại trừ Memphis Depay là một tiền đạo đúng nghĩa, Barcelona không có những tiền đạo cánh (winger) trong cách bày binh bố trận này để có thể làm nhiệm vụ đánh biên (từ kéo dãn chiều ngang sân cho đến di chuyển xuống đáy biên để tổ chức phối hợp). Một Frenkie De Jong phải đá tiền vệ công lệch phải thì đúng là “một mình một cõi” hiu quạnh.

Nhìn vào vị trí trung bình của các cầu thủ Barcelona khi sở hữu bóng, gần như toàn bộ kết cấu hàng tiền vệ và tiền đạo của họ chỉ tập trung và chen lấn theo một trục trung lộ. Sự đa dạng của những đường nét phối hợp nhóm qua khu vực hành lang trong và hai cánh mà vốn dĩ hệ thống 4-2-3-1 có thể mang lại, hoàn toàn không tồn tại.

Vậy nên, đội khách chỉ có thể trông cậy vào những tình huống dâng cao của cặp hậu vệ cánh là Oscar Mingueza cùng Sergino Dest để mở biên. Nhưng chính điều đó lại trở thành vấn đề lớn với Barcelona trong khâu phòng ngự.

Tuy đá với cặp “double six” theo lý thuyết, nhưng Busquets vẫn là người chơi thấp nhất trong khối tiền vệ như mọi khi, Nico Gonzalez luôn đá nhô cao hơn. Về cơ bản, đây là điều không lạ trong hệ thống 4-2-3-1.

Tuy nhiên, với xu hướng hoặc yêu cầu phải dâng cao của cặp hậu vệ cánh, bài toán cố hữu trong khâu phòng ngự của Barcelona từ xưa cho đến nay một lần nữa phơi bày: Đó là những khoảng trống sau lưng những cầu thủ này bị khai thác, đặt bộ đôi trung vệ cùng Busquets vào thế chống đỡ mỏng manh như thường lệ.

Hãy nói về Atletico một chút. Tuy tổ chức hệ thống 5-3-2 khi không bóng, Atletico thực tế lúc tấn công sẽ đổi thành 3-4-3 thay vì 3-5-2. Cụ thể, Thomas Lemar nơi hàng tiền vệ sẽ “nhảy” lên hợp cùng Joao Felix và Luis Suarez trên hàng công. Nếu chiếu theo mô hình tam giác giữa của Barcelona đấu với tam giác giữa của Atletico như đã nêu, người được giao trọng trách theo kèm cầu thủ người Pháp chính là Nico Gonzalez, một tiền vệ phòng ngự năm nay mới chỉ 19 tuổi. Nghĩa là Nico sẽ không được để Lemar lẻn ra sau lưng mình một cách dễ dàng để tạo thế 3 đánh 3 hoặc 3 đánh 2 với cặp trung vệ + Busquets.

Tuy nhiên, đấy là thứ mà Nico đã lại mắc phải. Sau trận đấu, Koeman có phát biểu như sau: “Bạn không thể để lộ ra quá nhiều khoảng trống sau lưng. Chúng tôi đã nói với nhau điều đó từ trước nhiều lần. Chúng tôi đã theo kèm người không tốt, Nico đã không thể theo được Lemar.” Thế nên, ngay đầu hiệp 2, Koeman đã thay Nico bằng Sergi Roberto, đồng thời đổi hệ thống trở lại 4-3-3.

Nhưng chính xác thì điều gì đã diễn ra trong 45 phút đầu tiên?

Tuy cả trận, đội chủ nhà lên bóng qua cánh phải là chủ yếu (46% so với cánh trái 35% và trung lộ chỉ 19%), nhưng cả hai bàn thắng của thầy trò Simeone đều bắt nguồn từ cánh trái. Cánh trái của Atletico trở thành nhát dao cắt dễ dàng vào tảng bơ Barcelona.

Dưới đây là tình huống bóng diễn ra ở phút 15 của trận đấu, khi Atletico có bóng bên hành lang cánh trái. Hãy ghi nhớ khung hình này, vì bạn sẽ lại được dịp bắt gặp nó. Khi một mô hình cũng lặp lại nhiều lần, đấy là bài vở, là miếng đánh khai thác vào cùng một điểm yếu không được khắc phục của đối thủ.

Trong pha bóng này, Mingueza làm công việc dâng cao, áp sát gây áp lực như thường lệ lên wingback trái của chủ nhà là Carrasco. Để duy trì cự ly và khối đội hình, trung vệ Ronald Araujo cũng buộc phải dâng lên qua vạch giữa sân theo kèm Joao Felix. Bấy giờ, tuy không được nhìn thấy trong khung hình, nhưng ai nấy cũng hiểu, đang có một khoảng trống lớn mở ra sau lưng Araujo nơi phòng tuyến và nên nhớ, Gerard Pique đang bận theo kèm Luis Suarez.

Lemar biết rõ sự tồn tại của khoảng trống đó, vì vậy, cầu thủ này lẻn ra sau lưng của Nico và sẵn sàng đánh chiếm.

Giờ, hãy đến với tình huống tổ chức tấn công dẫn tới bàn mở tỷ số của Atletico ở phút 23. Một lần nữa, Atletico ý đồ lên bóng qua cánh trái, Mingueza vẫn để mắt đến Carrasco, Araujo theo kèm Joao Felix, Pique dõi theo Suarez và Nico có trọng trách bắt lấy Lemar.

Thay vì đưa bóng tuần tự qua biên trái cho Carrasco, trung vệ lệch trái Hermoso nhìn thấy khoảng trống giữa Frenkie và Mingueza là đủ lớn để phát triển quả bóng hướng thẳng tới Felix. Đường chuyền này loại bỏ lớp 3 tiền vệ công trong hệ thống 4-2-3-1 của Barcelona.

Felix, trong một ngày thi đấu xuất sắc, với kỹ thuật xử lý bóng, khả năng luồn lách cùng tư thế thân người hoàn hảo được phát huy trong cả trận, lùi lại nhận bóng. Araujo theo sát phía sau và trong tư thế mở thân người để sẵn sàng mở tốc về phía sát biên, cũng như sẵn sàng cắt bóng một khi Felix có ý định xoay người bứt về trước. Tuy nhiên, với kinh nghiệm đã đấu tay đôi trước đó với Araujo trong trận, Felix đỡ và hướng quả bóng đầy kỹ thuật vào phía trong, khiến ý đồ bắt bài của cầu thủ người Uruguay hoàn toàn phá sản. Số 7 của Atletico thoát khỏi Araujo, di chuyển vào hành lang trong.

Đây cũng là lúc Lemar bắt tín hiệu. Hãy nhớ lại khung hình tôi muốn các bạn ghi nhớ trước đó: Lemar di chuyển ra sau lưng Nico, đánh chiếm khoảng trống mà Araujo để lại nơi hàng thủ. Đồng ý rằng bấy giờ vẫn còn Pique và trung vệ người Tây Ban Nha sẵn sàng lót cho Araujo, nhưng Felix không chuyền ngay cho pha thoát xuống của đồng đội người Pháp.

Thay vào đó, mô hình phối hợp người thứ ba diễn ra theo cách hoàn hảo: Suarez lùi lại nhận đường chuyền của Felix, trước khi thả quả bóng một chạm xuống cho Lemar. Thời điểm bóng đến vị trí của Suarez cũng là lúc Pique điều chỉnh thân người thẳng về trước mặt, nhìn bóng và bỏ quên một Lemar đang lao xuống như mũi tên. Lemar đối mặt Ter Stegen, vung cú đá ngay trước khi Araujo kịp xoạc bóng. Bàn thắng đầu tiên đến với Atletico.

Trong bóng đá, mô hình di chuyển – phối hợp người thứ ba (third man running) rất khó bị hóa giải, bởi sự bất ngờ và biến hóa của các pha di chuyển. Cựu tiền vệ Xavi của Barcelona đã từng khẳng định như vậy, trong khi Marcelo Bielsa là HLV chuyên áp dụng những bài tập này cho các cầu thủ tại Leeds Utd. Tuy nhiên, việc để Lemar dễ dàng thoát đi – vốn đã được cảnh báo từ trước, trong khi Suarez có khoảng trống lớn để lùi về nhận bóng, điều chỉnh tư thế trước khi thoải mái tung ra đường chuyền là những thứ mà đáng lẽ các cầu thủ Barcelona đã có thể ngăn ngừa tốt hơn.

Cũng mô hình phối hợp người thứ ba được Atletico sử dụng để làm nên một tình huống ăn bàn mười mươi dành cho Suarez ở phút 28. Lần này, Lemar là người châm ngòi khi chuyền bóng ra biên cho Carrasco. Bấy giờ, hàng thủ Barcelona còn có thêm Frenkie lùi về hỗ trợ.

Nhưng ngay cả khi như thế, Carrasco vẫn dễ dàng thoát khỏi Mingueza và Frenkie, còn khoảng trống ở trung lộ thì vẫn cứ mở ra vô tư khi cả Busquets và Nico đều bị hút hoàn toàn về phía bóng. Felix chính là người chiếm giữ khoảng trống ngay trước vòng cấm – zone 14 để nhận bóng từ Carrasco, trước khi chuyền một chạm cho Suarez thoát xuống. Chỉ trong vòng 5 phút, Barcelona bị đánh vỗ mặt bởi mô hình phối hợp người thứ ba từ Atletico và chỉ có lòng trắc ẩn của Suarez mới giúp Barcelona thoát khỏi bàn thua thứ hai.

Miếng phối hợp “third man running” đó còn được Atletico sử dụng bên cánh phải, kết hợp cùng mô hình di chuyển nghịch hướng. Cụ thể là ở phút 31, khi Suarez giật lùi về và Lemar di chuyển theo hướng ngược lại, Felix tiếp tục cho thấy sự thông minh và kỹ thuật khi chuyền bóng cho Suarez trước khi luồn lách ra sau lưng đối phương để nhận cú trả ngược, và cuối cùng chọc đường bóng để Llorente thoát xuống. Nhuần nhuyền và biến hóa, đó là Atletico.

Bàn thắng thứ hai của Atletico cũng diễn ra gần giống với bàn mở tỷ số khi Lemar một lần nữa khai thác khoảng trống ở hành lang trong để di chuyển không bóng nhận đường chuyền từ chính Felix. Từ mùa giải trước, Simeone đã hồi sinh Lemar khi xếp anh đá trong vai trò của một số 8 lệch trái, và đêm qua trước Barcelona, những phẩm chất ưu trội nhất của cầu thủ người Pháp được nhìn thấy.

Trong tình huống dẫn đến bàn thắng thứ hai của đội chủ nhà, vấn đề thiếu đi những tiền đạo cánh ở biên của Barcelona hiện rõ. Depay phải dạt ra biên phải để làm bóng, Mingueza bó vào trong, còn Nico thì dâng lên rất cao. Pha phối hợp một hai của Depay với Mingueza bị Koke chặn đứng, trước khi bóng tới chân Lemar.

Lemar dễ dàng cầm bóng trong vòng vây 3 cầu thủ Barcelona rồi phối hợp cùng Felix.

Araujo vẫn buộc phải dâng lên áp sát Felix và khoảng trống sau lưng một lần nữa hở ra. Công việc của Lemar lặp lại, trước khi anh cùng Suarez tạo ra thế 2 đánh 1 trước Pique. Lần này, Suarez đã không còn nhân từ như pha đặt lòng ra ngoài trước đó.

Có được 2 bàn ngay trong hiệp 1, những gì Atletico phải làm trong hiệp 2 chỉ là tiếp tục co cụm phòng ngự, thích thì phản công, không thì thôi, mặc cho Barcelona có thay người, đổi lại hệ thống 4-3-3, tung Ansu Fati vào sân hay bố trí cả Araujo đá tiền đạo vào cuối trận.

Atletico bài bản và mạch lạc bao nhiêu thì Barcelona bế tắc và lạc lối bấy nhiêu. Pha đập nhả một-hai vào phút bù giờ thứ hai của trận đấu giữa Ansu Fati, Riqui Puig cùng Araujo trở thành một hình ảnh dở khóc dở cười đối với những người yêu Barcelona. Ý tưởng trong pha bóng ấy là rất tốt, nhưng rất tiếc, Araujo chỉ là một hậu vệ và không thể hiểu được ý đồ đập nhả với Fati.

Những cầu thủ trẻ bị mang ra thử nghiệm và bị tế, những sự rời rạc và thiếu đồng bộ, những hệ thống thay đổi liên tục nhưng không thể giải quyết cùng một vấn đề, nội bộ thiếu nhất quán và đầy rẫy các vấn đề,… 2 tuần liệu có đủ để Barcelona giải quyết hết những vấn đề của họ?

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Nhà phân tích bóng đá

Có thể bạn thích