Trang chủ     Bóng đá   /   Bồ Đào Nha – Hành trình trở thành một thế lực

Bồ Đào Nha – Hành trình trở thành một thế lực

Chức vô địch Euro 2016, cùng dàn đội hình chất lượng hiện tại là thành quả từ sự đầu tư vào công tác đào tạo trẻ lẫn công tác huấn luyện của Bồ Đào Nha cách đây 20 năm về trước.

Có một hình ảnh luôn được khắc ghi trong lịch sử Euro, thậm chí có lúc được mang ra để chế giễu. Khi trận cầu tại Saint-Denis sắp sửa kết thúc, Cristiano Ronaldo lao xuống đường biên, hô hào, khích lệ và chỉ đạo các đồng đội bằng nguồn năng lượng tràn trề, khiến tất cả như muốn quên đi cái chân đau của anh.

Dù từng chứng kiến thời khắc căng thẳng và hồi hộp ấy của trận chung kết Euro cách đây 5 năm về trước, hay xem lại các băng tư liệu vào thời điểm này, chúng ta không tranh khỏi suy nghĩ: Ronaldo mới chính là HLV trưởng.

Đương nhiên, một thủ quân, một cầu thủ luôn ám ảnh bởi sự hoàn hảo như Ronaldo chẳng muốn để lại dấu ấn và những đóng góp trên sân theo kiểu đó một chút nào. Nhưng ít ra, CR7 muốn mình vẫn là “một phần” của đội bóng cho đến những thời khắc cuối cùng, sau khi không may dính phải chấn thương vì Dimitri Payet.

Ronaldo ở chung kết EURO 2016

QUẢNG CÁO

Cho dù đấy vẫn là một hình ảnh kỳ quặc gắn với thành công vang dội nhất ở đấu trường quốc tế trong lịch sử bóng đá Bồ Đào Nha – chưa kể bàn thắng ấn định chiến thắng lại được ghi vào hiệp phụ bởi một cầu thủ chẳng ai ngờ tới là Eder – nhưng nó lại mang tính biểu tượng hóa sâu sắc, là sự phản ánh cho sách lược làm bóng đá chỉn chu đã kéo dài suốt hai thập kỷ nay của đất nước bán đảo Iberia.

Vị trí mà Ronaldo, một trong những cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá, hiện diện vào những phút cuối trên sân Stade de France, cũng chính là nơi chứng kiến những bộ óc quái kiệt đã đưa đội tuyển của đất nước 10 triệu dân trở thành một thế lực của bóng đá châu Âu trong thế kỷ 21.

Quá dễ dàng để chỉ ra những cái tên ưu tú nhất của người Bồ trên băng ghế huấn luyện. Từ siêu HLV Jose Mourinho cho đến Jorge Jesus – những tên tuổi vốn đã lào làng. Hay những gương mặt trẻ như Sergio Conceicao, người từng dẫn dắt Porto vào đến tứ kết Champions League mùa giải vừa rồi và khiến Chelsea phải trầy vi tróc vảy trên hành trình chinh phục chức vô địch. Hoặc Ruben Amorim, người đến Sporting vào đầu năm 2020 với vốn kinh nghiệm chỉ là 13 trận cầm quân ở giải vô địch quốc gia, nhưng mùa giải vừa rồi đã mang về chức vô địch Liga đầu tiên trong lịch sử CLB sau 19 năm.

Đó là chưa kể đến những gương mặt nổi danh khác, như Leonardo Jardim, Andre Villas-Boas, Paulo Fonseca, Nuno Espirito Santo hay người sẽ kế nhiệm ông tại Wolverhampton là Bruno Lage.

Chính ở kinh nghiệm thực chiến mà chiều sâu và sự nghiêm khắc về tư duy của những HLV người Bồ đã giúp định hình nên một lứa thế hệ cầu thủ ưu tú tham dự Euro mùa hè này.

Nói như Luis Araujo, HLV đội Juniores lẫn đội U19 của Benfica, thì: “Chúng tôi có một hệ thống phát triển các HLV cực kỳ vững bền. Các HLV luôn có cơ hội để trao đổi và trò chuyện thường xuyên, chính vì thế chúng tôi luôn học hỏi lẫn nhau. Chúng tôi không chỉ giàu niềm đam mê, mà còn có khả năng ứng biến, vì Bồ Đào Nha vốn không phải là một đất nước với nguồn tài nguyên dồi dào. Vậy nên, chỉ với một quả bóng, chúng tôi phải mang đến một buổi tập thật sự giá trị. Chỉ với một chiếc tạp dề, bạn phải trở thành một đầu bếp xuất sắc. Tại Benfica, chúng tôi đương nhiên không thiếu thốn, nhưng ở một vài nơi khác, các CLB không có được sân bãi hay cơ sở vật chất chất lượng bằng. Cách duy nhất là bạn phải học cách thích ứng và tư duy làm sao để giúp các cầu thủ luôn nhận được sự phát triển.”

Benfica Campus

Năm 2015 và 2019, Benfica Campus đã nhận danh hiệu Học viện tốt nhất do Globe Soccer bầu chọn

Araujo là người đã tận mục sở thị những sự thay da đổi thịt của Benfica. Ông đến Benfica đúng thời điểm CLB khai trương trung tâm đào tạo Benfica Campus tại Seixal vào năm 2006 và huấn luyện ở mọi cấp độ từ U14 trở lên từ đó đến nay. “Có thể tạm gọi tôi là một tượng đài ở đây, vì tôi là người già nhất,” Araujo nói với giọng điệu hài hước.

8 cầu thủ trong đội hình tham dự Euro 2020 của Bồ Đào Nha mùa hè này đều từng trưởng thành từ học viện Benfica, so với chỉ 3 người của dàn cầu thủ từng vô địch Euro 2016. Đó có thể xem là một phép so sánh khắc họa sự chuyển mình rõ nét của gã khổng lồ bóng đá Bồ Đào Nha (người Bồ hay nói cứ 10 người hâm mộ bóng đá thì có 7 người là CĐV của Benfica).

Trong kịch bản bóng đá nước này, Sporting xưa nay vốn dĩ là CLB nổi tiếng hơn trong việc sản sinh ra nhiều cầu thủ cây nhá lá vườn lừng danh. Không khó để điểm mặt kể tên: Paulo Futre, Luis Figo, Ricardo Quaresma, Simao Sabrosa. Và đương nhiên, là đứa con ưu tú Cristiano Ronaldo. Hồi tháng 9 năm ngoái, trung tâm đào tạo tọa lạc tại Alcochete của Sporting cũng được đổi tên thành Academia Cristiano Ronaldo.

Trong mắt người Bồ Đào Nha, Alcochete giờ đây trở thành một thuật ngữ để mô tả lò La Masia của riêng họ. Nhưng câu chuyện về tinh thần đào tạo của học viện bóng đá này đã tồn tại từ rất lâu về trước, từ thời kỳ cơ ngơi vẫn còn được đặt tại trung tâm Lisbon, trước khi chuyển đến một làng chài bình yên ở phía đông nam bờ Tagus vào năm 2002.

Đó là thời kỳ mà Ronaldo, người rời khỏi Madeira để vào đất liền năm mới 12 tuổi, vẫn còn phải ăn ở và sinh hoạt trong những căn phòng được thiết kế theo phong cách Sparta bên dưới khán đài chính của sân Estadio Alvalade cũ.

Thuở ban đầu, cậu bé Ronaldo phải khó khăn lắm mới hòa nhập được cuộc sống chốn thành thị. Cậu thường xuyên lui tới bốt điện thoại được đặt bên dưới chân khán đài chính của sân Alvalade cũ, gọi điện về nhà và khẩn nài người mẹ Dolores được trở về. Nhưng hết lần này đến lần khác, bà Dolores vẫn cương quyết để cậu con trai ở lại Lisbon. “Tôi có cảm giác cứ như thể mình đã bỏ rơi thằng bé vậy,” bà Dolores kể lại qua những giọt nước mắt vào năm 2015 trong một bộ phim tài liệu về Ronaldo.

Phần còn lại của câu chuyện đã trở thành lịch sử. Không cần phải đến khi nâng cấp cơ sở vật chất, cái tinh thần sáng tạo ở Sporting đã luôn hiển hiện. Người từng mang về chức vô địch quốc gia gần nhất trước mùa giải vừa rồi cho Sporting, nhà cầm quân người Romania Laszlo Boloni, từng nhìn thấy những nét tương đồng trong tâm tính giữa Quaresma và Ronaldo – một người là thành viên đội một, một người là đàn em ở đội B và chênh nhau 18 tháng tuổi. Mỗi ngày trên sân tập, Quaresma và Ronaldo thử thách nhau để sáng tạo nên những động tác kỹ thuật mới.  

Ronaldo và Quaresma thời còn tập luyện ở đội trẻ Sporting Lisbon

Ronaldo và Quaresma thời còn tập luyện ở đội trẻ Sporting Lisbon

Năm 2017, Luis Figo từng phát biểu: “Tôi nghĩ Sporting lại thành công là bởi vì CLB luôn có mục tiêu hết sức rõ ràng không chỉ ở mặt thể thao thuần túy, mà còn ở việc nhào nặn nên những công dân trẻ. Mỗi cầu thủ trẻ sẽ luôn có những tấm gương sáng để noi theo, chẳng hạn với trường hợp của tôi là Futre.”

Có thể tha thứ cho những quan điểm rằng bóng đá Bồ Đào Nha chỉ biết sản sinh ra những tiền đạo cánh. Bởi sự tự tin vào truyền thống ấy đã từng giúp nền bóng đá nước này đạt được vinh quang chói lói. Tại kỳ Euro 2016, giải pháp cho việc không có một trung phong cắm thực thụ của Fernando Santos là sử dụng hệ thống 4-4-2 với hai tiền đạo cánh chơi như những trung phong – một bên là cầu thủ cơ động và sáng tạo Nani (cũng một sản phẩm khác của Sporting) và một bên là Ronaldo.

Giờ đây, vấn đề của Bồ Đào Nha là họ đang dư thừa những sự lựa chọn. Ruben Dias và Bruno Fernandes làm mưa làm gió ở Premier League, trong khi trung phong đích thực Andre Silva thì ghi 28 bàn ở Bundesliga mùa giải vừa rồi.

“Chúng tôi luôn có những cầu thủ tài năng,” Araujo nói. “Nhưng giờ đây, chúng tôi phát triển kỹ năng tư duy, đọc hiểu trận đấu của các cầu thủ nhiều hơn. Vài năm trước, chúng tôi chỉ xem rê dắt bóng mới là tài năng quan trọng nhất cần đào tạo. Còn bây giờ, chúng tôi hướng đến những cầu thủ có tư duy đọc hiểu trận đấu. Vậy là chúng tôi bắt đầu sản sinh ra nhiều trung vệ, nhiều tiền vệ, nhiều tiền đạo, thay vì chỉ toàn sản sinh ra những tiền đạo cánh.”

Tinh thần đổi mới song hành với những sự đầu tư. Chẳng hạn như Benfica Campus đã có hai sự thay đổi quan trọng về diện mạo kể từ ngày khánh thành, vào các năm 2014 và 2019. Khuôn viên của trung tâm đào tạo ngày nay rộng 19ha – so với 15ha như ban đầu – gồm 9 sân cỏ tự nhiên, 2 phòng gym, 28 phòng thay đồ và 86 phòng sinh hoạt riêng (56 phòng là dành cho các học viên).

Ông Araujo cho biết: “Chúng tôi bắt đầu có sự thay đổi lớn khi ban lãnh đạo xem học viện đào tạo trẻ là ưu tiên số 1 của triết lý vận hành CLB. Họ đầu tư vào cơ sở vật chất và nguồn nhân lực, với những con người có trình độ chuyên môn ở mọi lĩnh vực. Từ y tế, sinh lý, cho đến kỹ thuật, ai nấy cũng đều là dân trình độ cao. Đó cũng là cách chúng tôi đầu tư vào các cầu thủ của mình.”

Chiến thắng dành cho chủ tịch Luis Filipe Vieira của Benfica lẫn chiến thắng dành cho tuyển Bồ Đào Nha, xuất phát từ sự nhập tâm vào cả quá trình, thay vì những tinh chỉnh và sửa chữa tức thời.

“Tôi đã làm HLV ở Benfica một thời gian dài,” vẫn lời ông Araujo. “Và vì tôi có trong tay những cầu thủ và đội hình chất lượng nhất, tôi có thể giành được rất nhiều chức vô địch ở Bồ Đào Nha.”

“Nhưng với tôi, chức vô địch lớn nhất chính là khi tôi nhìn thấy một trong những cầu thủ của mình khoác lên người màu áo tuyển quốc gia, đội một Benfica hoặc các CLB tầm cỡ ở nước ngoài. Lần đầu tiên renato Sanches ghi bàn ở Estadio da Luz, trước Academica, tôi đã bật khóc. Đấy mới thật sự là những chiếc cúp mà chúng tôi giành được – khi chứng kiến những cầu thủ mình đào tạo thành công ở cấp độ chuyên nghiệp, như Ruben Dias, Joao Felix, Bernardo Silva,… Nhìn họ chơi bóng ở đẳng cấp cao nhất chính là vinh quang lớn nhất.”

Ruben Dias và Joao Felix

Ruben Dias và Joao Felix cũng đã sự thăng tiến cực nhanh trong sự nghiệp của họ

Cho dù đã để thua với tỷ số sít sao trước U21 Đức trong trận chung kết U21 châu Âu vừa qua, song một niềm an ủi dành cho Bồ Đào Nha đó là họ đã có lần thứ hai góp mặt trong trận đấu cuối cùng của giải đấu suốt 4 năm qua. Một tương lai vững chắc tiếp tục được xây đắp. Minh chứng là bên cạnh Benfica, đối thủ Porto của họ cũng đã đóng góp đến 5 cầu thủ học viện cho đội U21 vừa qua, nổi bật nhất là Fabio Vieira cùng Francisco Conceicao – con trai HLV trưởng Porto, Sergio Conceicao.

“Chúng tôi luôn đặt câu hỏi cho nhau rằng, liệu chúng tôi có thể xuất khẩu những cầu thủ ưu tú ra thế giới,” Araujo nói. “Jose Mourinho và Ronaldo bảo là ‘hoàn toàn có thể’. Nếu họ đã từng là những ví dụ thành công thì chúng tôi cũng hoàn toàn có thể. Rất nhiều HLV đã sang nước ngoài và gặt hái thành tựu. Các cầu thủ cũng như vậy, vì chính Mourinho và Ronaldo đã vạch lối và mang đến niềm tin cho tất cả.”

Và niềm tin, sau thành công ở kỳ Euro 2016 cùng những lứa cầu thủ tài năng không ngừng nở rộ, lại chính là thứ Bồ Đào Nha không thiếu lúc này.

Hoàng Thông Le Foot – Theo The Guardian

 

Thethaoso247.com & BLV Anh Quân cùng hợp tác để mang đến mùa hè Euro sôi động cho khán giả.

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Nhà phân tích bóng đá

Có thể bạn thích