Trang chủ     Bóng đá   /   Bồ Đào Nha thủng lưới 4 bàn: Lỗ hổng của hệ thống

Bồ Đào Nha thủng lưới 4 bàn: Lỗ hổng của hệ thống

Trong cả 4 bàn thua của Bồ Đào Nha trước Đức, thật dễ để chỉ trích Nelson Semedo khi anh bỏ sót Robin Gosens. Song, hậu vệ của Wolverhampton chỉ là nạn nhân trong sự yếu kém của cả hệ thống mà Fernando Santos lựa chọn. 

Thống kê cho thấy, lần đầu tiên kể từ tháng 6 năm 2014, Bồ Đào Nha mới lại để thủng lưới từ 4 bàn trở lên trong một trận đấu. 7 năm về trước, người Bồ từng để thua 0-4 cũng trước chính người Đức ở vòng bảng World Cup. 

Phân tích chiến thuật Bồ Đào Nha vs Đức: Ronaldo rất hay, nhưng như thế là chưa đủ

Phân tích chiến thuật Bồ Đào Nha vs Đức: Ronaldo rất hay, nhưng như thế là chưa đủ Bồ Đào Nha vs Đức đã cống hiến cho các khán giả một trận cầu vô cùng hấp dẫn với 6 bàn thắng được ghi. Thầy trò HLV Joachim Low là những người đã có được niềm vui chiến thắng sau khi trận đấu khép lại.

Ảnh chế Bồ Đào Nha vs Đức: Tuyển Đức uống Cocacola chọc tức Ronaldo

Ảnh chế Bồ Đào Nha vs Đức: Tuyển Đức uống Cocacola chọc tức Ronaldo Ronaldo đưa Bồ Đào Nha vươn lên dẫn trước, thế nhưng Đức đã chứng tỏ bản lĩnh và gỡ liền 4 bàn. Những nỗ lực của người Bồ chỉ kịp ghi thêm 1 bàn thắng vào cuối trận.

Nhìn từ sơ đồ vị trí trung bình của các cầu thủ trên sân do UEFA cung cấp, có thể thấy, hệ thống 4 hậu vệ của Bồ Đào Nha đã bộc lộ những hạn chế trong việc phòng ngự trước hệ thống 3-4-3 của Đức. Với việc 2 wingback của Đức là Kimmich và Gosens luôn tìm cách kéo dãn và khai thác chiều ngang sân tối đa, Đức ở tuyến tấn công không khác gì có 5 cầu thủ đấu với 4 hậu vệ Bồ Đào Nha. Đức luôn có được lợi thế quân số ở các khu vực biên, nhất là bên cánh của Gosens.

QUẢNG CÁO

Vi trí trung bình của các cầu thủ Bồ - Đức trong các khoảng thời gian

Vi trí trung bình của các cầu thủ Bồ - Đức trong các khoảng thời gian

Do đó, để khắc chế, Bồ hoặc đá hệ thống tương thích (mirror) với hàng thủ 3 trung vệ, hoặc có ít nhất 1 tiền vệ phòng ngự lùi về hỗ trợ hàng thủ, hoặc các tiền vê/tiền đạo biên phải lùi về hỗ trợ hai cánh. Song, vì Bồ Đào Nha đá với hệ thống 4-5-1 hoặc 4-3-3 khi chuyển trạng thái sang tấn công, khu vực trung lộ được họ ưu tiên phòng ngự hơn (vốn là điều dễ hiểu), vậy nên, nếu một tiền vệ trung tâm được cử về hỗ trợ hàng thủ, trung lộ sẽ dễ bị khai thác. 

Trong cả 4 bàn thua của Bồ, đơn giản là không thể đổ mọi trách nhiệm lên Nelson Semedo. Luôn có ít nhất 2 tiền đạo của Đức tấn công vào vị trí cặp trung vệ Pepe và Dias, do đó Semedo buộc phải di vào sát để hỗ trợ, không thể để Đức tạo ra thế 3 đánh 2. Trong bối cảnh như vậy, cánh của Semedo ắt phải hở. 

Nói cách khác, các tiền đạo của Đức đã ghim giữ Semedo ở sát với Pepe bên trong. Muốn không hở thì phải có người hỗ trợ ở khu vực này, hoặc hỗ trợ cả hàng thủ, nhưng Semedo và các hậu vệ của Bồ lại không có được vinh dự đó. 

Ở bàn thua đầu tiên, thời điểm Đức bắt đầu có bóng bên phần sân của Bồ, Bernardo Silva bấy giờ mặt cúi xuống sân, đi bộ lùi về, Gosens một mình một cánh. Semedo thì buộc phải theo Gnabry hỗ trợ Pepe. Đồng thời, cự ly giữa hàng thủ và hàng tiền vệ của Bồ không có được sự chặt chẽ với khoảng cách xa nhau, dẫn tới thiếu sự hỗ trợ trong những pha khai thác không gian giữa hai tuyến của Đức (nếu có). 

Đức vs Bồ Đào Nha

Đức vs Bồ Đào Nha

Đến khi bóng từ Kimmich được lật sang cho Gosens, một lần nữa, Semedo phải theo Gnabry, khi Pepe bắt Kai Havertz. Cánh của Semedo hở, anh chẳng có ai hỗ trợ, Gosens có khoảng trống lớn đón bóng. 

Đức vs Bồ Đào Nha

Ở bàn thua thứ hai, thời điểm Antonio Rudiger chuẩn bị nhận bóng, Bernardo Silva lúc này đúng là có hỗ trợ hàng thủ Bồ. Nhưng cánh phải của Bồ quá hở. Rudgier dễ dàng cầm bóng tiến về trước ở vùng không gian trống trải ấy, mà không có bất kỳ sự ngăn cản nào. 

Đức vs Bồ Đào Nha

Bấy giờ, Bernardo lựa chọn bước lên chặn trước mặt Rudiger, nhưng hậu vệ người Đức dễ dàng chuyền bóng xuyên qua hàng tiền vệ của Bồ để Gosens băng xuống đón lấy. Gosens lúc này không còn ai theo kèo, khi Bernardo đã phải dừng việc theo anh. Semedo thì tiếp tục bị ghim bởi Thomas Muller bên trong. Một lần nữa, cự ly giữa hàng tiền vệ và hàng thủ Bồ không được duy trì để có thể hỗ trợ tốt cho nhau. 

Đức vs Bồ Đào Nha

Đến khi Gosens có bóng, Semedo buộc phải di ra áp sát nhưng rơi vào thế 1 đánh 2. Muller lùi lại nhận bóng trong khoảng trống giữa hai tuyến đối thủ (mà như đã nói, xuất phát từ việc cự ly và sự hỗ trợ của hàng tiền vệ cho hàng thủ Bồ là không có). Vài nhịp chuyền của Muller, cuối cùng Đức có bàn. 

Đức vs Bồ Đào Nha

Ở bàn thua thứ ba, bấy giờ Bernardo đã được thay bằng Renato Sanches, nhưng vấn đề phòng ngự cánh phải của Bồ vẫn còn vẹn nguyên. Một lần nữa, Gosens một mình một cõi, khi Semedo bị ghim bởi Gnabry bên trong. Gosens có bóng để căng vào trong cho Kai Havertz ghi bàn. 

Đức vs Bồ Đào Nha

Và bàn thua thứ tư, Rafa Silva lúc này đã được tung vào sân, làm nhiệm vụ hỗ trợ phòng ngự cho hàng thủ. Nhưng đến thời điểm quan trọng nhất, Gosens vẫn mạnh mẽ và khôn ngoan thoát xuống bên cánh phải của Bồ. Rafa không thể duy trì được cự ly theo kèm với Gosens (mà nếu có, với tầm vóc thể hình chênh lệch, Gosens có lẽ cũng đủ đè được Rafa). Kimmich một lần nữa tìm thấy người đồng đội bên cánh đối diện. Lần này, Gosens tự mình có bàn thắng. 

Đức vs Bồ Đào Nha

Đức vs Bồ Đào Nha

Đấy chỉ là trong 4 bàn thua mà Bồ phải nhận. Thực tế, xuyên suốt hiệp đấu thứ nhất, các học trò của Joachim Low đã không ít lần tương tự khai thác điểm yếu này của đối thủ, và cũng không ít lần như vậy, chúng ta luôn thấy Semedo đơn độc chống chọi ở cánh của anh. Nguyên nhân nằm ở việc hàng thủ Bồ luôn thiếu đi những sự hỗ trợ, nhưng vấn đề cốt lõi nằm ở tính hệ thống trong sự lựa chọn của Fernando Santos. 

Còn với tuyển Đức, họ đã mạnh dạn tiếp cận trận đấu với chính dàn nhân sự như trước tuyển Pháp. Đội bóng của Joachim Low đã phát huy tối đa khả năng mở rộng chiều ngang sân lẫn chiều dọc, nhờ vào những cầu thủ có khả năng chuyển đổi hướng bóng (switch) xuất sắc bằng những đường chuyền chéo sân, hoặc ngang sân (tạt) là Toni Kroos, Antonio Rudiger và Joshua Kimmich, để khai thác tối đa khoảng trống ở hai cánh mà đối thủ không kịp bọc lót. 

Xu hướng 3 trung vệ

Ở kỳ Euro hiện tại, quá nửa các đội tuyển tham dự đang sử dụng hệ thống với 3 trung vệ, có thể là 3-4-3, có thể là 3-5-2. Sự thành công của Chelsea thời Thomas Tuchel ở Champions League phần nào cho thấy hệ thống này có những ưu điểm để biến nó trở thành một khuynh hướng. 

Trong các hệ thống với 4 hậu vệ (tức gồm 2 trung vệ), 4-3-3 với một tiền vệ trụ (single pivot) mang lại hiệu quả tối ưu ở khâu triển khai bóng từ tuyến dưới, nhờ vào khả năng tối đa hóa những tam giác chuyền bóng, nhưng lại có hạn chế ở khả năng phòng ngự trung lộ trước các đợt phản công nhanh của đối thủ. Trong khi 4-2-3-1 với hai tiền vệ trụ (double pivot) mang đến nền tảng hỗ trợ hàng thủ tốt hơn ở khu vực trung lộ một khi các tiền vệ trụ tham gia vào khâu phòng ngự, nhưng lại thiếu sự thuận lợi ở khâu phát triển bóng bởi nhiều cầu thủ cùng đứng ngang hàng theo những trục dọc hoặc trục ngang sân. 

Nói cách khác, 4-3-3 và 4-2-3-1 là sự bù trừ của nhau. Những gì 4-3-3 thiếu, 4-2-3-1 bù đắp và ngược lại. 

Hệ thống 3 trung vệ, như 3-4-3 chẳng hạn, thì lại có được sự hài hòa ưu điểm của cả 4-3-3 và 4-2-3-1, khi vừa tạo ra những tam giác cần thiết để triển khai bóng từ tuyến dưới lên hàng tiền vệ, vừa đảm bảo sự chắc chắn cho những tình huống phòng ngự trung lộ. Đồng thời, hệ thống 3-4-3 còn tạo thêm đất diễn để 1 trong số 3 trung vệ được quyền cầm bóng tiến về phía trước, khi ở phía sau luôn có 2 trung vệ trấn giữ. 

Cũng với hệ thống này, các hậu vệ biên được giải phóng và dâng cao lên tham gia tấn công. Nhưng đôi khi, chính điều này để lại một trách nhiệm to lớn với 3 trung vệ và luôn đòi hỏi các hậu vệ biên phải lùi về để tạo thành tuyến hậu vệ 5 người, như Chelsea của Tuchel. 

Hoàng Thông Le Foot

Thethaoso247 & BLV Anh Quân cùng hợp tác để mang đến mùa hè Euro sôi động cho khán giả.

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Nhà phân tích bóng đá

Có thể bạn thích