Trang chủ     Bóng đá   /   Chelsea lần thứ hai vô địch Champions League: Một trận chung kết - 5 câu lạc bộ

Chelsea lần thứ hai vô địch Champions League: Một trận chung kết - 5 câu lạc bộ

Chelsea đã lần thứ hai vô địch Champions League sau 9 năm chờ đợi sau một trận chung kết căng thẳng, hấp dẫn và nhiều điểm khiến người hâm mộ bất ngờ. Và từ một trận chung kết ấy, hãy nhìn về 5 CLB thay vì chỉ Man City và Chelsea.

Pep - Man City và Pep của quá khứ

Pep đã đưa vào sân một đội hình kỳ lạ đối với nhiều người. Không Rodri, không Fernandinho, Man City sử dụng Gundogan như một tiền vệ trụ chuyên nghiệp dù cho Gundogan sở trường chơi ở vị trí số 8 hơn. Và trong một cuộc chiến cân não với Tuchel, ý đồ ấy của Pep đã phá sản. Song, đừng vội trách ông đã sai lầm mà hãy nhìn vào căn nguyên thật kỹ.

Chuyển nhượng 31/5: Chelsea theo đuổi Hakimi, Ronaldo quay về Old Trafford?

Chuyển nhượng 31/5: Chelsea theo đuổi Hakimi, Ronaldo quay về Old Trafford? Thethaoso247 xin được gửi đến quý độc giả bản tin chuyển nhượng 31/5 mới nhất từ các câu lạc bộ hàng đầu châu Âu: Chelsea, Liverpool, Man United,...

Chelsea gia hạn hợp đồng với HLV Tuchel và trung vệ Thiago Silva

Chelsea gia hạn hợp đồng với HLV Tuchel và trung vệ Thiago Silva Sau chức vô địch Champions League 2020/2021, Chelsea đang tính đến phương án giữ chân HLV Thomas Tuchel, đồng thời trung vệ Thiago Silva cũng được cân nhắc ở lại Stamford Bridge thêm 1 năm nữa.

Muốn bắt đầu một kế hoạch trận đấu, bạn cần hiểu đối thủ của mình là ai. Và Pep hiểu Chelsea, rất rõ là khác. Ông nhận thấy Tuchel ưa chuộng hệ thống hàng thủ 3 người với hàng tiền vệ hai trụ. Và ông đoán được Tuchel sẽ chơi thấp, phản công nhanh. Pep vạch ra một kế hoạch phủ đầu bài bản, với mình Gundogan đá trụ là đủ. Man City sẽ dâng cao tạo áp lực, xoay thành hàng thủ 3 người khi cần. Pep kỳ vọng, chính áp lực ấy sẽ buộc hai trụ của Chelsea là Kante và Jorginho phải bị dồn gần về với hàng thủ hơn. Khi đó, nhiệm vụ của Walker - Dias - Stones sẽ chỉ đơn giản là phong toả Havertz và Werner, hai mũi phản công của Chelsea.

QUẢNG CÁO

Tính toán ấy của Pep là chuẩn xác, và nó sẽ chuẩn xác hơn nếu Man City “đúng bài” có bàn thắng sớm, làm Chelsea nôn nóng phạm sai lầm và thua thêm. Nhưng cơ bản, cầu thủ của ông không thực hiện chuẩn xác.

Không phải ngẫu nhiên Pep chọn ra sân một đội hình 'kỳ lạ'

Silva, De Bruyne, Foden không đủ sức tạo áp lực để Jorginho và Kante phải lùi sâu đến thế. Hàng công của Pep dậm chân vào vị trí của nhau bên cánh trái do Sterling không di chuyển đúng bài là cắt vào trong để Zinchenko có thể bám biên ở 1/3 sân Chelsea nhằm tạo nút và để Foden khai thác vùng giao tuyến ở hành lang trong. Man City dồn người sang cánh trái đúng kiểu Don Quixotte đánh nhau với cối xay gió. Và khi ấy, Chelsea phản công lại càng dễ dàng hơn khi tuyến giữa Man City gần như là con số 0 trong phòng ngự.

Điều gì sẽ xảy ra nếu Man City vận hành đúng ý Pep Guardiola? Nếu Silva kết nối tối với Mahrez tạo ra được một áp lực thực sự thì Man City có kìm chân Jorginho trong khoảng tranh chấp đó? Nếu Sterling siêng năng di chuyển cắt vào trung lộ như một tiền đạo săn bàn và Zinchenko bám biên chờ các đường nhả bóng ra nhằm tạo một hướng đánh đáy biên và họ giúp Foden có khoảng không gian thoải mái ở hành lang trong thì Kante có thể “manh động” đến thế trong phản công hay không? Không phải đặt ra câu hỏi ấy để đổ lỗi cho cầu thủ nhưng chúng ta cần nhìn nhận nó để hiểu toan tính của Pep, để biết về lý thuyết, Pep không sai một chút nào.

Bây giờ thì đã muộn rồi. 10 năm xa cúp, tưởng hội ngộ đây, Pep lại phải buông tay đợi thêm bao nhiêu năm nữa? Không biết được, không ai đoán được. Nhưng từ Man City, chúng ta hãy nhìn lại 10 năm, để thấy rằng một trận chung kết 2021 không chỉ là cuộc chơi giữa hai CLB mà còn nhiều hơn thế.

Tính ra Pep đã có 10 năm xa cúp Champions League...

Nói gì thì nói, không ai có thể phủ nhận được ở Barca, Pep đã được làm việc với một lứa cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá thế giới chứ đừng nói đến khoảng thời gian ngắn hạn mươi, mười lăm năm và trong giới hạn của một CLB. Chính họ, với khả năng cá nhân kiệt xuất của họ đã khiến tất cả các ý tưởng của Pep được hiện thực hoá một cách lộng lẫy trên sân cỏ. Ở Man City hôm nay, người giỏi rất nhiều nhưng xuất chúng thì được bao nhiêu? Và họ thẩm thấu ý tưởng của Pep được ngần nào? Hãy nhìn vào sự bực bội của Pep mỗi khi Sterling đệm bóng hỏng ăn mùa này qua mùa kia là chúng ta hiểu. Khi các cầu thủ không thể tiến bộ, sự tiến bộ trong ý tưởng của HLV cũng chỉ là vô ích.

Ở Bayern, cầu thủ của Pep thực chất còn có chất lượng hơn Man City hiện thời. Họ tiếp thu rất tốt các ý tưởng của ông. Họ chuyển hoá mình rất nhanh cũng từ việc học hỏi nơi ông. Nhưng 3 mùa giải ở đó là 3 mùa dừng chân ở bán kết. Tất cả đều chung một điểm, giống y như chung kết Champions League 2021 này. Đó là Pep sợ hãi sự bất toàn nên ông đưa ra phương án thay đổi quá nhanh, quá liên tục. Ông bay trong ý tưởng bằng tốc độ ánh sáng còn cầu thủ chạy theo thay đổi ấy bằng tốc độ đôi chân người.

Còn nhớ, bán kết Champions League đầu tiên của Pep với Bayern, trước Real Madrid. Lượt đi, Pep thua 0-1 ở Bernabeu. Lượt về, Pep đã toan tính sẽ đối đãi lại với Real bằng 3-4-3, rồi lại loay hoay nghĩ tới 4-2-3-1 nhưng rồi cuối cùng, ông cho Bayern ra sân với sơ đồ 4-2-4 chuyển hoá tuỳ lúc thành 3-3-4. Các cầu thủ của ông bối rối không? Họ quá bối rối. Và họ thua 0-4 ngay trên sân nhà. Trong khi đó, Ancelotti đã thay đổi gì? Ông ấy chẳng thay đổi gì cả. Chỉ nằm yên nghỉ ngơi tĩnh dưỡng và thay Isco ở lượt đi bằng Bale ở lượt về với lý do kỹ thuật đơn thuần.

Bạn hẳn còn nhớ trận thua nhục nhã này của Bayern Munich trước Real Madrid 

Cái loay hoay toan tính của Pep thì chúng ta đã nói đến quá nhiều. Cơ bản ở đây chính là ông không lượng hoá được tốc độ suy nghĩ của mình với tốc độ bắt nhịp của cầu thủ. Có bao giờ ông nghĩ, ngay cả ông khi xưa, lúc còn đá bóng, ông có bao giờ bị Cruyff bỏ xa trong cuộc song hành ý tưởng - hiện thực hay không?

Pep sẽ lại vô địch Champions League thôi, nếu ông được giao một đội hình lý tưởng ở đẳng cấp Barca ngày nào. Nhưng đội hình lý tưởng ấy đến bao giờ mới có trở lại? Có lẽ, ông cần thay đổi chính mình. Nghĩ nhanh, đi trước thời đại thì đã sao nhưng cái nào thực hiện được hẵng mang áp dụng. Cái nào cần thời gian để tập luyện thêm thì cứ ghi lại trong một file máy tính nào đó cũng được. Và điều ông cần học hơn tất cả, chính là nụ cười. Hãy nhìn lại nụ cười của Cruyff đi nào, ở cái đêm Athens năm 1994 ấy. Thua Milan 0-4 trong trận chung kết mà Barca được xem là cửa trên, tất cả những gì Cruyff làm chỉ là một nụ cười, tuyệt đẹp.

TuChelsea và “Touché PSG”

Ở Chelsea, bây giờ Tuchel là “hoàng thân”. Đơn giản, nếu ông chủ Abramovic là vua thì hoàng thân phải là Tuchel, người đã mang lại sức sống cho đội bóng tưởng như sắp có một mùa bỏ đi cách đây chưa lâu. Còn ở PSG thì sao? “Touché PSG” có lẽ là đúng nhất. Touché là “bên đường biên” và Tuchel từng đứng bên đường biên chỉ đạo các cầu thủ PSG nhưng giờ đây, ông chỉ là kẻ “bên lề” vĩ đại của PSG mà nhiều người sẽ mang CLB ấy ra giễu nhại.

Song, đừng vội nghĩ PSG sa thải Tuchel là một quyết định phi lý. Giới chủ trả lương cho người làm việc và họ có những yêu cầu riêng của mình. Nếu Tuchel không lên truyền hình Đức và nói “làm HLV ở PSG như làm chính trị trong bóng đá” với ám chỉ lề lối hoạt động của CLB hơi ‘chính trị” nhiều hơn là thể thao đơn thuần thì ông đã còn tại vị. Và nếu ông còn tại vị, PSG sẽ đi tới đâu ở Champions League này?

Ngoài Silva, Chelsea chỉ có Tuchel là hiểu vị chung kết Champions League

Tuchel từng nói trong chiến dịch Champions League ở Chelsea, phải ghi dấu nỗ lực của Lampard, người đưa đội bóng qua vòng bảng thuyết phục với 14 điểm. Ở PSG, Tuchel đưa PSG qua vòng bảng khá vất vả, với 12 điểm và có cả thất bại đáng nhớ trên sân nhà trước Man Utd. Vấn đề của PSG đã được tích luỹ và nó kéo dài đến thất bại ở cuối mùa cả tại Champions League lẫn League 1. Vấn đề ấy không phải lỗi của Tuchel nhưng ông không giải quyết được nó rốt ráo. Đó mới là lý do cơ bản để cuộc chia tay diễn ra không êm đẹp chứ không phải như ai đó vẫn nói “Tuchel bị sa thải mà chẳng biết lý do vì sao”.

Hãy nhìn vào Chelsea và sự hồi sinh của họ dưới bàn tay Tuchel để hiểu. Chelsea có một đội hình chất lượng không? Rất chất lượng là khác. Hàng thủ của Chelsea tốt hơn PSG rất nhiều, đặc biệt ở hai biên. Hàng tiền vệ của Chelsea tốt hơn PSG, đặc biệt ở vị trí tiền vệ trụ. Hãy tưởng tượng, nếu đêm chung kết vừa rồi là bán kết thôi, và Tuchel còn nắm PSG, liệu rằng toan tính của Pep có thể thành hiện thực khi Verratti và Paredes hoàn toàn có thể bị ép một cách mạnh mẽ bởi họ phải hỗ trợ cho các hậu vệ biên quá non nớt và không ở trình độ cao.

Thứ duy nhất Tuchel có ở PSG nhưng không có ở Chelsea chỉ là một hàng công khủng khiếp mà thôi. Hàng công Chelsea không thể sánh bằng PSG nhưng độ cân bằng thì Chelsea lại vượt trội. Và vì thế, chúng ta đừng vội tiếc cho PSG. Có Tuchel hay không, họ cũng chỉ bán kết là tới hạn rồi. Tuchel rời khỏi PSG là tốt cho ông bởi nếu ông ở lại, giả như có vào chung kết đi nữa, số mệnh cũng sẽ bắt ông phải thua Chelsea khi năm 2021 này đã là năm của họ.

Cái Chelsea thiếu so với PSG là một hàng công khủng khiếp

Chính vì chất lượng hàng thủ Chelsea quá tốt mà dấu ấn Tuchel mới lớn đến mức độ này. Cơ bản, trước ông, Lampard sử dụng hàng thủ quá cứng nhắc. Thậm chí, có những cầu thủ tưởng như sắp phải ra đường đến nơi rồi nhưng nhờ Tuchel tới, họi được làm mới và họ đã làm tới. Đó là Rudiger, là Christensen, là Alonso... Hàng thủ đồng đều chất lượng đó khi có tinh thần tốt, được ra sân đều, họ cống hiến cho CLB tất cả. Và nói Tuchel hồi sinh hàng thủ Chelsea thì mới chỉ là một nửa đúng. Chelsea cũng đã hồi sinh Tuchel, sau một quãng trầm ở PSG.

Có thể, sẽ có người đổ lỗi cho Leonardo, GĐTT của PSG, người có quyết định chủ đạo trong việc mua sắm. Vậy thì ở Chelsea, ai quyết định? Không HLV nào có quyền quyết định cả. Tối cao vẫn là Abramovic và Granovskaia, nữ trợ lý riêng đầy quyền lực cúa ông ta. Và trong thế giới bóng đá một chủ như hiện nay, các HLV sẽ càng phải quen dần với việc chơi bàn cờ thế, bàn cờ không phải HLV soạn ra mà được bày ra bởi ông chủ hoặc bàn tay nối dài của ông chủ.

Suy cho cùng, thành bại trong mỗi mùa giải của các HLV cũng chỉ là cái được gọi là thế và thời. Được đặt vào đúng chỗ, ở đúng thời điểm, thành công sẽ nở nụ cười. Còn nếu sai hoàn cảnh thì có giỏi đến mức nào đi nữa, thất bại cũng là điều khó tránh khỏi.

Nhưng nói vậy không phải là phủ nhận một ai cả. Chỉ để hiểu với nhau rằng nghề huấn luyện nan khổ và bạc bẽo vô cùng. Chiến thắng, HLV sẽ như á thần. Thất bại, họ dễ thành thằng hề của dư luận. Có ai để ý đến hoàn cảnh làm việc của họ bao giờ.

Hà Quang Minh

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Chuyên gia phân tích bóng đá

Có thể bạn thích