Trang chủ     Bóng đá Anh   /   Chú sư tử có trái tim của một con mèo

Chú sư tử có trái tim của một con mèo

Lên kế hoạch trận đấu (game plan) và ứng biến với tình thế phát sinh là hai việc rất quan trọng để kiếm tìm chiến thắng. Việc còn lại thuộc về tố chất. Đó là lòng dũng cảm và Southgate đã thể hiện mình là một con sư tử có trái tim của một con mèo.

Khi bóng bắt đầu lăn, dù mới chỉ là tình huống đầu tiên thôi, chúng ta đã có thể “ngửi mùi” kế hoạch trận đấu của cả Mancini lẫn Southgate. Và chúng ta kỳ vọng hai kế hoạch đối phó nhau ấy có thể mang lại những diễn biến hấp dẫn, bất ngờ. Nhưng cuối cùng, trận chung kết diễn ra hấp dẫn và bất ngờ theo cách khác đồng thời bộc lộ rõ bản lĩnh chinh chiến của Southgate và Mancini khác nhau như thế nào.

Sơ đồ 3-2-4-1 nhằm áp đảo quân số từ tuyến giữa

Sơ đồ 3-2-4-1 nhằm áp đảo quân số từ tuyến giữa

Mancini vẫn duy trì tính ổn định, tính thống nhất và đặc trưng của Azzurri từ đầu giải tới giờ khi để biên thủ trái (Emerson) sẵn sàng dâng cao treo biên tham gia tấn công trong khi biên thủ phải (Di Lorenzo) kéo vào như trung vệ thứ 3 để Ý có thể thực chiến 3-2-4-1 nhằm áp đảo quân số từ tuyến giữa. Và Mancini lộ rõ ý đồ khi ngay từ đầu Ý tạo áp lực lên Maguire, cầu thủ chịu trách nhiệm phát động bóng từ tuyến dưới của Anh. Kết quả, Maguire lúng túng để Ý được hưởng quả phạt góc đầu tiên.

QUẢNG CÁO

Một kế hoạch có vẻ tốt đã được vạch ra và chuẩn bị đi vào thực hiện nhưng nó đổ vỡ sớm khi Southgate cũng có một kế hoạch tốt để đối phó. Southgate dùng Trippier là có chủ đích. Cùng Walker, họ có thể khoá cánh trái của Ý với sự tham gia của Emerson và Insigne. Hơn nữa, Trippier, vốn quen với lối phản công nhanh từ Atletico, hoàn toàn có khả năng dâng lên đánh vào sau lưng Emerson khi anh này đang treo biên.

Southgate dùng Trippier và Walker để khoá cánh trái của Ý với sự tham gia của Emerson và Insigne

Southgate dùng Trippier và Walker để khoá cánh trái của Ý với sự tham gia của Emerson và Insigne

Một pha phản công sớm như thế khiến Anh có lợi thế. Shaw khai thác đúng không gian sau lưng Di Lorenzo khi Ý xoay sơ đồ và mất sự cân bằng tạm thời lúc chuyển đổi từ tấn công sang phòng ngự. Southgate đã đúng đến thời điểm này. Trong bóng đá hiện đại, tổ chức phản công hiệu quả nhất là khi đối phương đang trong quá trình chuyển đổi và chưa cơ cấu lại được trong một trạng thái phòng ngự cân bằng ngay sau khi họ mất bóng.

Southgate tiếp tục đúng khi ở hiệp 1 ông để Anh chơi phòng ngự phản công chắc chắn với lối chuyển đổi nhanh nhờ sự hoạt động năng nổ của tất cả các tuyến. Tính đến lúc cuối hiệp 1, Anh đã thực thi một kế hoạch trận đấu rất tốt, đủ để Ý rơi vào trạng thái bị động do việc bị dẫn bàn làm họ mất phương hướng theo kế hoạch ban đầu.

Nhưng Mancini không chỉ giỏi trong việc lên kế hoạch trận đấu mà còn rất giỏi trong ứng phó với tình thế phát sinh. Hãy nhớ Ý đã chơi như thế nào ở bán kết trước Tây Ban Nha. Khi Tây Ban Nha cầm bóng quá tốt khiến Ý không thể triển khai đúng kế hoạch của mình, Ý chuyển đổi sang phòng ngự phản công rất nhanh và hiệu quả. Chính nhờ lối phòng ngự phản công sắc bén ấy mà Ý đặt một vé đến Wembley.

Trong khi đó, Gareth Southgate lại không giỏi ứng phó. Thực tế, sau tình huống ở phút thứ 39 của hiệp 1, Ý bắt đầu có vẻ lấy lại được thế của mình để triển khai đúng kế hoạch trận đấu mà họ đề ra và đó là dấu hiệu lẽ ra Southgate cần đọc nhanh để có các củng cố tốt cho hiệp 2. Nhưng không, Southgate đã chọn một cách ứng phó sai lầm hoàn toàn.

Southgate vẫn giữ nét lo âu khi Shaw có bàn thắng

Southgate vẫn giữ nét lo âu khi Shaw có bàn thắng (Ảnh: itv)

Hãy xem lại khi Shaw ghi bàn, phản ứng của Southgate như thế nào. Im lặng nhưng không phải bình thản. Không ăn mừng nhưng không phải là sự tỉnh táo, lãnh đạm. Trên gương mặt ông vẫn hằn rõ nét lo âu. Nói thẳng, Southgate vẫn sợ Ý sẽ gỡ hoà.

Và trong nỗi sợ chất chứa từ trái tim một con mèo đội lốt sư tử, Southgate ra một quyết định ứng phó sai lầm. Toàn bộ đội hình Anh dồn về tử thủ, không treo bất kỳ một nhân tố nào sau lưng Jorginho-Verratti để vừa tạo áp lực sau lưng họ khi họ cầm bóng, vừa rình cơ hội phản công đủ khiến Ý luôn phải e ngại và không thể bung hết lực săn tìm bàn gỡ. Chính quyết định này đã giao sinh mạng của Tam sư cho Quân đoàn thiên thanh. Bóng đá chính thức không “go home” (về nhà) mà đã “go Rome” (sang La Mã).

'Coming Home' đã thành 'Coming Rome'

Khi Ý được cầm bóng nhiều ở hiệp 2, được chơi bóng trên phần sân ưa thích của họ, sự tự tin trở lại lập tức. Các cựu danh thủ Anh như Lineker, Ferdinand, Jenas… được mời đi bình luận cabinet đã thay đổi hẳn tâm trạng khi nhận thấy điều đó. Và khi Ý “quản” toàn bộ cuộc chơi với không một kháng cự phản công nào từ Anh, sự dồn dập sẽ tạo cho Ý cơ hội. Nếu không phải là các pha dàn xếp thì cũng sẽ là cố định bởi đơn giản, ở thế tử thủ, Anh chỉ có 2 cách: khiến bóng đi hết biên hoặc lại mất bóng vào chân đối phương.

Hai nội biên cùng vùng mặt tiền 16m50 của Pickford (zone 14) bắt đầu dày hơn mật độ các đường thu xếp bóng của Ý. Để rồi từ một pha cố định, Bonucci bắt Southgate phải trả giá. Và khi Ý có bàn quân bình tỷ số, nỗi âu lo của người Anh dày lên. Nỗi âu lo ấy như một bệnh lây, khán đài Wembley cũng bắt đầu bớt náo nhiệt hơn khi một ám ảnh thất bại bắt đầu nhen nhúm dần.

Southgate đã thiếu dũng khí cần có của một hiệp sỹ Anh đúng nghĩa khi đối diện một cục diện lẽ ra có lợi cho mình. Hãy đặt ra câu hỏi như thế này. Từ Mason Mount, Sterling, Kane cho tới Shaw đều là những cá nhân rất giỏi trong chơi phản công. Vậy thì hà cớ gì Southgate ém họ ở sân nhà chen chúc nhau trong một lô cốt chật chội mà đối thủ chỉ cần ném vào đó một quả tạc đạn, tất cả đều dính vết thương chí mạng?

Kane thậm chí còn chả chạm bóng trong vòng cấm Ý lần nào

Kane thậm chí còn chả chạm bóng trong vòng cấm Ý lần nào

Và kể cả khi Ý cầm bóng chủ động hoàn toàn thì cũng không phải 10 con người của họ đều dồn hết lên phía trên tham gia phối hợp tấn công. Ý vẫn chỉ sử dụng từ 5-7 nhân sự cho tấn công là cùng. Để đối phó 5-7 nhân sự ấy, tại sao Anh cần cả 10 con người, đặc biệt là khi hàng thủ của Anh thuộc dạng chất lượng cao?

Không thể đổ tại thể lực vì thực tế cầu thủ Anh thể lực sung mãn hơn đối thủ nhiều. Lý do duy nhất để đổ tại chỉ là cách ứng biến kém cỏi cùng một tâm thế hèn nhát của Gareth Southgate mà thôi. Khi thực chiến, người ta không thể chiến thắng nếu chỉ luôn mang suy nghĩ sợ thua. Lẽ ra, thứ Southgate cần là một tâm ý “Quyết không để thua nhưng buộc phải công kích để đối thủ rơi vào thế luôn sợ thua thêm”.

Bóng đá hiện đại cho thấy việc dẫn trước thậm chí 2 bàn cũng chưa phải là chắc chắn. Tây Ban Nha, Pháp đã là minh chứng rõ rệt nhất của việc dẫn 2 bàn rồi bị gỡ lại. Vậy mà Anh lại có thể an tâm tử thủ khi chỉ dẫn 1 bàn. Và đây không phải lần đầu. Họ giữ thói quen này suốt cả giải đấu rồi.

Nếu Pháp bại vì công mà không lo thủ và chủ quan khinh địch thì Anh bại trận vì thủ mà không lo công và sợ địch đến mất hồn. Đó không phải tâm thế của một đội bóng lớn và Southgate cũng không có bản lĩnh của HLV dẫn dắt một đội bóng làm chuyện lớn. Có lẽ, việc gia hạn hợp đồng với ông của FA đang là một sai lầm thực sự bởi với tâm thế này, một thế hệ vàng nữa của Anh sẽ lại chẳng đi được tới đâu.

​​Pháp bị Thụy Sĩ loại

Pháp đã bị loại vì quá chủ quan

Người Anh bày tiệc thịnh soạn ở Wembley chờ một danh hiệu sau 55 năm nhưng cuối cùng đó lại là tiệc để hàng xóm ăn mừng đãi khách. Trớ trêu thay, một Southgate từng được ca ngợi là dạy cho cầu thủ không còn biết sợ áp lực thất bại đã trình diện một diện mạo sợ thua đến mất mật. Nỗi sợ ấy lan đến cả chấm luân lưu, cái chỗ mà năm 1996, cũng ở Wembley, Southgate đã gục ngã. Nhưng hôm nay, đáng hổ thẹn hơn là cả 3 con người ông thay vào chỉ để đá luân lưu cùng gục ngã. Lỗi không phải do tuổi trẻ. Lỗi do nỗi sợ chính Southgate vô tình bày ra cho họ.

Sau cùng, Mancini là người trội hơn trong trận cầu đầy toan tính này

Mancini hơn Southgate ở kế hoạch trận đấu khi nó mạch lạc, thống nhất, có hệ thống suốt cả giải. Mancini vượt trội Southgate ở đọc trận đấu để ứng biến với tình thế phát sinh. Nhưng hơn hết, Mancini hơn Southgate ở trái tim quả cảm. Đơn giản, ngay cả khi Ý bị dẫn bàn, giữa Wembley rầm rầm toàn cổ động viên Anh, Mancini vẫn không sợ thua. Ông nhìn thấy trời xanh ở mọi ngả và đôi mắt của ông chính là đôi mắt dẫn đường của Azzurri để họ đoạt lại thiên đường.

Tin Thể Thao

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Chuyên gia phân tích bóng đá

Có thể bạn thích