Trang chủ     Bóng đá Việt Nam   /   Đội tuyển Nhật Bản: Nhận diện và giải mã sức mạnh

Đội tuyển Nhật Bản: Nhận diện và giải mã sức mạnh

Sau những thất bại liên tiếp tại 4 trận đấu mở màn, Nhật Bản là đối thủ tiếp theo mà Việt Nam phải đối mặt.

Nếu so sánh về bề dày thành tích tập thể và chất lượng cá nhân cầu thủ, Blue Samurai xứng đáng với vị thế đối thủ nặng kí nhất mà Việt Nam phải chạm trán tại Vòng loại 3 FIFA World Cup. Bất chấp sự khởi đầu chậm chạp, Nhật Bản vẫn đang chứng tỏ tầm vóc là một trong những đội tuyển hàng đầu châu lục về định hướng bóng đá.

Việt Nam nên đi học hay đi thi trước Nhật Bản?

Việt Nam nên đi học hay đi thi trước Nhật Bản? Mục tiêu của ĐTVN ở cuộc đối đầu với Nhật Bản, mong muốn của thầy Park chắc chắn vẫn là màn thể hiện tốt, đồng thời có được điểm số đầu tiên tại vòng loại World Cup 2022 ngay trên sân nhà.

Nhật Bản chỉ tập đúng 1 buổi trước khi gặp Việt Nam, nguyên nhân khiến ai cũng ngỡ ngàng

Nhật Bản chỉ tập đúng 1 buổi trước khi gặp Việt Nam, nguyên nhân khiến ai cũng ngỡ ngàng Hầu hết thành viên của ĐT Nhật Bản là những người đã hoặc đang thi đấu tại châu Âu. Trong chuyến làm khách trên sân Mỹ Đình lần này, HLV Hajime Moriyasu triệu tập đến 18 cầu thủ hiện thuộc biên chế các CLB Anh, Đức, Bỉ, Pháp, Hà Lan.

Định hướng chơi bóng hiện đại và cấp tiến

Dù để thua 2 trận và chỉ giành được điểm 6 điểm sau 4 vòng đấu mở màn Vòng loại 3 FIFA World Cup, khởi đầu thất vọng nhất của đội tuyển Nhật Bản kể từ năm 1994 tới nay, lần cuối cùng Blue Samurai không thể xuất hiện tại ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh, đoàn quân của HLV Hajime Moriyasu vẫn cho thấy những tín hiệu tích cực từ định hướng chơi bóng đầy hiện đại và cấp tiến so với phần còn lại châu lục.

QUẢNG CÁO

Căn cứ theo những thông số thi đấu cơ bản, dù đang bị hai đối thủ cạnh tranh tấm vé trực tiếp đi Qatar là Saudi Arabia và Australia vượt trội về mặt điểm số, Nhật Bản trên thực tế không thua kém quá xa khi xét về chỉ số đơn thuần. Thầy trò Moriyasu vẫn cho thấy sự kiểm soát thế trận lẫn số lượng cơ hội tạo ra ở mức đều đặn.

 

Saudi Arabia

Australia

Nhật Bản

Chuyền bóng/trận

504 580 498

% Chuyền chính xác

83.0 84.0 80.5

% Chuyền chính xác phần sân đối phương

76.9 73.7 74.0

Dứt điểm/trận

13 13.5 12.5

So sánh thông số chuyền bóng và dứt điểm của Saudi Arabia, Australia & Nhật Bản
tại Vòng loại 3 FIFA World Cup 2022

Dựa trên nền tảng quen thuộc của sơ đồ 4-2-3-1 mà người tiền nhiệm Akira Nishino xây dựng từ VCK FIFA World Cup 2018, Hajime Moriyasu tiếp tục vun đắp và tạo dựng nên một bộ khung vững chắc từ thời điểm nhậm chức tới nay. Xuyên suốt từ đầu năm 2019, trải qua hàng loạt giải đấu lớn như AFC Asian Cup, Copa America hay Olympic Games, 4-2-3-1 trong thời điểm có bóng và 4-4-2 không bóng luôn là hệ thống vận hành cố định của đội tuyển Nhật Bản.

Với chất lượng cầu thủ sở hữu năng lực kĩ thuật ưu tú hầu hết đang chơi bóng tại châu Âu, cộng thêm lợi thế khi sử dụng hai tiền vệ trụ thường trực tại khu vực giữa sân, Nhật Bản thường xuyên nắm giữ sự áp đảo tại khu vực trung lộ. Kiểm soát bóng chắc chắn với sự di chuyển hỗ trợ nhịp nhàng theo định hướng vị trí của các cá nhân vốn là điểm mạnh Nhật Bản đã xây dựng từ lâu, nhưng tới thời Moriyasu, hệ thống vận hành của Blue Samurai được nâng cấp lên tầm cao mới với khả năng tạo áp lực và phản ứng tức thời khi mất bóng.

Khi kiểm soát bóng trong phạm vi hẹp, Nhật Bản luôn duy trì quân số quanh bóng đông đảo để

tạo lựa chọn hỗ trợ, đồng thời sẵn sàng phản ứng áp sát ngược khi mất bóng

Chỉ 3 giây sau khi mất quyền kiểm soát bóng, các cầu thủ Nhật Bản trong cùng phạm vi hẹp

đã sẵn sàng phản ứng nhằm đoạt bóng và ngăn chặn đối phương phát triển

Cũng trong cùng khung hình kể trên, chúng ta có thể đếm được 9 bóng áo xanh và 10 bóng áo đỏ. Với áp lực tầm cao và đồng bộ, Nhật Bản gián tiếp đẩy lùi sâu toàn bộ khối đội hình đối phương về gần tới vòng cấm địa, qua đó tạo điều kiện để gây sức ép liên tục và hạn chế mối nguy hiểm tạo lên chính khung thành đội nhà. Thống kê chỉ số PPDA (Passes Allowed Per Defensive Action – Số lượng đường chuyền cho phép đối phương thực hiện trên hành động phòng ngự trung bình) nhằm đánh giá khả năng pressing ở thời điểm hiện tại của Nhật Bản hiện đang xếp thứ 2 bảng đấu, chỉ sau Saudi Arabia. Nhưng đó là trong bối cảnh, Nhật Bản chỉ còn trận đấu cuối lượt đi gặp Việt Nam, trong khi đối thủ của Saudi là Australia, đội tuyển vốn sở hữu khả năng kiểm soát chuyền nhận tốt hơn nhiều.

 

Saudi Arabia

Australia

Nhật Bản

Chuyền bóng đối phương/trận

327 374 370

Hành động phòng ngự/trận

52 44 49

PPDA

6.28 8.51 7.59

So sánh thông số về khả năng tạo áp lực của Saudi Arabia, Australia & Nhật Bản
tại Vòng loại 3 FIFA World Cup 2022

Khó khăn tới từ chính sự cấp tiến?

Bóng đá định hướng vị trí đang là xu thế thời thượng của túc cầu thế giới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, những sự cải tiến hiện đại luôn cần thời gian và chuẩn bị kĩ càng. So sánh với lực lượng nhân sự của chính Nhật Bản cách đây 10 hoặc 20 năm, mặt bằng cầu thủ rõ ràng có những bước tiến nhảy vọt. Trong bản danh sách 28 cầu thủ được HLV Moriyasu triệu tập cho hai trận đấu gặp Việt Nam và Oman, 18 cầu thủ đang ở trong biên chế các CLB châu Âu.

Trình độ cá nhân đủ năng lực thi đấu thường xuyên trong màu áo những CLB lớn Lục địa Già chắc chắn là tín hiệu đáng mừng cho nền bóng đá Nhật Bản, nhưng nhìn từ khía cạnh chuẩn bị chuyên môn cho ĐTQG Nhật Bản, hiện thực đó lại đem tới bất lợi đáng kể. Nó đồng nghĩa với việc, HLV có ít thời gian hơn để truyền đạt ý tưởng một cách sát sao. Ngoài ra, quãng đường di chuyển dài hơi từ châu Âu về châu Á luôn khiến cầu thủ tiêu tốn năng lượng. Ngay trước thềm trận đấu gặp Việt Nam, nhóm cầu thủ châu Âu đã phải trải qua chuyến bay dài gần 1 ngày do những trục trặc hậu cần để rồi toàn bộ đội hình chỉ có duy nhất một buổi tập đầy đủ lực lượng.

Đội tuyển Bàn thắng

Tỉ lệ chuyển hóa

Saudi Arabia

8 14.8

Australia

8 14.8

Trung Quốc

5 17.2

Oman

5 10.4

Việt Nam

4 11.1

Nhật Bản

3 6.0

Thống kê về hiệu quả tấn công đáng thất vọng của Nhật Bản so sánh với phần còn lại Bảng B

Dù thể hiện thái độ không bóng và chuyển đổi cấp tiến, Nhật Bản đang gặp vấn đề lớn trong thời điểm có bóng. Phòng ngự thì luôn tổ chức dễ dàng hơn tấn công. Thống kê cho thấy, Nhật Bản đang là đội tuyển sở hữu số bàn thắng và tỉ lệ chuyển hóa cơ hội thấp nhất Bảng B. Chất lượng cá nhân của Blue Samurai, như đã đề cập, vẫn luôn nằm trong top hàng đầu châu Á và ngày càng được cải thiện tiệm cận tầm vóc thế giới, nhưng làm thế nào để lắp ráp hợp lí và trơn tru mọi mắt xích trong cỗ máy dường như là câu hỏi Moriyasu chưa tìm được lời giải. Trên thực tế, hầu hết những cầu thủ tấn công hiện diện trong biên chế Blue Samurai đều đang sở hữu phong độ ổn định.

Cầu thủ

CLB

Bàn thắng

Kiến tạo

Yuya Osako

Vissel Kobe

2 3

Kyogo Furuhashi

Celtic Glasgow

13 3

Ayase Ueda

Kashima Antlers

9 1

Daizen Maeda

Yokohama F Marinos

11 1

Takumi Minamino

Liverpool

3 0

Thống kê bàn thắng ghi được của tiền đạo ĐTQG Nhật Bản trong màu áo CLB tại mùa giải 2021-22

Ghi không nhiều bàn thắng, nhưng vấn đề của Nhật Bản không nằm ở vị trí tiền đạo. Dù đóng khung cố định với lựa chọn sơ đồ 4-2-3-1 trong 4 trận đã qua, Moriyasu lại loay hoay với 4 công thức hỗ trợ khác nhau phía sau tiền đạo mũi nhọn Yuya Osako. Trong trận ra quân gặp Oman, 3 cái tên được lựa chọn là Ito – Kamada – Haraguchi. Sự đột biến được đề cao trong trận đấu tiếp theo gặp Trung Quốc với sự xuất hiện của Ito – Kubo – Furuhashi. Tuy nhiên, Moriyasu lại tiếp tục xoay vần nhân sự ở hai trận đấu tháng 10, với Asano – Kamada – Minamino gặp Saudi Arabia và Ito – Tanaka – Minamino gặp Australia.

Chiều sâu nhân sự cho phép Moriyasu có quyền đưa ra những lựa chọn khác nhau về lực lượng. Thế nhưng, nếu như 8 vị trí còn lại trong đội hình gần như đóng đinh, việc thay đổi liên tiếp khu vực tiền vệ tấn công dường như đại diện cho sự loay hoay bất định mà cựu chiến lược gia Sanfreece Hiroshima đang gặp phải. Vì lẽ đó, ngay cả những nhân sự đang có phong độ cao trong màu áo CLB như Furuhashi hay Kamada cũng gặp khó khăn để tỏa sáng ở cấp độ ĐTQG, khi vị trí thi đấu trái với sở trường, hoặc hệ thống vận hành tập thể chưa đủ trơn tru giúp họ phát huy tối đa năng lực.

Bế tắc trong tấn công, Nhật Bản thường phải cậy nhờ tới những tình huống tạt bóng treo bổng vào vòng cấm, tận dụng chiều cao lí tưởng của tiền đạo mũi nhọn Yuya Osako trong không chiến. Tính tới nay, Nhật Bản đang là đội tuyển sở hữu số pha tạt bóng cao nhất bảng đấu, với trung bình 21 tình huống mỗi trận. Dẫu vậy, Osako làm tường tốt tới mấy, các vệ tinh và tuyến hai không có đủ sự sắc bén để phối hợp và tận dụng, Blue Samurai khó lòng chuyển hóa tốt được tình huống.

Cơ hội nào cho Việt Nam?

Chọn lối đá kiểm soát và áp lực tầm cao cũng đồng thời là con dao hai lưỡi cho đoàn quân Moriyasu. Với 3/4 nhân sự đá chính hàng thủ đã cán qua mốc tuổi 30, Nhật Bản đối diện với rủi ro lớn khi hệ thống pressing phía trên bị vượt qua, đặt các hậu vệ vào tình trạng báo động trước những tiền đạo nhanh nhẹn khéo léo Á châu lao lên phản công. Pha bóng dẫn tới bàn thắng hạ gục Nhật Bản ngay trên sân nhà Panasonic Suita của Oman là một tình huống điển hình như thế, khi áp lực gần bóng không được khép lại kịp thời, tạo đường thoát xuống trống trải cho cầu thủ chạy biên áo đỏ.

Tình huống thoát pressing xuống biên của Oman dẫn tới bàn thắng vào lưới Nhật Bản

Chưa hết, sự ăn ý giữa các mắt xích và thể trạng để duy trì cường độ hoạt động xuyên suốt 90 phút cũng là một dấu hỏi lớn cho Nhật Bản hiện tại, khi hầu hết các trụ cột mới trở về tập trung ĐTQG sau chặng bay dài và một cuối tuần bận rộn tại châu Âu trong màu áo CLB. Ngay cả một lão tướng kì cựu như Gaku Shibasaki đã mắc sai lầm dẫn tới bàn thua không đáng có của trước Saudi Arabia tại loạt trận thứ 3 với một đường chuyền về bất cẩn.

Đường chuyền về bất cẩn của Shibasaki sửa lưng Yoshida khiến trung vệ này

thất thế trước tiền đạo Saudi Arabia, qua đó dẫn tới bàn thắng

Với những thế mạnh và điểm yếu của Nhật Bản, đội tuyển Việt Nam cần tiếp tục duy trì tổ chức phòng ngự chắc chắn và chặt chẽ như định hướng đã đề ra ngay từ khởi đầu của Vòng loại 3. Đặc biệt, khả năng không chiến và phòng ngự bóng bổng gặp vấn đề trong những trận đấu trước cần được nghiêm khắc điều chỉnh, khi ngoài Yuya Osako, Nhật Bản còn sở hữu vô số cầu thủ có chiều cao vượt trội khác, cộng với số vệ tinh sẵn sàng chớp lấy mọi thời cơ và khoảng trống lộ ra.

Đối đầu với áp lực tầm cao gần bóng quyết liệt từ Nhật Bản, Việt Nam cũng cần tổ chức quây ráp số đông nhằm tạo ra sự hỗ trợ tối ưu, tránh bị rơi vào tình trạng phải chuyển trạng thái liên tục, vừa tiêu tốn thể lực, đồng thời vừa khiến tổ chức đội hình bị rối loạn. Làm tốt công tác này và thoát ra được lớp áp lực đầu tiên của Nhật Bản, không gian và thời gian xử lí cho cá nhân sẽ thuận lợi hơn rất nhiều nhằm triển khai các tình huống phản công.

Khi mà Yuta Nagatomo thường xuyên dâng cao, Maya Yoshida và Hiroki Sakai gặp bất lợi về tuổi tác và thể trạng, đó chắc chắn là thời cơ ngàn vàng cho những chân chạy tốc độ phía Việt Nam phát huy thế mạnh. Cùng lợi thế sân nhà dưới sự cổ vũ của khán giả lần đầu tiên sau hơn 2 năm vắng bóng, đó sẽ là thứ vũ khí tinh thần quý báu mà thầy trò Park Hang-seo hoàn toàn có thể dựa vào, với mục tiêu tạo nên cú shock trước Nhật Bản.

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Chuyên gia phân tích

Có thể bạn thích