Trang chủ     Bóng đá thế giới   /   Đội tuyển Việt Nam: Trở về với thực tại phũ phàng

Đội tuyển Việt Nam: Trở về với thực tại phũ phàng

Những thất bại liên tiếp tại Vòng loại 3 FIFA World Cup đã đưa vị thế đội tuyển Việt Nam trở về với thực tại. Bất chấp bảng vàng thành tích đầy tích cực dưới triều đại Park Hang-seo vài năm qua, cộng với kì tích lần đầu tiên đi tới giai đoạn cuối của Vòng loại, chúng ta buộc phải đối mặt với kết quả phũ phàng khác xa với kì vọng ban đầu, World Cup vẫn là mục tiêu phải rất lâu nữa, đội tuyển và nền bóng đá Việt Nam mới đủ sức ganh đua sòng phẳng.

Trước khi bước vào Vòng loại 3 FIFA World Cup, ĐTQG Việt Nam đã trải qua gần 4 năm dưới triều đại HLV Park Hang-seo với tổng cộng 27 trận đấu chính thức và giao hữu được công nhận tính điểm trên BXH FIFA. Kết quả là hết sức khả quan, với 13 trận thắng, 10 trận hòa và chỉ 4 trận thua. Xuyên suốt chặng đường ấy, HLV người Hàn Quốc trở thành người đầu tiên đưa Việt Nam giành vé đi thẳng tới VCK AFC Asian Cup và lọt tới tứ kết. Ông Park cũng là người đem danh hiệu AFF Cup ở lại Việt Nam sau 10 năm chờ đợi. Và tất nhiên, tấm vé vào tới Vòng loại 3 đáng tự hào.

Văn Thanh - Hồng Duy: Khi cặp cánh của ĐT Việt Nam cần sự thay đổi

Văn Thanh - Hồng Duy: Khi cặp cánh của ĐT Việt Nam cần sự thay đổi Sau trận thua 0-1 trước Nhật Bản, thứ mà đội tuyển Việt Nam cần lúc này nhất có lẽ là một cặp cánh vững chải hơn Văn Thanh và Hồng Duy.

Bất ngờ với hành động của VFF sau trận thua của ĐT Việt Nam

Bất ngờ với hành động của VFF sau trận thua của ĐT Việt Nam Với màn thể hiện ấn tượng trước Nhật Bản, LĐBĐ Việt Nam VFF đã tiến hành trao thưởng số tiền 500 triệu đồng dành cho đoàn quân của thầy trò HLV Park Hang Seo.

Dẫu vậy, nếu nhìn kĩ lại số đối thủ Việt Nam đã giáp mặt, 16/27 trong đó là những đội bóng cùng khu vực Đông Nam Á. 4 trận thua chúng ta phải nhận đều đến sau 90 phút giáp mặt những đội tuyển hàng đầu châu lục như Iran, Iraq, UAE và Nhật Bản. Khó khăn là điều được dự báo từ trước khi kết quả bốc thăm Vòng loại 3 lộ diện. Việt Nam chưa từng giành bất kì chiến thắng nào trước nhóm 5 đối thủ cùng bảng suốt lịch sử cận đại của đội tuyển. Thế nhưng, người ta vẫn nói và mơ về World Cup như là một mục tiêu khả dĩ trong tầm tay.

QUẢNG CÁO

Thực tế vẫn khác xa mơ mộng

Đương nhiên, không ai có quyền cấm chúng ta mơ mộng, nhưng những kết quả thực tế sau 5 trận lượt đi đã hạ gục bất kì sự lạc quan nào còn sót lại trong mỗi cá nhân theo dõi bóng đá Việt Nam. 5 trận thua liên tiếp, với khoảng cách trình độ về mặt cá nhân và tập thể bộc lộ trong hầu hết thời gian thi đấu trên sân. Dù chỉ nhận kết quả thua sát nút trong 4/5 trận đã qua, sự lép vế của Việt Nam khi đặt cạnh thái độ ung dung thi đấu phía đối phương là cảm giác dễ dàng có thể cảm nhận.

Cụ thể hơn, sau 5 trận đấu, Việt Nam không chỉ xếp chót bảng về điểm số, mà còn đồng thời đội sổ về số lượng tình huống dứt điểm và chuyền bóng, những chỉ số cơ bản có thể sử dụng để đánh giá năng lực kiểm soát thế trận hay tỉ lệ khả năng chiến thắng. Dứt điểm ít, hiệu suất về tính chất nguy hiểm cũng không cao. Thống kê cho thấy, hơn 50% số tình huống kết thúc cầu môn của Việt Nam được thực hiện ở phạm vi ngoài vòng cấm với xác suất chuyển hóa về bàn thắng kì vọng ở mức rất thấp.

Khi giấc mơ World Cup đã xa vời, mục tiêu thực tế trước mắt của Việt Nam nay được giảm xuống mức cọ xát và nỗ lực giành điểm. Nhưng có lẽ, mục tiêu mà cả nền bóng đá cần hành động ngay bây giờ, đó là rút ra những bài học kinh nghiệm và đề ra định hướng rõ ràng hơn để kì tích vào tới Vòng loại 3 không chỉ là thành tích thoảng qua. Chúng ta chắc chắn không thể nào quên tấm gương điển hình của người hàng xóm Thái Lan. Bay cao nhờ chuỗi thành công liên tiếp dựa vào thế hệ vàng cầu thủ và một chiến lược gia tài ba, Thái Lan từng đi trên con đường Việt Nam đang đi và mơ về World Cup, để rồi tụt hậu lại trong cuộc đua những năm gần đây.

Lọt vào tứ kết Asian Cup là một trong những thành công lớn nhất của ĐTVN

Đó là trong bối cảnh, nền bóng đá Thái Lan vốn sở hữu cấu trúc hoàn chỉnh và chuyên nghiệp hơn Việt Nam rất nhiều. Các CLB Thái Lan thường xuyên đi sâu tại AFC Champions League. Số cầu thủ Thái Lan thi đấu nước ngoài tới nay đã lên tới hàng chục. Tiềm lực tài chính để đầu tư cho bóng đá của Thái Lan, lớn hơn Việt Nam rất nhiều. Trong khi đó, ngoài thế hệ vàng và HLV Park Hang-seo, Việt Nam còn lại gì?

Một hệ thống thi đấu méo mó luôn trong trạng thái bấp bênh. Hệ thống đào tạo phát triển trẻ bị bỏ mặc và thiếu quy chuẩn. Nguồn lực tiền của từ cả hai nguồn công tư cho bóng đá là chưa đủ để tạo ra bàn đạp vượt bậc về thành tích. Sau trận thua Nhật Bản, HLV Park Hang-seo đã phát biểu chua xót nhưng cũng đầy thực tế, rằng năng lực cầu thủ trong tay ông là có hạn, rằng thế hệ kế cận không ai đủ tố chất để bổ sung tức thời, rằng ông đã cố gắng hết sức và chưa bao giờ cảm thấy bất lực hơn thế trong việc giúp đội bóng giành điểm.

Ông Park đang chịu rất nhiều áp lực

Nếu nhìn vào biểu cảm và ngoại hình của HLV Park, có thể hiểu ông đã phải hứng chịu nhiều áp lực và sức ép đến nhường nào. Với thực trạng của nền bóng đá Việt Nam, chúng ta hoàn toàn thông cảm được cho HLV người Hàn Quốc. Vào tay một HLV khác, ĐTQG có thể đá khác, tích cực hơn, cởi mở hơn, phóng khoáng hơn như nhiều người mong muốn. Tuy nhiên, để đạt được một bước nhảy vọt về thành tích, chúng ta cần nhiều hơn sự nỗ lực từ chỉ riêng một cá nhân hay một nhóm người nào đó.

Bóng đá Việt Nam vẫn đang nói về mục tiêu World Cup. Nếu không phải 2022, sẽ là 2026, 2030 và thậm chí là xa hơn nữa. Nhưng nói và mơ phải đi đôi với hành động và thay đổi một cách toàn diện. Bằng không, chúng ta sẽ lại phải chờ đợi những kì tích và phép màu.

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Chuyên gia phân tích

Có thể bạn thích