Trang chủ     Bóng đá   /   Euro 2020: “Sự mệt mỏi” quyết định thành bại

Euro 2020: “Sự mệt mỏi” quyết định thành bại

Điều gì sẽ đóng vai trò quyết định cho sự thành bại của một đội tuyển ở kỳ Euro 2020 hay Copa America 2020? Tôi nghĩ, đó là yếu tố thể lực.

Tôi có thói quen cập nhật tin tức bóng đá qua trang reddit, một mạng lưới các cộng đồng, tập hợp dựa trên những sở thích – mối quan tâm ở nhiều lĩnh vực. Nôm na, đó cũng là một mạng xã hội, nhưng chia theo chủ đề cụ thể. Nếu là người quan tâm bóng đá, bạn chỉ cần vào mục bóng đá. Ở đó, tin tức, các bài viết, video, match thread,… được cập nhật hàng giờ, hàng phút. Lúc bạn đi ngủ, thì ở các múi giờ khác, người ta thức và xem bóng đá và ngược lại. Thế nên, dòng chảy tin tức không bao giờ ngớt. Đến nỗi, thói quen hàng ngày của tôi là chỉ cần lần lại viết từ bài đã đọc gần nhất của đêm hôm trước, sau đó kéo chuột theo dòng thời gian giảm dần.

Xem trực tiếp Lễ khai mạc EURO 2020 ở đâu? Kênh nào?

Xem trực tiếp Lễ khai mạc EURO 2020 ở đâu? Kênh nào? Trực tiếp khai mạc EURO ở đâu? Kênh nào? chính là điều được nhiều người quan tâm bởi số lượng người đến sân để trực tiếp tham dự vô cùng ít.

Điểm danh những sân vận động tiêu biểu EURO 2020

Điểm danh những sân vận động tiêu biểu EURO 2020 Đáng lẽ ra, năm nay người hâm mộ đã có một kỳ Euro thật đặc biệt để kỷ niệm 60 năm thành lập. Nhưng không may, đại dịch Covid-19 đã phá hỏng tất cả mọi thứ. Sau đây sẽ điểm danh một vài SVĐ nổi đình nổi đám ở kỳ EURO 2020 lần này.

Những ngày này, theo quan sát của tôi, có 3 nội dung với tần suất được cập nhật dày đặc hơn mọi khi: tình hình chuyển nhượng cầu thủ lẫn HLV ở các đội bóng, những loạt tin tức về Euro 2020 và tình hình sức khỏe – chấn thương của các cầu thủ.

QUẢNG CÁO

Mùa hè đã đến, mùa chuyển nhượng cũng bắt đầu, chủ đề chuyển nhượng giữa các CLB đương nhiên rầm rộ nhất và chiếm sóng nhiều nhất. Nhưng đây còn là giai đoạn không chỉ Euro 2020, mà Copa America 2020 cũng sắp sửa khởi tranh. Những tin tức về hai giải đấu lớn nhất cấp đội tuyển mùa hè này lại luôn gắn liền với tình hình lực lượng, ở đây là các vấn đề về sức khỏe – chấn thương của các cầu thủ.

Tuyển TBN đang phải cách ly và chờ đợi xem có được thi đấu

Tuyển TBN đang phải cách ly và chờ đợi xem có được thi đấu

Đấy không chỉ là câu chuyện những thành viên của đội tuyển Tây Ban Nha hay Thụy Điển đang phải cách ly vì dương tính với Covid-19, mà còn là hàng loạt những trường hợp cầu thủ gặp vấn đề về thể trạng, khiến họ không được triệu tập, phải trở về CLB điều trị, hoặc đứng trước nguy cơ bỏ dở một hai trận đấu đầu tiên ở những giải đấu sắp khởi tranh.

Cách đây vài ngày, Wayne Rooney trên tờ The Times có một bài viết với chủ đề đánh giá thực lực và triển vọng của các đội tuyển ở kỳ Euro 2020. Anh – một cầu thủ mà tôi mến mộ – có đề cập đến việc tuyển Anh đợt này là một tập thể quá trẻ và vẫn còn thiếu đi kinh nghiệm, cùng sự lọc lõi cần thiết, nếu so với một vài ứng cử viên khác, như Pháp, Bỉ hoặc Bồ Đào Nha.

Trên tờ The Guardian, Philipp Lahm tiếp tục có một bài viết thú vị nữa. Lahm nói, Pháp hay Bỉ trông mạnh đấy, nhưng Euro 2020 sẽ là giải đấu được quyết định bởi tính ứng biến. Lahm củng cố cho quan điểm ấy bằng một con số: 15 kỳ Euro đã qua sản sinh ra 10 đội tuyển vô địch khác nhau.

Cấp độ đội tuyển khác với CLB ở chỗ: mức độ chiến thuật thấp hơn, ít sự biến hóa và phức tạp hơn. Đơn giản vì HLV ở các đội tuyển làm việc với các cầu thủ của họ không thường xuyên trong năm, rất khó để truyền đạt một phương pháp hay ý tưởng ở mức độ chuyên sâu. Nếu như ở cấp CLB, các đội bóng còn có được sự đầu tư từ thị trường chuyển nhượng để gia cố chất lượng đội hình, một HLV cấp tuyển làm gì có được cơ hội ấy. Nền bóng đá sản sinh ra những cá nhân như thế nào, thì trong quyền chọn của mình, họ sử dụng và phát huy hết mức có thể những con người ấy. Nói đơn giản, là liệu cơm gắp mắm.

Trong một bài viết cách đây chưa lâu về cơn đau đầu trong sự lựa chọn nhân sự tuyển Anh của Gareth Southgate, tôi có nhấn mạnh đến yếu tố là sự hài hòa và đoàn kết trong nội bộ, sẽ có ảnh hưởng lớn đến thành công của một đội tuyển ở một giải đấu. Điều đó vẫn sẽ được bảo lưu, bất kể thời cuộc chuyển biến ra sao. Nhưng với riêng mùa hè 2021 này, tôi nghĩ vấn đề sức khỏe hay thể trạng của các cầu thủ sẽ để lại tác động đáng kể.

Thể lực có thể là yếu tố tiên quyết của kỳ Euro này

Thể lực có thể là yếu tố tiên quyết của kỳ Euro này

Đá bóng thì phải cần sức khỏe, đủ sức để chạy, đủ lành lặn để ra sân. Thể trạng chắc chắn quan trọng rồi. Điều này không phải bàn. Cái đáng bàn là sự hơn thua nhau quanh mức tiêu chuẩn ấy sẽ có thể phơi bày rõ ràng hơn.

Khi tuyển Xứ Wales tập trung cho kỳ Euro 2020, họ đặt ra một quy tắc bất thành văn: Cố gắng hết mức có thể không nhắc đến từ bắt đầu bằng chữ F. Đến đây, chắc chắn sẽ có bạn nghĩ tuyển Xứ Wales bắt các cầu thủ không được chửi thề trên sân à?

Không phải vậy. Không phải từ nào bắt đầu bằng chữ F cũng dẫn chúng ta đi đến cái từ mà nhiều người đang nghĩ tới. F ở đây là “Fatigue”, tức “sự mệt mỏi”.

Tony Strudwick, người vào cuối tháng 5 qua đã rời CLB Sheffield Wednesday và được Arsenal bổ nhiệm làm Trưởng ban Chất lượng ở Học viện CLB, vẫn đang làm công việc tương tự bán thời gian ở tuyển Xứ Wales. Tony từng gắn bó 11 năm với Man Utd và là một trong những thành viên quan trọng trong đội ngũ giúp việc của Sir Alex Ferguson. Cách đây không lâu, Tony có nói: “Chúng tôi (tuyển Xứ Wales) không muốn vấn đề đó trở thành một tác nhân ảnh hưởng. Chúng tôi không muốn nhắc đến từ đó. Chúng tôi sẽ không nói về sự mệt mỏi.”

Bấy lâu nay, truyền thông hiếm khi chấp nhận sự mệt mỏi (bao hàm cả mệt mỏi về tinh thần) là nguyên nhân cho thất bại của một đội bóng. Nhưng trong khoa học bóng đá, đó lại là một yếu tố quan trọng không bao giờ nên bỏ qua. Tony Strudwick hay các đồng nghiệp khác ở các đội tuyển hiện tại cảm nhận điều này rõ hơn bất kỳ ai. Dù có không muốn nhắc đến, họ cũng không thể phớt lờ được.

Chúng ta sắp khép lại một năm bất thường nhất trong lịch sử bóng đá, khi đại dịch ảnh hưởng mọi bề. Thông thường, một mùa giải bóng đá ở các quốc gia châu Âu kéo dài khoảng 10 tháng, nhưng 2020/21 chỉ gói gọn trong hơn 8 tháng, chính vì sau mùa giải cấp CLB, Euro 2020 và Copa America 2020 còn phải diễn ra. Một mùa giải chất chồng, thời gian bó hẹp lại, mật độ các trận đấu dày ra và quãng nghỉ giữa các trận đấu vì thế cũng ít đi.

Với nhiều cầu thủ sẽ tham dự Euro 2020 cũng như Copa America 2020, họ đã thi đấu “nonstop” từ tháng 6 năm ngoái. Sau khi mùa giải trước phải gián đoạn vài tháng vì sự bùng nổ của đại dịch, ngoại trừ Ligue 1 chết non, các giải đấu lớn còn lại trong top 5 châu Âu đều cố hoàn thành cho xong. Mùa giải 2019/20 vì thế kết thúc muộn hơn thông thường, nhưng quãng nghỉ giữa thời điểm kết thúc ấy với thời điểm bắt đầu mùa giải mới 2020/21 gần như không tồn tại khi các cầu thủ chỉ được xả hơi đôi ba tuần.

Cuộc nghiên cứu của Twenty First Group, một tổ chức tư vấn phân tích thể thao, chỉ ra rằng hầu hết các cầu thủ sẽ tham dự Euro 2020 đã thi đấu nhiều hơn 200 phút – tức là hơn 3 trận đấu – trong mùa giải đã qua so với giai đoạn mùa giải trước thềm World Cup 2018.

Cũng Twenty First Group dẫn ra những con số khác. Trước kỳ Euro gần nhất, tức Euro 2016, các cầu thủ trung bình có 4,5 ngày để nghỉ giữa hai trận đấu liên tiếp, thì nay, con số ấy chỉ còn 3,9 ngày. Ở những giải đấu lớn của châu Âu như Anh, Tây Ban Nha, Italia và Pháp, quãng nghỉ ấy còn ngắn báo động hơn nữa, với chỉ 3,5 ngày.

Trong khi người hâm mộ Premier League, và đặc biệt là các CĐV của Chelsea hoặc Man City có thể sẽ cảm thấy tự hào khi giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh và những đội bóng của họ đóng góp nhiều cầu thủ nhất ở kỳ Euro 2020. Các HLV ở những CLB này có lẽ sẽ thấy lo lắng hơn cho giai đoạn đầu mùa giải tới.

Chelsea là đội bóng có nhiều cầu thủ dự Euro nhất

Chelsea là đội bóng có nhiều cầu thủ dự Euro nhất (15, bằng với Man City)

Thống kê từ The Athletic chỉ ra, Premier League đóng góp đến 120 cầu thủ cho Euro 2020, cách biệt Bundesliga 30 cầu thủ, bỏ xa Serie A đến 50 cầu thủ và nhiều gấp LaLiga đến 3 lần. Chelsea dẫn đầu trong nhóm các CLB “trả” quân nhiều nhất với 17 người, Man City 15 người, Bayern Munich đứng thứ ba với 14 người.

Dễ dàng nhận ra, nếu sự mệt mỏi của các cầu thủ là một vấn đề đáng phải bận tâm, thì tuyển Anh chắc chắn sẽ chịu ảnh hưởng hơn bất kỳ đội tuyển nào khác. Các tuyển thủ của Gareth Southgate là những người ra sân nhiều phút hơn bất kỳ những đồng nghiệp nào khác ở mùa giải 2020/21: trung bình mỗi cầu thủ Tam Sư đã thi đấu 3700 phút – tức tương đương 40 trận, nhiều hơn 8 trận so với con số trung bình của một cầu thủ ở kỳ Euro 2020. Điều này xuất phát từ một thực tế, mùa giải đã qua, Premier League là giải đấu kiên định với sự lựa chọn không dùng đến quyền 5 sự thay người như hầu hết phần còn lại của châu Âu.

Nhưng cũng may cho tuyển Anh. Cũng theo thống kê từ The Athletic, Tam Sư là đội tuyển có độ tuổi trung bình các cầu thủ trẻ thứ nhì kỳ Euro 2020 với 24,81 tuổi, chỉ “già” hơn tuyển Thổ Nhĩ Kỳ (với 24,58 tuổi). Tức là, ít ra các học trò của Southgate vẫn còn trẻ trung và sung mãn hơn các đồng nghiệp ở những đội tuyển khác. Và điều này, xét ở một chừng mực nào đó trong câu chuyện về sự mệt mỏi, phản biện lại nỗi lo ngại của Wayne Rooney về một tuyển Anh còn quá “xanh và non”. Ngược với tuyển Anh, Bỉ là đội tuyển có độ tuổi trung bình lớn nhất Euro 2020, với 28,73 tuổi. Tuyển Pháp và Bồ Đào Nha cũng nằm trong ô phần tư già dặn tuổi tác của đồ thị.

Tuy nhiên, khi nhấn mạnh đến sự mệt mỏi của những đôi chân, điều này lại không phải là điều khiến chúng ta phải bận tâm đến sức hấp dẫn của một giải đấu như Euro 2020. Tony Strudwick có nhấn mạnh: “Đó lại là cơ hội cho những quân bài ít được chú ý tới. Sự thành công tùy thuộc vào cách tối ưu hóa đội hình, duy trì sự khỏe khoắn, tươi mới và tìm ra giải pháp tối ưu nhất.” Đấy chẳng phải lại là cách nói chi tiết, cụ thể hơn cho quan điểm của Philipp Lahm, khi cựu tuyển thủ người Đức đề cập đến “sự ứng biến”.

Nhưng sau Euro 2020, những gì còn đọng lại sẽ không chỉ là những kỷ niệm của chiến thắng và thất bại, của vinh quang và đắng cay, mà còn là những nỗi lo trước mùa bóng mới với các CLB. Ấy thế mà một số CĐV của Man Utd hay Liverpool, dù thất vọng, nhưng cũng sẽ cảm thấy vui mừng khi Mason Greenwood hay Trent Alexander-Arnold của họ vì chấn thương trước giải mà không tham dự giải đấu mùa hè này. Ít ra, những cầu thủ này sẽ có nhiều thời gian để điều trị dứt điểm những vấn đề đã mắc phải và đạt thể trạng sung mãn cho mùa giải 2021/22.

Mệt mỏi khác với chấn thương, nhưng mệt mỏi luôn là một tác nhân dẫn đến nguy cơ chấn thương nơi các cầu thủ, gồm cả sự mệt mỏi về tinh thần. Các cầu thủ mệt mỏi và chúng ta – những người xem bóng đá – cũng đang trải qua một thời kỳ mệt mỏi. Bóng đá ập đến liên tục, một cách bội thực, đôi khi lại là thứ giết chết những cảm xúc quý giá nhất. Ở một chừng mực nào đó, Florentino Perez và Andrea Agnelli nói một thứ cũng đáng bận tâm: “Thế hệ ngày nay ít xem bóng đá hơn, vì 90 phút là quá dài.”

Hoàng Thông Le Foot

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Nhà phân tích bóng đá

Có thể bạn thích