Trang chủ     Bóng đá thế giới   /   Góc Hà Quang Minh: Hãy quên đôi giày nhỏ đi

Góc Hà Quang Minh: Hãy quên đôi giày nhỏ đi

Câu chuyện món quà lưu niệm của các tuyển thủ Nhật Bản tặng các tuyển thủ Việt Nam năm 1959 vẫn được thi thoảng kể lại, và đặc biệt được kể lại rất nhiều mỗi khi có dịp bóng đá Việt Nam chạm trán Nhật Bản. Nhưng có lẽ, đã đến lúc cần quên câu chuyện ấy đi, để làm bóng đá không bằng ảo giác quá khứ…

Qua lời kể của vài cựu danh thủ thời đó, câu chuyện “Đôi giày nhỏ” đã được hiểu theo nhiều cách rất khác nhau. Phần lớn nhìn nhận với sự nể trọng dành cho người Nhật và quyết tâm đưa bóng đá lên đỉnh cao châu Á của họ. Có thêm một phần không nhỏ hiểu theo cách đại ý “Việt Nam đã từng là một ‘ông lớn’ bóng đá châu Á ở khoảng giữa thế kỷ 20 và giờ đây, Việt Nam vật vã tìm đường để lớn trong khi Nhật Bản từng là ‘cậu nhỏ’ nhưng bây giờ thì đã ở tầm vóc World Cup rồi”.

Nhật Bản mừng rỡ vì hậu vệ

Nhật Bản mừng rỡ vì hậu vệ "thép" Việt Nam bị chấn thương Mới nhất, theo thông tin từ VFF cho biết, đội tuyển Việt Nam đã có sự điều chỉnh về danh sách đăng ký 23 cầu thủ cho trận đấu gặp Nhật Bản vào tối nay.

Đội hình Việt Nam vs Nhật Bản: Công Phượng vẫn dự bị?

Đội hình Việt Nam vs Nhật Bản: Công Phượng vẫn dự bị? HLV Park Hang Seo sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài lối chơi phòng ngự phản công và dưới đây sẽ là sơ đồ đội hình Việt Nam vs Nhật Bản trong trận đấu sắp tới.

Hiểu theo cách nào là tuỳ ý thích mỗi người, là nhận thức riêng của mỗi người nhưng thực tế nhất thì cần hiểu rộng cả bối cảnh lẫn cả những gì đang diễn ra ở hiện tại. Có như vậy, mọi so sánh mới bớt khập khiễng đi một chút, và hơn nữa, cách đánh giá cũng khách quan, công bằng hơn nhiều chút.

QUẢNG CÁO

Hãy quay lại với nước Nhật nói riêng và châu Á nói chung ở thời thập niên 50 của thế kỷ trước để hiểu ngọn ngành. Ở thời điểm đó, thực tế bóng đá châu Âu còn chưa đạt đến mức độ chuyên nghiệp cao và ở châu Á, bóng đá thì nghiệp dư vô cùng. Không một quốc gia nào ở châu Á khi đó dám tự nhận mình có một nền bóng đá chuyên nghiệp cả. Và do đó, cái mạnh, yếu của mỗi nền bóng đá châu Á thực tế đều là mạnh yếu tự phát, mạnh yếu dựa trên thiên khiếu cá nhân là phần nhiều. Bởi thế, nếu ở giai đoạn ấy, các ĐT của Việt Nam có thành tích nào đi nữa thì chúng cũng khó có thể là thước đo chuẩn mực cho thế hệ sau này, một thế hệ bước vào nghề bóng đá với sự khắt khe lớn hơn nhiều lần.

Dội tuyển Nhật Bản thập niên 50

Nhật Bản ở thời điểm ấy, và kéo dài tận đến sau này, thực tế cũng chưa bao giờ xem bóng đá là môn thể thao “quốc dân” cả. Với Nhật Bản, bóng chày được yêu thích và phổ biến hơn rất nhiều. Để có một nền bóng đá như hôm nay, người Nhật cũng mất nhiều thập kỷ với từng bước kế hoạch cụ thể và khoa học. Và cái cụ thể, khoa học ấy không đến từ một đội ngũ những người làm bóng đá có chuyên môn, có tâm, có tầm vv và vv. Nó đến từ cái nôi là một xã hội hướng đến văn minh bằng sự chuyên nghiệp. Đó mới là mấu chốt.

Ít ai biết rằng, khi chúng ta đang tranh cãi loạn lên với nhau về câu chuyện bản quyền của Tiến quân ca bị một đơn vị đăng ký “định danh nội dung sở hữu” (Content ID) với rất nhiều thường thức về luật sở hữu trí tuệ không được tham chiếu bởi những người tham gia tranh luận thì Nhật Bản chính là quốc gia châu Á đầu tiên có luật Sở hữu trí tuệ. Từ năm 1889, nước Nhật đã thông qua và áp dụng bộ luật này, chỉ sau 3 năm Công ước Berne được công bố. Sự đi sớm ấy đến từ một nhận thức nghiêm túc về thế giới hiện đại mà một quốc gia cần hoà nhập. Chính vì sự nhận thức sớm và nghiêm túc này, tất cả các ngành nghề trong xã hội Nhật Bản mới có cơ hội để phát triển và tạo ra cái gọi là “thần kỳ Nhật Bản”. Trong số những thần kỳ ấy, bóng đá của họ cũng tiến một cách thần kỳ.

Tiến Quân Ca bị BHMedia nhận vơ bản quyền

Lấy câu chuyện “đôi giày nhỏ” cũ rích ra để làm soi chiếu trong khi bỏ quên những ý kiến đóng góp xây dựng và thiết thực, tự bản thân mỗi chúng ta, những người mệnh danh là yêu bóng đá, đã không giúp cho bóng đá phát triển thêm mà chỉ kéo dài nỗi day dứt một cách mơ hồ. So sánh của năm 1959 khi “toàn Á nghiệp dư” là một so sánh trở nên khiên cưỡng trong bối cảnh bóng đá trở thành một ngành công nghiệp như hôm nay. Và ở Việt Nam, bóng đá đã trở thành một công nghiệp giải trí thực sự hay chưa? Chưa. Trong khi ấy, có những người ăn mòn quá khứ bằng cách cố lôi kéo phận số một đội bóng mới toe với một quá khứ đã qua hoàn toàn như việc muốn gán tên Cảng Sài Gòn cho một CLB ở tận nơi hình như không hề có cảng biển???

Cái mạnh của bóng đá Việt Nam hơn nửa thế kỷ trước dù gì cũng là cái mạnh của thời kỳ bóng đá nghiệp dư mà ngay cả ở những quốc gia như Anh hay TBN vẫn tồn tại cảnh cầu thủ cuối tuần ra sân còn ngày thường vào công xưởng. Đó là một thế giới khác, không phải thế giới mà những Quang Hải, Quế Ngọc Hải hay Tiến Linh đang sống. Thế giới hiện tại thì sao? Đó là nơi mà những Tomiyasu có môi trường phát triển kỹ nghệ bóng đá cá nhân của mình hoàn hảo hơn môi trường của những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… Có ai giờ này đặt ra câu hỏi mấy năm Công Phượng ở Nhật là mấy năm thế nào để rồi xót xa cho một tài năng ở quãng thời gian tốt nhất để phát triển mình thì lại vùi mình trên băng ghế dự bị ở tư thế một “đôi giày be bé”.

Philippe Troussier đã có những chia sẻ rất chân thành trong bài phỏng vấn gần đây

Những ai có công với bóng đá Việt Nam, chúng ta phải ghi nhận. Đó là bắt buộc. Nhưng nếu những ai còn cản trở sự phát triển của nền bóng đá Việt Nam, chúng ta cũng cần phê phán, bất chấp họ có công chừng nào. Đó là công bằng. Chúng ta đã sống quá lâu trong một nền cổ vũ bóng đá mang tính “tôn thờ chiến thắng” và “thờ phụng người tạo ra chiến thắng” đến mức độ ảo giác là họ miễn nhiễm với sai lầm. Để rồi chúng ta bỏ qua những góp ý chân tình nhất, mà gần đây là góp ý của Philippe Troussier, một người cũng đã thầm lặng đóng góp khá nhiều cho bóng đá Việt Nam đương đại.

Đã đến lúc quên đôi giày nhỏ đi. Để phải tạo ra một môi trường bóng đá đích thực mà ở đó HLV an tâm làm việc và cầu thủ an tâm xỏ đôi giày không nhỏ để làm nghề chứ không phải chỉ là “cống hiến vì đam mê” theo cách nói bóng bẩy mà vô nghĩa khôn cùng.

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Chuyên gia phân tích bóng đá

Có thể bạn thích