Trang chủ     Bóng đá thế giới   /   [Góc Hà Quang Minh] Man Utd: Câu chuyện thái độ

[Góc Hà Quang Minh] Man Utd: Câu chuyện thái độ

Dù trận Man City - Chelsea mới là tâm điểm của vòng đấu cuối tuần này nhưng Man Utd vẫn có một sức hút lạ kỳ đối với giới mộ điệu. Đơn giản, khi họ mang tầm vóc của một CLB toàn cầu, nhất cử nhất động của họ cũng đủ đánh động toàn cầu…

Ralf Rangnick bắt đầu nếm trải thế nào là sự hỗn loạn khi Man Utd của ông lại được đưa vào tầm ngắm. Những thay đổi mà ông tạo ra cho đội bóng không phải là ít nhưng nó mang tính chi tiết nên khó lòng thuyết phục được lực lượng ủng hộ viên nóng ruột chỉ muốn cái gì cũng ngay và luôn. Và xoay quanh Man Utd của Rangnick hiện nay đang là vô số thông tin thiếu tích cực mà điển hình là tin đồn về chuyện chia bè kết cánh trong phòng thay đồ.

Ronaldo gửi tối hậu thư cho Man Utd: Tôi không chấp nhận vị trí ngoài top 3

Ronaldo gửi tối hậu thư cho Man Utd: Tôi không chấp nhận vị trí ngoài top 3 Siêu sao người Bồ Đào Nha đã trở nên quá quen thuộc với sự thành công và thừa nhận rằng bản thân không ở Old Trafford để kết thúc mùa giải ở vị trí ngoài top 3.

[Góc Hà Quang Minh] Rangnick: bắt đầu một trời áp lực

[Góc Hà Quang Minh] Rangnick: bắt đầu một trời áp lực Thắng Aston Villa ở FA Cup, Rangnick vẫn không được lòng ủng hộ viên Man Utd. Một bộ phận không nhỏ đã bắt đầu cuộc “biểu tình” trên mạng xã hội.

QUẢNG CÁO

Rangnick đang trải qua quãng thời gian khó khăn

Thực tế, có chuyện chia bè kết cánh hay không chẳng ai dám khẳng định cả. Tất cả chỉ là võ đoán của một vài cá nhân có khả năng dẫn dắt dư luận và nhờ vào hiệu ứng của mạng xã hội, nó bỗng dưng được tin cứ như là sự thực. Thậm chí, người ta còn có thể thêu dệt  một thuyết âm mưu cho rằng Rangnick đang bị các cầu thủ tỏ thái độ bất hợp tác. Suy luận kiểu này càng khiến những ủng hộ viên Man Utd vốn dĩ đang tuyệt vọng chờ đợi một diện mạo thuyết phục sa vào cái bẫy cả tin và thể hiện thái độ phản ứng khá mạnh mẽ.

Nhưng điều đáng ngại cho Rangnick lại không phải là thứ thuyết âm mưu ấy. Thứ khó khăn mà Rangnick đang vấp phải chính là khó khăn mà tất cả những người tiền nhiệm của ông (kể từ sau Ferguson) đã phải trải qua. Đó là những đánh giá chủ quan của lực lượng cựu danh thủ, cựu HLV luôn có cơ hội đăng đàn mỗi tuần sau các trận đấu. Điển hình nhất của những nhận định nguy hiểm này chính là lời nhận xét về thái độ của các cầu thủ, giống như cách McClaren vừa nhận xét về Rashford gần đây khi cho rằng anh này thiếu tinh thần đóng góp. McClaren “đọc” ra cái thiếu tinh thần đó từ đâu? Ngôn ngữ hình thể của tiền đạo Man Utd.

Như vậy là gần như tất cả các cầu thủ Man Utd hiện nay đều đã từng ít nhất 1 lần bị 1 ai đó tên tuổi chê bai thái độ thi đấu trên sân. Và tất nhiên, khi chê bai thái độ thi đấu của cầu thủ, họ cũng mang những tấm gương của thế hệ Ferguson ra để so sánh. Mà phép so sánh kiểu này thì muôn đời vẫn thế. Đối trọng của những người bị chê trách luôn được nhớ tới bởi những khoảnh khắc chiến thắng đẹp đẽ và được bỏ qua dễ dàng ở những giai đoạn họ và Man Utd chơi không hiệu quả.

Ronaldo đã nói bóng gió về thái độ thi đấu của đồng đội

Nhưng cũng phải thừa nhận, thái độ thi đấu của các cầu thủ Man Utd lúc này đang không hề tỏ ra tích cực. Nhưng sự thiếu tích cực ấy không phải đến từ việc họ bất tuân HLV, họ chán nản với CLB hoặc họ muốn biểu đạt một thông điệp cá nhân ngầm nào đó. Thực sự, họ kiểu như đang mất phương hướng và đặc biệt là khi CLB mới vừa thay HLV cùng một ý tưởng bóng đá mới mẻ, họ chưa thoát ra được khỏi trạng thái lần mò tìm kiếm mình vừa vặn trong hệ thống mới này.

Như cách CR7 nói, chúng ta sẽ thấy không hề có thái độ tiêu cực tinh thần mang tính cá nhân nào trong nội bộ Man Utd lúc này. CR7 khẳng định với báo chí rằng Rangnick là một lựa chọn đúng đắn của Man Utd và nếu mùa giải này, đội bóng không lọt vào top 4, chính các cầu thủ sẽ phải xem lại “thái độ” của mình. CR7 cho rằng Rangnick cần thời gian bởi “không dễ gì thay đổi tinh thần, cách chơi và văn hoá của cả một tập thể chỉ trong thời gian ngắn”. Có thể nói, phát biểu của Ronaldo như vậy là đúng đắn, ít ra là ở phương diện quan hệ công chúng và nguyên tắc phát ngôn. Nhưng cũng điều anh nói đã để lại một câu hỏi rất đơn giản về Man Utd lúc này, liên quan đến đúng 3 từ “tình thần”, “tập thể” và “văn hoá”.

Phải nói thẳng, kể từ khi David Moyes tiếp quản Man Utd, không một HLV nào có thể áp đặt được văn hoá của người lãnh đạo trở thành văn hoá tập thể của đội bóng. Thắng hay bại, có thành tích hay không có, Man Utd thực tế là một tập hợp không định hình rõ nét. Đó cũng chính là trăn trở của các ủng hộ viên đội bóng. Họ đã chứng kiến cả một giai đoạn dài sir Alex đã tạo ra một diện mạo riêng biệt, sống động và sắc nét cho Man Utd. Tất cả những cá tính mà Man Utd thời ấy có được chính là cá tính của ông già Ferguson. Ông áp đặt hoàn hảo tính cách của mình lên đội bóng và tạo ra tính cách của đội bóng ấy, mà rất thú vị là các cầu thủ cũng lấy đó làm hình mẫu để hành động. Nhưng khi ông rửa tay gác kiếm, từ David Moyes trở đi, không một HLV nào, kể cả là HLV cá tính đặc biệt như Mourinho có thể áp đặt được Man Utd theo tính cách của mình. Trường hợp của Mourinho là đáng nói nhất. Thực tế, tính cách của ông có thú vị ở giác độ nào đi nữa thì cũng xung đột mạnh mẽ với văn hoá chung của Man Utd và vì thế, sự áp đặt là không thể. Còn các HLV khác, họ nhạt nhoà. Ngay cả Solsa, người thấm đẫm chủ nghĩa Ferguson nhất cũng không làm được điều này bởi Solsa đơn thuần chỉ là một “người tuân theo” trong chủ nghĩa Ferguson chứ không phải một người có cá tính đặc biệt trong tổng thể tinh thần mà sir Alex đã tạo dựng.

Thái độ là yếu tố quan trọng nhất

Chính vì một thời gian kéo dài không định hình như vậy, Man Utd trở nên hỗn loạn như hôm nay. Sự hỗn loạn ấy được kích thích thêm bởi việc giới chủ cho rằng việc mang đến các ngôi sao có thể mang lại 2 cái lợi: thương mại và chất lượng chuyên môn. Nhưng khi sự xuất hiện của những ngôi sao đã trở nên quá tải, Man Utd trở nên vô định hướng vì sẽ không ai có thể dẫn dắt ai trong một tập hợp “bằng vai phải lứa về cái tôi” như thế. Do đó, giờ này họ cần 1 người dẫn đầu thực sự sắt đá kiểu như Rangnick đã mới chớm thể hiện. Nhưng chỉ e rằng nếu quá cứng rắn, và nó chạm tới lợi ích thương mại của CLB do phải trảm một số “đầu lĩnh”, Rangnick có thể sẽ phải trả giá bằng chính vị trí và vị thế của mình. Sự trả giá ấy càng đến nhanh hơn nếu song hành với cái xung đột nói trên là thành tích trên sân bết bát. Xem ra, việc Rangnick đang làm rủi ro vô chừng.

Song, nói gì thì nói, nhận lời về Man Utd là Rangnick chấp nhận cưỡi trên lưng hổ. Ông sẽ không thể thoả hiệp vì sự an toàn hợp đồng của riêng mình. Đơn giản, thoả hiệp nghĩa là đầu hàng. Và nếu đầu hàng, Man Utd sẽ còn hỗn loạn nữa.

Điều quan trọng vẫn nằm trong tay nhà Glazers. Họ có dám hậu thuẫn Rangnick hết mình, chấp nhận hi sinh lợi ích thương mại, tài chính ngắn hạn để nuôi cái lợi ích lâu dài hay không? Chính câu hỏi này mới là chìa khoá mấu chốt của chuyện hồi sinh Man Utd, và nó cũng chứng minh tình cảm mà nhà Glazers dành cho Man Utd ở mức độ nào.

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Chuyên gia phân tích bóng đá

Có thể bạn thích