Trang chủ     Bóng đá thế giới   /   Góc Hà Quang Minh: Truyền thông có thể huỷ hoại một đội bóng theo cách nào?

Góc Hà Quang Minh: Truyền thông có thể huỷ hoại một đội bóng theo cách nào?

Với những ủng hộ viên Chelsea, họ đang trong một cảm xúc lẫn lộn sau khi các thông tin về chuyện Lukaku được đưa ra. Và cảm xúc dễ khiến con người ta tiếp cận thông tin một cách nhiều định kiến. Thực tế, Lukaku có phải là một kẻ đứng núi này trông núi nọ hay không lại là một câu chuyện hoàn toàn khác…

Có thể nói, trong đa số các ủng hộ viên Chelsea trên khắp toàn cầu, số người đã tiếp cận với bài phỏng vấn đầy đủ mà Lukaku trao độc quyền thực hiện cho Sky Sport Italia là không nhiều. Và một khi chúng ta chưa thể tiếp cận đầy đủ bài phỏng vấn đó, khó có thể nào chúng ta đưa ra một kết luận, đặc biệt là kết luận liên quan tới nhân cách một con người. Thậm chí, nếu có được tiếp cận bài phỏng vấn đầy đủ ấy thì nó cũng chưa hẳn là một bài gốc đúng nghĩa bởi rất có khả năng Sky Sport Italia đã có những biên tập nhỏ thôi nhưng đủ để tác động dẫn dắt tới người xem, người đọc.

Lukaku không trung thành với Chelsea, Tuchel nói gì?

Lukaku không trung thành với Chelsea, Tuchel nói gì? Chính Lukaku thừa nhận rằng bản thân anh đang muốn trở lại Ý để đầu quân cho Inter Milan vì cho rằng Chelsea không phù hợp với anh.

Nội chiến Chelsea: Lukaku - Chelsea bất đồng quan điểm

Nội chiến Chelsea: Lukaku - Chelsea bất đồng quan điểm Do không được đá theo phong cách ưa thích, Lukaku đã lên tiếng chỉ trích chiến thuật của HLV Thomas Tuchel và vô tình gây ra lục đục nội bộ ở Chelsea.

QUẢNG CÁO

Buổi phỏng vấn của Lukaku

Trong tập thể Sky Sport Italia, Fabrizio Romano là cái tên được xem là nổi tiếng nhất. Các trang cá nhân của tay bút này ở facebook hay twitter luôn có số lượng lượt bấm like lên tới vài chục ngàn cho mỗi bài đăng. Romano được xem là một nguồn tin đáng tin cậy, đặc biệt là các câu chuyện dính dáng tới chuyển nhượng. Ngay cả một số nhà báo ở các quốc gia khác, nhất là những quốc gia ở những “vùng sâu, vùng xa”, còn xem nguồn của Fabrizio là một thứ để xác tín và như dữ kiện phục vụ các bài viết của mình. Để làm được điều đó, Fabrizio cũng phải đầu tư rất nhiều, mà cụ thể nhất là anh ta phải mua tin từ chính các CLB. Giới phóng viên thể thao, bình luận viên thể thao ở châu Âu khi nhắc tới Fabrizio luôn sẽ nói điều này đầu tiên: “À, gã người Ý, làm ở Sky, và rải tiền mua tin khắp các CLB ở châu Âu”. 

Rõ ràng, việc Fabrizio đầu tư tiền mua tin là điều đáng nể. Nó thể hiện tính chuyên nghiệp của một người làm nghề. Nhưng vượt trên hết, nó cho thấy chân lý của thời đại là một cá nhân có thể vận hành một cỗ máy truyền thông đúng nghĩa ở thời đại mạng xã hội trở thành nguồn đọc đầu tiên và phổ cập nhất này. Tuy nhiên, khi cả một cỗ máy vận hành dựa trên 1 cá nhân duy nhất, nó sẽ nảy sinh những nhược điểm mà cơ bản đến từ chính cá tính, tình cảm của cá nhân ấy. Trong sự kiện Lukaku, Fabrizio chắc chắn sẽ luôn làm 3 việc: thứ nhất, tung tin nào có lợi cho chính mình mà cụ thể là lượt xem, chia sẻ; thứ hai, cách đưa tin phải phù hợp với định hướng của Sky Sport, nơi đang cho anh ta một vị thế; và thứ ba, sẽ làm sao đó để có lợi cho bóng đá Italia bởi câu chuyện tình cảm chi phối là không ai có thể tránh khỏi.

Fabrizio Romano là ông trùm đưa tin

Trong các đối đáp của Lukaku ở cuộc phỏng vấn này, thực chất chúng ta phải nhận thấy rằng Lukaku đang thể hiện con người trung thực, thẳng thắn chứ không phải đang dùng áp lực truyền thông để tạo ra một vị thế nào đó trước Tuchel. Hơn tất thảy, cuộc phỏng vấn diễn ra vào tháng 10, là thời điểm Lukaku chấn thương và dính cả Covid. Vâng, ở vào tình trạng chấn thương và dính Covid, họa có điên người ta mới nói mình “hạnh phúc”.

Sự không hạnh phúc của Lukaku trong trạng huống ấy được Sky bẻ lái về câu chuyện hệ thống mới của Tuchel. Và họ bỏ qua một câu rất quan trọng mà Lukaku đã nói đại ý “làm việc hết mình, cố gắng hết sức” khi anh nhắc tới cách tiếp cận mới của HLV trưởng Chelsea. Rõ ràng, ở đây là câu chuyện của sự thật và chỉ sự thật mà thôi. Một cầu thủ nói rằng anh ta không hạnh phúc (do tình trạng thể chất cá nhân) và anh ta kể về các thay đổi ở CLB đồng thời thể hiện mình quyết tâm để đáp ứng thay đổi ấy nhưng truyền thông bẻ lái trở thành “Lukaku không hạnh phúc vì hệ thống mới của Tuchel”.

Hơn thế nữa, khi Lukaku dành tình cảm rất lớn cho Inter, CLB mà anh nhận xét là đã “cứu vớt” sự nghiệp của mình, anh cũng kể luôn sự thật về chuyện anh từng từ chối Man City và ở thời điểm Inter chuẩn bị bán anh cho Chelsea, CLB Italia không hề có động thái gia hạn hợp đồng nào. Nếu có động thái gia hạn, anh sẽ chọn ở lại. Sự thật là vậy, Lukaku muốn chứng minh tình yêu của mình với Inter (tình yêu ấy có gì là sai nhỉ?) và kể ra lý do vì sao “mối duyên” ấy đứt đoạn nhưng lại lần nữa, cú bẻ lái của truyền thông lại dẫn dụ trở thành to chuyện là “Lukaku vì không hạnh phúc nên muốn trở lại Inter”.

Tuchel thực chất không nổi giận với Lukaku

Ở vào tình thế ấy, thực chất ủng hộ viên đội bóng rất cần những thông tin mang tính trung dung, minh định rõ cho cả Lukaku lẫn Chelsea, Tuchel. Nhưng ác nghiệt thay, truyền thông Anh quốc vớ phải chuyện này chẳng khác gì vớ được đặc sản. Họ thêm mắm dặm muối, với những cái tít kiểu như tờ Guardian Sport tung ra hôm 01/01/2022 là “Tuchel giận dữ với Lukaku nhưng tiền đạo này sẽ ở lại”. Thực chất, Tuchel không nổi giận với Lukaku. Ông nổi giận với chính báo giới và truyền thông vì cách tung tin méo mó và tiêu cực này. Ông nói rõ, đây là một dạng ồn ào vô bổ và thiếu xây dựng.

Nhưng câu chuyện vẫn được châm thêm dầu vào lửa nhờ các diễn dịch của giới báo chí là KOLs. Và trước các câu chuyện đại loại thế này, chúng ta mới nhận ra rằng áp lực từ truyền thông lên một đội bóng kinh khủng đến nhường nào. Nó đòi hỏi mỗi HLV, cầu thủ phải có bản lĩnh, có một tinh thần thép đúng nghĩa để không bị chính mê cung thông tin kiểu này dắt họ vào một cuộc chiến thực sự khi đã không còn sự tỉnh táo nữa. Và thêm vào đó, nó còn khiến tình hình trong phòng thay đồ của các đội bóng trở nên mất đi tính tích cực vốn có hoặc làm đậm đầy thêm các mâu thuẫn tiêu cực đang tồn tại.

Với Chelsea, Lukaku và Tuchel lúc này, thứ duy nhất để thoát khỏi những ồn ào chỉ là chiến thắng, và Lukaku ghi bàn rồi sau đó chia sẻ niềm vui với chính Tuchel trước ống kính của hàng trăm camera để cả thế giới hiểu rằng ở Chelsea chẳng có vấn đề nào cả. Nhưng khó cho họ là đối thủ trước mắt lại là Liverpool, một ứng viên nặng ký cho chức vô địch. Chỉ sợ một kết quả không ưng ý, dầu lại tiếp tục được bơm vào đám cháy giả tạo mà thôi. Cách bơm dầu này, nói gì thì nói, truyền thông là số hai không ai dám hiện diện bảo mình là Chủ nhật.

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Chuyên gia phân tích bóng đá

Có thể bạn thích