Trang chủ     Bóng đá thế giới   /   Góc Hà Quang Minh: Từ Xavi nhìn về Solsa

Góc Hà Quang Minh: Từ Xavi nhìn về Solsa

Không thể phủ nhận rằng cả Barca lẫn Man Utd đều đang trong khủng hoảng. Nhưng họ khác nhau ở những điểm rất cơ bản. Thứ nhất, Man Utd đang có tiền còn Barca thì không. Thứ hai, Barca có giải pháp còn Man Utd thì mịt mờ…

Hôm qua, trước khi lên sóng bình luận cho chương trình “We speak football”, tôi nhận được một câu hỏi mà rất tiếc là tôi đã không có dịp để trả lời trên sóng. “Theo quan điểm cá nhân của anh thì trong số các cựu cầu thủ đang cầm quân: Lampard, Ole, Arteta, Gerrard, và Xavi, thì có phải Ole là cá nhân duy nhất vừa thiếu định hướng lối chơi vừa thiếu cá tính trên ghế HLV không ạ?”. Đó chính là câu hỏi mà một người yêu bóng đá đã đặt ra. Thú thực, nó là một câu hỏi không thể trả lời được lúc này vì mọi đánh giá (dù là chủ quan) rất dễ bị sa vào sự hồ đồ.

Frenkie de Jong:

Frenkie de Jong: "Barca mất điểm là do trọng tài" Barca vừa có một trận hòa vô cùng đáng tiếc trước Cetla Vigo và Frenkie de Jong cho rằng quyết định của trọng tài đã ảnh hướng lớn đến kết quả trận đấu.

Dẫn trước 3 bàn, Barca vẫn đánh rơi chiến thắng trước Celta Vigo

Dẫn trước 3 bàn, Barca vẫn đánh rơi chiến thắng trước Celta Vigo Gã khổng lồ Barca vừa có thêm một trận đấu đáng quên nữa khi bị Celta Vigo gỡ hòa 3-3 ở phút bù giờ cuối cùng dù trước đó họ đã dẫn trước đến 3-0 chỉ trong hiệp 1.

QUẢNG CÁO

Ole là một trong những HLV thuộc trend 'cựu cầu thủ trẻ'

Những gì chúng ta nhận xét về các HLV kể trên nói chung, và một cá nhân nào đó nói riêng, thực tế đều chỉ mang tính hiện tượng. Nó đến từ những hiện tượng ta thấy, qua từng trận đấu, qua từng trường hợp hành xử khu biệt. Bản chất thì cần thời gian để đánh giá và kể cả là có nhiều thời gian đến mấy đi nữa, đánh giá bản chất một con người phần lớn đều sai lệch bởi chúng ta thiếu thông tin, thiếu hiểu biết và thừa thiên kiến. Vì thế, tất cả chỉ nên được nhìn nhận trên hiện tượng mà thôi và cái dở, cái hay, cái kém cỏi, cái giỏi giang mà chúng ta rút ra về họ cũng chỉ là những gì mới diễn ra hôm nay chứ không thể nào là tổng thể cả một sự nghiệp cầm quân của họ.

Và về hiện tượng, rõ ràng là Barca đang có giải pháp nhanh hơn, phù hợp với lòng người hơn Man Utd. Khi ở Manchester người ta vẫn còn dùng dằng chuyện nên giữ Solsa hay không và để vuột mất Conte về tay Tottenham thì ở Barcelona mọi thứ diễn tiến quá nhanh. Chỉ bằng những chuyến bay, ban lãnh đạo của Barca đã vượt qua mọi chỉ trích và mang bằng được Xavi trở lại.

Chưa ai biết được Xavi có làm được việc hay không nhưng rõ ràng, đó là một cú hích tinh thần mạnh mẽ. 10 ngàn cules có mặt trong buổi ra mắt của Xavi đủ để hiểu ở Catalonia, người ta chờ ông như thế nào. Và với những gì Xavi đã tuyên bố trong buổi lễ ra mắt ấy, chúng ta có quyền hi vọng rằng đây sẽ là một nhân tố đáng lưu tâm. Ông rất ngắn gọn với thông điệp của mình dành cho Barca. “Lao động, mệnh lệnh và yêu cầu” là tất cả những gì mà Xavi nhắc tới. Ông muốn xây dựng một tập thể Barca luôn lao động hết mình để đạt yêu cầu vươn tới tầm vóc xuất sắc. Và để lao động với yêu cầu đặt ra đó, thứ Xavi khẳng định sẽ phải tồn tại chính là “mệnh lệnh và luật lệ”.

Hơn 24 tiếng đàm phán tại Qatar và Xavi có thể nhận việc HLV Barca

“Tôi không có hàm ý rằng sẽ có một bàn tay sắt mà cơ bản là đặt ra lề luật và thực thi nó. Khi còn là cầu thủ tôi nhận thấy rõ có lề có luật thì đội bóng sẽ vận hành đúng đắn và khi không có luật, đội bóng sẽ tê liệt”. Xavi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đặt ra các luật lệ cho Barca. Và đây chính là thứ mà ông học được từ Pep Guardiola, một người đã đặt ra những lề luật cho các cầu thủ Barca trong thời gian cực thịnh của đội hình vàng. Nhắc tới Pep, Xavi chia sẻ “Ông ấy là một người thầy lớn và chỉ cần tôi được so sánh với ông ấy thôi cũng đã đủ là một thắng lợi với bản thân tôi rồi”.

Trong khi Xavi Hernandez ra mắt ở Nou Camp, Solsa lên máy bay riêng cùng vợ bay về Na Uy nghỉ ngơi. Nhân dịp tập trung các ĐTQG, ông cho luôn cả bộ máy của mình ở Man Utd nghỉ 1 tuần. Varane đến Carrington để kiểm tra tình trạng chấn thương và bỗng nhiên cảm thấy mình “rảnh rỗi”. Pogba dính chấn thương ở Les Bleus và có thể sẽ quay về Manchester nhưng thực sự anh ta cũng không biết mình nên quay lại nơi ấy làm gì? Và nếu rảnh rỗi sinh nông nổi mà kéo nhau lên bar hay club thì coi như xác định. Từ hôm sau, sẽ lại có hàng trăm ý kiến chỉ trích dội lên đầu họ, coi họ như những kẻ không biết quan tâm đến CLB mà chỉ lo hưởng thụ vui thú riêng mình. Nhưng làm sao họ có thể toàn tâm cho một CLB nếu như ngay ở trong nội bộ ấy, lao động, mệnh lệnh, kỷ luật và đòi hỏi là những khái niệm đã vô cùng mơ hồ.

Ở Man Utd từng tốn tại một thứ kỷ luật chặt chẽ đến mức Beckham hay bất kỳ ngôi sao nào cũng có cảm giác mình không là gì cả trong một tập thể lớn và trước một “nhất đại tông sư” như sir Alex Ferguson, cấm ai dám cãi lệnh. Nhưng cái chất Man Utd ấy bây giờ còn không? Nếu nhìn vào đội hình Man Utd lúc này, chúng ta sẽ giật mình. Chỉ còn lại 3-4 cái tên đã tồn tại từ thời sir Alex tới nay mà điển hình là CR7, De Gea, Phil Jones. Và khi mà số lượng con người nắm bắt đến thấm nhuần văn hoá của chủ nghĩa Ferguson chỉ còn là thiểu số, khó có thể nào tìm lại được màu sắc Man Utd mà chúng ta từng thấy suốt mấy thập niên qua.

Solskjaer đi nghỉ mát

Đây có thể là vấn đề riêng đến từ chính một ưu điểm tích cực của Man Utd xưa kia là sự thống trị kéo dài của triều đại Alex Ferguson. Cái gì cũng có hai mặt của nó. Fergie tại vị lâu dài và mang lại một Man Utd ổn định hàng thập niên nhưng cũng chính vì sự ổn định ấy mà khi triều đại Fergie qua đi, sự kế tục là rất khó thực thi. Có thể coi là cùng thời với Fergie, Johan Cruyff tạo dựng một đế chế ở Barca nhưng ông không ở đó quá lâu. Có rất nhiều người đến sau, Barca thịnh suy cũng nhiều năm rồi mới lên đỉnh cao với Pep và sau đó là thêm một thời gian ngắn ngủi với Enrique. Họ đều là học trò của Cruyff và họ giữ được mạch nguồn của Barca, tất nhiên là theo cách riêng của mình. Rồi khi họ rời đi, Barca dù có thể lao đao đến mức nào đi nữa thì cũng vẫn kiếm tìm được một kỳ vọng kế tục là Xavi. Nếu kéo một sợi dây xuyên suốt từ Cruyff, qua Pep và tới Xavi, chúng ta sẽ thấy nó là một thể thống nhất về triết lý. Dĩ nhiên, Xavi còn phải chứng minh rằng mình không chỉ là kỳ vọng, mà là lựa chọn chuẩn xác, thông qua từng kết quả trên sân. Nhưng ít ra, trong tay Xavi hiện có gì? Đó là Gavi, là Fati… và nhiều nữa những cái tên lớn lên trong văn hoá La Masia, thấu hiểu rõ trọng trách của mình là gì và danh dự thiêng liêng khi khoác áo Barca lớn đến mức nào.

Còn sir Alex Ferguson thì sao? Ông nghỉ rồi nhưng di sản của ông để lại có học trò nào tiếp quản được? Việc phải lựa chọn một David Moyes ngoại biên Man Utd đã cho thấy lỗ hổng lớn mà hơn 30 năm ông tại vị, Man Utd đã bỏ quên. Chúng ta trách Solsa rất nhiều nhưng chúng ta cũng phải nhìn nhận lại cả một hệ thống? Những hảo thủ lừng danh của Fergie một thời đi đâu cả rồi? Khi còn thi đấu, Man Utd có thể có những tên tuổi lẫy lừng không thua Barca nhưng khi qua thời, giải nghệ, Man Utd không có những con người như Pep, như Enrique và bây giờ là Xavi, học trò của học trò Cruyff.

Khi các cựu danh thủ Man Utd lớn tiếng chỉ trích các cầu thủ đương thời, họ có chợt nghĩ là trong số cầu thủ ấy, mấy người lớn lên bằng hơi thở Quỷ đỏ để có thể “hiểu Man Utd theo cách lứa đàn anh đã hiểu”. Và ngay cả khi họ chê bai lớp đàn em bằng con mắt kẻ cả của kẻ bề trên, họ có tự so sánh bóng đá thời của mình với thời hiện đại này? Ở thời đỉnh cao của họ, mọi thứ không tốc độ đến chóng mặt như bây giờ. Đơn cử, ở trận Man Utd thua Man City vừa rồi, trong một tình huống ở phút thứ 11 thôi. Khi Maguire đánh đầu phá bóng lên, bóng đến chân Fred. Vâng, khi Fred vừa tiếp bóng thôi, 2 cầu thủ Man City chỉ mất đúng 1,19 giây để đủ có thể lấy lại bóng từ chân Fred bất chấp sự hỗ trợ của Fernandes rồi. 1,19 giây, ở thời Keane hay Scholes chơi đỉnh cao, họ làm gì với bóng trong khoảng thời gian ngắn ngủi ấy? Nó còn nhanh hơn cả thời gian mà họ kịp nghĩ để đưa ra một bình luận hướng về phía đàn em của mình.

Thời đại của Roy Keane đã xa lắm rồi

Từ Xavi nhìn về Solsa, chúng ta sẽ hiểu hơn rối loạn ở Man Utd là như thế nào. Cùng là hai CLB vĩ đại bậc nhất thế giới, trong khi Barca đã trải qua thế hệ huấn luyện thứ 3 kể từ Cruyff, kế tiếp nhau, dạy dỗ nhau thì Man Utd, Solsa vẫn còn là con cưng thế hệ thứ hai, đang chứng minh mình vô dụng thực sự. Và trở lại với câu hỏi mà câu hỏi tôi nhận được hôm qua, tôi vẫn phải khẳng định rằng: “Tôi chưa xem Xavi huấn luyện bao giờ, nên chưa dám đánh giá gì trên hiện tượng. Còn với Solsa và Lampard, Arteta, phải nói thẳng và thật, trên hiện tượng thôi, Solsa không cho thấy ông có một ý tưởng mạch lạc, rõ rệt, mang cá tính riêng nào trong khi đó thì Arteta và Lampard thì đã và vẫn làm được điều đó. Cho dù họ chưa thành công đi nữa, họ vẫn cho thấy mình có đường để đi, để lao động, để chinh phục chính bản thân mình.”.

Còn với Xavi. Nếu ông thành công, chắc chắn sẽ lại là một so sánh nữa không dễ chịu gì dành cho Solsa và cả cho Man Utd nữa…

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Chuyên gia phân tích bóng đá

Có thể bạn thích