Trang chủ     Bóng đá Việt Nam   /   Góc Hoàng Bách: Báo động đỏ về hệ thống phòng ngự Đội tuyển Việt Nam

Góc Hoàng Bách: Báo động đỏ về hệ thống phòng ngự Đội tuyển Việt Nam

4 trận đấu đã qua tại Vòng loại 3 FIFA World Cup, Đội tuyển Việt Nam phải nhận tới 10 bàn thua. Xét thuần túy dựa vào danh tiếng những cái tên chúng ta đã chạm trán, số lượng bàn thua này không có gì quá bất ngờ. Tuy nhiên, nếu thẳng thắn nhìn vào diễn biến thực tế, có quá nhiều tình huống thủng lưới đến từ hệ quả sai lầm cá nhân lẫn hệ thống phòng ngự. Một hiện thực báo động đối với Việt Nam, khi sự chắc chắn hậu tuyến chính là nền tảng tạo nên thành công những năm gần đây.

10 bàn thua Việt Nam phải nhận đến lần lượt từ 4 đối thủ gồm Saudi Arabia, Australia, Trung Quốc và Oman, đều là những cái tên thuộc nhóm hàng đầu châu lục. Khá nhiều ý kiến cho rằng, trước những cái tên giàu thực lực như vậy, chuyện thủng lưới nhiều là lẽ dĩ nhiên. Dẫu vậy, hãy vặn ngược kim đồng hồ quay lại thời điểm gần 3 năm trước tại AFC Asian Cup 2019, nơi Việt Nam đã đi tới vòng tứ kết. Loại trừ trận thắng trước đối thủ yếu hơn Yemen, chúng ta phải chạm trán Iran, Iraq, Jordan và Nhật Bản và chỉ nhận 7 bàn thua sau 4 trận.

HLV Keisuke Honda muốn Campuchia thắng Việt Nam và Thái Lan

HLV Keisuke Honda muốn Campuchia thắng Việt Nam và Thái Lan HLV Keisuke Honda cho rằng các cầu thủ Campuchia thi đấu dưới phong độ, mặc dù họ đã thắng Guam trong trận tranh vé vào vòng loại thứ ba Asian Cup 2023.

Tiến Linh cân bằng kỷ lục

Tiến Linh cân bằng kỷ lục "khó phá vỡ" của đàn anh Lê Công Vinh Tiền đạo Nguyễn Tiến Linh đã có 7 bàn thắng ở vòng loại World Cup 2022, qua đó cân bằng cột mốc đúng 7 bàn mà Lê Công Vinh có được cách đây 10 năm về trước.

Những cái tên đó liệu có yếu hơn 4 chướng ngại vật Việt Nam vừa đối đầu tại Vòng loại 3? Sự chênh lệch chắc chắn là không nhiều. Thậm chí, thực lực của các đối thủ tại Asian Cup có phần nhỉnh hơn, khi thời gian chuẩn bị và gắn kết cho một giải đấu lớn là vượt trội so với những đợt tập trung ngắn hạn thi đấu Vòng loại World Cup hiện tại. Trong khi đó, Việt Nam với hệ thống sơ đồ không đổi, cộng với số nhân sự ở hàng phòng ngự cũng gần như giữ nguyên dựa trên nền tảng bộ ba trung vệ Đỗ Duy Mạnh – Quế Ngọc Hải – Bùi Tiến Dũng, lại không cho thấy sự chắc chắn tương tự. Vậy, nguyên nhân do đâu?

QUẢNG CÁO

Tấm thẻ đỏ mà trọng tài Ilgiz Tantashev rút cho Duy Mạnh của ĐT Việt Nam đã gây ra tranh cãi rất lớn

Trước hết, chúng ta có thể viện dẫn tới những nguyên nhân khách quan, khi hầu hết các trung vệ Việt Nam đã dính chấn thương ở các mức độ khác nhau trong thời gian vừa qua. Tiến Dũng gần đây chấn thương cơ và phải nghỉ ngắn hạn, trong khi Duy Mạnh nặng hơn khi đứt dây chằng chéo và phải nghỉ dài hạn hồi năm 2020. Ngay cả lựa chọn thứ cấp của HLV Park Hang-seo như Trần Đình Trọng và Nguyễn Thành Chung cũng đều gặp phải những tình trạng về sức khỏe. Chưa kể, với ảnh hưởng dịch bệnh tác động khiến lịch thi đấu quốc nội liên tục bị rối loạn trong hai năm qua, buộc các cầu thủ phải ra sân với mật độ hoặc quá liên tục, hoặc không có gì để làm, dẫn tới rủi ro về thể trạng cao hơn.

Tất nhiên, những lí do khách quan kể trên có thể dễ dàng được đem ra để bào chữa cho phong độ đi xuống của hàng phòng ngự Việt Nam tại Vòng loại 3. Thế nhưng, rất nhiều những bàn thua chúng ta phải nhận đến từ hoàn cảnh có thể phòng tránh cả về khía cạnh cá nhân lẫn hệ thống tập thể. Nhìn vào những con số thống kê, chúng ta dễ dàng phân loại được 3 nhóm tình huống chính có liên quan dẫn tới bàn thua của Việt Nam tại Vòng loại 3 gồm: Penalty (4 lần / 3 bàn), Bóng bổng (4 bàn) và Bóng chết (2 bàn).

Trên thực tế, không phải tới Vòng loại 3 này, Việt Nam mới phải nhận nhiều penalty đến thế. Ngay từ những trận đấu Vòng loại 2, chúng ta đã 3 lần bị thổi phạt sau những tình huống phạm lỗi trong vòng cấm. Đó là hai lần Đoàn Văn Hậu vung tay vào người đối thủ trong các trận đấu gặp Thái Lan (lượt đi) và Malaysia (lượt về), cộng với tình huống cản người không bóng của Bùi Tấn Trường gặp UAE (lượt về). Dẫu vậy, những cái vung tay đầy vô duyên và mang nặng tính tiểu xảo ấy đã không được rút kinh nghiệm, mà lại tiếp tục lặp lại ở Vòng loại 3, nơi xuất hiện cặp mắt theo dõi đầy tinh vi của VAR.

Tình huống Duy Mạnh quơ tay trúng cầu thủ đối phương

Lần lượt Duy Mạnh (2 lần), Quế Hải và Hồ Tấn Tài, những cầu thủ phòng ngự hàng đầu của Việt Nam, đều thực hiện những tình huống phạm lỗi hoặc truy cản thừa sự quyết liệt nhưng thiếu khôn ngoan, dẫn tới hậu quả tai hại cho đội nhà. 12 trận đấu đã qua tại hai vòng đấu loại, Việt Nam phải nhận tổng cộng 7 quả penalty, không ĐTQG nào sở hữu thành tích đáng quên cao như vậy. Những cái vung tay đầy tiểu xảo đó có thể qua mắt trọng tài tại V League, nhưng khi đã ra tới cấp độ châu lục, kèm sự hỗ trợ của VAR, các cầu thủ phòng ngự chúng ta buộc phải tìm cách tự điều chỉnh bản thân.

Một nguyên nhân khác khiến Việt Nam phải vào lưới nhặt bóng rất nhiều lần tại Vòng loại 3 này, đó là các tình huống bóng bổng với 4 bàn thua trực tiếp và 1 bàn thua gián tiếp. Rất nhiều người đổ lỗi cho bất lợi chiều cao của hàng hậu vệ nhưng chẳng phải như đã đề cập, chúng ta từng sở hữu thành tích phòng ngự đáng tự hào tại AFC Asian Cup trước những đối thủ chẳng kém cạnh với nhóm nhân sự tương tự đó sao? Cầu thủ chúng ta không thấp đi, đối phương không cao lên, nhưng tổ chức phòng ngự tập thể đã không giữ được sự chắc chắn.

Hãy đi một lượt qua tất cả những bàn thua bóng bổng. Bàn thắng thứ 2 của Saudi Arabia vào lưới Việt Nam đến từ hệ quả của cự li đội hình không đủ chặt chẽ, giúp đội chủ nhà dễ dàng xuống biên tạt bóng vào trong mà không gặp áp lực nào đáng kể. Ngoài ra, cầu thủ ghi bàn Yasser Al-Shahrani đón bóng đánh đầu trong tư thế không bị ai theo sát. Không hề có sự tranh chấp đối kháng trên không nào xuất hiện, nên khó lòng có thể coi bất lợi chiều cao là yếu tố khiến chúng ta để thua.

Ajdin Hrustic đủ thời gian và không gian ra quyết định xử lí

Tiếp tục, bàn thắng duy nhất của Australia ghi được tại Mỹ Đình. Thêm một lần nữa, áp lực từ xa không đủ quyết liệt sau tình huống bóng hai giúp Ajdin Hrustic đủ thời gian và không gian ra quyết định xử lí. Một đường bóng rất khó, nhưng ở đẳng cấp cao như thế này, cho phép đối phương một giây thoải mái cũng đủ khiến chúng ta bị trừng phạt. Hơn nữa, không chỉ tuyến tiền vệ lơi là mà toàn bộ hàng phòng ngự cũng không duy trì được sự tập trung cần thiết nhằm phản ứng với tình huống bóng cuộn nhằm ngăn chặn đối phương tấn công số đông vào cột xa.

Hai bàn thắng cuối trận của Trung Quốc đều tới từ chung một kịch bản. Có thể trách cứ sự non nớt của Nguyễn Thanh Bình khi theo kèm bất thành Wu Lei, nhưng để đối phương cùng thực hiện nhiều tình huống xuống biên phối hợp tạt bóng từ một góc độ giống nhau, chúng ta buộc phải đặt câu hỏi một lần nữa về áp lực của tuyến tiền vệ và các vệ tinh phòng ngự từ xa nhằm hỗ trợ giảm tải áp lực cho trung vệ và vòng cấm.

Không chỉ ở các tình huống mở, sự thiếu tổ chức về hệ thống phòng ngự còn thể hiện qua hai pha bóng cố định Oman thực hiện thành công trong trận đấu gần nhất. Bàn thua thứ nhất là một tình huống treo bóng khá cơ bản vào khu vực vòng cấm, nhưng hành động đồng bộ từ hàng phòng ngự đã không xuất hiện, để lại hệ quả là bóng không được giải vây dứt khoát khỏi vùng nguy hiểm. Ngoài ra, thông tin giữa các hậu vệ và thủ môn cũng không được làm tốt, khi Văn Toản bị đặt vào trạng thái bối rối giữa vòng vây hậu vệ nhà và tiền đạo đối phương.

Sự bối rối ấy còn tăng thêm gấp bội với cách thức dàn xếp đá phạt góc của Oman. Ý đồ của đội chủ nhà khi bố trí rất đông cầu thủ tạo áp lực ngay trên vạch cầu môn là khá rõ ràng, nhằm cản trở và giới hạn khu vực hoạt động của thủ môn. Thêm một lần nữa, thủ môn trẻ Văn Toàn trong lần ra mắt ĐTQG đã bị đặt vào trạng thái cực kì khó khăn, khi không gian quen thuộc của bản thân đã chật hẹp nay còn rối loạn hơn với ken chặt đồng đội phòng ngự, làm gia tăng gấp bội sự lộn xộn và rơi trúng vào bẫy mong muốn của Oman. Đáng chú ý là, đây không phải phương án mới mẻ của đoàn quân Branko Ivankovic, nhưng đội tuyển chúng ta vẫn không đề ra được cách hóa giải hiệu quả.

Tình huống phạt góc trận Oman

Tất cả những tình huống để thua, khi phân tích kĩ càng, đều là những tình huống không đáng có và hoàn toàn có thể ngăn chặn. Ngoại trừ bàn thắng của Australia, Việt Nam để thua phần nhiều đến từ sự yếu kém của riêng chúng ta hơn là phẩm chất xuất sắc của đối thủ. HLV Park Hang-seo khi được hỏi nguyên nhân vì sao đội tuyển Việt Nam phải hứng chịu nhiều tình huống penalty và phạt lỗi đã trả lời đại ý rằng, do thói quen phòng ngự từ trẻ và áp lực quá lớn từ đối phương. Câu trả lời tóm gọn khá đầy đủ bối cảnh cho tất cả những bàn thua, vẫn là lỗi cá nhân và cách tiếp cận tập thể.

Chúng ta có thể đổ lỗi trọng tài khắt khe hay VAR quá soi mói, nhưng những thói quen xấu trong hành vi phòng ngự thật sự khó có thể làm ngơ. Ngoài ra, khi chất lượng cá nhân phòng ngự có sự đi xuống, cách tiếp cận thụ động với khối đội hình lùi sâu thường thấy lại càng cho thấy độ rủi ro, khi đối phương liên tục gây sức ép đều đặn, sai số chắc chắn xảy ra. Không phải ngẫu nhiên, thế giới bóng đá hiện đại đang ngày càng dịch chuyển từ cách tiếp cận thụ động sang chủ động.

Sự xuất hiện của VAR, những điều chỉnh luật tạo điều kiện thuận lợi cho đội tấn công và bất lợi hơn cho đội phòng ngự, những yếu tố khách quan đó thôi, đủ để khiến lối đá chịu trận phòng ngự trở nên lỗi thời. Đương nhiên, sự chắc chắn trong phòng ngự vẫn cần được đảm bảo, nhưng nếu muốn những sai sót được giảm thiểu, đội tuyển Việt Nam cần chủ động hơn trong tiếp cận trận đấu, cầm bóng chắc chắn hơn, phối hợp nhịp nhàng bài bản hơn. Nên nhớ, trên sân dù có 22 cầu thủ, chúng ta cũng chỉ có 1 trái bóng duy nhất mà thôi. Đội nào giữ bóng, đội đó không phải phòng ngự.

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Chuyên gia phân tích

Có thể bạn thích