Trang chủ     Bóng đá thế giới   /   [Góc Hoàng Thông] Chelsea: Một đội bóng phòng ngự hay một đội bóng phòng ngự giỏi?

[Góc Hoàng Thông] Chelsea: Một đội bóng phòng ngự hay một đội bóng phòng ngự giỏi?

Giai đoạn cuối mùa giải trước, câu hỏi này từng được giới truyền thông phương Tây đặt ra. Đến đầu mùa giải hiện tại, câu hỏi ấy tiếp tục được tờ The Guardian khai quật. Vậy rốt cục, Chelsea của Thomas Tuchel là một đội bóng chuyên phòng ngự hay là một đội bóng phòng ngự giỏi?

Chiến thắng 3-0 trước Newcastle Utd mới đây cũng là trận giữ sạch lưới thứ 7 của Chelsea ở Premier League mùa giải này. Kể từ khi Thomas Tuchel tiếp quản chiếc ghế nóng tại đội chủ sân Stamford Bridge vào cuối tháng 01 năm nay, The Blues cũng đã giữ sạch lưới 18 sau 29 trận ở riêng Ngoại hạng Anh.

Góc Hoàng Bách: Chelsea bay cao nhờ đôi cánh thiên thần

Góc Hoàng Bách: Chelsea bay cao nhờ đôi cánh thiên thần Phải sau 10 vòng đấu, cục diện top đầu Premier League mới có dấu hiệu tách tốp, khi Chelsea vượt lên trong ngày hai kình địch Liverpool và Manchester City đều không thắng.

Chelsea thắng đậm, người hâm mộ vẫn không yên tâm vì điều này

Chelsea thắng đậm, người hâm mộ vẫn không yên tâm vì điều này Mason Mount đã không được điền tên vào danh sách thi đấu trong chiến thắng 3-0 của Chelsea trước Newcastle và dưới đây là nguyên nhân cho HLV Thomas Tuchel đưa ra.

Từ đầu mùa cho tới giờ, sau 10 vòng đấu đầu tiên, Chelsea của Tuchel để thủng lưới chỉ 3 bàn. Xét trong cùng giai đoạn, chỉ một tập thể của kỷ nguyên Premier League có được thành tích tốt hơn. Không ai khác, đó vẫn là Chelsea – Chelsea nhiệm kỳ đầu của Jose Mourinho.

QUẢNG CÁO

Đầu mùa giải 2004/05, The Blues của Mourinho chỉ để thủng lưới đúng 2 bàn và khép lại mùa giải bấy giờ với chỉ 15 bàn thua, cùng chức vô địch nước Anh lần đầu tiên sau 50 năm cho lịch sử đội chủ sân Stamford Bridge. 15 bàn thủng lưới cũng là kỷ lục trong một mùa giải 38 vòng đấu của giải đấu cao nhất nước Anh đến tận ngày nay. Nhưng với tỷ lệ 0,3 bàn thủng lưới mỗi trận hiện tại, nếu cứ tiếp tục duy trì phong độ, Chelsea của Tuchel hoàn toàn có thể lật đổ kỷ lục ấy.

Những cá nhân phòng ngự giỏi

Rõ ràng, Chelsea đang có một hàng thủ vững như bàn thạch. Sự chắc chắn này xuất phát trước tiên từ hệ thống 3-4-2-1 và chuyển thành 5-2-3 khi phòng ngự mà HLV người Đức áp dụng kể từ ngày dẫn dắt The Blues. Bệ đỡ hệ thống giúp các cá nhân bộc lộ và phát huy được những điểm mạnh, đồng thời khỏa lấp đi những điểm yếu và hạn chế của họ.

Antonio Rudiger cơ động, luôn chủ động lao lên “bắt nạt” đối thủ như một cách đe dọa. Andreas Christensen đa năng và “có đầy đủ tổ chất để trở thành một hậu vệ hàng đầu” như lời Thomas Frank của Brentford. Cesar Azpilicueta thì đã quá quen với hệ thống 3 trung vệ và cho thấy sự dẻo dai, bền bỉ cùng tố chất “lãnh đạo”. Thiago Silva là biểu tượng cho sự điềm tĩnh với quả bóng trong chân và sẵn sàng xả thân làm những công việc xấu xí. Trevoh Chalobah lột xác sau quãng thời gian được cho mượn tại Lorient. Malang Sarr cũng được thử sức và đã bộc lộ sự điềm tĩnh.

Phía trước bộ ba trung vệ là những Jorginho, Kovacic và Kante giỏi thu hẹp không gian chơi bóng và biết cách bịt những lane chuyền bóng của đối phương.

Đương nhiên, đó còn là một Edouard Mendy ngày càng xuất sắc trước khung thành. Trong số những thủ môn phải đối mặt từ 2 pha dứt điểm trúng đích trở lên ở mùa giải hiện tại, Edouard Mendy với 89,7% là người có tỷ lệ cứu thua nhiều nhất Premier League.

Mendy vẫn đang rất xuất sắc

Và cuối cùng là yếu tố may mắn, điển hình như trận đấu trước Brentford cách đây chưa lâu. Xét ở giá trị bàn thua kỳ vọng mà các pha dứt điểm trúng đích phải nhận mang lại (hay Post-shot xG), Chelsea đang có 5,8. Trong khi số bàn thua thực tế của họ lúc này chỉ là 3. Vì thế, độ chênh lệch là +2,8 trở thành mức chênh lệch dương cao nhất Premier League, phản ánh hoặc sự may mắn hoặc cái tài cứu thua của thủ môn.

Từ đầu mùa giải Premier League 2021/22 đến nay, Thomas Tuchel đã sử dụng 5 bộ ba trung vệ khác nhau trong đội hình xuất phát của hệ thống 3-4-2-1. Những phương án wingback cũng được thay đổi 5 lần. Sở hữu một đội hình có chất lượng lẫn chiều sâu, mục tiêu hướng đến của HLV người Đức rất có thể là giúp từng cá nhân đều am hiểu hệ thống, nắm bắt rõ trọng trách và công việc phải làm, từ đó tạo ra một nền tảng vững bền. Không phải lúc này, sự chắc chắn trong khâu phòng ngự cũng đến từ sự ổn định, quen mặt trong các phương án nhân sự được lựa chọn nơi hàng thủ.

Ngoài ra, để ý thấy những Rudiger, Thiago Silva và Azpilicueta - có thể xem là những thủ lĩnh hàng thủ của đội bóng - ít nhất 2 trong số 3 cái tên này đều xuất phát 8/10 trận đã qua của Premier League. Điều này đảm bảo sự chỉ huy luôn hiện diện, đặt ra những tiêu chuẩn để các cầu thủ còn lại nhìn vào và duy trì. Bản thân những Christensen, Chalobah hay Malang Sarr cũng sẽ thường xuyên có tham chiếu ngay trên sân để phát triển một cách tự nhiên qua học hỏi. 

Đội bóng phòng ngự giỏi

Với Pep Guardiola, cách phòng ngự hiệu quả nhất chính là duy trì quyền kiểm soát bóng. Nói cách khác, càng giữ bóng trong chân nhiều, tần suất thực hiện các pha phòng ngự sẽ ít đi và từ đó nguy cơ mắc sai sót khi phòng ngự sẽ hạn chế.

Với Chelsea của Tuchel, câu chuyện không hoàn toàn như vậy. Đơn cử như số hành động tắc bóng của The Blues mùa giải hiện tại là 273 lần, cao nhất trong số các đội bóng Big Six hiện thời của BXH. Số hành động phá bóng giải vây cũng cao nhất nhóm, với 214 lần. Số hành động phạm lỗi của họ cao thứ hai nhóm này, với 106 lần, sau Man Utd (107 lần). Ở khoản cắt bóng, Chelsea cũng cao thứ hai trong nhóm với 94 lần, sau Liverpool (96 lần).

Nhìn qua các con số ấy, Chelsea không giống một đội bóng của top dẫn đầu, lại càng không phải đội bóng đang dẫn đầu Premier League hiện tại. Nhưng tỷ lệ kiểm soát bóng trung bình của họ hiện tại cao thứ tư, sau Man City, Liverpool và Leeds Utd.

The Blues có thể hấp thụ áp lực và bung ra như chiếc lò xo. Họ có thể phòng ngự với một “đam mê”, biến phòng ngự trở thành một thứ nghệ thuật và quyết tâm giữ sạch lưới qua từng trận đấu. Nhưng thầy trò Tuchel không phải là đội bóng chỉ biết phòng ngự. Có một sự khác biệt rõ ràng giữ một đội chuyên phòng ngự và phòng ngự giỏi.

Van Gaal phản biện về cách chơi bóng của Chelsea

Hổi tháng 9 vừa qua, HLV Louis Van Gaal của tuyển Hà Lan từng bật lại câu nói “Chelsea chơi thứ bóng đá phòng ngự” của một ký giả như sau: “Ông chỉ là một nhà báo, ông chẳng biết gì mà phán. Ông không có tầm nhìn gì về bóng đá cả. Với 5-3-2 hay 5-2-3, chúng ta vẫn có thể chơi thứ bóng đá tấn công hấp dẫn. Chelsea đã chứng minh điều đó, với những sự lựa chọn khác nhau. Tôi phải thán phục Tuchel vì điều đó.”

Hãy lấy một ví dụ rõ ràng từ chiến thắng 2-1 của Chelsea trước Man City tại Etihad hồi đầu tháng 5 năm nay ở Premier League. Vẫn khối đội hình 5-2-3 khi phòng ngự. Nhưng chính cái cách từng cá nhân nơi hàng thủ 5 người của The Blues đương đầu trước đối thủ cho thấy rõ: Họ muốn chiếm thế thượng phong, sẵn sàng chấp nhận rủi ro khi quăng mình vào những pha tranh chấp một-một, chứ không phải bị động và co cụm trong vòng cấm.

Khi City triển khai bóng bên hành lang cánh trái của họ, Marcos Alonso và Antonio Rudiger luôn dâng lên rất cao áp sát cầu thủ đối phương một-một, từ đó đặt cặp trung vệ còn lại luôn rơi vào thế 2 đấu 2 với những khoảng trống sau lưng có thể bị xuyên phá bất kỳ lúc nào. Và chính những cú thả bóng vào khoảng không mênh mông mà Alonso và Rudiger để lại là một đường nét tấn công chủ đạo của The Cityzens ngày hôm đó. Những lúc như thế, cấu trúc đội hình Chelsea có còn là 5-2-3 nữa đâu?!

Tuchel có lẽ nhận ra những nguy cơ tiềm tàng của hành động liều lĩnh ấy, nhưng dường như ông càng khuyến khích các học trò của mình chơi theo kiểu đó, để cho những trung vệ không dâng cao còn lại phải tự mình phô diễn kỹ năng phòng ngự trong các pha tranh chấp tay đôi.

Từ chính một pha bóng điển hình như vậy vào phút 44, khi Rudiger với xu hướng dâng lên bắt lấy Ferran Torres, một đường chuyền bổng được dành cho Gabriel Jesus đặt Christensen vào thế đấu tay đôi. Trung vệ người Đan Mạch vốn dĩ hoàn toàn có thể làm chủ tình hình, nhưng anh vồ bóng hụt, từ đó dẫn tới bàn thắng mở tỷ số của trận đấu.

Bước sang hiệp 2, Chelsea và Tuchel vẫn chơi như vậy. Pha bóng ở phút 63 này chứng minh điều đó. Lúc này, nằm ngoài khung hình còn có Benjamin Mendy đang đâm xuống buộc Reece James phải chạy về, kết hợp cùng những Sterling, Jesus và Aguero, City hoàn toàn có thể mở ra một loạt các pha xuyên phá những khoảng trống giữa tuyến phòng ngự Chelsea. Nhưng Azpilicueta thay vì giữ vị trí hoặc di chuyển lùi về củng cố hàng thủ, anh vẫn dâng lên ập vào vị trí của Sterling. Mọi thứ được kết thúc bằng việc Rodri để mất bóng, Azpilicueta giành quyền sở hữu và mở ra đường phản công giúp Chelsea gỡ hòa.

Ở một góc máy khác, chúng ta thấy được hình ảnh thất vọng của Pep Guardiola ở khu vực chỉ đạo. Vị chiến lược gia người Tây Ban Nha ra hiệu về phía Sterling như đặt một câu hỏi “Tại sao tiền đạo người Anh lại không đâm xuống, mà chỉ lùi về?”. Nếu Sterling lao xuống khoảng trống sau lưng Azpilicueta, Rodri biết đâu đã quyết đoán hơn với một đường chuyền hướng thẳng ra sau lưng hàng thủ Chelsea, thay vì chần chừ và cuối cùng để mất bóng.

Cái tiếc ấy của Guardiola cũng là sự liều lĩnh của Chelsea. Liều thì ăn nhiều và Tuchel đã ăn nhiều. Một đội bóng phòng ngự sẽ không chơi như thế, nhưng một đội bóng giỏi phòng ngự thì có gan làm điều đó, vì Tuchel tin vào kỹ năng phòng ngự giỏi của các học trò của ông.

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với The Guardian, Antonio Rudiger từng chia sẻ: “Tôi từng chơi trong hệ thống hàng thủ 3 người thời Conte ở Chelsea. Tôi cũng từng chơi trong hàng thủ 4 người thời Sarri. Nếu có một kế hoạch rõ ràng được vạch ra, không quan trọng hàng thủ 3 hay 4 người. Quan trọng là cấu trúc. Và cấu trúc ấy do người HLV trưởng mang đến. Đôi khi là hàng thủ 3 người, nhưng thỉnh thoảng tôi sẽ dâng lên cao để pressing, bất thình lình đâu còn là hàng thủ 3 người nữa, mà là hàng thủ 4 người. Hơi kỳ quặc, nhưng chúng tôi đang để thủng lưới ít. Cứ khi nào bạn di chuyển lên như vậy mà đội bóng vẫn không để thủng lưới, bạn sẽ suy nghĩ về nó. Trước đây, chúng tôi không để tâm đến vấn đề này. Chúng tôi từng không giữ sạch lưới nhiều trận. Nhưng với một hậu vệ, giữ sạch lưới quan trọng hơn bất kỳ điều gì. HLV cho phép tôi sự tự do để dâng lên như thế, vì đó là pressing là DNA của tôi và đó là những gì ông ấy muốn. Đó là một cơ chế tự động, được tập luyện trên sân tập và cứ vào sân, đúng tình huống là cơ chế lại được bật. Một khi gây áp lực tầm cao và đoạt lại được bóng, bạn sẽ có cơ hội khi bóng nằm ở gần khung thành đối phương hơn.”

Và, một đội bóng phòng ngự sẽ không thể có đến 15 cầu thủ khác nhau đã ghi bàn ở Premier League mùa này, nhiều nhất giải đấu. Cũng như, đội bóng ấy không thể có hai wingback đang là những người ghi bàn tốt nhất đội (là Reece James và Ben Chilwell) với thường xuyên bó vào hành lang trong, cho đến trung lộ lẫn vòng 16m50 đối thủ để sẵn sàng nhả đạn.

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Nhà phân tích bóng đá

Có thể bạn thích