Trang chủ     Bóng đá thế giới   /   [Góc Le Foot] Cảm ơn Real Madrid: Nhờ họ mà Barça đã trở lại

[Góc Le Foot] Cảm ơn Real Madrid: Nhờ họ mà Barça đã trở lại

Trận El Clasico ở bán kết Siêu cúp Tây Ban Nha hồi giữa tháng 01 năm nay đánh dấu bước chuyển mình của Barça. Kể từ thời điểm đó, thầy trò Xavi đã bước đúng trên con đường trở lại. 

Giữa tháng 12 năm 2020, giữa lòng thủ đô Madrid, cách cầu trường Santiago Bernabeu vài dãy phố, một banner khổng lồ bất ngờ được giăng trên một tòa nhà. Đó không phải là một banner quảng cáo, mà là một thông điệp. 

Ancelotti nói rõ lý do Real bị vùi dập, Xavi khẳng định 'game' dễ hơn dự kiến

Ancelotti nói rõ lý do Real bị vùi dập, Xavi khẳng định 'game' dễ hơn dự kiến Trên thánh địa Santiago Bernabeu, thật khó tin là Real Madrid lại có thể thua Barcelona với tỷ số 0-4.

Barcelona nhấn chìm Real Madrid: Gã khổng lồ đã trở lại

Barcelona nhấn chìm Real Madrid: Gã khổng lồ đã trở lại Barcelona vừa có chiến thắng 4-0 ngay trên sân nhà của Real Madrid và thắng lợi này chính là cột mốc đánh dấu cho sự trở lại của gã khổng lồ xứ Catalan

“Tôi muốn gặp lại các bạn” là thông điệp ngắn gọn trên banner ấy. Kèm theo dòng chữ màu xanh dương trên nền đỏ là chân dung góc nghiêng của Joan Laporta. 

QUẢNG CÁO

Người đàn ông 59 tuổi với kinh nghiệm chính trường và sức mê hoặc, rõ ràng đã sẵn sàng cho cuộc bầu cử chủ tịch Barça. Không chỉ người Madrid phì cười mỉa mai, ngay cả những đối thủ của Laporta thời điểm đó cũng nhạo báng ông. 

“Mẹ kiếp! Joan, ông đúng là luôn rất giỏi chuyện này. Nhưng banner không giúp mang lại Champions League, xây SVĐ mới hay giúp CLB xóa nợ. Quan trọng phải là dự án cơ. Cứ chờ đến ngày 24 tháng 01 mà xem!” Đối thủ Victor Font của Laporta trong cuộc bầu cử châm biến.

Chuyện về sau thì ai cũng đã rõ. Laporta đắc cử chức chủ tịch Barça. Đội bóng của Ronald Koeman thi đấu bết bát. HLV người Ha Lan bị sa thải. Xavi trở về nhà. 

12 trận đấu đầu tiên dưới thời Xavi, Barça chỉ có 5 chiến thắng, còn lại là 4 hòa và 3 thua. Đội bóng này bị loại ngay từ vòng bảng Champions League, dừng bước ở vòng 1/8 Cúp nhà Vua và rời Siêu cúp Tây Ban ở bán kết. Một trong ba trận thua đó của Barça là trước Real Madrid ở bán kết Siêu cúp, với tỷ số 2-3. 

Trong phòng thay đồ sau trận đấu ấy, Laporta tuyên bố với các cầu thủ: “Đây chính là con đường. Chúng ta chỉ thiếu mỗi chiến thắng thôi. Nhưng tôi chắc chắn nếu cứ tiếp tục đi trên con đường này, chiến thắng rồi sẽ đến.”

Laporta rất giỏi gieo nên những hy vọng, như ông đã từng làm trong suốt chiến dịch tranh cử của mình. Dù sau đó, ông khiến không ít người hâm mộ Barça tức giận, khi không thể giữ Messi ở lại với Camp Nou. Nhưng lần này, có lẽ Laporta đã đúng. 

Nếu phải chọn ra một cột mốc đánh dấu sự chuyển mình của Barça thời Xavi, đó phải là trận thua 2-3 trước Real Madrid. Rất nhiều thứ bắt đầu được thành hình về lối chơi của Barça kể từ thời điểm ấy. Một cấu trúc 4-3-3 luôn gắn liền với thương hiệu Barça, nhưng mang những tinh hoa của thứ bóng đá đương thời. 

Cụ thể, khối đội hình khi triển khai bóng giống với 2-3-5 hoặc 3-2-5 tùy vào sự lựa chọn nhân sự ở vị trí hậu vệ cánh, các tiền đạo cánh đứng cao bám biên để kéo chiều ngang sân, một số 9 di chuyển rộng và biết lùi về sâu để kết nối bóng, các tiền vệ số 8 luôn di chuyển theo trục dọc để tấn công vòng cấm, ít nhất một hậu vệ cánh luôn dâng lên tham gia tấn công, và gia tăng cường độ pressing. 

Tuy Barça thua, nhưng những tín hiệu lạc quan đã thật sự đến. Ít nhất, sau một quãng thời gian dài lạc lối, Barça cuối cùng cũng cho thấy họ đủ bản lĩnh và trình độ để đương đầu trước những ông lớn. Nhưng trên hết, là một niềm tin vào triết lý. Và triết lý ấy trước tiên phải vui đã. Pep Guardiola từng nói khi bắt đầu dẫn dắt Barça vào mùa giải 2008/09 rằng ông không hứa sẽ có thể mang về những danh hiệu, nhưng ông cam đoan đội bóng sẽ mang lại niềm vui và sự thỏa mãn cho các CĐV. Xavi có lẽ cũng đã chọn đi theo một lộ trình như vậy.

Thời điểm Xavi bắt đầu công việc của mình tại mái nhà xưa, Jorge Valdano từng viết trên tờ El Pais, đại ý rằng: Xavi sẽ tìm cách khôi phục lại niềm tin chiến thắng, niềm tin vào triết lý và bản sắc, rồi từ đó những kết quả sẽ đến dựa trên nền móng ấy. Mọi thứ đúng là đã diễn ra theo cách như vậy ở Camp Nou. 12 trận đấu tiếp theo, Barça của Xavi chỉ thua thêm đúng 1 lần, còn lại là chuỗi 11 trận bất bại liên tiếp với 8 chiến thắng. 

Rạng sáng nay, trong ngày Real Madrid kỷ niệm tuổi 120 với bộ trang phục màu đen được thiết kế bởi Yohji Yamamoto, Barça – trong bộ trang phục Senyera đậm chất Catalunya, nâng thành tích lên thành 12 trận bất bại với 9 chiến thắng. 

Đáng nói, họ đè bẹp đội chủ nhà 4-0 trong một thế trận vượt trội mọi mặt (như cách nói của chính hậu vệ Nacho). Thông số giá trị bàn thắng kỳ vọng phản ánh, đội chủ nhà chỉ đạt 0,83 – trong khi của Barça là 4,18. Real Madrid qua đó trở thành đội bóng thứ 6 thủng lưới 4 bàn trước Barça tính từ tháng 02 năm nay. Trước đó là những Atletico Madrid, Valencia, Napoli, Athletic Bilbao và Osasuna.

Sai lầm của Madrid và một Barça tân thời

Real Madrid thiếu đi Karim Benzema là mất đi một phần sức mạnh đáng kể. Không chỉ là cầu thủ ghi bàn nhiều nhất LaLiga hiện tại, tiền đạo người Pháp còn dẫn đầu luôn cả danh sách kiến tạo. Dữ liệu từ LaLiga đánh giá, ảnh hưởng của Benzema lên Real Madrid chỉ xếp sau mức ảnh hưởng của Nabil Fekir lên Real Betis. Bên cạnh đó, không có Benzema, cánh trái – cánh tấn công chủ đạo của Los Blancos thông qua Vinicius – dễ bị vô hiệu. 

Giai đoạn đã qua, khi Benzema gặp chấn thương, Carlo Ancelotti đã tiến hành thử nghiệm nhiều phương án. Lúc thì Real Madrid đá với hai tiền đạo (Jovic và Mariano), lúc thì kết hợp bộ ba (Isco, Asensio và Rodrygo), thậm chí dùng cả Bale trong vai trò mũi nhọn cao nhất trên hàng công (như trước Villarreal). Để rồi rạng sáng nay, chiến lược gia người Italia thử nghiệm Luka Modric trong vai trò của một số 9 ảo (chính xác thì theo cách nói của Carletto là Modric đá số 10).

Trong xuyên suốt hiệp 1, rất khó xác định hệ thống Real Madrid sử dụng trước Barça là gì. 4-1-2-1-2? 4-3-3? 4-4-2 hoặc có lẽ là 4-2-4? Sự vắng mặt của Benzema đơn giản là không thể khỏa lấp và trở thành một nguyên nhân cho cấu trúc bất định này. Bốn tiền vệ của đội chủ nhà là Casemiro, Kroos, Valverde và Modric đều có thời điểm lùi về hàng thủ, đều có thời điểm theo kèm Busquets trong khâu triển khai bóng từ trên phần sân nhà của Barça, đều có thời điểm dâng lên rất cao như một tiền đạo. Sự không rõ ràng đến từ chính kế hoạch vạch ra. 

Ancelotti còn phạm sai lầm khi điều chỉnh hệ thống vào đầu hiệp 2, sắp xếp một hàng thủ 3 người (khi rút Carvajal khỏi sân). Đội chủ nhà nhận ngay bàn thua thứ ba chỉ 2 phút sau khi hiệp 2 bắt đầu. Ancelotti cuống cuồng quay trợ lại với hàng thủ 4 người khi kéo Casemiro về đá trung vệ, nhưng rồi bàn thua thứ tư tiếp tục đến chỉ vài phút sau. 

Sau trận, Carletto nói rằng: “Chúng tôi thua không phải vì thiếu đi Karim. Chúng tôi đã cố chơi pressing tầm cao, nhưng đối thủ thoát được và khi họ dẫn trước, mọi thứ bắt đầu trở nên khó khăn. Tôi sử dụng Modric như một số 10, với ý đồ đưa quả bóng từ tuyến dưới lên trên và tìm kiếm những khoảng trống với Rodrygo, Valverde và Vinicius. Hệ thống ấy đã vận hành không tốt, tôi là người chịu trách nhiệm.”

Nếu mọi thứ đã sai ngay từ đầu với Real Madrid, thì ngược lại, Barça của Xavi vẫn vậy. Đó chính là một Barça mà Xavi đã xây dựng suốt thời gian qua, đúc rút từ chính trận thua 2-3 trước Real Madrid hồi giữa tháng 01 năm nay. 

Thời điểm đó, cách tiếp cận của Barça cực kỳ mạo hiểm. Ví dụ điển hình là bàn thua đầu tiên trước Real Madrid ở bán kết Siêu cúp Tây Ban Nha, khi vị trí của Busquets bị Benzema gây áp lực từ phía sau, dẫn tới mất bóng, và Los Blancos liền lập tức phát động tấn công về cánh trái để tận dụng tốc độ của Vinicius. 

Để giúp khu vực trung tuyến kiểm soát thế trận và chống phản công tốt hơn, giai đoạn về sau, Xavi thường kéo Dani Alves hoặc Jordi Alba bó vào trong, như những “inverted fullback” giống cách Pep Guardiola sử dụng Kyle Walker hoặc Joao Cancelo ở Man City. Biện pháp này giúp Alves và Alba hạn chế việc phải đua tốc độ chống phản công khoét cánh của các tiền đạo cánh đối phương, đồng thời phát huy khả năng chuyền bóng của họ.

Trước Real Madrid rạng sáng nay, để an toàn hơn trong việc phong tỏa Vinicius, Xavi không sử dụng Alves trong đội hình xuất phát, thay vào đó là một trung vệ trẻ trung giàu sức chiến đấu Ronald Araujo bên hành lang cánh phải. Đổi lại, Jordi Alba ở cánh trái thường xuyên bó vào hành lang trong và trung lộ.

Trên hết, Xavi hiểu rõ sức mạnh tấn công của Real Madrid nằm trong các pha chuyển đổi trạng thái, tức phản công. Vậy nên, Barça không ngần ngại dùng đến các tình huống phạm lỗi chiến thuật để dập tắt nguy cơ từ trong trứng nước. Hình ảnh Busquets và Pedri lần lượt kéo áo, ôm lấy Militao và Modric đầy thô thiển trong hiệp 1 cho thấy rõ quyết tâm chống phản công bằng mọi giá của đội khách.

Dẫu vậy, chính hệ thống tổ chức pressing cường độ cao của Barça đã ngăn cản Real Madrid thoải mái lên bóng. Dưới thời Xavi, cường độ lẫn số lượng các tình huống gây áp lực của Barça gia tăng rõ rệt. Nhìn vào thông số gây áp lực mỗi 90 phút, Barça của Xavi trung bình thực hiện 135,9 pha gây áp lực (so với 128,5 thời Koeman). Để đánh giá rõ hơn chất lượng pressing, chúng ta dựa vào số đường chuyền liên tiếp đối thủ thực hiện được trước khi có một hành động phòng ngự can thiệp của Barça; con số này hiện tại là 6,62 (so với 7,22 thời Koeman).

Dữ liệu từ LaLiga cho thấy, Barça của Xavi là đội có hàng thủ dâng cao nhất trong số 20 CLB ở giải đấu, ít nhất là cao hơn 1 mét so với đội bóng có hàng thủ dâng cao xếp thứ hai. Việc đẩy cao đội hình giúp Barça thu hẹp cự ly giữa các tuyến, nghĩa là hạn chế không gian chơi bóng của đối thủ, đồng thời rút ngắn chính quãng đường di chuyển gây áp lực của chính họ. Tuy không phủ nhận đây là một cách tiếp cận nhiều rủi ro, nhưng nó giúp Barça có thể thu hồi đoạt lại bóng ngay trên phần sân gần với khung thành đối phương hơn. Barça vì thế dẫn đầu LaLiga ở các hạng mục tỷ lệ thu hồi bóng, phần trăm số pha thu hồi bóng nhanh và phần trăm các tình huống khiến đối phương mất bóng ngay ở 1/3 sân cuối.

Xavi thời quần đùi áo số tuy thích phong cách lãng mạn cực đoan, nhưng khi trở thành HLV, anh cũng đủ thực tế để tỏ ra thực dụng khi cần thiết. Nhìn vào cả 4 bàn thắng Barça ghi được tại Santiago Bernabeu, tất cả đều phản ánh thứ bóng đá phá vỡ những quan niệm truyền thống về đội bóng này, đó là tạt cánh đánh đầu, phạt góc và bóng dài phất lên cho các tiền đạo cánh.

Đầu tiên là việc Barça thời Xavi luôn đề cao vai trò của những tiền đạo cánh, những người như đã nói luôn dâng cao bám biên để kéo dãn chiều ngang sân tối đa. Ngay từ thời còn dẫn dắt CLB Al-Sadd, Xavi đã luôn chú trọng triển khai lối chơi thông qua các tiền đạo cánh.

Trước Real Madrid, hai tiền đạo cánh của Barça là Ferran Torres ở cánh trái và Ousmane Dembele ở cánh phải luôn trở thành điểm đến cho các tình huống bóng dài hoặc chuyển cánh từ các cầu thủ làm bóng ở tuyến dưới. Những tiền đạo cánh một khi có bóng ở biên, có thể kéo sâu xuống sát đáy đường biên ngang để tạt bóng, căng ngang, trả ngược về tuyến hai, hoặc tự mình cầm bóng đối mặt một-một tấn công vòng 16m50.

Có thể nói, tạt bóng đã trở thành một đường nét tấn công của Barça dưới thời Xavi. Tính đến trước trận El Clasico rạng sáng nay, Barça của Xavi đã thực hiện tổng cộng 332 quả tạt từ hai biên tại LaLiga, 86 trong số đó thành công và có 63 tình huống tạt bóng được kết thúc bằng một pha dứt điểm. Barça giờ đây có đến khoảng 20% số tình huống đưa bóng vào vòng cấm đối thủ là thông qua các quả tạt, tỷ lệ cao nhất xét từ năm 2018 (trung bình các mùa giải trước tỷ lệ này chưa tới 13%).

Bàn mở tỷ số của Aubameyang xuất phát từ tình huống trung vệ Pique cầm bóng qua vạch giữa sân để mở ra biên phải cho Dembele. So với Adama Traore, Dembele có lợi thế chơi tốt cả hai chân, giúp anh trở nên biến hóa trong các pha rê dắt đảo trụ. Dembele nhờ đó vượt qua Nacho, xuống sát đáy biên và tạt vào trong cho tiền đạo người Gabon đánh đầu thành bàn.

Bàn thắng nâng tỷ số lên 3-0 cũng bắt nguồn từ tình huống phát động bóng bổng của Araujo lên vị trí của Dembele, bóng được Alaba phá ra trước khi bị Frenkie De Jong gây áp lực thu hồi, rồi sau vài nhịp phối hợp trong thế 3 đánh 3, Aubameyang kiến tạo điệu nghệ cho Ferran Torres ghi bàn.

Bàn thắng thứ tư chung cuộc cũng đến từ một đường bóng dài chéo sân của Pique dành cho Ferran Torres ở biên trái thoát xuống đón lấy, trước khi kiến tạo cho Aubameyang lốp bóng lập công.

Ngày Laporta bước ra tranh cử, ông gửi đi một thông điệp đến người Madrid. Ngày công chúng đến với Santiago Bernabeu sau một thời gian dài để theo dõi trận cầu El Clasico, cũng là ngày Xavi và Barça trở lại. Sau 5 thất bại liên tiếp và 3 năm liền không biết đến mùi chiến thắng trước đại kình địch, cuối cùng Barça đã trở lại, nhưng đó là một Barça đã thay hình đổi dạng so với hình dung của nhiều người, hiện đại, cường độ cao và trực diện hơn. Người hâm mộ Barça nói lời cảm ơn dành cho Xavi, nhưng cũng hãy cảm ơn cả Real Madrid.

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Nhà phân tích bóng đá

Có thể bạn thích