Trang chủ     Bóng đá thế giới   /   Góc Le Foot: Pedri và quyền trượng “pausa”

Góc Le Foot: Pedri và quyền trượng “pausa”

Gần như mọi so sánh đều sẽ đặt Pedri vào khuôn của Andres Iniesta. Thật vậy! Pedri giống Iniesta ở nhiều điểm. Nhưng chàng trai tuổi 19 này còn giống với cả Xavi, Busquets, Guardiola, Gundogan, Luka Modric hay David Silva,… Bởi tất cả họ đều nắm trong tay quyền trượng mang tên “pausa”.

Pedri khiến Ivan Rakitic ngã nhào, đến lượt Diego Carlos cũng trở thành nạn nhân. Khi thời gian và không gian được nới ra, cậu đặt quả bóng vào mành lưới Yassine Bono và cầu trường Camp Nou với 76.112 người như muốn nổ tung. 

Đón đá tảng Barcelona về Old Trafford, Man Utd duyệt chi 40 triệu euro

Đón đá tảng Barcelona về Old Trafford, Man Utd duyệt chi 40 triệu euro Dù đã chiêu mộ Raphael Varane trong phiên chợ Hè 2021, thế nhưng Man Utd vẫn cần tìm kiếm thêm trung vệ bởi lúc này.

Barca - Arsenal cạnh tranh gay gắt chữ ký sao Leeds United

Barca - Arsenal cạnh tranh gay gắt chữ ký sao Leeds United Fabrizio Romano mới đây đã khẳng định Arsenal đang rất cần một tiền đạo và họ đã nhảy vào cuộc chiến giành chữ ký Raphinha với Barca.

QUẢNG CÁO

Mới cách đó 2 tuần, cũng với những vũ điệu ấy, Pedri biến khoảng sân trong vòng cấm Galatasaray thành vườn nhà. Từ những cú nhứ, cú ngoặt, Pedri nhấn nút “Pause”, khiến không gian và thời gian phải ngưng tụ, cậu thao túng dòng chảy của chúng. 

Bàn thắng ấy của Pedri có thể không đứng đầu vòng đấu, có thể không phải là cú đá tuyệt mỹ nhất trong mắt nhiều người – dù cảm xúc và tầm quan trọng mà nó mang đến, tựa ngàn vàng – nhưng cái cách cậu nhào nặn nên nó, là một phong cách của những bậc thầy. 

Khi còn thi đấu cho Las Palmas dưới trướng Pepe Mel, Pedri chủ yếu chơi trong vai trò của một cầu thủ kiến thiết ở biên của sơ đồ 4-1-4-1 hoặc 4-2-3-1, với sự tự do di chuyển theo chiều dọc lẫn chiều ngang sân. Đến khi sang Barça, trong một cấu trúc 4-3-3, Pedri được Xavi xếp đá trong vai trò của một số 8, khu vực hành lang trong cánh trái là chủ yếu. 

Điều đó có nghĩa rằng Pedri không những có một sự chuyển dịch về vị trí thi đấu, mà bản thân còn phải thích ứng với một không gian xử lý bóng phức tạp hơn. Vì sao?

Vì trong một cấu trúc đội hình, xét theo chiều dọc, vị trí càng đổ dần lên cao, càng có nhiều áp lực. Ở đây là áp lực của đối thủ bủa vây. Áp lực ấy càng khác nhau nếu xét theo chiều ngang sân. Chơi ở biên, áp lực khác với ở trung lộ. Một cầu thủ chơi ở trung lộ luôn cần làm chủ không gian 360 độ. 

Pedri mang trong mình tài năng để không chỉ chơi được, mà còn chơi xuất sắc trong vai trò của một số 8 như vậy. Sự tinh tế, kỹ thuật của người Brazil; cường độ của người Đức; khả năng chuyền bóng của người Tây Ban Nha; và cảm quan không gian của người Hà Lan. Ở Pedri hội đủ cả. 

Pedri có thể không to con, lực lưỡng để đâm đầu vào những màn tranh chấp tay đôi đầy sức nặng, nhưng sự khéo léo giúp cậu làm chủ được quả bóng và tư duy nhanh nhạy giúp cậu đi trước đối phương một nhịp xử lý. 

Nếu những ai vẫn còn nghi ngờ về vóc dáng còi cọc kia của Pedri liệu có phù hợp với thứ bóng đá đương đại, thì có lẽ họ đã quên một chi tiết. Theo thống kê từ UEFA, Pedri là cầu thủ có quãng đường di chuyển nhiều thứ 3 tại Euro 2020, với 76,14km – chỉ sau Kalvin Phillips (82,99km) và Jorginho (86,61km), những cầu thủ của hai đội tuyển vào chơi trận chung kết. Nếu đào sâu hơn, ở hạng mục quãng đường di chuyển khi kiểm soát bóng, Pedri là người dẫn đầu, với 38,23km – Jorginho và Kalvin Phillips xếp thứ hai và thứ tư, với lần lượt 33,12km và 30,98km. 

Ngày đó, báo chí Tây Ban Nha thậm chí còn ví Pedri như N’Golo Kante. Thân hình mảnh khảnh, nhỏ con không bao giờ đồng nghĩa với một thể trạng “phi thể thao”.

Còn khi nói về cường độ, trung bình mỗi 90 phút, Pedri tham gia gây áp lực lên đối thủ 27,95 lần. Nếu đánh giá dựa trên mức bách phân vị, số lần gây áp lực đó của Pedri xếp 98, tức nhiều hơn 98% số cầu thủ chơi ở hàng tiền vệ trong 5 giải đấu hàng đầu châu Âu. 

Khi không bóng, số hành động mang đến cơ hội dứt điểm (chuyền, rê dắt, bị phạm lỗi) mà Pedri tạo ra trung bình mỗi 90 phút, đạt 3,42 lần (đạt bách phân vị 94). 

Nếu có một điểm gì đó được xem là khuyết điểm lớn nhất của Pedri, có lẽ là việc cậu không chịu được cái lạnh, điều từng khiến chàng trai này chỉ gắn bó với Real Madrid được khoảng một tuần trong đợt thi sát hạch nhiều năm về trước. 

Nhưng đánh giá và trao cơ hội cho một cầu thủ trẻ luôn là một canh bạc. 

Khi Pedri còn chơi bóng ở quê nhà, ông Delgado, HLV đội trẻ Tegueste, từng nhận định: “Lúc Pedri 9 tuổi, cậu ấy làm tôi nhớ đến Iniesta. Từ cái nhìn đầu tiên, tôi đã thấy cậu ấy có gì đó đặc biệt. Pedri chơi thứ bóng đá đơn giản, cậu ấy không tìm cách xỏ háng đối thủ hay làm những động tác đảo chân. Cậu ấy chỉ làm những gì cần làm, vào đúng thời điểm. Sự khác biệt của Pedri nằm ở cách cậu ấy quan sát, ghi nhận trận đấu, tìm kiếm các khoảng trống và cả sự chững chạc so với bạn bè đồng trang lứa. Sự đơn giản cũng là thứ chúng ta nhìn thấy trong phong cách của Iniesta. Nhưng để chơi được thứ bóng đá như thế, bạn phải có tài năng.”

Ít ra thì đến thời điểm này, Delgado không còn cô độc. Từ những Ronald Koeman, Luis Enrique, Xavi, cho đến cả Julen Lopetegui của Sevilla mới đây,… đều buông lời khen dành cho Pedri đầy tự nhiên. 

Khi Xavi nói “Pedri khiến tôi nhớ về Iniesta, cậu ấy kiểm soát thời gian và không gian”, anh đang nói về cái gọi là “pausa” – một nghệ thuật xử lý bóng của người Tây Ban Nha. Không dưới 2 lần, khái niệm “pausa” này từng được Xavi nhắc đến, khi nói về Pedri. 

 “Pausa” nôm na là “Pause” trong tiếng Anh, là một khái niệm nói về hành động giữ bóng trong chân thêm một nhịp, một giây, để… chờ đợi đúng khoảnh khắc thả quả bóng đến một địa chỉ mới. Đó là sự điềm tĩnh trong chốn hỗn mang. 

Nghe thì có gì đâu to tát, nhưng những HLV như Pep Guardiola hay Xavi lại rất đề cao yếu tố pausa này. Đó là lý do vì sao với Man City ngày trước, nếu David Silva không thể ra sân, Gundogan sẽ thường xuyên là người được chọn. Vì cũng như Silva, Gundogan có pausa, thứ mà Kevin De Bruyne – dù có thể là cầu thủ quan trọng nhất của The Citizens – không có. 

“Pausa trong bóng đá là tốc độ. Bóng đá mà không có pausa sẽ chậm, vì nó thật hỗn loạn,” là câu nói mà Angel Cappa, một trong những người ảnh hưởng đầu tiên lên triết lý bóng đá của Pep, từng nói. 

Song, đừng vì thế mà đánh đồng rằng một cầu thủ có pausa sẽ hay hơn người không có. Không phải vậy! Pausa đơn giản chỉ là một kỹ năng, có người có, có người không, tùy phong cách. Tương tự như vậy, tùy vào triết lý lối chơi mà từng HLV mong muốn, họ sẽ muốn có cầu thủ sở hữu pausa hay không. 

Với những người theo trường phái như Guardiola, những số 8 có pausa giúp mang lại sự cân bằng. Khi lối chơi luôn xoay quanh những đường chuyền, không chỉ tấn công mà từ ý đồ phòng ngự, những đường chuyền là thứ quyết định. Không phải lúc nào chuyền bóng ban bật cũng cần phải thật nhanh. Nếu chuyền bóng quá nhanh, các vị trí di chuyển đến hoa cả mắt, một khi mất bóng, khối đội hình cũng dễ rơi vào trạng thái hỗn loạn và từ đó không thể chống phản công tốt. 

Một nét tĩnh lặng, chậm rãi đôi khi giải quyết mọi vấn đề. Đôi khi, người cầm bóng pausa, chờ thêm đúng một nhịp, đồng đội mới ở vị trí thuận lợi hơn để nhận một đường chuyền. Đôi khi, người có bóng pausa, nhấn nhá thêm một nhịp, đối thủ nhấc người sang một bên, khoảng trống mở ra. 

Và đó là cách Pedri đã làm, trước Galatasaray và Sevilla. Cậu pausa, chậm lại vài nhịp, đối thủ nhấc người, ngã xuống cản phá một đường bóng không bao giờ được thực hiện. Đến khi đường bóng thật sự được tạo hình, đã là quá muộn. 

Trong một thời đại mà không gian trên sân dần biến mất, bởi sự gấp gáp, hối hả và sự lên ngôi của thứ bóng đá pressing cường độ cao, những người như Pedri mang đến hơi thở từ tốn trong từng đường bóng. Hóa ra, không gian và thời gian vẫn tồn tại. 

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Nhà phân tích bóng đá

Có thể bạn thích