Trang chủ     Bóng đá thế giới   /   Góc Le Foot: Ronaldo có thể 'tồn tại' dưới thời Ralf Rangnick

Góc Le Foot: Ronaldo có thể 'tồn tại' dưới thời Ralf Rangnick

Đừng bao giờ dừng đặt cược vào Cristiano Ronaldo. Sau một tuần lễ đầy thị phi và biến động, từ việc phải ngồi dự bị trong trận hòa 1-1 của Man Utd trước Chelsea tại Stamford Bridge, cho đến câu chuyện “factos” hậu Quả bóng vàng 2021, quả bóng lăn trở lại trên sân và cũng chính nơi ấy, tại Nhà hát của những giấc mơ, trước Arsenal, Cristiano Ronaldo muốn khẳng định lại bản thân hơn bao giờ hết. Đó cũng là lời khẳng định mà CR7 muốn gửi tới vị tân thuyền trưởng Ralf Rangnick dự khán trên khán đài vào đêm qua.

Trước tiên, hãy nói một chút về cuộc đấu được mong chờ tại Old Trafford. Một trận cầu mà ở đó, chúng ta chứng kiến một trong những bàn thắng lạ kỳ nhất, khi David De Gea ngã xuống sau tình huống bị đau bởi chính người đồng đội Fred gây ra và Emile Smith Rowe sút quả bóng vào khung thành không được trấn giữ. Một trận cầu mà ở đó, cũng chính Fred lại góp dấu giày trong 2 trên 3 bàn thắng của chủ nhà, từ pha kiến tạo để Bruno Fernandes gỡ hòa 1-1, cho đến tình huống mang về quả penalty dành cho Ronaldo.

Ronaldo vượt mốc 800 bàn trong sự nghiệp từ 2 cú đúp trước Arsenal làm nổ tung Old Trafford

Ronaldo vượt mốc 800 bàn trong sự nghiệp từ 2 cú đúp trước Arsenal làm nổ tung Old Trafford Trong cuộc đối đầu “sinh tử” bùng nổ sân Old Trafford đêm qua, Cristiano Ronaldo đã lập cú đúp ở phút 52 và 70 qua đó ấn định chiến thắng 3-2 trước Arsenal.

Cấu kết với Juventus để trục lợi, Ronaldo chính thức bị cảnh sát Ý sờ gáy

Cấu kết với Juventus để trục lợi, Ronaldo chính thức bị cảnh sát Ý sờ gáy Ngôi sao đang thuộc biên chế của Man United Cristiano Ronaldo đang phải đối mặt với cảnh ra tòa vì bi nghi có liên quan đến vụ bê bối tài chính của Juventus.

Nhưng đáng chú ý trong cả hai dấu ấn đó của Fred, chúng ta bắt gặp một đường nét tấn công chung. Một kịch bản gần như tương tự khi Jadon Sancho có bóng ở cánh trái, tìm cách ngoặt vào trong hoặc đưa quả bóng vào vòng 16m50 và Fred đều băng lên ở trung lộ, tiếp cận vòng cấm của Arsenal để nhận bóng. Không khó để kết luận rằng, trong 3 trận đấu ngắn ngủi dưới sự tiếp quản tạm quyền của Michael Carrick, Fred và Sancho là những cá nhân đã chơi nổi bật nhất.

QUẢNG CÁO

Và đương nhiên, đó còn là một trận cầu mà Ronaldo lập cú đúp bàn thắng để cán mốc 800 và 801 bàn thắng trong sự nghiệp. Trong lịch sử bóng đá nhân loại, chưa từng có một cầu thủ nào chạm đến cột mốc ấy trước Ronaldo. Bằng một công thức đơn giản, Ronaldo đưa ra lời thách thức với tất cả: Chỉ cần ghi được 20 bàn đều đặn trong từng mùa giải trong suốt 40 năm, bạn sẽ có được 800 bàn. Phải, suốt 40 năm!

Khi nói về “facto”, thì đây là một facto đáng chú ý chúng ta cần biết. Khi Ronaldo 19 tuổi, anh từng ghi 2 bàn vào lưới Arsenal ở mùa giải 2004/05 tại Highbury. Đêm qua, anh tiếp tục lập một cú đúp khác trước cùng nạn nhân, khi đã ở tuổi 36. Nhiều thế hệ cầu thủ đã được sản sinh và tiếp nối trong suốt 17 năm cách biệt ấy, nhưng Ronaldo vẫn hiện diện, vẫn thi đấu đỉnh cao và vẫn săn bàn.

Mùa giải hiện tại, cú đúp vào lưới Arsenal giúp Ronaldo có được 12 bàn trên mọi mặt trận, chưa kể còn thêm 5 bàn nữa trong màu áo tuyển quốc gia. Sau những West Ham, Villarreal và Atalanta, lại thêm một trận cầu mà Ronaldo góp phần mang đến sự khác biệt.

Những câu hỏi vì lẽ đó sẽ lại tiếp tục được đặt ra, nhưng ngày càng khó trả lời hơn. Chúng ta đã nói với nhau rất nhiều lần rằng Ronaldo ở cái tuổi này, với phong cách thi đấu xưa nay của mình, vốn không phải là một sự lựa chọn phù hợp cho thứ bóng đá cường độ cao, pressing tầm cao của Ralf Rangnick. Nhưng khi mà anh cứ ghi bàn đều đặn để mang về những chiến thắng cho Quỷ đỏ, phải chăng, không phải Ronaldo, mà chính vị tân thuyền trưởng 63 tuổi mới là người cần phải thích ứng với hoàn cảnh?

Đấy lại là một câu hỏi hóc búa mà chúng ta sẽ phải chờ đợi xem thời gian sẽ mang đến câu trả lời như thế nào. Nhưng có vài thứ tất cả cần phải làm rõ. Ai nấy cũng đều nói về Rangnick-ball, về thứ bóng đá của Ralf Rangnick. Song, rốt cuộc, thứ bóng đá ấy trông ra làm sao, trông như thế nào? Những quan niệm chúng ta thường có về thứ bóng đá của Ralf Rangnick có đúng như những gì diễn ra trên thực tế và qua các dữ liệu thống kê hay không? Hay có những thứ chỉ là... truyền thuyết?

Tính đến nay, trong sự nghiệp cầm quân thực chiến của mình, có đúng 2 lần Ralf Rangnick mang đến những cơn hốt hoảng cho mảnh đất Bundesliga. Đó là thời còn tại Hoffenheim và khi ông dẫn dắt RB Leipzig.

Giai đoạn từ 2006 đến 2011, chiến lược gia người Đức biến Hoffenheim từ một đội bóng ở giải hạng 3 trở thành một gương mặt thường xuyên hiện diện ở Bundesliga. Hoffenheim của Rangnick trình làng một lối chơi chưa từng thấy ở giải đấu cao nhất nước Đức. CLB là tập hợp của những cầu thủ địa phương bị các đội bóng khác của Đức ngó lơ và những cầu thủ nước ngoài vô danh bấy giờ như Carlos Eduardo và Luiz Gustavo đến từ Brazil, tiền đạo người Nigeria Chinedu Obasi và Demba Ba của Senegal. Cùng với nhau, họ chinh phục các đối thủ bằng thứ bóng đá pressing mạch lạc, hấp dẫn, cường độ cao với những đường chuyền theo trục dọc.

Cựu HLV đội tuyển Đức, Joachim Low sau khi chứng kiến màn trình diễn của Hoffenheim trước đội bóng đầu bảng Bayern Munich vào tháng 12 năm 2008, đã phải thốt lên rằng: “Đó có lẽ là trận đấu tốc độ nhất tại Bundesliga từ trước đến nay. Một thứ bóng đá với chất lượng thuần túy và nó quảng bá cho hình ảnh của giải đấu này.” Dù ngày hôm ấy, Hùm xám Bavaria thắng chung cuộc 2-1 sít sao, nhưng đoàn quân của Rangnick chiếm được cảm tình của tất cả. Tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung từng viết “Ngôi sao của Hoffenheim chính là hệ thống của họ”.

Chỉ tiếc rằng, quãng thời gian này, những dữ liệu thống kê chuyên sâu chưa được thu nhặt hoặc ít nhất không được phơi bày công khai, gần như rất khó để có một cái nhìn tường tận và đầy đủ để đánh giá.

Riêng với lần gần nhất Rangnick tiếp quản ghế nóng một đội bóng, chính là mùa 2018/19 tại RB Leipzig, một kiệt tác trong sự nghiệp của HLV người Đức ở những nơi ông từng kinh qua, chúng ta mới nhìn thấu được thế nào là lối chơi của một đội bóng được Rangnick dẫn dắt.

Từ những thông số và dữ liệu chuyên sâu của FBREF và StatsBomb, chúng ta hiểu được rằng, RB Leipzig mùa 2018/19 của Ralf Rangnick có những đặc điểm nổi bật. Họ là một tập thể trẻ trung, với độ tuổi ra sân trung bình chỉ là 24, thuộc hàng trẻ nhất châu Âu trong suốt 5 mùa giải nay. Họ khiến các đối thủ chuyền bóng hỏng rất nhiều, trung bình chỉ đạt tỷ lệ chuyền bóng chính xác là 74,7%. Họ có cường độ gây áp lực và tỷ lệ gây áp lực thành công rất cao. Họ ưu tiên những đường chuyền ngắn thay vì chuyền dài, với cự ly giữa các tuyến chặt chẽ, ít các pha lật cánh chéo sân. Đồng thời, đội bóng của Rangnick luôn chú trọng chuyền bóng thẳng về phía trước, theo trục dọc để tịnh tiến bóng tốc độ cao. Và cuối cùng là họ tạo ra tỷ lệ áp đảo ở phần sân đối phương ngang ngửa những tập thể như Man City, Bayern Munich hay Liverpool hiện tại.

Thoạt trông, gần như mọi yếu tố vừa chỉ ra đều cho thấy rằng Rangnick-ball hay thứ bóng đá của Ralf Rangnick là một kiểu heavy metal đầy cuồng nhiệt, đòi hỏi và vắt kiệt sức của mọi vị trí trên sân, dựa trên nguyên tắc 8 giây đoạt lại bóng và 10 giây để ghi bàn. Nhưng hãy khoan! Nếu chú ý vào yếu tố “cường độ gây áp lực”, chúng ta sẽ thấy thực chất, RB Leipzig mùa giải 2018/19 của Rangnick không phải là một trong những đội bóng pressing quyết liệt nhất xét trong 5 giải hàng đầu châu Âu ở 5 mùa giải nay.

Chính xác thì Rangnick là mẫu HLV thích phòng ngự chắc chắn hơn là tìm cách gây áp lực lên đối thủ mọi lúc mọi nơi một cách điên cuồng. Vị HLV 63 tuổi chỉ đạo đội bóng của ông pressing có chủ đích ở từng khu vực, các cầu thủ lựa chọn những thời điểm phù hợp nhất để tung ra đợt pressing sao cho mỗi khi đã gây áp lực là hiệu quả đạt được phải rất cao, thay vì lao vào đối thủ vô tội vạ và tốn sức. Leipzig của Rangnick đúng là thường có xu hướng phòng ngự chủ động ngay trên phần sân đối phương, nhưng tỷ lệ gây áp lực ở ⅓ giữa sân và ⅓ cuối sân đối phương của Leipzig thực chất cũng chỉ cao hơn mức trung bình ở Bundesliga lần lượt là 2,4% và 2,7%. Mức độ chênh lệch rõ ràng là không quá lớn như chúng ta có thể nghĩ tới.

Thực tế, chỉ có đệ tử của Ralf Rangnick là Ralf Hasenhuttl khi còn dẫn dắt RB Leipzig là mới đẩy cao đội hình và quân số để gây áp lực điên cuồng trên phần sân đối phương. Trong khi Leipzig của Rangnick lại chọn duy trì khối đội hình thấp hơn và hướng tới sự chắc chắn, chặt chẽ, để áp đảo quân số ở những vùng không gian nhỏ, đặc biệt là khu vực ⅓ giữa sân và từ đó tổ chức đoạt bóng phản công tức thì.

Vì lẽ đó, với một cầu thủ trung bình mỗi 90 phút hiện tại chỉ thực hiện 6,36 hành động gây áp lực - một con số thuộc hàng rất thấp của Premier League - như Ronaldo, đất dụng võ dành cho anh dưới thời Rangnick không phải không có.

Một quan niệm khác cũng thường gắn liền với Rangnick là việc ông chỉ thích sử dụng những cầu thủ trẻ. Vì ông cho rằng những cầu thủ vừa trẻ, vừa khỏe vừa có tư duy nhạy bén sẽ dễ ngoan ngoãn và chịu tiếp thu hơn những cầu thủ lớn tuổi. Và vì những cầu thủ lớn tuổi sẽ muốn chơi bóng chậm lại, và tư duy của họ cũng bớt nhạy bén hơn. Song, điều này nếu áp vào trường hợp của Ronaldo e là quá khiên cưỡng, khi CR7 là một cá nhân bị ám ảnh bởi chiến thắng, không muốn dừng lại và thậm chí có thể gọi là hiếu thắng. Anh sẽ không cho phép bản thân có sự thỏa hiệp.

Có thể nói, thứ được xem là bestseller ngày nay là câu chuyện về thứ bóng đá tân thời pressing, gây áp lực tầm cao, chuyển đổi trạng thái tức thời. Song, những lời giải hoàn toàn có thể được tìm thấy ngay cả khi sử dụng những cầu thủ như Ronaldo trong đội hình, những người mà rõ ràng gạt qua câu chuyện tuổi tác, thì phong cách thi đấu xưa nay của anh là để dành nguồn năng lượng và sự tỉnh táo cho những pha bóng mang đến đầu ra sản phẩm là các bàn thắng.

Cách đây chưa lâu, Carlo Ancelotti của Real Madrid có nói một phát biểu đáng suy ngẫm như thế này: “Nếu tôi có Modric và Kroos, tôi đâu thể mong đợi đội bóng của mình chơi pressing tầm cao. Tôi sẽ không khác gì thằng ngu nếu không chơi phản công nếu có một tiền đạo cánh như Vinicius, một cầu thủ như thể được gắn động cơ mô tô dưới chân. Tôi sẽ đưa ra một ví dụ khác: Nếu tôi có Ronaldo, tôi sẽ tìm cách để cả hệ thống phân phối bóng cho cậu ấy thường xuyên nhất, chứ không phải bắt cậu ấy lãng phí sức lực đuổi theo bóng hay lùi về phòng ngự.”

Chưa hết, trong một cuộc trả lời các độc giả trên tờ The Athletic mới đây, cây bút chuyên mảng chiến thuật nổi tiếng là Michael Cox – khi được hỏi về việc vẫn còn những đội bóng, chẳng hạn như PSG, sử dụng các cầu thủ tấn công xuất sắc nhưng những người này ít tham gia vào giai đoạn phòng ngự tầm cao – đã trả lời rằng: “Nếu sở hữu Messi hay Ronaldo, một đội bóng vẫn có thể để cho phép một cầu thủ gần như không làm gì khi tổ chức phòng ngự. Vấn đề được đặt ra là ở góc độ chiến thuật, những đồng đội xung quanh họ cần phải hiểu và chấp nhận điều đó. Thực tế ấy yêu cầu một sự đồng cảm và thấu hiểu, gắn kết về mặt tinh thần, mối quan hệ giữa các cầu thủ trên sân, thay vì yêu cầu về khía cạnh thể chất.”

Vậy nên, Ronaldo không nên là vấn đề đau đầu với Ralf Rangnick hay Man Utd, bởi thứ giá trị tốt nhất và vẫn còn hiệu quả nhất anh đang mang đến chính là các bàn thắng. Các cá nhân khác của Quỷ đỏ có lẽ cũng hiểu rõ giá trị mang lại này của siêu sao người Bồ Đào Nha. Bài toán đặt ra dành cho HLV người Đức, là dung hòa hệ thống, một hệ thống có sự hiện diện của Ronaldo trên hàng công, thay vì tìm cách loại bỏ anh.

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Nhà phân tích bóng đá

Có thể bạn thích