Trang chủ     Bóng đá   /   Hàng công La Roja: Morata bị la ó và tiếng vọng lịch sử

Hàng công La Roja: Morata bị la ó và tiếng vọng lịch sử

Kiểm soát bóng 85,1% - cao nhất trong một trận đấu tại vòng chung kết Euro kể từ năm 1980, chuyền bóng 917 lần – gấp 5,6 lần đối thủ, nhưng không ghi được bàn nào. Tây Ban Nha bị chỉ trích là nhàm chán, còn Alvaro Morata thì bị chính CĐV nhà huýt sáo. Nỗi lo hàng công, nỗi lo bàn thắng, người Tây Ban Nha đã mang nỗi lo ấy suốt nhiều năm rồi.

Từ Alvaro Morata…

Khi Alvaro Morata được thay ra trong trận gặp Thụy Điển trên sân nhà La Cartuja trước sự chứng kiến của 12517 CĐV, những tiếng la ó, huýt sáo vang lên ầm ĩ. 66 phút trên sân, chân sút người Tây Ban Nha bỏ lỡ ít nhất 2 cơ hội ăn bàn, 1 trong số này là tình huống đối mặt với khung thành Thụy Điển. Trận đấu kết thúc, La Roja bị cầm hòa 0-0.

Euro 2020 và song đề “số 9”

Euro 2020 và song đề “số 9” Giroud tự ái vì không được nhồi bóng nhiều, Morata bị CĐV nhà la ó vì bỏ lỡ những cơ hội mười mươi, Harry Kane bị truyền thông Anh chỉ trích vì từ bỏ đi thứ vũ khí lợi hại nhất của mình, Lewandowski nhớ Bayern Munich...

Ảnh chế Tây Ban Nha vs Thụy Điển: Thần rừng trở lại và lợi hại hơn xưa

Ảnh chế Tây Ban Nha vs Thụy Điển: Thần rừng trở lại và lợi hại hơn xưa Thụy Điển đổ bê tông và cầm hòa xuất sắc đội chủ nhà Tây Ban Nha. Morata và các đồng đội có một ngày thi đấu thật thất vọng.

Trước thềm Euro 2020, anh từng nói trên tờ nhật báo AS: “Bóng vào lưới, bạn lên trang nhất, còn không, bạn bị ném phân tứ bề.” Sáng hôm sau, gương mặt thất vọng của Morata xuất hiện trên nhiều tờ báo thể thao của Tây Ban Nha, anh cũng bị ném phân tứ bề.

QUẢNG CÁO

Luis Enrique không thích cách ông bị đặt câu hỏi về việc sử dụng Morata làm mũi nhọn cao nhất trên hàng công đội tuyển: “Ừ thì chắc họ (các CĐV) rành bóng đá hơn tôi rồi. Morata đóng góp nhiều hơn những gì các bạn nghĩ.” Lucho xưa nay thích ném đá và bị ném đá, nhưng ông chả ngán vướng vào tranh cãi.  

Morata

Morata 'ăn phân tứ bề' sau trận gặp Thụy Điển

Cái đóng góp mà Enrique nhắc tới, xuất phát từ lối chơi của Tây Ban Nha, là những tình huống Morata chịu lùi về nhận bóng, hút theo hậu vệ đối phương và mở ra khoảng trống sau lưng cho đồng đội chiếm lĩnh. Ngay cả khi như vậy, đã là tiền đạo thì phải ghi bàn – sẽ có người phản biện.

Song, đấy lại là cuộc tranh luận muôn thuở, như chính lời than thở của Enrique. Và cũng chính nhà cầm quân 51 tuổi mới hôm qua khẳng định, ông vẫn sẽ tiếp tục đặt niềm tin vào Morata cho trận đấu trước Ba Lan.

Một thống kê trên tờ Independent chỉ ra, kể từ năm 2008 – cột mốc mở đầu cho 4 năm đại thành công trong lịch sử nền bóng đá Tây Ban Nha – nếu cộng tất cả số phút phải chờ đợi trước khi bàn thắng đầu tiên được ghi trong các trận đấu ở những sân chơi lớn của đội tuyển này, kết quả cho ra 1644 phút. Nghĩa là 1 ngày 3 giờ và 24 phút chờ. Trung bình mỗi trận của La Roja, người xem sẽ phải chờ trung bình 54,8 phút để chứng kiến bàn thắng đầu tiên của họ.

Thật ra, con số trung bình ấy của Tây Ban Nha vẫn còn đỡ hơn so với Bồ Đào Nha (58,2 phút), Pháp (61,7) và Italia (64,2) xét trong cùng giai đoạn từ Euro 2008. Tuy nhiên, vì lối chơi thiên về kiểm soát bóng, Tây Ban Nha dễ dàng bị chỉ trích hơn.

Cho đến lịch sử

Trước kỷ nguyên thống trị của tuyển Tây Ban Nha ở bình diện châu lục lẫn thế giới, trận đấu cuối cùng của họ ở một sân chơi lớn là thất bại 1-3 trước Pháp trong khuôn khổ vòng 16 đội World Cup 2006.

Ngày hôm ấy, tại Hanover, Luis Aragones tung ra sân một đội hình xuất phát với cả thảy 3 mũi nhọn trên hàng công: Raul Gonzalez, David Villa và Fernando Torres. Thời đó, Raul là đội trưởng, Villa là chân sút ổn định nhất LaLiga, còn Torres là dạng lính trẻ. Cách bày binh bố trận này tuy vậy phá sản, khi đầu hiệp 2, Raul và Villa được thay bằng những tiền vệ biên là Luis Garcia và Joaquin.

“Nhà hiền triết xứ Hortaleza” đã chơi lớn, trong cơn say mà nhiều thập kỷ nền bóng đá Tây Ban Nha mới trải qua. La Roja vốn không quen với cảnh tượng nhiều trung phong chất lượng xuất hiện trong cùng một thời kỳ.

Bằng chứng là cả Villa, Raul và Torres vẫn đang là 3 chân sút ghi nhiều bàn thắng nhất trong lịch sử đội tuyển nước này. Hai người xếp sau lại chẳng phải là những tiền đạo, gồm David Silva và Fernando Hierro – một trung vệ!

Những cầu thủ ghi bàn nhiều nhất cho tây Ban Nha

Những cầu thủ ghi bàn nhiều nhất cho tây Ban Nha (Nguồn: FootyRoom)

Trước thế hệ của những Villa, Raul và Torres, tên tuổi lừng danh và gần nhất trong dòng thời gian là Emilio Butragueno của thế hệ “kền kền trắng” Real Madrid. Còn lại, đều là những bô lão thời đen trắng: Pichichi thập niên 20, Telmo Zarra thập niên 40-50, Alfredo Di Stefano những năm 50 – nhưng là người Argentina “nhập tịch”, Quini những năm 70-80, hay Hugo Sanchez của năm 80.

Người Tây Ban Nha đơn giản là thiếu đi những mẫu trung phong vòng cấm cổ điển theo khuôn mẫu Gerd Muller của Đức hay Gary Lineker của Anh.

Argentina, enganche và số 9 ảo

Người Anh mang bóng đá đến với Huelva, miền Nam Tây Ban Nha. Nhưng dấu ấn lớn nhất mà người Anh để lại nằm ở miền Bắc đất nước, tức xứ Basque. Từ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, cho đến những đặc tính nổi trội về gene giúp người xứ Basque hợp với thứ bóng đá truyền thống “kick and rush” của Anh quốc. Điều này cũng lý giải vì sao Athletic Bilbao là thế lực thống trị Tây Ban Nha suốt những năm 30. Và những chân sút lẫy lừng đầu tiên trong lịch sử bóng đá của đất nước như Pichichi hay Telmo Zarra đều là huyền thoại Athletic Bilbao.

Song, lịch sử bóng đá Tây Ban Nha sang trang bởi người Argentina. Tour lưu diễn xuyên Đại Tây Dương của San Lorenzo vào năm 1946 đã trở thành bản lề thay đổi tư tưởng cả nền bóng đá đất nước bán đảo Iberia. Bằng thứ bóng đá kỹ thuật, điệu nghệ, đội bóng của Argentina năm đó khiến các ông lớn nhất Tây Ban Nha lẫn đội tuyển quốc gia nước này được dịp mở mang tầm mắt. Người Tây Ban Nha bái phục đến nỗi họ gọi San Lorenzo là “đội bóng mạnh nhất thế giới”.

Khi LaLiga “bế quan tỏa cảng” vào năm 1962, họ cấm mọi cầu thủ nước ngoài đến Tây Ban Nha chơi bóng. Song, ngoại lệ là những “oriundos”, tức cầu thủ ngoại mang nguồn gốc Tây Ban Nha. Hầu hết những oriundos này lại đến từ Argentina. Suốt một thời kỳ, Tây Ban Nha đầy rẫy cầu thủ Argentina. Dấu ấn lớn nhất đến từ “mũi tên bạc” Di Stefano.

Di Stefano - Mũi tên bạc thành Madrid

Di Stefano - Mũi tên bạc thành Madrid

Khi Di Stefano đến Tây Ban Nha vào năm 1953, tất cả đều nghĩ ông đá trung phong cắm, vị trí số 9. Nhưng rồi, huyền thoại của Real Madrid chép lại mọi cuốn sách chiến thuật truyền thống của Tây Ban Nha, thông qua phong cách chơi bóng khoáng đạt, thường xuyên lùi về, kết nối và vận hành cả đội bóng.

Dòng chảy Argentina cứ tiếp diễn, cho đến những thời kỷ của Cesar Luis Menotti, Jorge Valdano, Diego Maradona, Ariel Ortega, Pablo Aimar, Juan Roman Riquelme và rồi Lionel Messi.

Sau thời đại Di Stefano, người Argentina tiếp theo thay hình đổi dạng bóng đá Tây Ban Nha nhiều nhất phải là Lionel Messi. Những ngày đầu đặt chân đến Barcelona, khi được hỏi vị trí muốn chơi nhất trên sân, Messi đã trả lời: enganche.

Trong tâm tưởng của người Argentina, vai trò của một enganche luôn gắn với chiếc áo số 10 huyền thoại. Nhưng hệ thống 4-3-3 vốn dĩ chẳng có chỗ cho một số 10 và đấy lại là hệ thống bất khả xâm phạm trong lịch sử Barcelona. Từ đấy, mới có chuyện Pep Guardiola đã biến Messi thành một số 9 ảo như thế nào. Số 9 ảo trong quan niệm của Pep, của Barcelona, của người Tây Ban Nha lại chính là enganche của người Argentina.

Lịch sử ra đời số 9 ảo được biết đến ở châu Âu không xuất phát từ Barcelona, bởi nó đã tồn tại từ những năm 30, với Matthias Sindelar của Áo hay Nandor Hidegkuti của Hungary. Sau này, kỷ nguyên bóng đá hiện đại từng chứng kiến số 9 ảo Totti của Roma thời Luciano Spalletti, hay cả Man Utd của Sir Alex Ferguson với những Tevez, Rooney và Ronaldo không cố định vị trí trên sân,… Song, số 9 ảo Messi của Pep Guardiola mới được xem là vươn đến mức độ hoàn hảo.

Messi

Messi đã đặt ra một tiêu chuẩn cao hơn về sự hoàn hảo của một số 9 ảo ở thời kỳ Pep dẫn dắt Barca

Nhưng nếu nói tuyển Tây Ban Nha đã phải đợi đến thời kỳ Pep dẫn dắt Barcelona để tìm ra công thức chiến thắng thì e là quá tự hạ thấp bản thân. Nên xem đó là một quá trình tiếp thu hơn là sao chép. Bởi thực tế, La Roja ở kỳ Euro 2008 đã khởi đầu với 2 mũi nhọn trên hàng công là Villa cùng Torres, cho đến khi chân sút của Valencia gặp chấn thương ở phút 34 trong trận bán kết.

Để trám chỗ Villa, Luis Aragones dùng đến Cesc Fabregas và Torres bấy giờ đã chủ công. Ấy thế mà cách điều chỉnh này lại cho thấy hiệu quả ngoài mong đợi. Tây Ban Nha kiểm soát thế trận tốt hơn và cũng ghi bàn nhanh hơn. La Roja đánh bại Nga 3-0 để giành quyền vào chơi trận chung kết, nơi họ hạ gục Đức 1-0 để lên ngôi vô địch.

Đến kỳ World Cup 2010, Del Bosque một lần nữa đưa tuyển Tây Ban Nha bước lên đỉnh cao khi chỉ sử dụng một tiền đạo mũi nhọn trong hệ thống 4-2-3-1, là Villa. Đặc biệt là trận thắng 1-0 trước Đức, màn trình diễn ưu tú nhất của La Roja trên đất Nam Phi mùa hè năm ấy.

Số 9 ảo chỉ thật sự hiện diện trong cách chơi của Tây Ban Nha ở Euro 2012. Đây cũng là giai đoạn Villa, Pedro hợp cùng Messi tạo thành bộ ba MVP nổi danh, trong đó ngôi sao người Argentina chơi như một số 9 ảo.

Trước thềm Euro 2012, Del Bosque mất đi Villa vì chấn thương và đành phải gọi triệu tập Torres – người đã không còn phong độ như trước, Fernando Llorente cùng Alvaro Negredo. Nhưng trong những chiến thắng quan trọng nhất, gồm hai trận đầu-cuối trước người Italia, hay trước Pháp ở tứ kết, Del Bosque đều sử dụng hệ thống 4-3-3 mà không có lấy một trong phong hay tiền đạo nào. Bộ ba cao nhất ở những trận đấu này luôn là David Silva – Cesc Fabregas – Andres Iniesta, trong đó Fabregas đá số 9 ảo.

Nhìn vào dòng chảy thời gian từ World Cup 2006, đến Euro 2008, World Cup 2010 và Euro 2012, tuyển Tây Ban Nha đã đi theo trình tự giảm dần tiền đạo: từ 3, xuống 2, còn 1 và cuối cùng là 0. La Roja đã từng có một thời như thế và lịch sử nền bóng đá nước này đã luôn là những cuộc tranh luận xoay quanh vị trí tiền đạo.

Hoàng Thông Le Foot

Thethaoso247.com & BLV Anh Quân cùng hợp tác để mang đến mùa hè Euro sôi động cho khán giả.

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Nhà phân tích bóng đá

Có thể bạn thích