Trang chủ     U23 Châu Á   /   Lê Văn Xuân: Mùa xuân của U23 Việt Nam

Lê Văn Xuân: Mùa xuân của U23 Việt Nam

Đối diện với hệ thống phòng ngự 2 tầng của U23 Đài Bắc Trung Hoa, U23 Việt Nam “thế hệ mới” đã gặp muôn vàn khó khăn trong việc tìm đường tiếp cận khung thành, ở thử thách chính thức đầu tiên khi trình làng người hâm mộ. Trái ngược với hai thế hệ đàn anh, U23 Việt Nam hiện tại được đánh giá là không sở hữu những cá nhân xuất chúng tạo đột biến, mẫu cầu thủ như Công Phượng hay Quang Hải. Rốt cuộc, chúng ta vẫn giành chiến thắng với cách biệt tối thiểu, đến từ sự tỏa sáng của một cầu thủ nổi tiếng vì sự “bình thường” trong thế hệ “bình thường” mới mẻ này, đó chính là Lê Văn Xuân.

Lê Văn Xuân không phải là gương mặt quá lạ lẫm đối với người hâm mộ thường xuyên theo dõi V League và CLB Hà Nội. Cùng với người đồng niên Bùi Hoàng Việt Anh, Văn Xuân là một trong hai cầu thủ trẻ có bước thăng tiến ngoạn mục nhất trong màu áo tím ở hai mùa giải gần nhất. Ít ai biết rằng, Văn Xuân đã gia nhập biên chế Hà Nội từ đầu năm 2018 sau khi tốt nghiệp từ Trung tâm PVF, nhưng chặng đường phát triển của cầu thủ này cho thấy sự phát triển điển hình có tầng bậc của một cầu thủ trẻ, dẫu bình thường và phần nào lạ lẫm nếu đặt cạnh cơ hội tạo ra cho hai lứa đàn anh U23.

Đây là cái tên mà U23 Việt Nam kỳ vọng nhất vào lúc này

Đây là cái tên mà U23 Việt Nam kỳ vọng nhất vào lúc này Ngoài bàn thắng cực kỳ quý giá cùng sự hoạt động năng nổ của Lê Văn Xuân ở hành lang cánh trái, điểm sáng hiếm hoi và quyết định của U23 Việt Nam là cầu thủ vào sân từ ghế dự bị - Nguyễn Hai Long.

U23 Việt Nam thiết lập kỷ lục mới ngàn năm chưa đạt được

U23 Việt Nam thiết lập kỷ lục mới ngàn năm chưa đạt được Sau trận thắng U23 Đài Loan, đội tuyển U23 Việt Nam đã lập thêm nhiều kỷ lục hết sức ấn tượng.

Hãy nhớ lại cột mốc bước ngoặt cho lứa cầu thủ 1995-1996 gồm phần lớn là nhóm tài năng trẻ thuộc biên chế lò đào tạo JMG. Bất chấp những thành công nhất định trước đó tại cấp độ U18-U19 Quốc gia, trình độ thực tế của những Công Phượng, Xuân Trường hay Văn Toàn chỉ đối mặt với thách thức thực sự khi được Bầu Đức ưu ái đôn lên thẳng Đội 1 vào đầu năm 2015. Hình hài đầy trẻ trung ấy của đội bóng Phố Núi đã suýt chút nữa khiến họ xuống hạng khi chỉ thành công trụ lại V League ở vòng đấu cuối cùng giữa những nghi vấn về sự dàn xếp kết quả.

QUẢNG CÁO

HAGL đã có màn ra mắt lứa 95-96 đầy thất vọng

Sự nhọc nhằn của Hoàng Anh Gia Lai còn kéo dài tới nhiều mùa giải kế tiếp, khi nòng cốt là những cầu thủ trẻ U23 khiến họ hầu như không thể vươn lên nổi nửa trên bảng xếp hạng, chứ chưa nói tới việc cạnh tranh ngôi vương. Tuy nhiên, nếu không có cơ hội cọ xát và trải nghiệm sớm đến vậy, liệu chúng ta có được thấy những trụ cột đầy kinh nghiệm trong màu áo ĐTQG hiện tại? Thế nhưng, không phải đội bóng nào cũng là HAGL và không phải chủ tịch đội bóng cũng là ông Đoàn Nguyên Đức. Trên thực tế, cầu thủ trẻ tại Việt Nam phải trải qua con đường phát triển chông gai hơn thế rất nhiều.

Nếu coi tuổi 18-19 là cấp độ cuối cùng của đào tạo trẻ như thông lệ toàn cầu, khi cầu thủ đủ độ tuổi trưởng thành và đã hoàn thành chương trình văn hóa phổ thông, bước tiếp theo sẽ là con đường chuyên nghiệp, tập trung toàn bộ sức lực phấn đấu để biến nghề cầu thủ trở thành cần câu cơm chính cho bản thân. Dẫu vậy, hệ thống bóng đá thiếu hoàn chỉnh tại Việt Nam khiến những cầu thủ trẻ thiếu đi trầm trọng cơ hội cọ xát bước đệm thể hiện bản thân. Đơn giản, ít HLV nào dám đặt niềm tin vào những cầu thủ mới đôi mươi để làm trụ cột, nếu không đối diện với sức ép ngoài chuyên môn.

Lê Văn Xuân may mắn khi được tạo điều kiện thi đấu cực kì thường xuyên ngay từ cấp độ trẻ tại PVF. Sau Giải Nhi đồng toàn quốc thành công trong màu áo quê hương Thanh Hóa năm 2010, Văn Xuân cùng một số cầu thủ khác, trong đó có đồng đội hiện tại ở Hà Nội và U23 Việt Nam là Lê Xuân Tú lọt vào mắt xanh của tuyển trạch viên PVF. Kể từ đó, Xuân đều đặn góp mặt trong các giải đấu thường niên ở cấp độ trẻ, từ U13-U15-U17-U19 trong màu áo đội bóng từng thuộc quyền quản lí của Tập đoàn Vingroup.

Văn Xuân trở thành người hùng trong trận đấu vừa rồi

Nhờ vào chương trình thi đấu tích hợp tại PVF, khuyến khích cầu thủ trẻ được thi đấu trong hệ thống bóng đá bán chuyên nghiệp (Hạng Nhì & Hạng Ba) song song với giải trẻ quốc gia, Văn Xuân tích lũy cho bản thân số lượng trận đấu chính thức hết sức dạn dày. Riêng trong năm 2016, Xuân có tên trong danh sách đăng kí thi đấu của 4 đội hình PVF khác nhau, xuất trận tại U17-U19-U21 và Hạng Nhì Quốc gia và đem về cho mình xấp xỉ 45 trận chính thức, chưa tính giao hữu trong nước và quốc tế. Chính từ nền tảng được thi đấu liên tục và thường xuyên như thế, cầu thủ trẻ mới có cơ hội phát triển và nâng cấp bản thân. Chúng ta thường xuyên đề cao những khía cạnh về cơ sở vật chất hay giáo trình giáo án là yếu tố quan trọng đánh giá sự thành công của một học viện. Nhưng không, tất cả những yếu tố đó sẽ vô nghĩa nếu không có trận mạc thực chiến.

Ngay cả khi được PVF chuyển giao cho Hà Nội sau quá trình đào tạo, Lê Văn Xuân cũng khó lòng có ngày hôm nay nếu chỉ ngồi dự bị. Đơn cử, nếu nhìn vào hai cầu thủ khác cũng thuộc biên chế CLB Thủ đô và cùng lứa U23 hiện tại với Xuân là Đặng Văn Tới và Nguyễn Hồng Sơn, dù được đôn lên đội 1 từ rất sớm, việc không thể cạnh tranh vị trí với đàn anh và phải ngồi dự bị trong thời gian dài đã ảnh hưởng tiêu cực tới sự tiến bộ bản thân. Người ta thường nói sự nghiệp cầu thủ ngoài năng lực còn cần tới “thời vận”, một cụm từ cảm tính. Thế nhưng, thực tế đã chứng minh chọn điểm rơi “thời vận” thế nào cho phù hợp với cấp độ phát triển là điều hoàn toàn lí tính và có thể tính toán.

Trước khi được gọi trở lại Hà Nội vào đầu năm 2020, Lê Văn Xuân trải qua hai mùa giải thi đấu liên tiếp tại Hạng Nhất trong màu áo Hà Nội B và Hà Tĩnh. Chúng ta có thể đánh giá chất lượng Hạng Nhất không cao, nhưng chắc chắn việc này vẫn hữu ích hơn là ngồi dự bị mài ghế tại V League, có tiếng nhưng không có miếng. Từ trường hợp của Văn Xuân, chúng ta chợt nhớ lại hình ảnh của Quả bóng Vàng 2019, tiền vệ hàng đầu Việt Nam hiện nay, Đỗ Hùng Dũng.

Lê Văn Xuân đảm nhiệm hành lang cánh trái của Hà Nội FC (Ảnh: Bongdaplus.vn)

Sự nỗ lực và chăm chỉ của Hùng Dũng sẽ là vô ích, nếu cầu thủ sinh năm 1993 không được tạo điều kiện thi đấu ở cấp độ thấp hơn trong màu áo Hà Nội B những năm 2013 tới 2015. Quy luật phổ thông của sự vươn lên trong bóng đá nói riêng và thể thao nói chung là tính liên tục. Chỉ cần không thi đấu hay hoạt động trong thời gian ngắn, thể trạng của vận động viên chắc chắn giảm sút. Chuyên nghiệp còn thế, nói gì tới cầu thủ trẻ, vốn yếu cả thể trạng lẫn thiếu cả kinh nghiệm?

Đã quá lâu chúng ta sống trong kì tích của các đội tuyển Việt Nam với hình ảnh chủ đạo là những cá nhân đột biến. Nhưng trong bóng đá, phép màu là thứ hiếm khi xuất hiện với tần suất liên tiếp. Có lẽ đã tới lúc, chúng ta cần chấp nhận một hiện thực “bình thường mới”, với những cầu thủ “bình thường”, trưởng thành từ tốn qua từng cấp bậc đào tạo, như thông lệ bình thường của bóng đá thế giới. Và để chấp nhận quá trình phát triển đầy sốt ruột ấy, sự kiên trì và góc nhìn khoan dung là hai suy nghĩ không thể thiếu.

Suy cho cùng, thành tích tại các cấp độ trẻ không thể quan trọng bằng đóng góp tiềm năng của cá nhân cầu thủ ở cấp độ cao nhất, như đội 1 tại CLB hay ĐTQG. Bàn thắng của Lê Văn Xuân vào lưới U23 Đài Bắc Trung Hoa không chỉ mang ý nghĩa mùa xuân ngắn ngủi trong phạm vi một thắng lợi đơn thuần. Nó biểu thị cho một tương lai với mùa xuân dài hạn, nếu bóng đá Việt Nam chấp nhận điều chỉnh theo con đường mà Xuân đã đi.

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Chuyên gia phân tích

Có thể bạn thích