Trang chủ     Bóng đá thế giới   /   Man Utd cần vĩnh biệt thứ bóng đá “cắt - dán”

Man Utd cần vĩnh biệt thứ bóng đá “cắt - dán”

Thất bại trước Man City không choáng váng về tỷ số như thất bại trước Liverpool nhưng về chất lượng lối chơi thì có thể nói là “đáng gây shock”. Và nếu không nói thì thôi, còn đã nói tới, Solskjaer vẫn phải là tâm điểm…

Trước khi dẫn quân đến Old Trafford, Pep Guardiola có một phát biểu mà ít ai để ý tới. “Chúng tôi không có những phẩm chất để chơi thứ bóng đá mà Liverpool đã trình diễn trước Man Utd và do đó, chúng tôi chơi theo một cách khác”, Pep đã trả lời như thế khi báo chí hỏi ông đại khái Man City rút được kinh nghiệm gì từ trận Man Utd - Liverpool hay không. Và chốt lại, Pep nói thêm “Bóng đá không phải là trò ‘cắt - dán’ (copy and paste). Sau thất bại trước Liverpool, họ đổi sang chơi hàng thủ 3 trung vệ và cho kết quả tốt trước Tottenham nên họ giữ luôn nó cho trận Atalanta. Nhưng khi Varane chấn thương, họ quay lại với hàng thủ 4 người. Chúng ta hãy chờ xem họ sẽ làm gì tiếp theo.”.

[Góc Hà Quang Minh] Man Utd: Thua từ ngoài đường biên

[Góc Hà Quang Minh] Man Utd: Thua từ ngoài đường biên May mà Man Utd không thua nát như từng thua trước Liverpool cách đây 2 tuần. Nhưng cái thua lần này cũng chẳng khác gì những lần thất bại khác của họ khi ngoài đường biên vẫn là một Solsa với gương mặt vô hồn…

Thi đấu bế tắc, MU phơi áo trước Man City

Thi đấu bế tắc, MU phơi áo trước Man City Cập nhật tỷ số, diễn biến, kết quả trận đấu Man United vs Man City ngày 6/11 vòng 11 Ngoại Hạng Anh.

QUẢNG CÁO

Pep đã chủ động cất Grealish và dùng cặp cầu thủ thuận chân theo hai biên

Phát biểu của Pep, ở trước trận cầu, khiến người nghe không quá ấn tượng vì nghĩ rằng nó đầy tính ngoại giao khi Pep đề cao Liverpool đồng thời vẫn xem Man Utd là một bí ẩn. Nhưng khi trận derby đã trôi qua rồi, chúng ta mới thấy điều Pep đã nói sâu sắc vô ngần. “Trò cắt và dán”, nó là một đòn cân não búa bổ lên Solsa. Nó chứng tỏ Pep đọc được hết bài của HLV Man Utd và biết thừa Man Utd sẽ làm gì. Thêm vào đó, khi được hỏi tại sao lại cất Grealish, Pep nói đơn giản đại ý rằng trận này ông cần người chơi biên nào thì thuận chân bên ấy.

Rõ ràng, Pep bộc lộ ngay bản lĩnh bậc thầy chiến thuật của mình ngay từ lúc họp báo và sẵn sàng mở bài trước khi bóng lăn. Việc không để một cầu thủ tấn công chơi trái kèo (inverted) là ý đồ Pep quá rõ. Hai biên của ông, là Foden và Jesus, không cắt vào trung lộ để đánh vào nội biên (half-space) mà thay vào đó, họ chủ trương bám biên hơn để sẵn sàng tạt bóng chân thuận với đích đến rất rõ: bóng xoáy về cột xa và điểm rơi là sau lưng hàng thủ Man Utd.

Để hai biên của mình trở nên mạnh mẽ trong các đòn đánh như vậy, Pep dùng Gundogan, De Bruyne và Silva liên tục đảo vị trí và quấy phá khu vực trung lộ cùng hai nội biên của Man Utd. Họ đã thành công trong việc thu hút toàn bộ sự chú ý của các trung vệ, hậu vệ biên của chủ nhà và do đó, các đường tạt của Man City luôn khiến De Gea vã mồ hôi hột. Rõ ràng, Pep mang đến Old Trafford một Man City khác, một Man City không hề “cắt và dán” và bởi thế, Solsa cùng bộ sậu của mình có mổ băng cả năm cũng bằng thừa.

Một City rất khác đã được Solskjaer chứng kiến tại Old Trafford

Trong khi đó, cách Solsa dùng hàng thủ 3 trung vệ rồi sau đó thay người xoay lại hàng thủ 4 người đã bị Pep đọc vanh vách, Solsa đã “cắt và dán” gần như toàn bộ cái hệ thống mà Man Utd thể hiện trước Atalanta và nó bị Pep đọc vị ngay từ khi bóng còn chưa lăn. Chính nhờ đọc vị Solsa dùng sơ đồ 3-4-1-2 mà Pep mới chủ trương để Man City tấn công biên bằng các đường tạt như đã nói ở trên. Và cơ bản nhất, quyết sách, kế hoạch trận đấu của Man City là do Pep đích thân thò tay vào chuẩn bị. Việc tham khảo các trợ lý tuy có nhưng không mang tính quyết định chút nào.

Còn Solsa thì sao? Hãy nghe Rio Ferdinand bình luận chúng ta sẽ hiểu thêm. Rio cho rằng để giúp Solsa làm tốt hơn, Man Utd cần một bộ sậu kinh nghiệm hơn nữa. Rio không chê chất lượng của những Carrick hay McKenna nhưng Rio đánh giá họ còn quá trẻ, chưa đủ tuổi đời lẫn tuổi nghề. Đúng là ở Man Utd, lối quản trị phân nhiệm rất rõ, việc của Solsa là thâu tóm chung còn các trách nhiệm cụ thể về kỹ - chiến thuật được chia cho các trợ lý nhưng nếu cứ đổ lỗi cho trợ lý thì không ổn. Trợ lý là do ai chọn, ngoài Solsa? Và muốn dùng được người giỏi, bản thân lãnh đạo cũng phải hiểu nghề để tránh tình trạng cấp dưới “lấy chuyên môn ra loè lãnh đạo”.

Và hơn hết, nếu muốn các trợ lý giàu kinh nghiệm, giỏi chiến thuật để phục vụ Solsa thì Man Utd kiếm đâu ra lúc này? Chẳng một ai chấp nhận làm việc cho người mà họ không phục cả. Những người giỏi nghề sẽ mơ đến chuyện trở thành HLV trưởng thay vì làm trợ tá cho một “gương mặt trẻ thơ đã không còn là sát thủ” nữa.

Solskjaer: Liệu ngày tạm biệt có còn xa?

Solsa đã mang lại gì cho Man Utd suốt 3 năm qua thì ai cũng rõ. Đổ lỗi cho những cầu thủ học trò cũng đã là thứ mà các “thần tử cuồng tín Solsa” vẫn hay làm rồi. Nhưng không lẽ để cứu Solsa, Man Utd cần phải thay mới đến 3/4 đội hình? Vậy thì Solsa đã và đang làm gì với những Van de Beek, Sancho đây? Nên nhớ, kể từ khi đến với Solsa, Sancho mất dạng hẳn và hiện nay còn không được gọi lên ĐTQG.

3 năm của Solsa là 3 năm “cắt và dán” đúng nghĩa, với một chu trình mà nhiều người vẫn nhắc tới của cái vòng luẩn quẩn “cứu thầy”. Vậy mà vẫn có những người tin rằng đấy mới chính là hướng đi của một Man Utd nhắm đến bền vững lâu dài. Thực sự khó hiểu vì chưa từng có CLB nào vươn tới thành công cũng như đạt được cái bền vững, chắc chắn nhờ vào lối bóng đá “cắt và dán” cả. Và cũng đã quá giới hạn chịu đựng của khá nhiều ủng hộ viên trung thành với Man Utd khi HLV trưởng của họ cứ cắt cắt, dán dán suốt tuần này qua tuần khác như thế. Hoặc là chia tay Solsa, hoặc là chính Solsa phải vĩnh biệt cái trò “cắt dán” rất trẻ con của mình.

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Chuyên gia phân tích bóng đá

Có thể bạn thích