Trang chủ     Bóng đá thế giới   /   Nhìn từ thất bại của tuyển Italia: Vấn đề đào tạo trẻ hay trường phái bóng đá?

Nhìn từ thất bại của tuyển Italia: Vấn đề đào tạo trẻ hay trường phái bóng đá?

Liệu có thật sự là nền bóng đá Italia chỉ chăm chăm học theo trường phái bóng đá của Pep Guardiola suốt 10-15 năm nay như những gì Fabio Capello mới đây tuyên bố? Liệu có thật sự nền bóng đá Italia không biết nhìn ra vấn đề của họ, không chịu thay đổi – nhất là công tác đào tạo trẻ? 

Khi thành công, nói gì cũng đúng; còn khi thất bại, biện minh gì cũng thành sai. Trong bóng đá, điều đó cũng là chuyện thường tình. 

Ten Hag đến Man Utd, Van Gaal khuyên một câu khiến nhiều người suy ngẫm

Ten Hag đến Man Utd, Van Gaal khuyên một câu khiến nhiều người suy ngẫm Louis van Gaal đã khuyên Erik ten Hag không nên trở thành huấn luyện viên tiếp theo của Manchester United chỉ vì lý do này

Giorgio Chiellini: “Rất khó để giải thích trận thua này”

Giorgio Chiellini: “Rất khó để giải thích trận thua này” Theo nhận định của trung vệ Chiellini, đội tuyển Ý đã để thua Bắc Macedonia bởi sự kém may mắn trong khâu dứt điểm.

Trước tiên, cách đây vài ngày, Fabio Capello từng nói: “Bóng đá Italia đã học theo Guardiola suốt 15 năm nay. Không còn những đường chuyền theo trục dọc hướng về phía trước hay sức mạnh thể chất nữa, các cầu thủ cũng không còn duy trì thói quen thực hiện những pha tắc bóng. Nói cách khác, chúng ta cần học theo phong cách bóng đá của Jurgen Klopp.”

QUẢNG CÁO

“Đội bóng duy nhất ở Italia hiện tại làm điều đó là Atalanta và hãy nhìn vào các kết quả của họ mà xem. Vincenzo Italiano cũng tìm cách làm điều tương tự, Alexander Blessin ở Genoa thậm chí còn mang đến một lối chơi cuồng nhiệt hơn cả Klopp. Trường phái bóng đá Đức là mô hình mà chúng ta cần noi theo, chúng ta không có được nền tảng kỹ thuật tốt để học tập cách làm của người Tây Ban Nha.”

“Chúng ta hiện đang không bắt kịp với lối chơi tốc độ và cường độ cao ở các giải đấu châu Âu. Nền bóng đá Italia thì không đủ những tài năng trẻ, nhưng vấn đề vẫn là nền tảng đã sai từ ý tưởng. Nên nhớ, chúng ta là đất nước của những đường chuyền về vị trí thủ môn.”

Victor Osimhen, Romelu Lukaku và Tammy Abraham từng chỉ là những tiền đạo dạng bình thường ở nước ngoài. Nhưng họ trở thành những nhà vô địch ở Italia. Rõ ràng chuyện này dấy lên những câu hỏi. Thỉnh thoảng, tôi bất ngờ khi đọc được một vài thông số, kiểu như ‘Cầu thủ X thực hiện 45 đường chuyền…’ OK, nhưng trong đó có bao nhiêu đường chuyền tạo ra cơ hội? Bao nhiêu đường chuyền thì thật sự có giá trị?”

Giải thích cho nhận xét đó của Capello, thì cơ bản cũng chỉ là câu chuyện về “gu”, về “khẩu vị” bóng đá của từng HLV. Mỗi một HLV có triết lý riêng. Nhìn vào sự nghiệp của Capello, dễ hiểu cho nhận định ấy của ông. Nhưng đấy cũng không phải lần đầu Capello nói lên quan điểm của ông, không hoàn toàn là chờ người khác thất bại mới “tát nước theo mưa”. Từ hồi vòng loại Euro 2020, Capello đã chẳng ưa gì thứ bóng đá mới mà Roberto Mancini mang đến cho Azzurri. Cũng chính HLV lão thành này từng mỉa mai phong cách chuyền bóng của Jorginho (dù sau này phải thừa nhận tầm quan trọng của tiền vệ khoác áo Chelsea). 

Trở lại với vấn đề chính là những câu hỏi đã nêu từ đầu, quả thực dòng chảy bóng đá nhanh đến nỗi chúng ta quên đi những gì từng được kể, từng được chỉ ra cách đó vài tháng, khi chúng vốn dĩ hoàn toàn có giá trị chứng minh. 

Ngày 05 tháng 7 năm 2021, tức trước cả khi Italia thật sự vô địch Euro 2020, cá nhân tôi từng kể lại câu chuyện về hai nhân vật: một là Maurizio Viscidi – điều phối viên kỹ thuật của Liên đoàn Bóng đá Italia, và hai là Antonio Gagliardi – giáo viên ở trường đào tạo HLV nổi tiếng của Italia (Coverciano). Thời điểm ấy, bài viết có nhan đề “Italia và cuộc cách mạng tư duy chơi bóng”. Cuộc cách mạng ấy đã diễn ra ở Italia từ hơn 10 năm về trước, với những nền móng được đặt bởi Arrigo Sacchi. 

Cụ thể, người Italia mở ra nhiều trận đấu cho các đội trẻ trước các đối thủ mạnh, thành lập đội U15, tách bạch các giải trẻ trong nước để các đội ưu tú ở Serie A và Serie B không còn tốn thời gian cho những trận đấu trước các đội nghiệp dư ở Serie C và Serie D, đồng thời bắt đầu chỉ dạy các HLV về những nguyên tắc có thể truyền đạt lại cho lứa thế hệ cầu thủ kế tiếp. Từ đó, năm 2013, lứa U17 của Italia vào đến chung kết châu Âu; cũng như cả lứa U21 với những Marco Verratti, Insigne và Immobile.

Sau khi Sacchi chia tay, công trình được trao lại cho chính Viscidi. Viscidi là người có tư tưởng phản văn hóa trong chừng mực. Ông không tin rằng DNA của bóng đá Italia chỉ là về phòng ngự và giành chiến thắng bằng lối chơi phản công. “Như thế không khác gì dạy một đứa trẻ ở trường chỉ biết đi sao chép,” Viscidi từng nói, như một tiếng vọng về sự đả phá của Sacchi đối với truyền thống catenaccio. 

Viscidi cho rằng người Italia đã để “chiến thuật” đi trước “tài năng” quá lâu trong khâu phát triển cầu thủ trẻ, đồng thời văn hóa tôn sùng HLV ở Italia đáng bị lên án bởi có quá nhiều nhà cầm quân mới nổi chỉ chăm chăm tạo dựng tên tuổi của họ thay vì giúp các cầu thủ thành danh.

Viscidi không xem các cầu thủ đơn thuần chỉ là những quân cờ trong sa bàn của người HLV. Ông muốn bản thân các cầu thủ phải tự tư duy. Để rồi kể từ đó về sau, bóng đá Italia qua các cấp độ được xây nên dựa trên 4 nguyên tắc cốt lõi và gói gọn thông qua 4 chữ cái viết tắt là C-A-R-P: Costruzione (triển khai bóng), Ampiezza (mở rộng chiều ngang sân), Rifinitura (tiếp cận thông qua khoảng trống giữa các tuyến và khu vực 1/3 sân cuối) và Profondita (khoảng trống sau hàng phòng ngự đối phương).

Gagliardi thì từng nói: “Hãy tưởng tượng những nguyên tắc này giống như chiếc bình trống rỗng cần được lấp đầy, bất kể bạn chơi thông qua sơ đồ nào. Mọi đội bóng đều cần có những cầu thủ biết triển khai bóng từ phía dưới, biết mở rộng chiều ngang sân tối đa, biết đánh chiếm không gian giữa hai tuyến và biết khai thác khoảng trống phía sau hàng thủ đối phương. Chỉ cần đổ đầy 4 chiếc bình này, bạn sẽ có một tập thể áp đảo cuộc chơi và mặt trận tấn công. Vai trò của mỗi cầu thủ trong đội bóng không còn là một vị trí trên sa bàn, mà là chức năng của cầu thủ ấy.”

“Đấy là điều mà tôi đã viết ra cách đây vài năm và đến giờ đã được chỉnh sửa, bồi đắp thêm. Điều này có nghĩa rằng trong bóng đá hiện đại, cụ thể là ở châu Âu, các cầu thủ không còn bị bó buộc vào một vị trí cố định trên sân. Một hậu vệ cánh mà chỉ biết chơi đúng với vai trò của một hậu vệ cánh là chưa đủ, anh ta còn phải biết rõ trọng trách của mình trong cách vận hành của cả tập thể. Chúng ta ngày càng chứng kiến nhiều hậu vệ cánh trở thành những cầu thủ kiến thiết thật sự, như Trent Alexander-Arnold ở Liverpool chẳng hạn. Chúng ta cũng thấy ngày càng nhiều tiền đạo cánh làm công việc của những số 10. Một cầu thủ không còn được xác định chỉ bởi vị trí thi đấu trên sân, mà phải là công việc của anh ta.”

Nói tiếp về câu chuyện thành tích, vì dù gì thành tích với rất nhiều người luôn là công cụ để đánh giá tất cả. Từ năm 2016 đến 2020, Italia 2 lần lọt vào chung kết châu U19 Euro và vào chung kết U17 Euro trong hai năm liên tiếp, họ về thứ ba ở U20 World Cup (giải đấu mà Italia đã không thể vượt qua vòng loại trong 8 năm) và rồi lại vào bán kết một lần nữa.

Những câu chuyện và các phát biểu được kể ra là câu trả lời cho hai câu hỏi đã nêu. 

Thứ nhất, bóng đá Italia không hoàn toàn chỉ học theo trường phái bóng đá của Pep, từ trong cách nói của Gagliardi đã có những sự ngưỡng mộ đối với đội bóng của Klopp rồi, đó là chưa kể 4 nguyên tắc cốt lõi mà nền bóng đá Italia hướng tới lại chính là những nguyên tắc bất di bất dịch trong lối chơi của các đội bóng hiện đại, hoàn thiện nhất châu Âu lúc này chứ không riêng gì Man City của Pep (còn nếu ai đó nói rằng chỉ mỗi Liverpool của Klopp là biết pressing hoặc thứ bóng đá của Klopp chỉ là về pressing thì cần phải nghiên cứu lại). 

Và thứ hai, bóng đá Italia biết vấn đề của họ và họ đã thay đổi, ngay từ khâu đào tạo trẻ. Gabriele Marcotti, ký giả nổi tiếng về bóng đá Italia, từng cảnh báo rằng khi đánh giá về khía cạnh đào tạo trẻ, cần phải hết sức thận trọng: “Tác động của những thay đổi mà bạn tiến hành hôm nay – chẳng hạn về phát triển tài năng trẻ, cơ sở hạ tầng,… – sẽ không được cảm nhận và nhìn thấy trong 5 hay 10 năm. Rất nhiều sự thay đổi đã diễn ra ở Italia sau năm 2014 và sau năm 2018. Một số bắt đầu đơm hoa kết trái khi những tài năng triển vọng xuất hiện, một số có thể thành công, nhưng cũng một số không bao giờ thành công. Hãy nhớ rằng, khi đánh giá thế hệ của hiện tại và cách thức họ trưởng thành, bạn luôn phải nhìn vào quá khứ. Và, khi nói về tài năng trong bóng đá, luôn có một mức độ ngẫu nhiên với tất cả các trường hợp. Đôi lúc, bạn phải chấp nhận một thực tế rằng, một lứa thế hệ tài năng tồn tại đồng thời là bởi họ được sinh ra, chứ không phải được tạo nên.” 

Cuối cùng, còn một khía cạnh quan trọng khác trong toàn bộ vấn đề này: Liệu những tài năng trẻ có thật sự được nhìn nhận và trao cơ hội đủ? 

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Nhà phân tích bóng đá

Có thể bạn thích