Trang chủ     Bóng đá   /   Pep Guardiola và trận chung kết 10 năm trước: Bản Rondo kỳ diệu

Pep Guardiola và trận chung kết 10 năm trước: Bản Rondo kỳ diệu

Đúng ngày này 10 năm trước, 28/05/2011, ở Wembley, Pep Guardiola bước vào trận chung kết Champions League với Man Utd. Đó là ngày vinh quang của Pep và ít ai ngờ, sau đỉnh cao đó, mãi tận 10 năm ông mới tìm lại được con đường tiến vào trận chung kết Champions League thứ ba của đời HLV.

Pep Guardiola đã bắt đầu trận chung kết năm 2011 ấy bằng một quyết định khiến nhiều người ngỡ ngàng. Đội trưởng Carles Puyol không nằm trong danh sách ra sân chính thức. Thay vào đó là Eric Abidal, người mới bình phục sau ca ghép gan. Nhưng đó không phải là một quyết định theo kiểu vinh danh một tấm gương chiến thắng số phận bằng nghị lực để trở lại sân cỏ mà nó đúng nghĩa là một quyết định mang tính chiến thuật.

Chelsea lần thứ hai vô địch Champions League: Một trận chung kết - 5 câu lạc bộ

Chelsea lần thứ hai vô địch Champions League: Một trận chung kết - 5 câu lạc bộ Chelsea đã lần thứ hai vô địch Champions League sau 9 năm chờ đợi sau một trận chung kết căng thẳng, hấp dẫn và nhiều điểm khiến người hâm mộ bất ngờ.

Thất bại tại Champions League cho thấy lý do vì sao Man City cần Harry Kane

Thất bại tại Champions League cho thấy lý do vì sao Man City cần Harry Kane Man City đã thất bại trước Chelsea mà không có lấy bất kỳ một cú dứt điểm nào đáng chú ý và có lẽ giờ đây họ nên nghĩ về một tiền đạo thực thụ cho đội bóng của mình.

Puyol ở mùa giải ấy thường được xếp chơi ở vị trí hậu vệ trái. Với cặp trung vệ Mascherano - Pique, Barca sẽ luôn biến đổi sang hệ thống hàng thủ 3 người khi Dani Alves thường xuyên dâng lên hỗ trợ hoặc tham gia tấn công. Và đó cũng là một công thức rất quen thuộc của Barca ở mùa giải đó, một công thức gần như luôn được các đối thủ của họ “nhận diện” CLB xứ Catalonia.

QUẢNG CÁO

Pep thực tế vẫn không thay đổi ý niệm hàng thủ 3 người, vì với ông, nó là một ý niệm quen thuộc từ những ngày còn ở La Masia với Cruyff và Laureano Ruiz. Nhưng khi không có Puyol ở biên trái mà thay vào đó là Abidal, ông đã khiến Ferguson bất ngờ. Abidal giống Puyol ở chỗ anh cũng chơi được ở cả hai vị trí trung vệ và hậu vệ biên. Nhưng ở Wembley, Pep dùng Abidal khác hẳn với Puyol rất nhiều.

Barca của năm 2011 từng sở hữu một tam giác Iniesta - Pedro - Abidal khuấy đảo nửa sân trái

Những người theo dõi Barca thời đó hẳn vẫn nhớ cái tam giác Iniesta - Pedro - Abidal cực hiệu quả ở nửa sân bên trái của Barca. Và đó cũng chính là cơ sở để Pep có điều chỉnh chiến thuật rất khác trong trận chung kết trước Man Utd. Busquets được kéo về chơi như một trung vệ thứ 3 khi cần bên cạnh Mascherano và Pique. Còn Abidal, anh dâng lên như một winger đúng nghĩa. Bên phải là Alves, bên trái là Abidal, ở giữa là Xavi và Iniesta; Messi được kéo về gần hàng tiền vệ hơn trong khi Villa chơi rộng, chịu lùi sâu khi cần. Với cách bố trí nhân sự như thế, khoảng không gian 50m ở giữa sân đã thuộc về Barca hoàn toàn.

Man Utd thực sự đã bị ngợp bởi trùng vây ấy của Barca. Và với nhân sự đông hơn hẳn ở trung tuyến, chất lượng nhân sự cũng tốt hơn, Barca đã cầm bóng tới 68% thời gian ngay từ khi nhập cuộc. Họ thi triển một thứ bóng đá vốn dĩ đã quen thuộc từ trong lòng La Masia: Rondo, thứ bóng đá mà trên đường phố chúng ta vẫn gọi là đá ma, đá banh khờ. Rả rích và tí tách, những đường luân chuyển bóng của Barca đúng nghĩa với cái từ Rondo ấy, một bản nhạc với những câu lặp và đoạn lặp.

Cả trận đấu, Man Utd chỉ có được 4 pha dứt điểm trong khi Barca làm được điều đó tới 22 lần. Và chưa bao giờ Man Utd dưới thời Ferguson có một tỷ lệ chuyền bóng thành công kém cỏi đến thế. 78% đường chuyền thành công là điều không ai tưởng tượng nổi với một Man Utd hùng mạnh. Và họ mất bóng rất nhiều, cầm bóng cũng ít thời gian (chỉ khoảng hơn 30%). Thậm chí, còn có thống kê (cần kiểm chứng) cho rằng trong 30% thời gian kiểm soát bóng đó, chỉ có 8 phút Man Utd có thể gọi là “chơi bóng” đúng nghĩa. Trước sự quyến rũ của Barca, Man Utd đã trở thành một đội bóng... 8 phút.

Manchester United đã thực sự bất lực trước một Barca quá hoàn hảo của năm 2011

Chỉ 2 năm trước đó, ở trận chung kết đầu tiên của Pep trên cương vị HLV, Man Utd đã khiến Barca phải mệt mỏi dù rằng kết quả chung cuộc là 2-0 nghiêng về đội bóng của Pep. Năm 2009, Man Utd vẫn còn Tevez, còn Ronaldo và họ đang là ĐKVĐ giải đấu. Họ dứt điểm nhiều hơn cả Barca (11 so với 10), được hưởng phạt góc tới 7 lần và cũng không ít phen khiến Barca lúng túng. Vậy mà chỉ 2 năm trôi qua thôi, Pep đã trình diện một Barca khác hẳn, một Barca có thể nói đã ở trên Man Utd một bậc.

Chính Michael Carrick sau này đã phải thừa nhận rằng trận thua năm 2009 ở Rome là một ký ức khó nuốt trôi nhưng trận thua năm 2011 ở Wembley thì lại tâm phục khẩu phục. “Họ là một đội bóng khác hẳn sau 2 năm và đó là một đối thủ khó khăn nhất mà tôi từng phải đối mặt”, Carrick từng nhớ về trận 2011 như vậy. Làm sao không tâm phục khẩu phục được khi mà bản Rondo của Barca đã khiến Carrick và những đồng đội như Rooney, Valencia, Park, Giggs chỉ biết chạy và chạy mà không hiểu sao quả bóng cứ quá xa mình.

Có thể nói, 2011 là trận chung kết mà Barca đã trình diễn một thứ bóng đá đi vượt thời đại. Nó khoan thai, nó nhịp nhàng, nó dìu dặt nhưng thực ra lại tốc độ và luôn mở ra các biến cố chết người đối với đối phương. Đó là một thứ bóng đá trong mơ mà chỉ có những đội hình trong mơ hiếm hoi mới có thể vươn tới được.

Thất bại của MU ở trận chung kết năm 2011 là một thất bại tâm phục khẩu phục

Bây giờ, sau 10 năm, Pep đã không còn xây dựng một lối chơi như thế nữa. Không phải là Man City không có những con người có đủ tố chất để đáp ứng nó bởi chính Man City cũng đã từng được Pep tạo dựng dìu dặt như vậy. Pep thấy mình phải khác chính mình, phải hơn chính mình của quá khứ, phải tiếp cận theo một phương cách phù hợp với bóng đá hiện đại hơn khi đối thủ của ông bây giờ nhiều khi chỉ mất  5 giây là có thể đưa được bóng vào vòng cấm với một cơ hội rộng mở. Người ta nói Pep đã góp phần cải thiện bóng đá Đức phần nào nhưng có lẽ, chính người Đức cũng đã dạy cho Pep về một thứ bóng đá trực diện hơn rất nhiều.

Xã hội luôn vận động và trở nên tiến bộ hơn bởi con người không bao giờ thỏa mãn với nơi họ đang tạm dừng chân cả. Và Pep cũng ở trong cuộc chạy đua của tiến bộ ấy, để mỗi mùa giải, ông lại cố gắng cải cách đội bóng của mình nhằm nâng tầm nó. Ông ý thức được rằng một công thức cũ có thể sẽ bị đối thủ khắc phục không chóng thì chầy. Nhưng dù có cải thiện đến mức nào đi nữa, bản Rondo mà Barca trình diễn 10 năm trước vẫn để lại một ký ức không thể phai nhoà. Chính ký ức ấy đã nhiều phen đánh gục Pep trong mắt khách quan, bởi họ không thể để bất kỳ sự cải cách nào của ông xoá nhoà nổi một đêm Wembley tuyệt vời đã hằn sâu trong trí nhớ.

Và ngày mai cũng vậy thôi, nếu Man City có vượt qua Chelsea để vươn tới một vinh quang chói ngời, sẽ lại vẫn có những người lắc đầu mà nói “Cũng chưa tốt lắm đâu, phải được như cái năm 2011 mới đã”.

Đơn giản, cũng là vì họ yêu mến Pep quá. Với họ, Pep của một đêm tháng 05 tại Wembley là không thể nào phai nhoà.

Hà Quang Minh

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Chuyên gia phân tích bóng đá

Có thể bạn thích