Trang chủ     Bóng đá thế giới   /   Phân tích: Arsenal tiếp tục bại trận, lỗi tại Arteta

Phân tích: Arsenal tiếp tục bại trận, lỗi tại Arteta

Trận thua trước Chelsea đã là lần thứ hai liên tiếp Arsenal tay trắng rời sân tại Premier League mùa này. Toàn thua cả hai trận đã đấu và không ghi được bàn thắng nào, Arsenal cũng không để lại dấu ấn tích cực nào về lối chơi. Nếu như ở trận ra quân gặp Brentford, những sai lầm cá nhân tới từ Calum Chambers và Pablo Mari có thể bị coi là nguyên nhân khiến Arsenal thúc thủ. Nhưng trước Chelsea của Thomas Tuchel, sự khác biệt về tỉ số hoàn toàn đến từ cách bố trí đội hình của Mikel Arteta.

Ngay từ giai đoạn tiền mùa giải, Arteta đã cho thấy “quyết tâm” làm mới Arsenal như cam kết bằng việc từ bỏ sơ đồ 3-4-3 vốn bị công chúng đánh giá là “tiêu cực” để theo đuổi sơ đồ 4-2-3-1 với sự tham gia của nhiều cầu thủ mang xu hướng tấn công hơn. Tuy nhiên, có lẽ Arteta đã quên mất rằng, khi 3-4-3 mới chính là sơ đồ đã đem lại sự ổn định cho Arsenal trong nửa sau mùa giải năm ngoái, trong đó bao gồm trận thắng bất ngờ trước chính Chelsea tại Stamford Bridge hồi tháng 5.

Cựu sao Bacary Sagna:

Cựu sao Bacary Sagna: "Bản sắc của Arsenal đã biến mất" Sau trận thua 0-2 trước Chelsea, Arsenal của Arteta đã bị chỉ trích không thương tiếc. Đến mức ngôi sao từng thi đấu cho Pháo Thủ, Bacary Sagna cũng không muốn xem họ thi đấu nữa.

Sau Drogba, Arsenal đã biết sợ Lukaku

Sau Drogba, Arsenal đã biết sợ Lukaku Siêu sao người Bỉ đã trở lại Premier League với màn trình diễn vô cùng ấn tượng, chắc chắn người hâm mộ The Blues sẽ rất hài lòng về điều này.

Với hệ thống 3-4-3, Arsenal có sự đảm bảo đến từ cấu trúc đối xứng với chính sơ đồ Chelsea sử dụng. Ngoài ra, hàng tuyến phòng ngự có thêm nhân sự để hóa giải sự nguy hiểm thường trực đến từ Romelu Lukaku và bọc lót khoảng trống đến từ việc hậu vệ biên Chelsea băng lên kéo giãn chiều ngang, vốn là mảng miếng phối hợp quen thuộc được Thomas Tuchel áp dụng từ ngày tiếp quản The Blues. Nhưng thay vì lựa chọn chân phương, Mikel Arteta lại quyết định dùng tới một phương án khác, phức tạp và có độ khó cao hơn trong ứng dụng.

QUẢNG CÁO

Cấu trúc chiến thuật tương đối của Arsenal và Chelsea (Nguồn: Truyền hình K+)

Cấu trúc chiến thuật tương đối của Arsenal và Chelsea (Nguồn: Truyền hình K+)

Thứ nhất, Arteta tiếp tục để đội bóng trung thành với sơ đồ 4-2-3-1 trong giai đoạn triển khai bóng và chuyển trạng thái sang không bóng ở bước đầu. Gabriel Martinelli đá cắm, trong khi bộ ba Bukayo Saka (trái) – Emile Smith Rowe (giữa) – Nicolas Pepe (phải) hỗ trợ phía sau. Với cách triển khai quen thuộc của Chelsea là sử dụng ba trung vệ cùng sự tham gia của hai tiền vệ trung tâm theo cấu trúc 3-2, 4 cầu thủ chơi cao nhất phía Arsenal sẽ làm nhiệm vụ pressing ngay bên phần sân đối phương với ý đồ đoạt bóng phản công nhanh.

Tuy nhiên, Arsenal gặp hai vấn đề trong thực tế, đến từ yếu tố khách quan và chủ quan. Khách quan mà nói, cấu trúc 3-2 của Chelsea, cộng thêm thủ môn Edouard Mendy khi cần, đang gồm những cá nhân sở hữu chất lượng chơi chân hàng đầu. Sự bình tĩnh và tự tin chơi bóng dưới áp lực của đối phương cùng ý đồ di chuyển hỗ trợ luôn hợp lí giúp Chelsea thường xuyên đưa được bóng vào khu vực 1/3 giữa sân, vượt qua lớp pressing đầu tiên của đối phương mà không gặp quá nhiều khó khăn.

Nhưng chủ quan mà nói, bộ đôi Granit Xhaka và Albert Sambi Lokonga cũng đã không cho thấy sự mạnh mẽ cần thiết để áp sát tức thì, ngay khi bóng triển khai từ trung vệ lên tới vị trí của Jorginho hoặc Mateo Kovacic nhằm đồng bộ hóa cấu trúc pressing. Để dễ hình dung, tổng số pha tắc bóng và cắt đường chuyền được bộ đôi Xhaka và Lokonga trong 90 phút trước Chelsea chỉ là 7 tình huống. Trong khi đó, khoảng gần 1 tiếng đồng hồ trước, Southampton với cấu trúc áp sát không bóng khá tương đồng đã làm khó Manchester United bằng sự mạnh mẽ của cặp tiền vệ trung tâm James Ward-Prowse và Oriol Romeu khi thực hiện tổng 17 tình huống tắc bóng và cắt đường chuyền. 65% trong số đó diễn ra tại khu vực 1/3 giữa sân nhằm ngăn chặn đường bóng triển khai trực diện.

Hệ quả của thiếu áp lực đồng bộ là Jorginho và Kovacic có được những thời cơ thuận lợi nhận bóng và xoay lưng lên trên để triển khai nhanh. Nhưng nếu có trách Xhaka và Lokonga thì cũng phải trách Arteta trước, bởi sự thiếu quyết đoán này phần lớn đến từ chính chỉ đạo của HLV người Tây Ban Nha. Nhận thức được mối nguy hiểm mang tên Romelu Lukaku cùng khả năng kéo giãn chiều ngang rất tốt của cặp tả hữu biên phía Chelsea là Marcos Alonso và Reece James, Arteta quyết định sử dụng hệ thống 4 hậu vệ giăng ngang “lai trộn”.

Trong trường hợp bóng vượt qua tầng pressing đầu tiên và vào tới nửa sân nhà trong chân của Jorginho hoặc Kovacic, đây là tín hiệu tức thì cho Xhaka lùi xuống đóng vai trò như trung vệ lệch trái, để đẩy Kieran Tierney ra sát biên nhằm theo kèm Reece James và trám vào khoảng trống cánh trái. Như vậy trên lí thuyết, hàng thủ Arsenal vẫn có đủ 5 người bao quát không gian chống lại 5 cầu thủ tấn công mở rộng theo 5 hành lang dọc sân của Chelsea. 

Bố trí phòng ngự trong phạm vi 1/3 sân nhà của Arsenal (Nguồn: Sky Sports)

Bố trí phòng ngự trong phạm vi 1/3 sân nhà của Arsenal (Nguồn: Sky Sports)

Vấn đề của mọi hệ thống “lai trộn” định hướng không gian vị trí, đó là cần sự phối hợp nhịp nhàng trong vận hành để đảm bảo không sơ hở nào bị lộ ra, nhất là trong phạm vi phòng ngự. Vì đảm nhiệm hai vai trò, chỉ phản ứng thôi là không đủ, cầu thủ buộc phải đưa ra lựa chọn hành động trong những tình huống 50-50, qua đó có thể ảnh hưởng tới cấu trúc chung của hệ thống. Trên thực tế, Arsenal đã làm không tệ trong khoảng đầu trận, nhưng một khi Chelsea đẩy nhanh tốc độ triển khai, cá nhân phòng ngự đội chủ nhà lập tức rơi vào thế bối rối.

Với sự quyết đoán của trung vệ và nhanh nhạy của cặp tiền vệ, Chelsea nhanh chóng đưa được bóng vào 1/3 cuối sân Arsenal, thường xuyên là vị trí của Romelu Lukaku, điểm đến cao thứ 2 toàn đội về tổng số đường chuyền tịnh tiến. Granit Xhaka không có đủ thời gian để lùi về bọc lót khi Emile Smith Rowe chưa kịp lùi về để trám chỗ, còn Mason Mount và Jorginho/Kovacic đã chực chờ nhận đường nhả ra từ mũi nhọn mục tiêu Lukaku. Tiền vệ người Thụy Sĩ buộc phải chọn lựa giữa việc hóa giải mối nguy trước mắt (Mount) hoặc lùi về tuân thủ hệ thống đề ra khi Pablo Mari dâng lên kèm 1v1 với Lukaku. Xhaka bối rối, hệ quả nối tiếp là Tierney bị động. Ra bắt James, để lộ đất cho Lukaku tự xoay bóng hoặc đập nhả cho tuyến hai lên xâm nhập. Ở lại bọc lót, biên trái là khoảng trống mênh mông cho James khai thác.

Tình huống dẫn tới bàn thắng mở tỉ số của Romelu Lukaku

Tình huống dẫn tới bàn thắng mở tỉ số của Romelu Lukaku

Sự bối rối trong lựa chọn tuân thủ chỉ đạo HLV hay phản ứng theo tình huống thực tế được thể hiện khá rõ trong cả hai bàn thua, đặc biệt là pha bóng mở tỉ số. Áp lực không đủ mạnh để gây khó khăn cho Kovacic, bóng được đưa trực diện tới vị trí Lukaku, người nhận đủ hỗ trợ trước mặt từ ba phía của Mount (trái) – Jorginho (trước mặt) – Havertz (phải). Nếu tuân thủ ý đồ, Xhaka sẽ là người theo kèm Mount, trong khi Tierney rộng hơn bám biên để phong tỏa James. Tuy nhiên, một khi đường chuyền xuyên tuyến được Kovacic đưa ra đã loại bỏ cả hai tiền vệ Arsenal là Smith Rowe và Lokonga, để lại khoảng trống mênh mông trước mặt cho Lukaku. Xhaka dâng lên chủ động với ý định thu hẹp khoảng cách giữa hai tuyến, đồng thời gây áp lực lên Lukaku khi nhận bóng. Nhưng trong một ngày xuất sắc của tiền đạo người Bỉ, cộng thêm sự bối rối sẵn có trong hành vi của Xhaka, bóng vẫn được xử lí khéo léo để nhả lại tuyến hai phát động rộng. Tierney rơi vào thế 1 đấu 2, lại ở tư thế vặn sườn, đã không thể làm gì hơn trong việc ngăn cản Reece James.

Nỗi khốn khổ của hậu vệ người Scotland tiếp tục lặp lại trong bàn thua thứ hai, khi dù đã rất nỗ lực phản ứng sớm để quay sang bắt người. Trong tình huống này, Xhaka thậm chí còn ở rất xa Tierney khi Smith Rowe chưa thể lùi về bọc lót. Trên thực tế, dù rất tích cực dâng cao tấn công, gần như không tình huống nào Tierney để lộ khoảng trống sau lưng theo chiều dọc sân. Cả hai bàn thua Arsenal phải nhận đều đến từ những pha bóng Tierney bị kéo vào trong theo chiều ngang, hệ quả từ sự hở nách hành lang trong khi hệ thống lai trộn Arteta muốn áp dụng bị phá sản. Rõ ràng, Tierney không thể làm gì hơn, và phẩm chất cá nhân của cầu thủ này không phải là nguyên nhân trực tiếp.

Tới đây, nhiều người sẽ đặt câu hỏi, vậy vấn đề có nằm ở Smith Rowe khi đã không lùi về bọc lót cho Xhaka? Phần nào có thể đúng, nhưng một lần nữa, bản thân cầu thủ sinh năm 2000 chắc hẳn đã gặp phải những bối rối nhất định, tương tự Xhaka hay Tierney khi cân nhắc giữa chỉ đạo lí thuyết và tình huống thực tế. Với niềm tin cao độ vào hệ thống 4-2-3-1, Arteta gần như cắm nguyên bộ ba Bukayo Saka – Gabriel Martinelli – Nicolas Pepe ở phía trên mà không cần lùi quá sâu giữ cự li với tuyến hậu vệ và tiền vệ, mục đích là để ghim chân ba trung vệ Chelsea làm bóng.

Tình huống dẫn tới bàn thắng mở tỉ số của Romelu Lukaku

Ba tiền đạo Arsenal theo kèm ba trung vệ Chelsea

Smith Rowe đóng vai trò con thoi lên xuống, trám vào vị trí Xhaka trong các tình huống bóng vào nửa sân nhà. Thế nhưng, định hướng mà Arteta đưa cho số 10 dường như đặt ưu tiên cao hơn vào các tình huống phản công hơn là tham gia hỗ trợ phòng ngự. ESR thường xuyên có vị trí xuất phát cao chờ bóng khiến tốc độ phản ứng bọc lót không kịp. Ngoài ra, sự mạnh mẽ cũng chưa bao giờ là điểm mạnh của tiền vệ người Anh. Thống kê mùa giải 2020-21 cho thấy, thông số tổng hợp tắc bóng và cắt đường chuyền trung bình mỗi 90 phút, cộng với tần suất gây áp lực đoạt bóng của Smith Rowe đều ở nhóm dưới trung bình khi so sánh với các tiền vệ thi đấu tại 5 giải đấu hàng đầu châu Âu.

Rõ ràng, Mikel Arteta không phải không biết điểm yếu cá nhân của ESR, hay việc Lukaku nguy hiểm đến nhường nào. Thế nhưng, trong một trận đấu quan trọng trước kình địch cùng thành phố ở thời điểm Arsenal cần điểm hơn bao giờ hết, HLV người Tây Ban Nha đã không chấp nhận phương án đơn giản và thực dụng hơn. Với lực lượng nhân sự trong tay, Arsenal hoàn toàn có thể trở về sơ đồ 3-4-3 truyền thống, với bố trí vai trò chiến thuật cố định và chân phương hơn.

Đồng ý rằng Arsenal có thể không sở hữu chất lượng cá nhân tương đương như Chelsea, nhưng cả hai bàn thua họ phải nhận trên sân nhà Emirates đều đến từ lỗi hệ thống. Hệ thống mà chính Arteta lựa chọn và chỉ đạo học trò thực hiện. Với kết quả tiêu cực trước CLB hàng xóm, Arteta chính thức trở thành vị HLV có thành tích kém cỏi nhất trong lịch sử Arsenal, với tỉ lệ chiến thắng thấp nhất kể từ năm 1976 tới nay.

Đồng hồ đã điểm cho Mikel Arteta, khi kết quả thua cuộc của Arsenal không chỉ còn đến từ chất lượng cầu thủ như HLV này luôn đổ lỗi.

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Chuyên gia phân tích

Có thể bạn thích