Trang chủ     Bóng đá thế giới   /   Real Madrid hỏi mua Mbappe: Đầu tiên là tiền đâu?

Real Madrid hỏi mua Mbappe: Đầu tiên là tiền đâu?

Sau lời đề nghị 160 triệu euro bị giám đốc thể thao Leonardo của PSG từ chối, Real Madrid được cho là sẵn sàng đưa ra một lời đề nghị mới. Nâng lên 220 triệu euro như PSG mong muốn – nói như tờ Le Parisen – thì e là quá điên rồ. 200 triệu euro cũng là con số quá lớn, nhưng 170 hay 180 triệu euro thì rất có thể. Vấn đề được đặt ra: Real Madrid thật sự có tiền?

Nếu chưa vội đi vào những giả thiết hay thuyết âm mưu từ động thái của Real Madrid qua lời đề nghị được đưa ra lúc 8 giờ tối hôm thứ Ba qua, câu hỏi trước tiên được đặt ra và cần làm rõ: Real Madrid thật sự có nền tài chính đủ khỏe để dám tung nấm đấm 160 triệu euro? Vì rõ ràng, đấy là một số tiền khổng lồ để biến Mbappe trở thành thương vụ đắt giá nhất kỳ chuyển nhượng mùa hè này, làm lu mờ hoàn toàn những Jack Grealish hay Romelu Lukaku.

Cơ sở để Real Madrid vung tiền chiêu mộ Mbappe?

Cơ sở để Real Madrid vung tiền chiêu mộ Mbappe? Real Madrid đã đưa ra lời đề nghị 160 triệu euro cho Mbappe. Vậy cơ sở nào để gã khổng lồ thành Madrid tin rằng họ sẽ có được chữ ký của ngôi sao người Pháp.

Vụ Mbappe: Real Madrid “tấn công” và thế khó của PSG

Vụ Mbappe: Real Madrid “tấn công” và thế khó của PSG Các bạn có biết vì sao Real Madrid trả 80 triệu bảng Anh tiền mặt trong thương vụ Ronaldo không? Vì đó là cách mà chủ tịch Perez của họ muốn nói với cả thế giới rằng: Chúng tôi là Real Madrid, chúng tôi là siêu cường lớn nhất thế giới bóng đá.

Đương nhiên, trong ván đấu này, có thể nhận ra rằng Florentino Perez đang muốn chơi theo luật: Kẻ thua mới trở thành người thắng. Nhưng Real Madrid chắc không muốn đùa, cũng như không có ý đánh đòn gió khi mạnh miệng giơ tay trong buổi đấu giá và hô “160 triệu euro”. Chẳng may có ý đùa nhưng tiếng gõ búa vang lên 3 lần, thế chẳng phải mưu kế “giả bộ” của Real Madrid lại thành sự thật?

QUẢNG CÁO

Vậy rốt cuộc, tình hình tài chính của Real Madrid như thế nào mà CLB này lại mạnh bạo đến thế?

Trước tiên, không phủ nhận cả LaLiga đang lâm vào hoàn cảnh thắt lưng buộc bụng, trở thành giải đấu chi tiêu thấp nhất trong kỳ chuyển nhượng mùa hè hiện tại, xét trong nhóm 5 giải đấu hàng đầu truyền thống của châu Âu (trước khi người Bồ vượt mặt người Pháp trên BXH hệ số của UEFA). Nhưng tình hình chung không đồng nghĩa mỗi CLB cũng đều bi đát như nhau.

Một câu hỏi dễ nhận ra hiện tại – dựa trên một bài báo với con số hồi đầu năm nay từ nhật báo SPORT (Catalunya) – là chẳng phải Real Madrid cũng nợ chẳng kém Barcelona? Nếu Barcelona có tổng nợ 1,2 tỷ euro, thì Real Madrid cũng có mức tổng nợ khoảng 900 triệu euro, tức là cũng ghê gớm đấy! Vậy nên, trong bối cảnh đội chủ sân Camp Nou đến cả Messi cũng phải buộc chia tay vì khó khăn tài chính và hầu như chỉ có thể mua về những cầu thủ chuyển nhượng tự do, há chẳng phải Real Madrid cũng “nên” rơi vào hoàn cảnh tương tự? 

Cần phải khẳng định rằng, so với Barcelona, Real Madrid vẫn ở trong một tình trạng có nền tài chính khỏe khoắn hơn rất nhiều.

Real Madrid bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch, nhưng họ không kiệt quệ như Barca

Real Madrid bị ảnh hưởng lớn bởi đại dịch, nhưng họ không kiệt quệ như Barca

Cuối tháng 01 năm 2021, nhật báo SPORT nói rằng Barcelona nợ 1,173 tỷ euro, trong khi Real Madrid cũng nợ đến 901 triệu euro. Tuy vậy, đó là tổng nợ (gross debt). Còn xét ở nợ ròng (net debt), con số của CLB xứ Catalunya là 488 triệu euro, của CLB thủ đô Madrid là 355 triệu euro – cũng theo SPORT. Ngoài ra, nếu như nợ ngắn hạn phải trả trong năm của Barcelona ở mức 730 triệu euro, thì với Real Madrid chỉ là 203 triệu euro.

Chúng ta có công thức cơ bản như sau: Nợ ròng = Nợ dài hạn + Nợ ngắn hạn - Tiền mặt – Những tài sản khác tương đương tiền mặt. Trong đó, nợ dài hạn và nợ ngắn hạn có thể hiểu nôm na là tổng nợ (tức gross debt).

Hãy đến với một nguồn số liệu uy tín hơn và ít nhất là dám chấp nhận có tính minh bạch cao hơn, chính là báo cáo tài chính của Real Madrid được CLB này công bố ngày 14 tháng 7 trên trang chủ của họ.

Trong bảng báo cáo tài chính của mùa giải 2020/21 này, Real Madrid trước tiên thông báo mức thiệt hại doanh thu khoảng 300 triệu euro, khi các nguồn thu như hoạt động bán vé, tài trợ và trận đấu,… bị tác động nặng nề từ đại dịch.

Chính mức thiệt hại thu nhập này buộc CLB phải tiến hành các biện pháp cắt giảm quỹ lương, tiết kiệm ngân sách hoặc bán đi cầu thủ. Tính trong hai năm 2020 và 2021 tới thời điểm công bố báo cáo tài chính, Real Madrid đã tiết kiệm được tổng cộng 295 triệu euro. Tức là cơ bản đã bù đắp được mức thiệt hại doanh thu 300 triệu euro. Đó là một thành công lớn: Không kiếm được thêm thì ít nhất hãy tìm cách tiết kiệm. 

Hình ảnh lấy từ báo cáo tài chính định kỳ của Real Madrid (Doanh thu CLB)

Hình ảnh lấy từ báo cáo tài chính định kỳ của Real Madrid (Doanh thu CLB)

Và nhờ những biện pháp đó, Real Madrid tránh được tình cảnh bị lỗ. Không những thế, họ còn có lời sau mùa giải 2020/21, với mức lợi nhuận sau thuế gần 1 triệu euro (cụ thể 874.000 euro). Đấy cũng là năm thứ hai liên tiếp trong suốt mùa đại dịch, Real Madrid có lời thay vì thua lỗ (mùa 2019/20 là lời 313.000 euro). Los Blancos vì thế tự hào là một trong số ít những CLB lớn nhất của châu Âu không lỗ suốt 2 năm qua. Nên nhớ, theo báo cáo của UEFA, các CLB châu Âu trong hai mùa giải đã qua lỗ tổng cộng gần 6 tỷ euro.

Ngoài ra, dù không liên quan đến các khoản lợi nhuận, nhưng Real Madrid cũng đã tăng vốn chủ sở hữu (equity) hay tài sản ròng từ 533 triệu euro vào năm ngoái lên 534 triệu euro trong năm nay, đến từ khoản lợi nhuận sau thế gần 1 triệu euro.

Còn giờ, là câu chuyện quan trọng nhất: Khoản nợ của Real Madrid.

Bên cạnh tiết kiệm, để bù đắp thêm cho mức thiệt hại 300 triệu euro từ doanh thu, Real Madrid buộc phải vay ngân hàng tổng cộng 205 triệu euro vào tháng 4 năm 2020. Trong khoản vay đó, 155 triệu euro là 4 khoản vay với thời gian ân hạn 1 năm và đáo hạn 5 năm. 50 triệu euro còn lại là đáo hạn 3 năm. Việc đáo hạn các khoản vay không phải là vấn đề lớn, nhất là với một CLB như Real Madrid khi họ có quan hệ tốt với các ngân hàng.

CLB thủ đô Tây Ban Nha không đưa ra con số tổng nợ. Thay vào đó, họ đưa ra công thức tính nợ ròng như sau. Lưu ý: Mức nợ ròng này Real Madrid chưa tính đến chi phí nâng cấp, cải tạo sân Santiago Bernabeu.

Nợ ròng = Tiền vay ngân hàng + Các khoản phải trả, phải thu khi giao dịch/chuyển nhượng tài sản – Tiền mặt. Công thức này tương đương công thức đã nêu ra ban đầu trong bài viết.

Để dễ hình dung, bạn đang có sẵn trong người 100 triệu tiền mặt, nhưng vì mục đích kinh doanh hay nhu cầu nào đó, bạn cần vay ngân hàng thêm 120 triệu, bấy giờ nợ ròng của bạn chỉ là 20 triệu. Tổng nợ thì chính là 120 triệu vay ngân hàng kia.

Vậy, mức nợ ròng của Real Madrid sau mùa giải 2020/21 là bao nhiêu? Báo cáo tài chính của CLB này công bố con số đáng kinh ngạc, cho thấy khả năng xoay sở tài tình.

Real Madrid đã giảm nợ ròng xuống còn 46 triệu euro so với 241 triệu euro vào một năm trước đó. Nói cách khác là trong mùa 2020/21 đã giảm nợ ròng tới 195 triệu euro. Mức nợ ròng chỉ 46 triệu euro, cùng chỉ số nợ/vốn giảm từ 1,4 xuống còn 0,3 sau một năm dù trải qua hoàn cảnh đại dịch cho thấy Real Madrid vẫn trong tình trạng tài chính khỏe mạnh.

Real Madrid đã giảm nợ ròng từ 241 xuống 46 triệu euro

Real Madrid đã giảm nợ ròng từ 241 xuống 46 triệu euro

Đồng thời, dư tiền mặt từ 30 tháng 6 năm nay của Real Madrid là 122 triệu euro. Chưa kể, CLB vẫn còn khoản tín dụng chưa sử dụng 361 triệu euro.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa giải quyết được câu chuyện về tổng nợ 901 triệu euro mà tờ SPORT từng nhắc đến. Như đã nói, Real Madrid còn một khoản chưa đề cập đến là vay ngân hàng dùng cho mục đích nâng cấp sân Santiago Bernabeu. Đây chính là khoản vay lớn nhất của CLB và được họ cho vào mục riêng, phản ánh dự án dài hạn của CLB, tách bạch với báo cáo liên quan đến nợ ròng từ hoạt động thể thao trong mùa giải 2020/21.

Cụ thể, Real Madrid vay 575 triệu euro. Nhưng CLB không nhận ngay tất thảy số tiền đó từ ngân hàng mà chia làm 3 lần vay. Họ vay 100 triệu euro đầu tiên trong mùa hè 2019, đến mùa hè 2020 vay tiếp 275 triệu euro và cuối cùng sẽ vay nốt 200 triệu euro còn lại (200 triệu euro còn lại này sẽ được tính vào năm tài khóa 2021/22).

Theo nhật báo AS (Madrid) hồi tháng 12 năm 2020, khoản vay 575 triệu euro nói trên có thời hạn chi trả 30 năm, lãi suất cố định 2,5%. Tức tổng chi phí sẽ là 796,5 triệu euro. Khoản vay này bao gồm thời gian ân hạn 3 năm, tức là Real Madrid chỉ phải trả mỗi năm là 29,5 triệu euro, nhưng là từ năm 2023 đến 2049.

Tóm lại, tổng nợ của Real Madrid rất cao, nhưng phần lớn nợ ấy (796,5 triệu euro) là trải đều từ năm 2023 đến 2049. Mỗi năm trả khoảng 30 triệu euro. Bên cạnh đó, nợ ròng hiện tại chỉ là 46 triệu euro. Và như đã nói, Real Madrid vẫn còn các khoản dư tiền mặt lẫn khoản tín dụng chưa sử dụng.

Trong mùa hè 2021 này, Real Madrid đã chia tay Sergio Ramos vì từ chối đáp ứng một bản hợp đồng dài hơi của trung vệ người Tây Ban Nha, bán đi Varane cho Man Utd với số tiền có thể thu về khoảng 50 triệu euro, bán đi Martin Odegaard cho Arsenal để đổi lấy thêm 40 triệu euro, hay như Brahim Diaz sang AC Milan với giá 3 triệu euro, và sắp tới là chia tay cả Alvaro Odriozola.

Mbappe

Tic tac...

Tính từ đầu năm 2020 đến nay, Real Madrid mới chỉ mang về đúng David Alaba dưới dạng chuyển nhượng tự do. Mùa hè năm ngoái, Los Blancos còn thu về chừng 70 triệu euro trong các thương vụ Achraf Hakimi, Sergio Reguilon. Đồng thời, giảm tải quỹ lương bằng việc đẩy James Rodriguez, Bale, Odegaard và Jovic sang các CLB khác. Thương vụ bất thành Donny van de Beek cũng giữ lại một khoản tiền trong ngân quỹ.

Từ những gì đã nêu, Real Madrid ở trong một tình trạng tài chính khỏe mạnh để vẫn có thể chiêu mộ được Kylian Mbappe.

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Nhà phân tích bóng đá

Có thể bạn thích