Trang chủ     Bóng đá thế giới   /   Tại sao lại là tôi?

Tại sao lại là tôi?

“Tại sao lại là tôi?”. Đó là câu hỏi quá phù hợp với tình hình Man Utd lúc này, nếu như chúng ta liên tưởng đến 10 năm trước và kéo dài sự liên tưởng ấy đi qua hơn 8 năm Man Utd không có danh hiệu Premier League.

“Tại sao luôn là tôi?” là một câu hỏi đã đi vào lịch sử Premier League ở giai đoạn đương đại này. Ngày 23/10/2011, trên sân Old Trafford, Mario Balotelli đã ghi bàn và ăn mừng bằng cách kéo tấm áo đấu lên để lộ dòng chữ mang câu hỏi trên được ghi trên áo lót trong. Đó là thất bại nặng nề nhất của sir Alex Ferguson trên sân nhà và nó cũng là mùa giải bắt đầu mở ra một thời kỳ Man City trở thành đối thủ cạnh tranh lớn nhất cho chức vô địch Premier League.

Ronaldo nổi cọc vì bị thay ra sớm, Rangnick lại rất dửng dưng

Ronaldo nổi cọc vì bị thay ra sớm, Rangnick lại rất dửng dưng Vừa qua, Man Utd đã giành được chiến thắng 3-1 trước Brentford trong chuyến hành quân đến sân Brentford Community.

Quỷ đỏ tìm lại chiến thắng: Bruno, De Gea mới là những người hay nhất

Quỷ đỏ tìm lại chiến thắng: Bruno, De Gea mới là những người hay nhất Ronaldo đã không thể ghi bàn trong ngày đội bóng của anh hạ đẹp đối thủ Brentford với tỷ số 3-1. Bruno Fernandes và De Gea tiếp tục duy trì phong độ ấn tượng.

QUẢNG CÁO

Câu chuyện cũ ấy được nhắc lại hôm nay sau khi Man Utd có chiến thắng 3-1 trước Brentford ở trận đấu bù vòng 17. Kể từ khi Rangnick đến nắm tạm quyền, đây mới là lần thứ 2 Man Utd thắng cách biệt 2 bàn. Và ở trận thắng trên sân Brentford Community này, có một chi tiết rất đáng lưu ý. Cristiano Ronaldo đã quay sang cật vấn Rangnick “Tại sao lại là tôi?” sau khi anh bị thay ra để nhường chỗ cho Maguire. Câu hỏi của Balotelli là một thắc mắc đặt ra đầy tính thân phận còn câu hỏi của CR7 thì đơn giản chỉ là một thứ: sự xác lập quyền lực của một siêu sao.

Trước khi nói đến cách Rangnick giải quyết câu hỏi của CR7, chúng ta hãy thử nhìn nhận xem cách thay người của Rangnick có hợp lý không cái đã. Và nếu nhìn vào kết cục trận đấu, khó ai có thể phủ nhận rằng việc thay người ấy là thiếu tính khoa học. Nó chuẩn xác, nằm trong tính toán và hiệu dụng.

Thomas Frank, HLV của Brentford đã trả lời báo chí rằng Man Utd đã may mắn một cách không thể tin được khi có chiến thắng 3-1. Frank nói hơi quá, nhưng cũng không hẳn là không sai. Thực chất, ở hiệp 1, Brentford đã chơi rất tốt, thậm chí có thể nói là chơi tốt hơn Man Utd khi không để đối thủ có được cơ hội rõ rệt nào. Nhưng khi bước vào hiệp 2, Man Utd đã chứng minh vị thế đội bóng cửa trên là như thế nào bằng 2 bàn thắng rất sớm của Elanga và Greenwood. Nhưng Rangnick hiểu rằng với 2 bàn thắng ấy, Man Utd vẫn rất cần điều chỉnh nếu không muốn lặp lại bài học Aston Villa vừa rồi.

Thực tế, Man Utd xuất phát với sơ đồ 4-2-3-1 nhưng thực chiến họ đá 3-4-3 với hàng thủ 3 trung vệ bất đối xứng nhờ việc Dalot không quá ham di chuyển vượt quá vạch giữa sân mà thay vào đó đảm nhiệm vai trò như một trung vệ lệch phải nhiều hơn. Và khi Man Utd đã có 2 bàn thắng, Rangnick cần thêm sự chắc chắn cũng như duy trì được áp lực tấn công, đặc biệt là việc gia tăng thêm uy lực ở biên phải. Và ông rút CR7 ra, đưa Maguire vào sân, rút Greenwood ra thay bằng Rashford. Nhờ đó, Man Utd có được một hàng thủ 3 trung vệ đối xứng với Maguire - Varane - Lindelof và có thể chơi 5-2-3 để đảm bảo gia cố tốt khâu phòng ngự. Trong khi đó, ở tuyến trên, Rashford hoạt động chủ yếu ở biên phải nhờ vào việc an tâm khi có Dalot luôn trấn giữ tốt phía sau. Chính cách thay đổi này đã khiến Man Utd có được bàn thắng thứ 3 nhờ vào công của chính Rashford. Bàn thắng ấy càng chứng minh rằng việc thay người của Rangnick là hợp lý hoàn toàn.

Bây giờ thì quay trở lại với câu hỏi của CR7 cho Rangnick và cách ông xử lý nó. “Tôi biết cậu muốn ghi bàn, nhưng tôi buộc phải quyết định vì lợi ích tập thể. Tôi không muốn lặp lại sai lầm trận Aston Villa. Tin tôi đi, chỉ 2 năm nữa thôi, khi cậu trở thành HLV, cậu sẽ hiểu”. Rangnick trả lời Ronaldo điềm đạm như vậy. Và ông đã trả lời rất đúng, không chỉ bằng ngôn từ mà còn bằng chính những gì diễn ra trên sân.

Ronaldo đã có 70 phút trên sân với 2 cú sút bị chặn, 1 cú sút trúng khung gỗ và 1 cú sút không trúng cầu môn. Ngoài ra, anh không có được một đường chuyền mở cơ hội nào cho đồng đội cả. Ở cương vị của một tay săn bàn, đó là một kết quả tệ. Và một khi cầu thủ săn bàn không phát huy được năng lực của mình, HLV có quyết định thay anh ta ra sân cũng là đúng thôi. Hơn nữa, CR7 lại đang là đàn anh ở đội bóng và vai trò nêu gương của anh là vô cùng quan trọng. Một trong những thứ thể hiện vai trò nêu gương tốt nhất là gì? Chấp hành mệnh lệnh của HLV chứ không phải cật vấn HLV “tại sao lại thay tôi?”.

Dù gì đi nữa, CR7 cũng đã ở tuổi về chiều và Premier League lại là một môi trường bào mòn thể lực. Giải đấu ấy luôn đòi hỏi cầu thủ phải đạt năng lượng cao nhất thì may ra mới có thể thể hiện hết mình. Ở tuổi của anh, cùng tình trạng thể chất của anh ở phút 70, việc anh bị thay ra nên được xem là chuyện bình thường. Chính vì việc tạo lập nên một thái độ bình thường kiểu ấy với bất kỳ cầu thủ nào, một đội bóng mới đúng nghĩa là một tập thể tích cực, có cái nhìn chung về một mục đích chung.

Cách đây vài hôm, Roy Keane từng đăng đàn đặt ra câu hỏi về “văn hoá hiện nay của Man Utd”. Trong phát biểu của mình, Keane cũng nói đến chuyện các cầu thủ trẻ cần phải biết lắng nghe cầu thị còn các cầu thủ đàn anh cần phải biết gương mẫu. Cũng chính Ronaldo đã nói cùng quãng thời gian đó đại ý rằng cầu thủ trẻ hiện nay thiếu phẩm chất lắng nghe, và khác hẳn với cách mà Ronaldo đã từng khi anh còn là “cậu bé” ở một Man Utd đầy đủ các anh tài. Vậy thì việc Rangnick thay Ronaldo ra, đối đáp với anh như vậy có phải là cách để bắt đầu thiết lập một thứ văn hoá cho Man Utd, thứ văn hoá mà siêu sao cần biết làm gương và các tiềm năng cần nhún mình học hỏi?

Ai nên đứng ra làm tấm gương tiêu biểu cho Man Utd lúc này đây? Ngoài CR7, khó ai có thể có được khả năng và vị thế tốt nhất. CR7 là một siêu sao; CR7 là một huyền thoại của Old Trafford; CR7 hiểu rõ nhất tinh thần Man Utd là gì. Và cũng chỉ có CR7 là người có thể phát ngôn mà những ngôi sao còn lại kiểu như Bruno, Pogba, Varane, Maguire đều sẽ phải nhún nhường cái tôi của mình lại. Rangnick cần CR7 làm cả những điều đó chứ không phải chỉ đơn thuần ra sân với vị thế của một ngòi nổ mà mọi đường bóng nên hướng tới mình. Vì thế, thứ Rangnick cần là CR7 “nổ” ở trên sân chứ không phải “nổ” trên băng ghế dự bị với những câu hỏi kiểu như “Tại sao lại là tôi?”. Nên nhớ, Man Utd không giống như ĐT Bồ Đào Nha và Rangnick không phải là Fernando Santos.

Nếu ai có chê trách Rangnick, đó là quyền của họ. Nhưng dù sao đi nữa, nhìn cách ông cải thiện Fred ở Man Utd, tạo cơ hội cho Elanga và biết cách điều chỉnh lại đội bóng với lối biểu hiện bên ngoài bọc nhung, bên trong nắm tay sắt, chúng ta nên hiểu rằng ông đang làm đúng việc của mình. Và nếu Man Utd còn tiếp tục thắng như cách thắng Brentford vừa rồi, dù có bị xem là “may mắn không thể tin nổi” đi nữa, thì đó cũng là những kết qủa đáng ngợi khen bởi ở hoàn cảnh của họ lúc này, từng 3 điểm một là quý giá vô ngần cho mục tiêu “phải lọt vào top 4”.

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Chuyên gia phân tích bóng đá

Có thể bạn thích