Trang chủ     Bóng đá   /   Từ bạo lực V-League đến sân phủi, bao giờ Việt Nam mới hết đá bóng kiểu "đồ tể"?

Từ bạo lực V-League đến sân phủi, bao giờ Việt Nam mới hết đá bóng kiểu "đồ tể"?

Bạo lực trên sân cỏ rõ ràng là một trong những tệ nạn khiến cho hình ảnh của V-League nói riêng và toàn bộ nền bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam nói chung trở nên xấu xí trong mặt bạn bè quốc tế.

Rất nhiều những chấn thương đáng tiếc đã xảy ra trong suốt nhiều năm qua, và vụ việc mới nhất gây chấn động dư luận là câu chuyện giữa Ngô Hoàng Thịnh và Đỗ Hùng Dũng.

Bạo lực bóng đá

Vậy nhưng bạo lực đâu chỉ xuất hiện ở các giải đấu chuyên nghiệp, mà ở cấp độ các giải phủi, chúng ta cũng chưa tìm ra cách thức hiệu quả nào để kiềm chế những cái đầu nóng quá mức cần thiết.

Tại giải bóng đá phong trào Hanoi Premier League diễn ra hồi giữa tháng 11 năm ngoái, trong trận đấu giữa CLB Du Lịch và CLB Ocean, chỉ vì những quyết định chính xác nhưng khiến cho CLB Du Lịch gặp bất lợi mà trọng tài chính đã bị “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay”.

QUẢNG CÁO

Bạo lực bóng đá

Rất may là ngoài việc bị túm áo và đe dọa, vị trọng tài này không thực sự dính đòn. Vậy nhưng thử đặt mình vào vị trí của vị trọng tài kể trên, sau những gì đã trải qua, liệu tiếng còi của ông có thực sự được chính xác, khách quan nữa hay không, hay sẽ vì sự sợ sệt mà có những quyết định thiên vị cho CLB Du Lịch?

Trước đó một năm, tức năm 2019, một sự việc rất đau lòng và đáng tiếc đã xảy ra. Trong trận đấu nghiệp dư diễn ra tại một trường đại học trên địa bàn phường An Bình, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ, chỉ vì va chạm trên sân cỏ mà sau cùng, án mạng đã xảy ra. Cụ thể, nạn nhân là Mai Phú Sang, bị La Phát Đạt, Lê Thiên Đăng và Lê Công Hiệp quây vào đánh hội đồng dẫn đến chết người do xuất huyết não.

Bạo lực bóng đá

Đáng nói hơn, sau khi đánh người đến mức gây ra án mạng, chỉ có La Phát Đạt là chủ động đứng ra đầu thú, còn Lê Thiên Đăng cùng với Lê Công Hiệp chỉ chấp nhận tra tay vào còng khi bị lực lượng công an bắt giữ khẩn cấp mà thôi.

Và không chỉ ở thành phố Cần Thơ, mà ngay cả đô thị trung tâm chính trị, nơi có tình hình trị an tốt bậc nhất cả nước như thủ đô Hà Nội cũng xảy ra những vụ ẩu đả trên sân phủi khiến lòng người nhức nhối. Đó là vào ngày 16/7/2019, trong một trận đấu giữa một CLB nghiệp dư sinh viên và một CLB bao gồm những người làm văn phòng diễn ra tại sân bóng 104 Nguyễn Anh Ninh. Theo lời tố giác, chỉ vì thua quá đậm mà những người đã đi làm – tức là đã có va chạm xã hội, có đầy đủ nhận thức, tri thức, văn hóa, lại ra tay đánh những cậu thanh niên ít tuổi hơn mình đến mức phải nhập viện.

Nếu như đây là vụ việc giữa những cậu bé vị thành niên, chúng ta còn có thể thông cảm với lý do các em chưa ý thức được hành vi của mình cùng những hậu quả mà nó đem lại. Thế nhưng đây lại là những người trưởng thành, và nó phản ánh sự thật rằng có một bộ phận những người chơi môn thể thao vua ở cấp độ nghiệp dư là những người có tri thức chưa cao.

Bạo lực bóng đá

Rõ ràng, chúng ta cần phải tìm cách để hạn chế những vụ việc như vậy, nhưng không phải là cứ để xảy ra rồi mới báo cáo các cơ quan chức năng xử lý, mà phải có biện pháp trị tận gốc theo phương châm “phòng bệnh hơn chữa bệnh”.

Vậy biện pháp đó là gì? Thứ nhất, đó là công tác tổ chức các giải phủi cần phải chuyên nghiệp hơn nữa. Sẽ không chỉ là các đơn vị tư nhân đứng ra tổ chức, mà liên đoàn hoặc những bộ, ban, ngành phụ trách về thể thao, an ninh cũng nên chung tay nếu có thể. Và thứ hai, đấy là giáo dục ý thức, nhận thức, đạo đức cho người dân, nâng cao dân trí. Rõ ràng, chẳng có biện pháp phòng ngừa nào tốt hơn việc tự bản thân mỗi người có thể tự kiềm chế cái đầu nóng của chính mình, nhất là khi trận đấu ở vào thời điểm cao trào.

Bạo lực bóng đá

Tất nhiên, rất khó để đòi hỏi các sân chơi nghiệp dư có thể được tổ chức với quy mô, sự chuyên nghiệp như những giải đấu lớn.

Vậy nhưng, việc thay đổi ngay từ bây giờ là điều rất cần thiết. Bởi lẽ việc tạo ra một môi trường bóng đá phong trào lành mạnh, thậm chí là một nền văn hóa yêu bóng đá lành mạnh, văn minh, đó sẽ là cơ sở để cho bóng đá chuyên nghiệp có thể phát triển mạnh mẽ. 

Chia sẻ bài viết:
Zalo

Có thể bạn thích