Từ chuyện “bỏ tập” của Harry Kane đến quyền lực của giới cầu thủ

Một cầu thủ tỏ thái độ dùng dằng, từ chối trở về tập trung đúng hạn và không thông báo nguyên nhân với CLB chủ quản, không còn là chuyện hiếm trong thế giới bóng đá. Những cầu thủ “nổi loạn” ấy hoàn toàn có thể chịu án phạt từ CLB, nhưng khi tâm trí đã ở một chốn khác, cái giá của hành động bất chấp ấy dễ dàng được cho qua và trở thành cỏn con. 

Ngày 02 tháng 8 là thời điểm mà đáng lẽ ra Harry Kane phải trở lại sân tập của Tottenham, nhưng phải 5 ngày sau, anh mới trở về Anh sau kỳ nghỉ tại Bahamas. Đến hôm 17 tháng 8, tiền đạo 28 tuổi lần đầu tập luyện cùng các đồng đội.

 Kane nói rằng anh cảm thấy đau lòng khi sự chuyên nghiệp của mình bị đặt dấu hỏi và không bao giờ có ý định từ chối tập luyện tại Tottenham. Nhưng chuyện anh muốn ra đi đã không còn là bí mật và điều đó giúp giả thiết Kane đang muốn làm mình làm mẩy để được toại nguyện trở nên có cơ sở.

 Trong câu chuyện giữa Kane và Spurs, tiền đạo người Anh có lẽ cảm thấy anh xứng đáng được ra đi sau tất cả những gì đã nỗ lực và để thỏa khát khao chinh phục các danh hiệu mà đời cầu thủ nào cũng ấp ủ. Spurs, ở địa vị của Daniel Levy, một người điều hành và tìm kiếm, bảo vệ những lợi ích tốt nhất cho CLB, có lẽ cũng chẳng sai khi nhất quyết giữ vững lập trường không muốn bán đi chân sút số một của họ.

Đúng, sai, phải, trái đôi khi không đơn giản để phân định, có lúc nó là vấn đề về góc nhìn và sự đồng cảm. Nhưng có một thứ dễ dàng nhận thấy trong thế giới bóng đá ngày nay: Sức mạnh và quyền lực của các cầu thủ, vốn về bản chất là những người làm công ăn lương, ngày càng được củng cố. Trước Harry Kane, lịch sử từng ghi nhận nhiều trường hợp tương tự. Câu chuyện của George Eastham và Pierre van Hooijdonk là những ví dụ được xem là kinh điển về những cầu thủ không còn mặn mà muốn thi đấu cho CLB cũ và tìm đủ mọi cách để đạt được mong muốn rời đi.

Trong giai đoạn 1893-1963, bóng đá Anh tồn tại một hình thức chuyển nhượng có tên “retain and transfer system” (nắm giữ và chuyển nhượng). Hình thức này cho phép các CLB được quyền trói buộc cầu thủ của họ gần như đến cả đời. 

Nó vì thế ngăn các cầu thủ được phép chuyển đến đội bóng khác, đồng thời giúp các CLB từ chối trả lương cho cầu thủ nếu như họ đề nghị được chuyển nhượng. Nhưng George Eastham mở ra cánh cửa cho sự thay đổi. George Eastham từng là thành viên quan trọng của Newcastle từ 1956 đến 1960.

Dù vậy, trong giai đoạn này, giữa Eastham và Newcastle phát sinh mâu thuẫn. Đến năm 1959, hợp đồng sắp hết hạn, ông từ chối ký vào bản hợp đồng mới và đề đạt mong muốn ra đi. Tuy nhiên, Newcastle từ chối. Không còn cách nào khác để chuyển đến đội bóng mới dưới quy định về chuyển nhượng bấy giờ, Eastham quyết định... nổi loạn, đình công vào cuối mùa giải 1959/60.

Ông chuyển đến miền Nam để làm việc cho gia đình một người bạn, cụ thể là bán nút bần nắp chai. Cuối cùng, vào tháng 10 năm 1960, Newcastle “rủ lòng thương” và bán Eastham cho Arsenal với giá 47.500 bảng. Dù được toại nguyện chuyển sang CLB khác, nhưng Eastham, dưới sự hậu thuẫn của Hiệp hội Cầu thủ chuyên nghiệp Anh (PFA), quyết định đem vụ việc ra Toà án Tối cao vào năm 1963. Dù Eastham không được nhận tiền bồi thường như ý định, những phán quyết của toà án đã góp phần làm nên một cuộc cách mạng trên thị trường chuyển nhượng bóng đá Anh. 

Hình thức chuyển nhượng “retain and transfer” được toà án đánh giá là vô lý. Từ đó, yếu tố “retain” (nắm giữ) được thay đổi, giúp mang đến những điều khoản công bằng hơn cho giới cầu thủ trong việc đàm phán tái ký hợp đồng với các CLB, cũng như đặt ra án lệ cho những tranh chấp chuyển nhượng phát sinh về sau.

32 năm sau “Phán quyết Eastham”, bóng đá thế giới chứng kiến một phán quyết khác, trở thành cột mốc lịch sử. Đó là phán quyết Bosman – lấy theo tên cầu thủ người Bỉ là Jean Marc Bosman – vào năm 1995, quy định về chuyển nhượng tự do, cho phép cầu thủ được tự do rời khỏi một CLB sau khi hết hạn hợp đồng. Đấy là lúc quyền lực của giới cầu thủ thật sự sang trang. Sau phán quyết Bosman, giới cầu thủ có thêm cơ sở và khả năng tạo ra áp lực với CLB chủ quản hòng đạt được nguyện vọng tìm đến bến đỗ mới. Nếu George Eastham là người mở đường, thì Pierre van Hooijdonk phải được coi như một sự tham chiếu rõ ràng cho các hậu bối về cách tận dụng quyền lực.

20 năm đã trôi qua kể từ thời điểm diễn ra cuộc nổi loạn để đòi ra đi của Van Hooijdonk, lịch sử vẫn luôn nhắc về cựu cầu thủ người Hà Lan như một kẻ khó ưa trong mắt HLV, các đồng đội và người hâm mộ ở Nottingham Forest. Trước thềm Ngoại hạng Anh 1998/99, Van Hooijdonk một mực từ chối trở về tập trung cùng các đồng đội Forrest. Anh chọn ở lại quê nhà Hà Lan đến 4 tháng, để buộc CLB chủ quản phải chấp nhận đề nghị chuyển nhượng của anh.

Dave Bassett, HLV của Van Hooijdonk thời đó ở Forest, ức chế đến nỗi muốn “chọc một nhánh ôliu vào mông hắn ta”. Thậm chí, đến tận bây giờ, nói như tờ Telegraph của Anh, “nỗi uất ức của Basset với Van Hooijdonk vẫn sâu như rãnh Mariana”. Rãnh Mariana là rãnh đại dương sâu nhất của lớp vỏ Trái Đất.

Van Hooijdonk vẫn phải trở về Forest sau 11 trận vắng mặt. Nhưng ngay cả khi ghi bàn thắng đầu tiên thời hậu đình công vào lưới Derby trong tháng 11 năm 1998, anh vẫn bị tẩy chay. Thay vì chạy đến chia vui cùng cựu cầu thủ người Hà Lan, các đồng đội của Van Hooijdonk lại chung vui với người kiến tạo bàn thắng là Scot Gemmill. “Tôi chẳng quan tâm đến những gì hắn ta sẽ làm”, tiền vệ Steve Stone của Forest lúc bấy giờ thẳng thắn phát biểu như vậy. Tuy nhiên, mỗi câu chuyện luôn có bối cảnh của riêng nó. Chuyện của Van Hooijdonk cũng như vậy.

Sau khi ghi 56 bàn trong 92 trận cho Celtic, Van Hooijdonk được Forest mang về vào tháng 3 năm 1997 với giá 4,5 triệu bảng Anh để giúp đội bóng tránh cảnh rớt hạng nhưng bất thành. Anh ở lại và ngay lập tức chứng tỏ giá trị khi ghi 34 bàn trong mùa giải kế tiếp, giúp Forest thăng hạng, trở lại với Ngoại hạng Anh, còn bản thân thì được gọi vào đội hình Hà Lan tham dự World Cup 1998. Giữa Van Hooijdonk và HLV Bassett vốn đã tồn tại những bất mãn không thể hàn gắn.

Trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với tạp chí 442 của Anh vào năm 2016, Van Hooijdonk chia sẻ rằng anh không thích phương pháp tập luyện của ông thầy người Anh. “Tôi không hề thích những bài tập đá sân năm người của Forest thời đó. Lúc nào cũng tập bài ấy, thủ môn thì đá cánh phải, trong khi trung vệ thì giữ khung thành,” Van Hooijdonk nói. “Tôi muốn tập luyện để cải thiện, nhưng cứ đến buổi tập là tôi chẳng học được gì.” Chính vì lẽ đó, chuyện Forest ngay khi xuống hạng thì lập tức trở lại với Ngoại hạng Anh cũng không phải là một thành công vang dội gì trong mắt Van Hooijdonk. Bởi theo anh, với chất lượng đội hình khi ấy, Forest dư sức thăng hạng bất kể người ngồi trên ghế huấn luyện có là ai đi chăng nữa.

Dave Bassett không hẳn thất hứa, nhưng ông và lãnh đạo Forest khiến các đội bóng theo đuổi Van Hooijdonk “chạy mất dép” khi hét giá quá cao. “Lần đầu tiên tôi tức giận là khi biết Newcastle muốn trả 7 triệu bảng để có tôi, nhưng Bassett đáp lại rằng: ‘Cậu ta chỉ có thể ra đi với giá 10 triệu bảng Anh.’ Con số 10 triệu bảng vào năm 1997 đúng là nực cười, nó khác gì bán một ly cappuccino với giá 25 bảng. Ừ thì ông ấy đồng ý bán tôi đấy, nhưng với mức giá mà không một ma nào với tới được.”

Tuy nhiên, trước khi bắt đầu mùa giải 1998/99, đội hình Forest có những biến động. CLB bán đi đối tác ăn ý trên hàng công của Van Hooijdonk là Kevin Campbell. Thủ quân Colin Cooper cũng chia tay đội chủ sân City Ground. Chính những quyết định này khiến Van Hooijdonk càng thêm bất mãn và đình công. Nhưng đấy chưa phải là lý do quan trọng nhất. Chính Van Hooijdonk kể lại, rằng vào tháng 12 năm 1997, anh có cơ hội gia nhập PSV Eindhoven, nhưng sau khi nói chuyện với HLV Dave Bassett, anh chấp nhận ở lại và giúp Forest thăng hạng. “Ông ta nói không thể để tôi đi, ông ấy muốn tôi ở lại để giúp Forest thăng hạng. Tôi là chân sút chủ lực và nếu bán tôi đi, ông ấy sẽ không thể giữ được ghế. Thế rồi tôi mới chốt lại: ‘OK, vậy tôi muốn ra đi sau mùa giải.’ Và ông ấy hứa: ‘Đưa chúng tôi trở lại Premier League, và chúng tôi sẽ để cậu ra đi.’”

Căng thẳng giữa Van Hooijdonk và Dave Bassett ngày càng lên cao trong mùa giải 1997/98, từ chuyện phương pháp tập luyện, đến lời hứa chuyển nhượng, và cả những lời nói xấu sau lưng mà cựu cầu thủ Hà Lan tin rằng ông thầy của anh đã rêu rao khắp các mặt báo. Đến nỗi, về sau khi trò chuyện với tạp chí 442, Van Hooijdonk vẫn không nén được cơn giận. “Mãi sau này Dave vẫn luôn miệng bảo tôi là người khiến ông ấy bị sa thải, nhưng nên nhớ tôi cũng là người giúp ông ấy thăng hạng.

Tôi có phải là người mua bán cầu thủ mùa đó đâu,” anh kể lại. “Người ta nói Dave là một HLV giỏi khi từng thành công với Wimbledon, nhưng ở Forest toàn những cầu thủ chất lượng và đội bóng có thể tự thành công mà không cần ông ta. Chúng tôi chưa bao giờ có một chiến thuật bài bản nào, chiến thuật của ông ấy là ‘ra sân và chơi bóng nào các cậu.’ Ông ấy là HLV tệ nhất tôi từng làm việc, là một con chuột gặm nhấm, một con rắn độc chỉ biết nói xấu về tôi.”

 Khi mùa giải 1997/98 khép lại, Van Hooijdonk quyết định tìm đến Giám đốc Điều hành Irving Scholar của Forest để thẳng thắn bàn chuyện tương lai. “Đó là một người tôi rất kính trọng, tôi nói với ông ấy vấn đề không phải chuyện tiền bạc, chỉ là tôi không còn hạnh phúc khi ở Forest nữa. Irving khuyên tôi: ‘Thôi cứ chờ xem, trước mắt, cậu cứ dự World Cup đã.’ Tôi nghe ông ấy, nhưng rồi vẫn không có chuyển động nào diễn ra. Tôi quyết định: ‘OK, nếu các người đã làm tổn thương tôi, tôi sẽ làm tổn thương lại các người.’ Tôi không hề muốn các CĐV đau lòng, vì họ không có tội tình gì cả, nhưng tôi muốn đáp trả lại những người tìm cách chơi tôi. Vì thế, tôi mới ở lại Hà Lan và tập luyện ở đó vài tháng.”

Câu chuyện nào rồi cũng phải có cái kết. Với Van Hooijdonk lẫn Nottingham Forest hay Dave Bassett, cả ba đều không có một cái kết hạnh phúc. Bassett bị sa thải, Forest thì xuống hạng lần nữa, và Van Hooijdonk thì trở lại để cuối cùng cũng được bán đi, nhưng là cho Vitesse Arnhem của Hà Lan, một điểm đến dưới mức kỳ vọng của anh. Van Hooijdonk có thể không giành phần thắng trong cuộc chiến giữa anh với Nottingham Forest và HLV Dave Bassett. Nhưng anh đã cho thấy quyền lực của giới cầu thủ kể từ sau phán quyết Bosman. George Eastham, rồi Van Hooijdonk và rất nhiều những trường hợp ngày nay như Diego Costa, Carlos Tevez, Dimitri Payet, rồi Antoine Griezmann và Harry Kane theo thời gian dần chứng minh rằng bóng đá ngày càng được nhìn nhận như một thị trường thuần chất, ngày càng không có chỗ cho những tình cảm uỷ mị. Một cầu thủ, nhất là cầu thủ ngôi sao của đội bóng, hiểu rõ bản thân đang nắm trong tay sức mạnh nào, và họ không e sợ sử dụng.

Harry Kane từng tuyên bố hồi đầu tháng 8 năm nay rằng anh sẽ không làm điều gì để phá vỡ mối quan hệ với người hâm mộ Tottenham, những người đã luôn ủng hộ anh hết mình. Spurs là nơi mà Kane đã gắn bó gần 10 năm kể từ ngày có màn ra mắt. 10 năm ấy, biết bao nhiêu nghĩa, biết bao nhiêu tình. Thứ duy nhất thiếu, là danh hiệu tập thể. Và cũng Kane, trong cuộc trò chuyện với Gary Neville hồi giữa tháng 5, đã nói: “Tôi không muốn khép lại sự nghiệp của mình mà có bất kỳ điều gì cảm thấy tiếc nuối. Tôi muốn mọi thứ phải kết thúc tốt nhất có thể. Tôi chưa bao giờ nói rằng mình sẽ ở lại Spurs đến hết phần đời còn lại của sự nghiệp.”

“Tôi muốn được chơi ở những trận cầu tầm cỡ nhất. Mùa giải 2020/21 này, tôi đã phải ngồi nhà xem các đội bóng Anh khác làm nên những điều tuyệt diệu ở Champions League. Đó lại chính là những trận đấu mà tôi muốn mình được dự phần, được góp mặt. Đây là thời điểm trong sự nghiệp mà tôi phải ngẫm lại, để xem mình đang ở đâu. Có thể ngài chủ tịch sẽ vạch ra kế hoạch, nhưng cuối cùng, mọi thứ về tương lai tùy thuộc vào bản thân tôi chứ không phải một ai khác, tùy thuộc cách tôi cảm nhận và xem điều gì là tốt nhất cho bản thân cũng như cho sự nghiệp.”

“Tương lai của tôi do tôi quyết định”, Kane rõ ràng muốn nhấn mạnh như vậy và anh cũng tin đã có những lời hứa hẹn không được Daniel Levy cam kết. Nhưng đây không còn là thời của George Eastham, và con số 160 triệu bảng Anh mà Daniel Levy định giá cho Kane có thể khiến “bất kỳ ma nào cũng phải chạy xách dép”, nhưng 120 triệu bảng Man City sẵn sàng đặt lên bàn đàm phán không phải nhỏ để cự tuyệt hoàn toàn. Đây là thời đại mà tiền tỷ lệ thuận với “sức mạnh” cầu thủ. Sức mạnh ấy gồm cả năng lực chuyên môn của họ. Sau mỗi lần nổi loạn, đình công như vậy, liệu các cầu thủ có cảm thấy hối hận? Với Van Hooijdonk, anh tâm sự rằng: “Nhìn lại quá khứ, lẽ ra tôi nên đợi đến cuối tháng Tám. Nhưng liệu CLB sau đó có bán tôi không?

Tôi không nghĩ vậy. CLB có thể phạt tiền tôi vì vắng mặt không phép, vì tôi cũng không muốn được trả lương khi không làm gì cả. Chỉ là tôi muốn một giải pháp. Khi tôi trở lại Forest, tôi từng nói thẳng với những ai chỉ trích tôi trong phòng thay đồ đội bóng rằng tôi phải nghĩ cho sự nghiệp của mình. Khi tôi ra sân trong màu áo Forest trở lại, tôi vẫn chiến đấu và cống hiến hết mình, chỉ có điều tôi luôn cảm thấy thiếu thiếu một thứ gì đó. Trái tim đã không còn thuộc về nhau rồi.”