Trang chủ     Bóng đá thế giới   /   Barca và câu chuyện Hà Lan

Barca và câu chuyện Hà Lan

“Ở xứ này, chẳng làm gì thì cũng bị đuổi” là câu nói đầy uất ức của Ronald Koeman khi ông bị trọng tài Del Cerro Grande truất quyền chỉ đạo ở một tình huống phản ứng chỉ vì có 2 quả bóng cùng tồn tại trên sân. Nhưng đó cũng là một câu nói có thể lồng ghép được vào hoàn cảnh của ông lúc này.

Chẳng làm gì, có nghĩa là Koeman không hề can dự đến nguyên nhân sâu xa của việc Barca sụp đổ trong hai năm qua, nhưng ông vẫn có thể bị sa thải khỏi CLB mà chính ông từng góp phần mang lại danh hiệu Champions League đầu tiên trong lịch sử của nó. Song, chẳng làm gì, cũng có thể được những người chống Koeman hiểu theo cách ông đã “chẳng làm nổi trò trống gì” trong công cuộc vực dậy một Barca kiệt quệ.

Ronald Koeman: “Ở Barca, bạn sẽ bị đuổi bất cứ lúc nào”

Ronald Koeman: “Ở Barca, bạn sẽ bị đuổi bất cứ lúc nào” Sau trận hòa 0-0 trước Cadiz trong trận đấu diễn ra vào rạng sáng này, HLV Ronald Koeman đã có những phát biểu hết sức đáng chú ý.

Sau Barca, MU là CLB tiếp theo phải đối mặt với chuyện quỹ lương

Sau Barca, MU là CLB tiếp theo phải đối mặt với chuyện quỹ lương Man United đang phải gánh một quỹ lương khổng lồ sau khi chiêu mộ Jadon Sancho và Cristiano Ronaldo ở mùa hè năm nay.

Koeman có thể sẽ phải rời Barca sớm thôi, không cách này thì cách khác. Một HLV khác cũng sẽ đến kế nhiệm ông, sớm thôi, và có thể biết đâu Barca cũng sẽ khác. Nhưng nếu chuyện thay tướng xảy ra, câu hỏi lớn sẽ không chỉ dành cho một mình Koeman, mà còn được dành cho cả những người Hà Lan ở Barca hôm nay, từ Frenkie de Jong cho tới Memphis Depay. Đó là câu chuyện Hà Lan ở Barca liệu có phải lúc nào cũng có một kết cục có hậu?

QUẢNG CÁO

Người Hà Lan vĩ đại nhất của Barca tất nhiên là Johan Cruyff, với tất cả những di sản ông để lại không chỉ ở thời kỳ thi đấu, thời kỳ huấn luyện mà còn cho tới tận sau này. Jordi, con trai của Cruyff, được sinh ra tại đây, với cái tên mà Cruyff đặt như để tri ân TBN nói chung và Catalonia nói riêng (Jorrdi là tên TBN). Ở Barca, chê bai Cruyff chẳng khác gì phạm huý. Và thực tế, Cruyff ở Barca cũng chẳng có gì để chê bai cả. Nhưng những người Hà Lan khác thì sao? Có phải nó là một gạch nối khiên cưỡng giữa Barca với xứ sở tulipa hay không? Hay nó là một gạch nối logic, có ý nghĩa và đúng đắn?

Johan Cruyff là người Hà Lan vĩ đại nhất Barca

Không ai có thể phủ nhận được sự góp mặt của HLV Rinus Michels và Johan Cruyff đã tạo ra nền tảng vĩ đại cho triết lý của Barca đương đại. Phương pháp huấn luyện, đào tạo, triết lý bóng đá, tư duy chơi bóng của Barca đều phát triển trên cái gốc mà hai con người này đã tạo dựng. Nó chính là hạt mầm được gieo trên một mảnh đất phì nhiêu để sản sinh ra những con người vĩ đại như Pep Guardiola, Lionel Messi, Xavi, Iniesta… và tạo ra một hình mẫu mà rất nhiều CLB khác đã học tập theo. Nhưng thực tế, những người Hà Lan khác tại Barca thì sao? Thành công mà họ mang lại cho Barca thực sự là hiếm hoi (điển hình nhất là chức vô địch Champions League với Rijkaard) còn thất bại thì rất dễ được nhắc nhớ. Và đặc biệt là Barca của ngày hôm nay, với Koeman, de Jong và Depay, những cá nhân thực sự chưa để lại được dấu ấn lớn nào. Nó khiến khách quan đặt ra câu hỏi lớn kể trên, đầy tính ngờ vực về chất lượng Hà Lan ở Camp Nou.

Nhìn vào thực tế, triết lý bóng đá của Barca không khác mấy so với triết lý bóng đá Hà Lan nói chung, đặc biệt là Ajax nói riêng, nếu không nói là có nhiều điểm trùng khớp. Có thể nói, triết lý bóng đá của Barca như một cái cây được chiết cành từ cái gốc Ajax với một đoạn mã gene chung nhất. Cách đào tạo của các học viện ở Hà Lan cũng tương đồng nhau, dựa trên nền tảng một cầu thủ được tạo ra đa nhiệm, có thể chơi vài vị trí khác nhau. Và chất lượng cầu thủ Hà Lan thì chúng ta khỏi phải bàn tới rồi, luôn luôn có tính ổn định rất cao. Nhưng từ thế hệ của Cocu, của anh dem De Boer cho tới hôm nay, họ chưa bao giờ trở thành chủ lực đứng ở tâm điểm của sân khấu Nou Camp bất chấp việc họ được chào đón ở đó nồng nhiệt hơn cầu thủ xuất xứ từ bất kỳ nơi nào khác.

Hôm nay, khi mà ghế HLV trưởng của Barca là một người Hà Lan từng đá cho Barca, từng huấn luyện ĐTQG Hà Lan, những cái tên Hà Lan cũng được ưu ái hơn. Đặc biệt, thêm vào đó là vai trò cực quan trọng của Jordi Cruyff ở tư cách người cố vấn cao cấp nhất của Laporta. Trong mắt của Koeman, Memphis Depay chắc chắn sẽ hơn hẳn những Ousmane Dembele hay Griezmann. Nhưng Memphis Depay đã làm gì được ở Barca? Anh ta chơi tốt, như mọi cầu thủ bình thường khác. Trong khi đó, Barca lại cần một linh hồn đủ làm sống dậy một tinh thần đã ủ rũ và kiệt quệ sau một thời gian dài.

Xavi, Rijkaard và Ronaldinho

Vậy thì điểm khác biệt giữa Cruyff, Rijkaard, Van Gaal (giai đoạn dẫn dắt Barca đầu tiên) và chính Van Gaal (giai đoạn thứ 2) và Koeman sau này là gì? Tại sao có những câu chuyện Hà Lan thành công và tại sao lại có những câu chuyện Hà Lan không có hậu? Hãy thử so sánh đội hình mà họ có trong tay có lẽ chúng ta sẽ hiểu. Dưới bàn tay Hà Lan thành công có thể vẫn có cầu thủ Hà Lan trong đội hình, nhưng chỉ là vai trò “phụ hoạ” cho những ngôi sao Nam Mỹ và một hàng tiền vệ được dẫn dắt bởi La Masia bản địa. Còn dưới bàn tay Hà Lan thất bại là nỗ lực Hà Lan hoá Barca với niềm tin chất lượng cầu thủ Hà Lan đủ sức là trụ cột lớn nhất của CLB xứ Catalonia. Nếu không có Romario, Enrique, Amor, Guardiola, Ronaldo, Ronaldinho, Xavi, Iniesta, Puyol, Messi, bàn tay Hà Lan thành công có thể đạt được thành công ấy hay không? Triết lý, ý tưởng luôn là những thứ nằm trên sa bàn. Thể hiện nó cần những đôi chân chạy trên sân cỏ. Và các đôi chân thể hiện tốt nhất triết lý Hà Lan, ý tưởng Hà Lan ở Barca, mỉa mai thay, lại không phải những đôi chân Hà Lan.

Sau bóng đá, môn thể thao mà Cruyff mê nhất là bóng chày. Từng là tuyển thủ bóng chày đội tuyển U16 Hà Lan, ở vai trò người bắt bóng, ông học được, đúc rút được 3 triết lý từ bóng chày để mang vào bóng đá của mình. Thứ nhất là cách xoạc bóng điêu luyện trong phòng ngự để không phạm lỗi và không làm đau mình cũng như đối thủ. Thứ hai là cách quan sát toàn bộ cục diện cuộc chơi và không gian thi đấu. Thứ ba là cách phân tích các di chuyển, chuyển động của các cá nhân khác (cả đối thủ lẫn đồng đội) và phân tích các quỹ đạo bóng. Tất cả các đúc rút ấy mang lại cho ông các yếu tố quan trọng nhất cho việc xây dựng triết lý bóng đá của mình khi huấn luyện các cầu thủ Barca sau này. Đó là tốc độ, bứt phá, tính cơ động, tính linh hoạt, sự cân bằng, khả năng phán đoán và đặc biệt là nhận thức không gian và chiều sâu của nó. Nhưng vượt trên hết, có hai thứ mà Cruyff luôn cố xây dựng và duy trì là kỷ luật và niềm vui khi chơi bóng. Phải có kỷ luật để thực hiện tốt ý tưởng nhưng cũng phải có niềm vui để việc thực hiện ý tưởng ấy là một cảm hứng sáng tạo chứ không phải chỉ là thực hiện nhiệm vụ máy móc đơn thuần.

Barca cần những nghệ sỹ...

Từ câu chuyện của Cruyff, chúng ta có thể dễ hình dung được vì sao các cầu thủ Hà Lan khác lại không thành công ở Barca. Họ có thể tài năng nhưng họ có niềm vui chơi bóng trên sân hay không? Họ chấp hành kỷ luật của tập thể nhưng họ có tìm kiếm được ở đó niềm hứng khởi hay không? Hay họ đơn thuần chỉ thực hiện chúng máy móc theo kiểu “chúng tôi là những người chuyên nghiệp”? Cái khác biệt giữa Cruyff và phần Hà Lan còn lại nằm ở chỗ đó. Nó không phải là câu chuyện tài năng, kỹ thuật cá nhân đơn thuần mà nó nằm ở chỗ “vượt ra ngoài cái khuôn khổ khô cứng của tính chuyên nghiệp” để thể hiện được sự sáng tạo của một nghệ sỹ sân cỏ.

Và thực tế, trong suốt chiều dài lịch sử của Barca, trừ Johan Cruyff ra, chưa bao giờ Barca có một nghệ sỹ sân cỏ xuất xứ Hà Lan cả. Câu chuyện Hà Lan hiện tại của họ cũng vậy thôi, trong số Memphis Depay, Frankie, Luke de Jong, ai dám nhận mình là một nghệ sỹ sân cỏ?

Đó là một thứ ánh sáng huyền ảo mà Suarez, Neymar, Messi, Xavi, Iniesta, Ronaldinho, Henry, Eto’o, Ronaldo, Romario, Stoichkov… từng có, như chính tinh thần mả Cruyff từng có ở thập niên 70 tại chính Nou Camp này…

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Chuyên gia phân tích bóng đá

Có thể bạn thích