Trang chủ     Bóng đá thế giới   /   Bernard Tapie - Huyền thoại bất tử

Bernard Tapie - Huyền thoại bất tử

Qua đời ở tuổi 78 sau 5 năm chống chọi với bệnh ung thư dạ dày, cựu chủ tịch CLB Olympique Marseille (Olympique Marseille) giai đoạn 1986 - 1994, Bernard Tapie đã để lại cả một trời tiếc thương cho những ủng hộ viên CLB thành phố cảng. Với họ, ông đúng nghĩa là một huyền thoại bất tử…

Người ta sẽ mãi mãi nhắc nhớ về Bernard Tapie bằng vụ scandal Valenciennes năm 1993, như một vết nhơ của bóng đá Pháp. Và ở vào cái thời mà thông tin chưa lan truyền với tốc độ chóng mặt, cập nhật và đa chiều như ngày nay, rất nhiều người đã đánh đồng vụ mua bán độ ở Ligue 1 ấy với những gì mà Olympique Marseille đạt được ở cúp C1 (tiền thân của Champions League). Thực tế, hai cuộc chơi ấy của Tapie tách bạch hoàn toàn. Mỗi cuộc chơi, ông chiến đấu theo một cách riêng, có thể tà, có thể chính, nhưng mãi mãi ông là một chiến binh mà không một ai có thể phủ nhận được. Chức vô địch của Olympique Marseille cũng không hề bị UEFA tước đi nhưng nhiều người từng lầm tưởng vì đơn giản, ở đấu trường C1, Tapie không chiến theo cách ở Ligue 1.

Thấy gì từ thất bại đầu tiên của PSG và Messi?

Thấy gì từ thất bại đầu tiên của PSG và Messi? PSG đã nếm thất bại đầu tiên của mùa giải. Và trong thất bại ấy của họ, Messi có mặt trọn vẹn 90 phút. Từ thất bại này, chúng ta có thể rút ra được những gì?

Hàng xóm bị cướp, Messi nhanh chóng lên kế hoạch

Hàng xóm bị cướp, Messi nhanh chóng lên kế hoạch "chuyển trọ" Ngôi sao của Paris Saint Germain Lionel Messi mới đây đã bị trộm vào nhà lấy đi hàng tỷ đồng tiền mặt cùng với đó là những trang sức đắt đỏ.

Nếu cuộc đời Tapie chỉ toàn là “tà đạo” đến mức độ không thể tôn trọng nổi như ta nghĩ, chẳng có lý cớ gì mà tờ L'Equipe đã dành tới 21 trang để viết về ông, như một lời chia tay cuối cùng. Ông vẫn đứng sừng sững trong lòng những người yêu bóng đá Pháp, như một tượng đài, như một huyền thoại, bất tử.

QUẢNG CÁO

Bernard Tapie và chiếc cúp Champions League 1993

Vụ Valenciennes nổ ra từ ngày 19/05/1993, đúng một tuần trước khi Olympique Marseille đá trận chung kết Champions League với AC Milan. Thật ra, ở thời điểm đó, nhiều người đã tin rằng Olympique Marseille sẽ sụp đổ. Cơ bản, vì AC Milan quá mạnh với những Rijkaard, Van Basten, Massaro, Baresi, Donadoni, Maldini… và được dẫn dắt bởi Capello lừmg danh. Hơn nữa, cú scandal mới chớm có thể tiêu diệt tinh thần chiến đấu của các cầu thủ Marseille. Nhưng vì Bernard Tapie là linh hồn của đội bóng, vì Basile Boli ở đó, Voller ở đó, Abedi Pele ở đó, Boksic ở đó nên Olympique Marseille đã có chiến thắng ngọt ngào cuối cùng trước khi Tapie và những người thân cận bước vào một cuộc điều tra và hầu toà.

Với những ai yêu Olympique Marseille, Bernard Tapie vĩnh viễn là một chủ tịch bóng đá vĩ đại nhất mà họ từng biết. Ông đến Olympique Marseille với lời thề trước toà thị chính rằng sẽ đưa CLB ấy lên đến đỉnh cao, và ông đã làm tới cùng. Nhưng cơ bản nhất, thứ ông tạo ra cho Olympique Marseille chính là thứ đã góp phần định hình phần nào diện mạo bóng đá Pháp hôm nay. Tapie muốn một Olympique Marseille là nơi đến của những cầu thủ Pháp tốt nhất cũng như những ngôi sao sáng nhất của làng túc cầu thế giới. Ông đã ước mơ, đã cố gắng (nhưng bất thành) để mang Maradona tới Velodrome. Ông đã kéo một Deschamps không được xem ra gì trong một nền bóng đá trọng kỹ thuật cá nhân từ Nantes tới Olympique Marseille, đeo băng đội trưởng và có được danh hiệu đầu tiên mở màn cho chuỗi danh hiệu chói lọi sau này. Nhưng ông cũng sẵn sàng cắt bỏ bất kỳ nhân tài nào như một phế vật nếu kẻ đó chống lại Olympique Marseille.

Điển hình nhất là Eric Cantona. Tài năng và ngạo nghễ, Cantona sút thẳng quả bóng lên khán đài, cởi tấm áo Olympique Marseille ra và ném nó xuống đất khi bị thay ra trong trận giao hữu với Lokomotiv Moscow năm 1989. Ngay khoảnh khắc đó, trên khán đài, Tapie thốt lên một câu “Một khi hắn đã ném tấm áo ấy xuống đất thì hắn không bao giờ còn cơ hội được mặc nó trở lại nữa.”. Nói là làm. Tapie cấm Cantona ra sân 1 tháng. Cantona phàn nàn ư? Sau đó là cho mượn. Từ Bordeaux tới Montpellier; từ Nimes tới Leeds. Và sau này, dù rằng Cantona có trở thành huyền thoại của Man Utd đi nữa thì vĩnh viễn anh cũng chỉ là một huyền thoại không có danh hiệu châu lục. Và cũng chính nhờ cái nặng tay của Tapie mà sau này Aime Jacquet mới có đà để nặng tay với những “ông thánh” như Cantona, Ginola và từ đó mở ra một thời đoạn vinh quang cho một thế hệ vàng mà Zidane, Deschamps là tiêu biểu.

Cantona ở Marseille năm 1989

Sự điên rồ của Tapie được tất cả những ai làm việc cùng ông mô tả là “cuồng nhiệt, mang một tinh thần chiến binh đúng nghĩa”. Cái quyết liệt của Tapie không chỉ thể hiện một tính cách của cá nhân ông, một tính cách Olympique Marseille mà nó thổi một ngọn lửa nhiệt thành vào cả nền bóng đá Pháp, cho dù rằng đôi khi ngọn lửa ấy hơi lớn quá. Khi đã không còn làm chủ tịch Olympique Marseille nữa, chính Tapie từng tuyên bố một câu chắc nịch về Les Bleus khi cả đội bóng phải điều trần vì vụ lộn xộn ở World Cup 2010 rằng “cả cái đội ấy đáng đá đít chứ không phải chỉ đưa ra điều trần”. Hoặc như năm 2014, khi Marcelo Bielsa có những công kích cho chủ tịch Olympique Marseille sau khi mối quan hệ đổ vỡ, Tapie cũng “mắng”  thẳng “gã Bielsa hắn nghĩ mình là ai? CLB có nguyên tắc của nó, có lịch sử của nó. Gã nên cư xử cho đúng mực. Phải tôi thì ba mươi giây”. Và còn rất nhiều những lời khuyên hữu ích mà Tapie từng dành cho những nhân vật lớn của bóng đá Pháp nữa. Điển hình là chủ tịch Lyon Aulas. “Tôi đã khuyên ông ấy rồi. Đừng bao giờ bán những cầu thủ xuất sắc nhất của mình ở hai mùa giải liên tiếp cả”, Tapie đã từng nói vậy hồi 2010, khi Lyon chỉ về nhì ở Ligue 1 sau khi họ đã bán Benzema cho Real Madrid.

Nhắc đến Tapie, chính “hoàng đế” Beckenbauer còn phải khen ngợi dù rằng làm việc cùng Tapie không dễ chịu chút nào. Beckenbauer cho biết, ban đầu ông không hề có ý định đến Olympique Marseille nhưng chính cá tính mạnh mẽ, sự chân thành, sự quyết đoán của Tapie đã làm ông xiêu lòng. Và khi làm việc chung, Tapie luôn là người phát biểu câu “chốt hạ” trước toàn đội bóng. Thậm chí, có lúc Tapie vào tận phòng thay đồ và thay đổi cả kế hoạch chiến thuật của HLV. Sự can thiệp thô bạo ấy chắc chắn là không hay ho gì rồi nhưng Beckenbauer dù bực bội cũng phải thừa nhận rằng Tapie rất có am hiểu về chiến thuật, am hiểu kỹ lưỡng, tường tận từng cầu thủ. Nhưng không hẳn Tapie luôn lạm dụng quyền chủ tịch để can thiệp thô bạo đến thế. Với HLV Ray­mond Goeth­als, người đưa Olympique Marseille lên đỉnh châu Âu, Tapie có cách cư xử rất kỳ lạ. Nhiều hôm, nửa đêm ông điện thoại cho Ray­mond Goeth­als chỉ để hỏi về danh sách ra sân ngày hôm sau. Goethals trả lời nhã nhặn “Còn tuỳ tình thế trên sân” và Tapie đáp trả “Này, lão người Bỉ. Lão có thể loè tôi với cái gọi là tình thế trên sân nhưng mai mà thua tôi đuổi lão phút mốt”.

Kỳ lạ là sự điên rồ ấy của Tapie lại khiến ông rất được yêu mến bởi những cộng sự vây quanh mình. Họ đều dành cho ông những tình cảm trân trọng nhất. Cơ bản, họ nhìn thấy tình yêu mà ông dành cho Olympique Marseille quá lớn. Họ thấy đó đúng là một gã Marseille chuẩn chỉnh mang đầy đủ phẩm chất của dân bến cảng ăn sóng nói gió. Cái chất bến cảng đó cũng là cá tính của Olympique Marseille, một CLB sẵn sàng mở rộng vòng tay đón nhận bất kỳ ai, không kể gốc gác, xuất xứ. Bởi thế, chính Tapie đã từng có cuộc đấu khẩu lừng danh với Le Pen mà ở đó, ông đóng vai trò bảo vệ những người nhập cư, và ông đã thắng.

Bernard Tapie từng đầu tư cho một đội đua xe đạp

Khi Tapie không còn làm những công việc liên quan tới bóng đá nữa, nhiều người nghĩ rằng ông đã chán chường nó rồi. Ông đầu tư cho đội đua xe đạp. Họ vô địch. Và ông chán xe đạp. Ông đầu tư vào Olympique Marseille, họ vô địch, và nhiều người nghĩ ông cũng chán bóng đá. Thực tế không phải vậy. Ông rời xa nó vì ông hiểu không thể thay đổi nó hơn nữa. Vụ Valenciennes không làm ông gục ngã mà cơ bản ông nắm bắt rằng chính xã hội Pháp đã làm ông dừng lại với bóng đá. Ông từng nói đại ý, việc ông mua độ Valenciennes hay vụ cho các cầu thủ khách của Rennes uống nước cam pha thuốc và ngủ luôn sau hiệp 1 ở Velodrome chỉ là cái cách làm bóng đá ở Ligue 1, phản ảnh đúng xã hội Pháp: trì trệ nhưng mưu mô, ranh ma và đầy rẫy nạn hối lộ.

Tapie ra đi ở tuổi 78. Nhiều người nói ông sẽ lên thiên đường. Nhưng có lẽ, ông có một cái kết kiểu khác thì đúng hơn. Nó như một cú gieo mình tự do, nhắm mắt giang rộng đôi tay, thả mình buông vào những cánh tay ôm trìu mến của những ủng hộ viên xứ cảng. Ở đó, họ vẫn gọi ông là “Ngài chủ tịch” như ngày nào, một “Ngài chủ tịch” đã để lại một câu chuyện đời kịch tính như phim, tình tiết hơn tiểu thuyết và vĩnh viễn là một huyền thoại bất tử của màu áo xanh da trời.

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Chuyên gia phân tích bóng đá

Có thể bạn thích