Trang chủ     Bóng đá thế giới   /   Góc Hà Quang Minh: Nếu Johan Cruyff còn sống

Góc Hà Quang Minh: Nếu Johan Cruyff còn sống

Barca rời sân Vallecas của Rayo Vallecano với hành trang gì? Không chỉ là một trận thua đầu tiên trước đối thủ này sau 19 năm mà còn là một lệnh “hành quyết”. 0g15 phủt sáng (giờ TBN), trên máy bay, chủ tịch Laporta đã có cuộc nói chuyện với Koeman sau khi ông đã họp nhanh với ban lãnh đạo. Koeman bị sa thải. Quyết định bổ nhiệm Xavi cũng được đưa ra chóng vánh dù Xavi không có mặt. Cựu danh thủ Barca thế hệ vàng lúc ấy còn đang tìm chuyến bay để rời Qatar về Catalonia. Sergie Barjuan, HLV của Barca B sẽ tạm quyền trong thời gian trước mắt và Xavi sẽ chỉ có thể bắt đầu cầm quân từ sau đợt tập trung đội tuyển, với trận ra mắt là trận derby gặp Espanyol.

Tất cả những chóng vánh ấy đủ để chúng ta suy luận rằng việc sa thải Koeman và bổ nhiệm Xavi đã nằm trong kế hoạch từ lâu rồi. Hãy nhớ lại, đúng ngày này 1 năm trước, Joseph Bartomeu từ chức chủ tịch Barca. Trước khi Bartomeu từ chức, rất nhiều ý kiến xoay quanh chuyện sa thải Koeman và bổ nhiệm Xavi đã được đưa ra, mà lớn lối nhất là ứng viên ghế chủ tịch khi đó - Victor Font. Koeman đến Barca vào tháng 08/2020 và rõ ràng ông ý thức được rằng áp lực của mình ở CLB là như thế nào. Quả thực, ông đã chấp nhận rủi ro quá lớn khi từ bỏ ĐTQG Hà Lan để về Camp Nou. Chỉ trong hai tháng đầu tiên mà ông nhận việc thôi, kết cục còn chưa rõ thế nào mà người ta đã muốn cho ông bật bãi. Với giới hội viên tinh hoa của Barca, đơn giản, Koeman không mang ADN Barca.

Góc Hà Quang Minh: Thêm 3 trận phí phạm?

Góc Hà Quang Minh: Thêm 3 trận phí phạm? Với sự chống lưng của Sir Alex, Solsa có cơ hội để chứng minh mình đủ khả năng đưa con tàu Man Utd đi đúng hướng trong 3 trận nữa. nếu thất bại, Solsa sẽ phải ra đi và Man Utd sẽ có một HLV mới mà rất có thể là Conte.

Góc Hà Quang Minh: Một Man Utd nhìn từ vị thế Pogba

Góc Hà Quang Minh: Một Man Utd nhìn từ vị thế Pogba Có bao nhiêu người đáng trách trong chuỗi bết bát vừa rồi của Man Utd? Câu trả lời là của riêng từng người nhưng chắc chắn, đa số sẽ lựa chọn nhiều hơn 2 cái tên.

QUẢNG CÁO

Khoảnh khắc Koeman mang đến vinh quang cho Barca

Nhưng dù không mang ADN Barca đi nữa, Koeman cũng vẫn là một cầu thủ huyền thoại của CLB, người có công rất lớn trong trận chung kết thắng lợi đầu tiên của Barca ở Champions League/C1. Ông cũng chính là người được “Thánh Johan Cruyff” chăm bẵm rất nhiều khi còn khoác áo Barca. Và “thánh Johan” thì ai cũng rõ. Đó là một người đã góp phần quá lớn để bồi đắp nên ADN Barca hôm nay. Nhưng ở Barca luôn là vậy. Công ra công, thực dụng là thực dụng. Đã rất nhiều ngôi sao lớn của họ phải rời CLB khi CLB cảm thấy điều đó là cần thiết. Koeman thì chưa phải là lớn lao lắm so với những cái tên lẫy lừng khác như Ronaldo, Ronaldinho, Eto’o, Rivaldo hay Messi… Thế nên chuyện ông bị sa thải ngay trên bầu trời cũng chỉ là chuyện “bình thường ở phường”.

Trong khi đó, một cái tên khác cũng đang được nhắc tới rất nhiều suốt thời gian qua, thậm chí còn nhiều hơn cả Koeman, là Ole Solskjaer thì sao? Ông ta vẫn còn ở đó, ít nhất là 3 trận nữa. Không có một quyết định sa thải nào dù thời gian gắn bó 3 năm qua ông chẳng mang lại cho Man Utd thứ gì, cả danh hiệu lẫn một hình hài. Điều đó cũng một phần bởi sự hậu thuẫn của sir Alex Ferguson, người vẫn chăm chỉ ngồi trên khán đài quan sát các cầu thủ Man Utd hôm nay chơi bóng. Và so với Man Utd, sir Alex có tầm vóc thế nào thì thánh Johan cũng có tầm vóc như thế, thậm chí là còn lớn hơn, ở Barca. Dù không có tước phong từ hoàng quyền như sir Alex nhưng Cruyff lại từng là chủ tịch danh dự suốt đời của CLB. Tiếng nói của ông ở đó vẫn luôn được xem là một tham khảo vĩ đại. Và hôm nay, ở Barca, hiện thân của Cruyff cũng vẫn còn, qua hình ảnh của Jordi, con trai ông, trong vai trò GĐTT. Nhưng Barca luôn khác với Man Utd ở chỗ họ trân trọng Cruyff nhưng không để cái bóng của ông phủ lên quản trị CLB như cái cách mà sir Alex đang đổ bóng lên Old Trafford nhiều năm qua.

Johan Cruyff là huyền thoại tạo dựng nên nhiều phần của văn hóa ở Barca

Nếu Johan Cruyff còn sống, Laporta có hỏi ý kiến ông về việc thay HLV hay không? Chưa ai dám chắc nhưng nếu có hỏi ý kiến đi nữa, đó cũng sẽ chỉ dừng lại ở tham khảo chứ không đủ tầm mức để thay đổi một quyết sách. Đã rất nhiều lần Barca thay tướng khi Cruyff còn sống. Đúng đắn hay sai lầm, Cruyff đều có thể lên tiếng nhưng quyết định của hội đồng thành viên thông qua vị chủ tịch điều hành vẫn mang sức nặng riêng. Họ không dẫm chân lên nhau vì họ hiểu, CLB là điều vĩ đại hơn bất kỳ cái tôi nào và việc điều hành nó nên quy trách nhiệm về một cá nhân duy nhất.

Ở điểm này, rõ ràng Barca đã vượt trội Man Utd. Ai là người chịu trách nhiệm lớn nhất tại Man Utd lúc này đây? Chúng ta chỉ biết nói về gia đình Glazer chứ thực tế không hiểu cá nhân điều hành nào đứng vai trò gánh vác. Ngay cả một CLB ít truyền thống hơn Man Utd rất nhiều là PSG cũng rạch ròi hơn Man Utd ở điểm này. Chủ cả của PSG là gia đình hoàng tộc Al Thani nhưng người đứng ra điều hành và chịu trách nhiệm là Al Khelaifi và chỉ Al Khelaifi mà thôi. Sự rõ ràng ấy dễ khiến CLB đi đúng hướng hơn bởi gắn với trách nhiệm cá nhân luôn là danh dự.

Nếu Cruyff còn sống, chắc ông cũng sẽ không bao giờ chống lại ý định bổ nhiệm Xavi của Barca lúc này. Là một cá nhân tôn thờ một triết lý xương sống mang tính cốt lõi cho một CLB, thánh Johan hẳn quá hài lòng khi người mang đậm đầy ADN Barca như Xavi lên tiếp quản ghế nóng. Đó chính là cá nhân được tạo nên bởi chính những gì mà Cruyff mang đến CLB này và trưởng thành đẫm đầy trong tư tưởng bóng đá của Cruyff. Nói về độ phù hợp, có lẽ không có gì để phản bác nữa. Tất nhiên, thành tựu có hay không lại là chuyện khác bởi năng lực huấn luyện là một câu chuyện cần kiểm chứng lâu dài.

Cruyff và Alex Ferguson là những di sản lớn của Barca và Man Utd

Và trên hết, cái khác giữa Johan Cruyff với Alex Ferguson nằm ở chỗ Cruyff là một bộ não chiến thuật đã tạo dựng ra cả một “học thuyết bóng đá” riêng mang bản sắc Barca còn Ferguson thì không. Song, họ đều giống nhau ở chỗ họ để lại những di sản lớn cho CLB. Nếu Cruyff để lại cả một hệ thống đào tạo, chiến thuật… thì Ferguson để lại cả một kỹ nghệ quản trị. Những bí kíp đó mới là thứ đáng giá hơn cả chứ không phải là những danh hiệu đơn thuần. Solsa, dù chưa chứng minh được gì, nhưng cũng đang vận hành theo bí kíp của Ferguson và nếu có ai thay Solsa đi nữa, có lẽ họ cũng được yêu cầu làm việc theo bí kíp ấy. Nhưng cơ bản, câu chuyện vẫn là sự khác biệt giữa di sản để lại và tầm ảnh hưởng hiện tại. Ở Barca, tầm ảnh hưởng là sự kính trọng, chấm hết. Còn ở Man Utd, tầm ảnh hưởng lại là sự can thiệp và đôi khi, sự can thiệp ấy nhiều khi lại như cái gông kìm hãm sự tiến bộ.

Vẫn biết là sir Alex yêu Man Utd rất nhiều cũng như Man Utd yêu ông vô điều kiện. Nhưng tình yêu, đôi khi, nhiều quá cũng trở nên không cần thiết…

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Chuyên gia phân tích bóng đá

Có thể bạn thích