Trang chủ     Bóng đá thế giới   /   Tuổi 25 và câu chuyện bóng đá Việt

Tuổi 25 và câu chuyện bóng đá Việt

Ai sẽ là cầu thủ Việt đầu tiên xuất ngoại ra châu Âu và tạo được một chỗ đứng vững chắc ở môi trường bóng đá đỉnh cao ấy đây? Sau Văn Hậu, rất nhiều người đang gọi tên Quang Hải…

Giữa tháng 04 tới, Nguyễn Quang Hải sẽ tròn 25 tuổi, một dấu mốc rất lớn đối với sự nghiệp cầu thủ hiện đang khoác áo CLB Hà Nội này. Và câu hỏi hẳn nhiều người sẽ đặt ra là “Tại sao lại là tuổi 25 mà không phải lứa tuổi nào khác để tạo nên dấu mốc lớn?”. Câu hỏi ấy rất dễ để trả lời và nó vô tình cũng là chìa khóa mở ra đáp án cho câu chuyện “đường xuất ngoại của cầu thủ Việt”.

Quang Hải - Chanathip: Nghĩ về đường xuất ngoại

Quang Hải - Chanathip: Nghĩ về đường xuất ngoại Thất bại của Đội tuyển Việt Nam trước Thái Lan ở AFF Cup đã là câu chuyện cũ nhưng có những điều không cũ nên được nhắc lại từ câu chuyện đó.

Quang Hải có thể được dự SEA Games vào tháng 5

Quang Hải có thể được dự SEA Games vào tháng 5 Vào tháng 5 tới đây, SEA Games 2021 sẽ khởi tranh tại Hà Nội. Được biết, các đội sẽ sử dụng những cầu thủ U23, tức là những gương mặt sinh năm 1999 trở về sau.

QUẢNG CÁO

Gần đây, nhiều người lại bàn luận tới chuyện xuất ngoại của cầu thủ Việt, nhất là khi Thái Lan đã vô địch AFF Cup với một Chanathip đầy thuyết phục và đã lập danh ở J League 1. Ai cũng nhìn vào Chanathip để nghĩ tới những cầu thủ Việt, đặc biệt là trường hợp Quang Hải. Và nhiều người cũng nhớ lại những lần xuất ngoại ban đầu thì rầm rộ nhưng sau đó thì “tuột mood” của những Công Phượng, Xuân Trường, Văn Hậu… Chuyện cầu thủ Việt đủ tầm vóc để thi thố ở các môi trường khó khăn hơn hay không lại được đem ra bàn luận sôi nổi, thu hút nhiều quan điểm chuyên gia trái chiều.

Gần đây, có những nhân vật được xem là có kinh nghiệm về chuyển nhượng ở V League cũng đã đăng đàn nói về chuyện thiệt-hơn, về khả năng, về thực tế của cầu thủ Việt trước viễn cảnh xuất dương. Và thậm chí, có cả ý kiến cho rằng cầu thủ Việt chưa đủ tầm chất lượng để có thể xuất ngoại lúc này. Song song đó là ý kiến đầy tính an phận thủ thường theo kiểu “muốn đi đâu thì cứ chắc chân ký hợp đồng với 1 CLB V League trước cái đã, kẻo khi thất bại còn có chốn mà trở về”. Khá nực cười là kiểu quan điểm thủ thường này lại được dùng để “khuyên” Quang Hải, một cầu thủ mà chắc chắn nếu anh đăng đàn tuyên bố “tôi tự do” lúc này, nhiều CLB V League sẵn sàng trải thảm đỏ để đón chân.

Thực tế, theo thông tin từ một nguồn đáng tin cậy và rất gần gũi với Quang Hải, CLB Riga của Latvia đã có đề nghị với cầu thủ đang khoác áo CLB Hà Nội nhưng phía Quang Hải vẫn chưa cảm thấy hài lòng với đề nghị ấy lắm. Ngược lại, nguồn tin từ phía thân với CLB Hà Nội lại khẳng định rằng Quang Hải và CLB Hà Nội đã đạt thoả thuận gia hạn hợp đồng với mức tiền kỷ lục của V League. Chưa biết nguồn tin nào là chính xác, nguồn tin nào là tin vịt nhưng chỉ một điều chắc chắn: Quang Hải sẽ tròn 25 tuổi vào tháng 04 tới và đồng thời hết hạn hợp đồng với CLB Hà Nội ở đúng vào cái mốc đó.

Chính cái mốc 25 tuổi này mới là một thứ đáng để nói tới trong câu chuyện xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam hôm nay. Đó chính là cái tuổi được xem là cầu thủ đã hoàn tất mọi nghĩa vụ với CLB chủ quản theo một ràng buộc trong hợp đồng về “công đào tạo”. Và cái gông ấy bao năm nay chính là thứ kìm hãm khả năng xuất ngoại của cầu thủ Việt Nam. Đơn giản, không một CLB châu Âu nào muốn ký với cầu thủ đến từ một nền bóng đá được coi là vô danh trên thị trường chuyển nhượng châu Âu khi anh ta đã 25 tuổi trừ phi cầu thủ ấy có một năng lực thực sự đặc biệt và đủ sức thuyết phục họ hoàn toàn.

Cái ràng buộc về nghĩa vụ đền đáp cho công đào tạo được kéo dài tới tận 25 tuổi là một thứ quy định cực kỳ phi lý và trái khoáy ở V League hôm nay. Ở châu Âu hay ở các nền bóng đá phát triển tại châu Á, ràng buộc này cùng lắm chỉ đến tuổi 23 là cùng. Thậm chí, có nhiều nền bóng đá ở châu Âu, nếu ở tuổi 18 mà CLB chưa ký kết với cầu thủ trẻ của mình 1 hợp đồng chuyên nghiệp đầu tiên thì khả năng mất  cầu thủ ấy là không nhỏ. Và sau tuổi 23, khoản % tiền phí đào tạo mà các CLB đã huấn luyện 1 cầu thủ tính đến trước tuổi 21 nhận được từ mỗi hợp đồng chuyển nhượng cầu thủ này (dĩ nhiên là bên mua phải trả) cũng không còn tồn tại nữa trừ phi có một điều khoản được gắn ngay từ đầu trong hợp đồng. Nhưng đó là hợp đồng mua bán giữa CLB với CLB chứ không phải giữa CLB đào tạo với cầu thủ theo kiểu tréo ngoe như ở V League hiện thời.

Song, cái phi lý ấy ở V League lại đang… có lý trong tình trạng bóng đá Việt. Thực tế, với số lượng CLB quá ít ỏi, khả năng một cầu thủ trẻ sau khi xuất xưởng học viện có thể kiếm tìm được một bến đỗ là quá khó. Mà nếu không có một bến đỗ, cầu thủ không thể có cơ hội lập danh. Chính vì cái bệ đỡ là cơ hội lập danh này mà các CLB đào tạo cầu thủ mới cho mình một cái quyền không thể mặc cả trong đàm phán với cầu thủ từ khi bước chân vào học viện: chúng tôi trói anh tới 25 tuổi.

Câu chuyện của lò VPF khi còn chưa sang tên đổi chủ đủ cho thấy bản chất của thị trường cầu thủ Việt Nam. Những tài năng xuất xưởng của lò này từng được cho các CLB mượn, thậm chí sau đó ông chủ của VPF còn… cho không các cầu thủ khoản tiền phí ký kết hợp đồng với CLB đầu đời đã cho thấy việc kiếm đầu ra ở trong nước không khác gì dồn nước qua lỗ kim. Điều đó nảy sinh tư duy lệ thuộc CLB của các cầu thủ trẻ và chỉ đến khi họ qua tuổi ràng buộc, đồng thời chiếm vị thế ngôi sao ở ĐTQG, họ mới có thể kiếm bạc tỷ trong các phị vụ chuyển màu áo. Mà cái cách chuyển màu áo của họ cũng đến lạ. Gần như ở Việt Nam chưa bao giờ có chuyện 1 CLB đàng hoàng đi hỏi mua cầu thủ của 1 CLB khác. Thay vào đó, cứ rình rình gần hết hợp đồng thì… gọi điện, mở lời lót tay, và đón nhau về.

Khi một môi trường bóng đá chỉ bừng rộ ở cấp độ ĐTQG và èo uột trong cái vỏ chuyên nghiệp tự phong, tự sướng như thế, đường ra ngoài biên giới Việt Nam để thi đấu của cầu thủ Việt khó khăn là phải. Nếu một cầu thủ có tiềm năng tốt, được trao cơ hội và toả sáng từ tuổi 17-18 ở đội 1, việc anh ta được 1 CLB nước ngoài mua lại sẽ khả quan hơn bởi anh ta còn dư địa phát triển các tố chất của mình. Nhưng ở tuổi ấy, chuyện được ra sân đá chính ở V League như Quang Hải, Công Phượng đã là của hiếm hoi. Đằng này, thêm vào cái khoản ràng buộc đền bù công đào tạo lên tới cả triệu USD thì chẳng CLB châu Âu nào ngó ngàng tới họ là phải. Xin thưa, dù giá cầu thủ đang bong bóng thật nhưng ở tầm thị trường cấp thấp, nếu phải chi 1 triệu USD cho một cầu thủ, lựa chọn của rất nhiều CLB châu Âu sẽ không hướng tới một nền bóng đá nhỏ xíu và đầy rủi ro như nền bóng đá Việt Nam.

Xem ra, chỉ còn con đường theo diện trao đổi. Nhưng trao đổi sẽ chỉ xảy ra nếu có sự hợp tác được đặt làm nền móng. Không một CLB V League nào đặt một mối quan hệ hợp tác nền móng ấy với một CLB châu Âu đúng đắn cả. Họ bị mờ mắt vì thương hiệu, và do đó thích mua thương quyền lò đào tạo của các CLB lớn tại châu Âu theo một hợp đồng ngắn hạn hơn là việc bắt tay với 1 CLB nhỏ bé ở nền bóng đá chuyên nghiệp ấy một cách lâu dài. Mà lợi ích của việc bắt tay với một CLB nhỏ bé như thế ở châu Âu đâu phải là không lớn. Hãy thử tưởng tượng thế này, giả dụ CLB Hà Nội bắt tay với 1 đội kiểu như Nantes, Auxerre hay Racing Santander chẳng hạn và họ trao đổi cầu thủ theo diện “Tôi cho các anh mượn Quang Hải 2 năm, ngược lại tôi mượn các anh một lão tướng ngoài 30”, lợi ích sẽ như thế nào? Thay vì CLB Hà Nội vẫn phải bỏ ra cả đống tiền để chiêu mộ ngoại binh, họ có ngoại binh chất lượng châu Âu đồng thời có cơ hội để giúp Quang Hải làm quen với một môi trường bóng đá đủ giúp Hải phát triển hoàn thiện hơn ở quãng tuổi vàng từ 18 tới 23.

Và không chỉ mình Quang Hải đeo cái gông 25 tuổi ấy. Đã rất nhiều cầu thủ Việt Nam được đánh giá có tiềm năng bị mất đi cơ hội vàng ở lứa tuổi vàng. Giờ còn ai nhắc tới chuyện ước mơ bán cầu thủ giá triệu USD của bầu Đức ngày xưa nữa hay không? Mức giá ấy là phi thực tế so với các thị trường cấp cao hơn V League và phi thực tế luôn so với giá trị năng lực của cầu thủ Việt Nam trong tương quan so sánh với các nền bóng đá như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản hoặc châu Phi…

25 tuổi của Quang Hải có thể là đã bắt đầu muộn nhưng ít ra Hải còn có cơ hội trong vòng từ nay tới tháng 08/2022, thời điểm mùa giải mới ở châu Âu bắt đầu. Còn nếu Hải tính an phận thủ thường và tiếp tục ký với CLB Hà Nội, anh sẽ vẫn luôn là ngôi sao sáng nhất của thế hệ mình nhưng đường xuất ngoại coi như không còn nữa. Trừ phi đó là con đường “đi để lấy tiếng” vài tháng rồi về chứ không phải đi để chinh phục chính mình, vượt qua chính mình và đặt viên gạch chắc chắn đầu tiên cho những cầu thủ Việt Nam ở châu Âu.

Bao giờ V League có được 16 đội thi đấu và ở dưới V League luôn có ít nhất 3 cấp độ giải đấu nữa với số CLB tổng cộng lên tới hơn 100, khi ấy thị trường cầu thủ Việt mới đúng nghĩa là được vận hành chuyên nghiệp. Tất nhiên, câu chuyện học viện đi kèm của các CLB cũng phải là đòi hỏi tiên quyết chứ không phải kiểu như bao năm rồi, với tình trạng “mượn quân đi đá giải U”.

Còn kiểu U như thế thì nền bóng đá Việt còn u u minh minh lắm, đường xuất dương cũng còn mờ mờ mịt mịt lắm…

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Chuyên gia phân tích bóng đá

Có thể bạn thích