Trang chủ     Bóng đá Việt Nam   /   [Góc Hoàng Bách] Việt Nam – Thái Lan: Giải mã quyết định trọng tài

[Góc Hoàng Bách] Việt Nam – Thái Lan: Giải mã quyết định trọng tài

Vượt qua cả những yếu tố chuyên môn, trọng tài là vấn đề gai góc nổi lên trong trận bán kết 1 giữa Việt Nam và Thái Lan tối ngày 23/12. Hãy cùng nhìn lại sâu hơn về những quyết định được trọng tài Saoud Ali Al-Adba đưa ra.

1/ Tình huống va chạm của Theerathon Bunmathan với Quang Hải

Tình huống xảy ra vào phút 18 trận đấu, khi Quang Hải nhận bóng từ đường phát triển dài vượt tuyến của Quế Ngọc Hải hướng về sát đường biên phải. Theerathon Bunmathan, trong khu vực quản lí của mình, phản ứng bằng hành động nghiêng sang áp sát Quang Hải. Tuy nhiên, trước kĩ thuật khéo léo của Quang Hải, Theerathon đã buộc phải đưa ra hành động truy cản, bao gồm kê chân nhằm ngăn chặn tốc độ đi bóng của số 19 kèm một động tác vung tay cao không đẹp.

5 điểm nhấn Việt Nam vs Thái Lan: Tiếc cho Quang Hải

5 điểm nhấn Việt Nam vs Thái Lan: Tiếc cho Quang Hải Cùng điểm qua 5 điểm nhấn trong trận đấu Việt Nam vs Thái Lan, lượt đi bán kết AFF Cup 2020.

AFF Cup nên mời ĐT Pháp mới xứng trình với Indonesia

AFF Cup nên mời ĐT Pháp mới xứng trình với Indonesia Cổ động viên Indonesia tin rằng đội bóng nước nhà đang tỏ ra quá vượt trội so với các đội bóng tại khu vực Đông Nam Á và muốn thử sức ở châu Âu.

Theerathon trên thực tế hoàn toàn có quyền truy cản Quang Hải, nhưng hành động của số 3 phía Thái Lan khi giơ tay ngang mặt đối phương hoàn toàn là hành vi có hàm ý triệt hạ. Thông thường, để can thiệp không gian giữa đối phương và bóng, kê tay ngang vai với cánh tay duỗi thẳng là kĩ thuật được chấp nhận phổ biến. Dẫu vậy, có thể thấy qua khuôn hình, cánh tay Theerathon đã hoàn toàn hướng về mặt Quang Hải.

QUẢNG CÁO

Cánh tay Theerathon duỗi cao vào vùng mặt Quang Hải

Trong pha bóng này, trọng tài chính đã không đưa ra bất kì án phạt nào cho Theerathon và cho trận đấu tiếp tục bất chấp Quang Hải đã ngã ra sân. Đây là tình huống mà trọng tài chính lẫn trọng tài biên có vị trí cận sở hữu góc quan sát thuận lợi, vì vậy mà động thái bỏ qua cần được coi là sai lầm của cả tổ trọng tài điều hành trận đấu.

Tuy nhiên, do hành vi của Theerathon mới chỉ dừng ở mức đè cánh tay duỗi vào mặt Quang Hải, chưa thực sự rõ rệt ý đồ chạm tới ngưỡng bị đánh giá là “phi thể thao”, ví dụ như cánh tay gập với lực vung tác động đáng kể, nên chiếc thẻ vàng cho số 3 Thái Lan kèm quả phạt cho Việt Nam là hình thức cảnh cáo phù hợp.

Trọng tài biên ở rất sát tình huống

2/ Tình huống sút bóng của Quế Ngọc Hải vào mặt Supachok Sarachat

Chỉ vài giây sau tình huống va chạm giữa Theerathon và Quang Hải, kịch tính trận đấu tiếp tục được đẩy lên với va phạm lỗi từ phía sau của Quế Ngọc Hải với Supachok. Trong một khoảnh khắc hoặc mất bình tĩnh, hoặc muốn thể hiện thái độ trả đũa cho đàn em, đội trưởng ĐTQG Việt Nam đã có hành vi không fair play khi sút bóng thẳng vào mặt Supachok.

Dĩ nhiên, hành vi này nhanh chóng khiến phía Thái Lan phản ứng, đặc biệt là HLV trưởng Mano Polking đang quan sát ngay gần đường biên. Thêm một lần nữa, tổ trọng tài người Qatar cho thấy sự yếu kém trong nhận định tình huống khi không đưa ra bất kì án phạt nào với số 3 Việt Nam, nhưng lại rất nhanh chóng rút thẻ cảnh cáo Polking với mục tiêu làm giảm độ nóng. Cũng cần phải nói, dù đây là pha bóng xứng đáng nhận thẻ của Quế Ngọc Hải, nhưng có thể hiểu nó là hệ quả tiếp nối từ hành động bỏ qua ngay trước đó của trọng tài Al-Adba.

Hành vi không fair play của đội trưởng Quế Ngọc Hải

3/ Tình huống va chạm của thủ môn Chatchai Budprom với Văn Toàn

Đây chắc chắn là tình huống gây tranh cãi nhất của trận đấu hôm qua. Thêm một lần nữa, một tình huống phất dài vượt tuyến được tung ra hướng về hành lang trái của Thái Lan, nơi Việt Nam sở hữu những chân chạy tốc độ. Kritsada Kaman vốn không phải một trung vệ giàu tốc độ, trong khi Theerathon đang dâng cao và bó trong ở nhiệm vụ quen thuộc của một inverted full-back, chính những yếu tố đó buộc thủ thành Chatchai phải lao ra truy cản pha bứt tốc nguy hiểm của Văn Toàn.

Trước tốc độ của số 9, Chatchai buộc phải phạm lỗi, một tình huống rất lộ liễu và xứng đáng bị thổi phạt. Vấn đề ở đây chỉ là, hình phạt cho Chatchai ở mức độ nào mà thôi. Xét về tính chất pha phạm lỗi, Chatchai đã truy cản không bóng và xứng đáng nhận ít nhất là thẻ vàng. Muốn phạt thủ môn Thái Lan thẻ đỏ trực tiếp ở tình huống này, chúng ta cần xem xét liệu Chatchai đã ngăn cản Văn Toàn thực hiện cơ hội ăn bàn rõ rệt (DOGSO) hay chưa.

Những yếu tố sau đây được tính khi xét lỗi DOGSO gồm:

- Khoảng cách giữa tình huống phạm lỗi và khung thành

- Hướng bóng với khung thành

- Khả năng kiểm soát hoặc tịnh tiến với bóng

- Vị trí và số lượng còn lại giữa tình huống phạm lỗi và khung thành

Áp dụng lí thuyết vào thực tế, cộng thêm đánh giá về góc nhìn quan sát phương ngang của trọng tài chính, vốn phải tập trung vào pha phạm lỗi của Chatchai với Văn Toàn, có thể hiểu được lí do vì sao ông Al-Adha lại nhận định rằng thủ môn Thái Lan không phạm lỗi DOGSO. Tuy nhiên, ngoài trọng tài chính, chúng ta còn trọng tài biên một lần nữa đứng rất gần quan sát tình huống và có góc độ bao quát hơn rất nhiều.

Pha phạm lỗi lộ liễu của Chatchai với Văn Toàn

Tuy vậy, cũng khá khó cho trọng tài chính đưa ra quyết định phạt thẻ đỏ cho Chatchai, căn cứ theo góc quan sát cá nhân và tư vấn của trọng tài biên. Đã có rất nhiều ý kiến về VAR, nhưng chắc chắn, nếu được cung cấp góc quan sát toàn cảnh hơn về tình huống từ trên cao như chúng ta theo dõi trên sóng truyền hình, có lẽ nhận định của trọng tài chính sẽ có sự khác biệt.

Khoảng cách từ tình huống phạm lỗi tới khung thành còn xa, số lượng hậu vệ Thái Lan vẫn còn đáng kể (ít nhất là 2 đánh 1 nếu Văn Toàn vượt qua Chatchai), nhưng số 9 Việt Nam hoàn toàn có thể đưa ra quyết định táo bạo với bóng hướng về khung thành, cùng khả năng đẩy bóng tịnh tiến về phía trước để có góc dứt điểm thuận lợi hơn. Trên thực tế, khung thành đã rất rộng mở ở pha bóng này và chỉ cần một pha dứt điểm trúng đích, hậu vệ Thái Lan gần như bất khả thi trong công việc ngăn chặn.

Ngoài ra, một yếu tố nữa cũng cần xét tới trong pha bóng này, đó là dường như Chatchai đã ôm bóng khá sớm, trước hiệu lệnh thổi phạt của trọng tài. Như chúng ta quan sát trong khung hình, thủ thành Thái Lan đã với tay lấy bóng từ sớm khi trọng tài biên còn chưa căng cờ và Văn Toàn vẫn chưa kịp đứng dậy phản ứng.

Chắc chắn, dù nhận định cuối cùng thế nào đi nữa, pha bóng này sẽ đem tới sự tranh cãi cho cả hai bên. Với sức ép phải ra quyết định tức thời, thẻ vàng dường như là án phạt phù hợp. Nhưng nếu VAR xuất hiện, tấm thẻ ấy nhiều khả năng sẽ đổi màu.

Chatchai ôm bóng từ khá sớm, khi trọng tài chưa thổi dừng tình huống?

4/ Tình huống va chạm của Duy Mạnh với Supachai Jaided dẫn tới penalty

Đây cũng có thể coi là một pha bóng gây tranh cãi khác, khi Thái Lan được hưởng penalty sau tình huống mà trọng tài chính cho rằng Duy Mạnh đã phạm lỗi với Supachai. Chúng ta sẽ đi sâu vào từng khuôn hình để đánh giá nhận định của vị vua áo đen đến từ Qatar. Bóng tới vị trí Supachai sau tình huống thực hiện đá phạt nhanh của Chanathip Songkrasin. Như có thể thấy từ khuôn hình, bóng vẫn nằm trong tầm kiểm soát của số 22 Thái Lan trước khi Duy Mạnh lao vào tranh chấp.

Bóng trong tầm kiểm soát của Supachai

Supachai che bóng bằng má ngoài nhằm mở khoảng cách với Duy Mạnh, đồng thời tạo lợi thế về
 tranh chấp khi trung vệ Việt Nam lao vào

Tiền đạo phía Thái Lan đã rất khôn ngoan khi sẵn sàng vào tư thế cài khiến Duy Mạnh phải mắc lỗi. Điều gì đến cũng phải đến, va chạm giữa hai cầu thủ xảy ra khi hướng di chuyển là vuông góc. Điều mà số 22 Thái Lan không ngờ được, có lẽ là hành động cản phá trúng bóng của trung vệ phía Việt Nam. Dù chân cản phá của Mạnh vẫn duỗi về phía trước chắn hướng chạy của Supachai, nhưng đó lại là hệ quả của tình huống phá bóng hợp lệ.

Thất thế trong pha bóng và không còn kiểm soát được tình hình, Supachai đưa ra quyết định tranh chấp thân trên với Duy Mạnh, hướng tới hai mục đích. Thứ nhất, kết thúc tình huống và tránh cho Thái Lan phải nhận một pha phản công. Thứ hai, trong trường hợp trọng tài nhận định không có lỗi, tiếp tục duy trì quyền kiểm soát và tái triển khai tấn công ở khu vực sân nhà Việt Nam.

Dẫu vậy, điều cực kì bất ngờ là trọng tài chính Al-Adha đã chỉ tay vào chấm penalty ở tình huống này. Đương nhiên, diễn biến pha bóng là rất nhanh, nhưng điều này tiếp tục phản ánh rõ nét về năng lực nhận định của vị trọng tài người Qatar. Duy Mạnh kê chân, nhưng đã chạm bóng trước khi Supachai lao tới. Dĩ nhiên, sai sót của trọng tài là không thể không xảy ra, ngay cả với những trường hợp ở đẳng cấp thế giới.

Thêm một lần nữa, chúng ta thấy rõ nét hơn tầm quan trọng của VAR. Thiệt đơn thiệt kép, Việt Nam phải nhận một quả penalty oan ức và thiệt cả lực lượng quân số khi pha tranh chấp của Supachai để lại hệ quả tai hại cho vai phải của Duy Mạnh.

Supachai đè người tranh chấp thân trên với Duy Mạnh sau khi thất thế

5/ Quả penalty của Chanathip Songkrasin và tình huống cản phá của Nguyên Mạnh

Hệ quả từ tình huống thổi phạt Duy Mạnh của trọng tài Al-Adha sau đó là quả penalty được thực hiện bởi Chanathip nhưng không thành công. Tuy nhiên, đó lại là một pha bóng mà tổ trọng tài, cụ thể hơn là vị trọng tài biên mắc sai lầm khi quan sát tình huống. Trước khi Chanathip chạm chân vào bóng, thủ môn Nguyên Mạnh đã dẫm cả hai chân ra khỏi vạch. Chanathip thực hiện không tốt tình huống sút phạt, nhưng phải khẳng định rằng Nguyên Mạnh đã có lợi thế nhất định khi dấn bước lên trên nhằm bắt bài tiền vệ Thái Lan.

Nguyên Mạnh dẫm cả hai chân trên vạch trước khi Chanathip chạm bóng

6/ Tình huống Quang Hải va chạm với Tristan Do trong vòng cấm

Quang Hải có bóng ở mép khu vực 16m50, bấm bổng vào trong nơi Tiến Linh và Đức Chinh đón chờ, nhưng Thitiphan Puangchan (8) đã chặn bóng thành công. Bóng bật ra, rơi vào vòng tranh chấp của Tristan và Quang Hải.

Bóng đập lưng Thitiphan dội ra…

… rơi vào vòng tranh chấp của Tristan và Quang Hải

Với động thái không chủ động tranh cướp của Thitiphan, Quang Hải nắm lợi thế gần bóng hơn trong tình huống. Số 19 của Việt Nam cũng khôn khéo chủ động tạo góc che chắn bằng thân mình nhằm cài đối phương phạm lỗi. Quả thực, Tristan Do đã rơi vào bẫy mà Quang Hải tạo ra, đặc biệt là khi hậu vệ này đã vào tình huống tranh chấp muộn hơn tiền vệ Việt Nam. Cái chân phải của Tristan đã kê trực tiếp vào đùi sau chân trái Quang Hải, tác động lên sự thăng bằng của số 19 áo đỏ. Tuy nhiên, như đã đề cập, Quang Hải với kinh nghiệm bản thân đã chủ động cài lỗi đối phương.

Trong pha bóng này, trọng tài Al-Adha đã đứng rất gần tình huống và có góc quan sát thuận lợi. Trên thực tế, trọng tài người Qatar có lí khi cho trận đấu tiếp tục, bởi ông đánh giá Quang Hải chưa chạm vào bóng, hoặc tiếp cận bóng ở cự li đủ gần để khẳng định quyền kiểm soát bóng. Dẫu vậy, tác động từ phía sau của Tristan không phải đủ kín đáo để cho rằng hậu vệ Thái Lan không chủ ý phạm lỗi.

Thật sự, đây là một tình huống 50-50 và trọng tài đã giành sự phán quyết nghiêng về Thái Lan.

7/ Tình huống bóng chạm tay Worachit Kanitsribampen trong vòng cấm

Nếu như ở phần lớn các tình huống đề cập phía trên, trọng tài Al-Adha đã thể hiện phần nào sự yếu kém về năng lực quan sát và nhận định thì riêng ở trường hợp này, vị vua áo đen từ Qatar đã đưa ra phán quyết đúng.

Theo diễn giải mới nhất của IFAB, cơ quan soạn thảo và sửa đổi Luật Bóng đá áp dụng cho mùa giải 2021-22, cầu thủ chủ động có hành động chơi bóng với phần cơ thể hợp lệ sẽ không bị thổi phạt khi bóng dội vào cánh tay chính mình dù đang mở rộng. Trong diễn giải của IFAB đính kèm hình ảnh từ trận đấu quốc tế giữa Hà Lan và Thụy Điển, với góc độ rất tương đồng pha bóng chạm tay của Worachit.

Có thể nói, đây là một tình huống điểm, được IFAB chọn lọc và có dẫn giải trực quan minh họa rõ ràng, nên chúng ta khó lòng có thể chỉ trích trọng tài Al-Adha. Tuy nhiên, như đã đề cập toàn bộ phía trên, đây là trận đấu mà trọng tài người Qatar chưa thể hiện được đúng năng lực tốt nhất nhằm điều hành tốt trận Siêu kinh điển ASEAN giữa Việt Nam và Thái Lan.

Dĩ nhiên, cấp độ Đông Nam Á của chúng ta khó lòng đòi hỏi được những trọng tài ưu tú nhất. Vì thế, ngoài sự yếu kém của con người, sự hỗ trợ cần thiết của công nghệ là điều hết sức cần thiết để sửa chữa sai lầm tức thời. Từ lẽ đó, VAR lại càng có giá trị hơn bao giờ hết.

Worachit chủ động phá bóng trước khi dội vào tay

Tình huống minh họa được IFAB sử dụng viện dẫn cho việc cầu thủ không phạm lỗi bóng chạm tay

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Chuyên gia phân tích

Có thể bạn thích