Trang chủ     Bóng đá thế giới   /   Joan Laporta muốn Messi thi đấu không lương cho Barca – giấc mơ hoang đường

Joan Laporta muốn Messi thi đấu không lương cho Barca – giấc mơ hoang đường

Messi có thể thi đấu không lương cho Barcelona hay không? Đó đã từng là một câu hỏi đầy mơ mộng, hoặc cũng có thể chỉ là một lời nói đùa xuất hiện đâu đó những ngày tháng 8 mùa hè vừa qua, sau khi CLB chủ sân Camp Nou ra thông báo không thể đạt được thỏa thuận gia hạn hợp đồng với Messi vì vấn đề tài chính.

Thời điểm đó, nhiều giả thiết và câu hỏi được đặt ra. Nhưng sau tất cả, chỉ có một sự thật duy nhất được phơi bày, là những giọt nước mắt của Messi trong cuộc họp báo nói lời chia tay Barcelona, và cái vẫy tay chào của ngôi sao người Argentina khi anh đặt chân đến vùng đất mới Paris.

Jamie Carragher:

Jamie Carragher: "Salah còn hay hơn cả Messi và Ronaldo ở thời điểm này" Một tuần sau bàn thắng của Mohamed Salah vào lưới của Man City, giới mộ điệu vẫn còn đang say nồng trong khoảnh khắc thần thánh đó. Thậm chí, Jamie Carragher còn cho rằng Salah còn hay hơn cả Ronaldo và Messi ở thời điểm hiện tại.

Shock: Mbappe gửi lời “cảnh cáo” Neymar và Messi

Shock: Mbappe gửi lời “cảnh cáo” Neymar và Messi Mới đây, chân sút người Pháp Kylian Mbappe đã có chia sẻ đầy mùi “khịa” nhắn đến 2 người anh đang thi đấu chung màu áo PSG là Messi và Neymar

Mang trong mình một tình yêu đặc biệt dành cho cả Barcelona lẫn Messi, chủ tịch Joan Laporta có lẽ đã từng là một trong số những người “dám” nghĩ đến chuyện muốn siêu sao người Argentina ở lại và thi đấu không lương cho đội chủ sân Camp Nou.

QUẢNG CÁO

Laporta ở chương trình El Mon

Quãng thời gian bóng đá cấp CLB tạm nghỉ những ngày này luôn là dịp thích hợp cho những tâm sự trên các mặt báo. Trong một cuộc phỏng vấn với chương trình El Mon của đài phát thanh Catalunya là RAC1 mới đây, chính miệng Laporta đã thổ lộ tâm tư nguyện vọng đó.

Ông nói: “Tôi yêu quý Messi đến cùng cực, đến phát điên. Nhưng rồi cũng đến lúc bạn nhận ra rằng mọi thứ không còn có thể tiếp tục, có những sự thất vọng đến từ cả hai phía. Chúng tôi thật sự muốn Messi tiếp tục ở lại CLB, nhưng những áp lực cứ bủa vây, phần vì những lời đề nghị cậu ấy nhận được. Messi biết rằng nếu không thể ở lại Barcelona, cậu ấy sẽ đến PSG.”

“Messi sẽ là cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử Barcelona và tôi muốn điều ấy tiếp tục được bảo lưu. Mọi thứ thời điểm đó đều chỉ ra rằng Messi đã nhận được một lời đề nghị từ PSG. Chúng tôi cũng biết cậu ấy đã nhận được một lời đề nghị khủng.”

“Thành thật mà nói, từ tận sâu trong tim, có thể tôi đã ảo tưởng, nhưng tôi đã hy vọng rằng Messi đến phút cuối sẽ đổi ý, sẽ nói rằng ‘Tôi sẽ ở lại và thi đấu không lương cho Barcelona’. Theo tôi biết thì LaLiga cũng sẽ chấp nhận như thế, nhưng rõ ràng là chúng tôi không thể yêu cầu một cầu thủ như Messi làm điều đó được.”

Những chia sẻ của Laporta nhanh chóng nhận không ít bùa rìu từ dư luận, đặc biệt là những người yêu quý ngôi sao người Argentina. “Khôn như ông quê tôi đầy”, hay “Họ Lã lươn lẹo” trở thành những phát ngôn mỉa mai dễ dàng tìm thấy được trên các trang mạng xã hội.

Phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng

Thực tế, trong phát biểu của Laporta vẫn còn một vế nhỏ khác sau cuối. Đó là: “Tôi lại có suy nghĩ như vậy vì tôi thân với Messi. Cậu ấy đến với đội một Barcelona thời của tôi, tôi cũng đã giúp đỡ gia đình cậu ấy rất nhiều. Messi cũng hiểu rằng một khi nền tài chính của CLB hồi phục, chúng tôi sẽ đền đáp lại cho cậu ấy. Chúng tôi sẽ không bao giờ giữ tiền của Messi.”

Điều này có nghĩa, ý tưởng của Laporta là hy vọng Messi sẽ ở lại, thi đấu không lương cho Barcelona trong một hoặc hai năm, đến khi nền tài chính khỏe mạnh trở lại, CLB sẽ bù đắp cho Messi những gì mà đáng lẽ ra anh cần được nhận. Nhưng ngay cả khi như thế, đấy vẫn là một giấc mơ hoang đường và những phát biểu của Laporta giai đoạn này chỉ càng khiến ông mất điểm với những ai đã từng ủng hộ ông trong cuộc tranh cử chiếc ghế chủ tịch Barcelona, trong đó có Messi.

Có làm thì mới có ăn

Phát biểu của Laporta dễ dàng gieo một suy nghĩ rằng ông đang ngụ ý ám chỉ khoản lương của Messi nhận được là quá cao và điều đó trở thành một vấn đề của đội chủ sân Camp Nou. Hay thẳng thừng hơn, là Messi lựa chọn gia nhập PSG vì lời đề nghị quá hấp dẫn từ CLB thủ đô nước Pháp.

Thực tế, việc Messi hưởng lương cao ở Barcelona là điều không thể phủ nhận, ngay cả khi anh đã đồng ý giảm lương 50% so với bản hợp đồng cũ, CLB cũ của anh vẫn không thể đăng ký người đội trưởng một thời của họ lên LaLiga cho mùa bóng 2021/22. Và cũng một thực tế khác không thể chối bỏ, mức đãi ngộ của Messi tại PSG là những con số thật sự lớn.

Tờ L’Equipe giữa tháng 9 vừa qua từng tiết lộ rằng trong bản hợp đồng 2 năm với điều khoản gia hạn thêm 1 năm nữa cùng PSG, mức lương mỗi mùa giải mà Messi nhận được là 30 triệu euro sau thuế. Giống với những tân binh gia nhập Les Parisiens trong mùa hè 2021, Messi không có khoản tiền bonus, thay vào đó, là khoản tiền “trung thành” với mức 15 triệu euro trước thuế, tức là khoảng 10 triệu euro sau thuế. Cụ thể, nếu sau mùa giải 2021/22 này, Messi vẫn ở lại PSG, thì năm thứ hai trong hợp đồng anh sẽ nhận được thêm 10 triệu euro bên cạnh 30 triệu euro tiền lương. Tương tự, cũng là 30+10 triệu euro trong năm thứ ba của hợp đồng.

Mức lương Messi tương đương Barca

Tổng cộng, nếu Messi gắn bó với PSG trong 3 năm hợp đồng, ngôi sao người Argentina sẽ nhận được tổng cộng: 30 + 40 + 40 = 110 triệu euro. Cũng con số 30 triệu euro/năm theo tờ L'Equipe, là tương đương với mức lương sau khi Messi chấp nhận cắt giảm ở Barcelona nếu như không có cuộc chia tay trong mùa hè vừa qua.

Nhưng ngay cả khi như thế, thì đắt vẫn xắt ra miếng. Giá trị của Messi thì khỏi phải bàn, những đóng góp và sự vô song trên sân cỏ của anh lại càng không thể đặt dấu hỏi. Không bàn tới những vận đen và vấn đề về hệ thống lối chơi được vận hành ở PSG lúc này mà Messi đang trải qua, những gì anh để lại tại Barcelona là di sản không thể bị lung lay.

Tầm cỡ như Messi, quy đổi ảnh hưởng ra những con số thống kê là công việc thừa thải. Mượn tạm phát biểu của Ronald Koeman cách đây chưa lâu có lẽ là đủ để kết luận vấn đề. Nhà cầm quân người Hà Lan từng khẳng định: “Lionel Messi bằng tài năng của mình đã che khuất mọi vấn đề tồn đọng ở Barcelona. Cậu ấy quá xuất sắc và cậu ấy giành chiến thắng cho đội bóng. Đúng là xung quanh Messi có những cầu thủ giỏi khác, nhưng bản thân cậu ấy làm nên sự khác biệt. Ai nấy cũng đều trở nên xuất sắc hơn nhờ vào Messi.”

“Tôi nói những lời này không phải có ý chỉ trích, mà đó là sự quan sát và đánh giá. Tôi vốn hiểu rõ Messi tài ba như thế nào, nhưng quả thật, chứng kiến điều đó tận mắt, cận cảnh hàng ngày mới thích thú làm sao. Tất cả những gì bạn muốn truyền dạy cho một cầu thủ, từ nhận biết tình huống, cầm bóng dưới áp lực, đi bóng tốc độ, dứt điểm,… mọi thứ với Messi đều đạt điểm 10. Không bình thường, không bình thường chút nào cả!”

Có vẻ sẽ hơi thừa khi nói thêm điều này, nhưng xét ở giá trị thương hiệu, tuy đã 34 tuổi, Messi vẫn là một trong những vận động viên thể thao có sức hút nhất đối với các nhãn hàng. Theo báo cáo của Brand Finance, trong năm 2021 này, Barcelona là CLB bóng đá có giá trị thương hiệu lớn thứ hai thế giới, với giá trị thương hiệu là 1 tỷ 266 triệu euro. Nhưng đấy là con số trước khi Messi đến với PSG. Cũng theo Brand Finance ước tính, sự ra đi của Messi khiến giá trị thương hiệu của Barcelona giảm gần 11%. Cụ thể, giá trị thương hiệu của CLB chủ sân Camp Nou sụt giảm 137 triệu euro.

Barcelona và Messi vốn đã luôn là hai thực thể không tách rời, khi mảnh ghép bị chia tách, những giá trị đương nhiên là không thể vẹn nguyên, nhất là với Barcelona.

Tính thực thi ở quy định

Giờ, hãy đến với tính khả thi của giấc mộng Messi thi đấu không lương mà Laporta ấp ủ. Giả sử Messi thật sự bày tỏ mong muốn được ở lại và thi đấu không lương cho Barcelona, điều đó có thể hay không?

Hãy lật lại quá khứ một chút, câu chuyện ở Anh từ giai đoạn 1893 đến 1963, một thời kỳ sơ khai của bóng đá. Thời ấy, bóng đá Anh tồn tại một hình thức chuyển nhượng có tên "retain and transfer system" (tức nắm giữ và chuyển nhượng). Hình thức này cho phép các CLB được quyền trói buộc cầu thủ của họ gần như đến cả đời. Nó vì thế ngăn các cầu thủ được phép chuyển đến đội bóng khác, đồng thời giúp các CLB từ chối trả lương cho cầu thủ nếu như họ đề nghị được chuyển nhượng.Đến năm 1963, Tòa án Tối cao của Anh đưa ra những phán quyết góp phần làm nên một cuộc cách mạng trên thị trường chuyển nhượng. Hình thức chuyển nhượng "retain and transfer" được toà án đánh giá là vô lý. Từ đó, yếu tố "retain" (nắm giữ) được thay đổi, giúp mang đến những điều khoản công bằng hơn cho giới cầu thủ trong việc đàm phán tái ký hợp đồng với các CLB, cũng như đặt ra án lệ cho những tranh chấp chuyển nhượng phát sinh về sau.

Nói ra để thấy, chuyện một cầu thủ thi đấu không lương chỉ có thể tồn tại trong quá khứ, khi quyền lợi của họ vẫn còn bị xem nhẹ. Đồng ý rằng trong bất kỳ một khế ước hay hợp đồng nào, sự đồng thuận và nguyện vọng của các bên luôn là yếu tố tiên quyết. Nhưng xã hội cơ bản không chấp nhận điều đó, khi quyền lợi của người lao động được bảo vệ.  

Không thể chơi miễn phí dù có muốn tại LaLiga

Cũng thời điểm tháng 8 năm nay, rộ lên những thông tin từ truyền thông Tây Ban Nha nói rằng ngay cả khi Messi sẵn sàng đồng ý giảm lương đến mức cao nhất, mức lương mới tối thiểu trong hợp đồng giữa anh với Barcelona cũng chỉ được phép giảm ở mức 50%. Đến nay, đây vẫn còn là một vấn đề chưa có lời giải đáp cụ thể về tính xác thực của nó.

Song, có một quy định rõ ràng được công bố trên Cổng thông tin điện tử của chính phủ Hoàng gia Tây Ban Nha BOE, quy định về một thỏa thuận giữa giải vô địch quốc gia Tây Ban Nha với Hiệp hội Cầu thủ Tây Ban Nha từ năm 2016, rằng một cầu thủ chơi bóng ở LaLiga dù có hưởng lương như thế nào, thì mức thu nhập tối thiểu của anh ta cũng phải ở mức 155 ngàn euro cộng thêm mức lạm phát. Nói cách khác, không có chuyện cầu thủ thi đấu không lương hay miễn phí cho một CLB ở LaLiga. Thế nên, chuyện Pique từng thổ lộ rằng anh nhận mức lương mới ở Barcelona chỉ khoảng 4 đô la Mỹ đơn giản chỉ là một lời nói bông đùa của một người thích đùa trong một buổi livestream chém gió mà thôi. Trắng đen, rạch ròi là như vậy!

Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với đài phát thanh COPE của Tây Ban Nha, chủ tịch LaLiga, ông Javier Tebas từng nói thế này: “Nếu Barcelona đồng ý với thỏa thuận của CVC, họ có thể dùng 15% khoản tiền trong gói hỗ trợ này để tăng cường lực lượng. Theo tôi, Barcelona hoàn toàn có thể gia hạn với Messi. Nhưng Laporta đã chiêu mộ những Memphis Depay hay Sergio Aguero. Nếu không ký hợp đồng với những cầu thủ đó, Messi đã có thể ở lại.”

Như đã biết, Barcelona cùng Real Madrid và Athletic Bilbao là những CLB ở LaLiga đã không đồng ý với thỏa thuận nhận gói viện trợ đó và đứng ra phản đối.

Vấn đề không nằm ở Messi

Ngay cả khi Messi đã chấp nhận giảm lương một nửa, thì theo chính lời của Joan Laporta trong một cuộc phỏng vấn, quỹ lương của CLB xứ Catalunya bấy giờ cũng đã ở mức 110% so với mức thu nhập của họ. Và nếu không có Messi trong đội hình, quỹ lương ấy cũng vẫn ở mức 95% so với thu nhập, trong khi quy định tài chính mà LaLiga đặt ra đối với các CLB chỉ ở mức khoảng 70%.

Thay vì nhìn nhận quỹ lương phình to của Barcelona xuất phát từ nguyên nhân mức lương khủng của Messi, một người mà vốn dĩ nhận được thù lao ứng với những đóng góp của anh, vấn đề của CLB này nằm ở việc trả lương quá cao cho những cầu thủ khác trong đội. Trong khi, không phải ai trong số đó cũng ra sân thường xuyên hoặc cho thấy giá trị tương ứng của mình.

Cách đây vài ngày, CEO Ferran Reverter của Barcelona, người được giao trọng trách đứng đầu việc vạch ra kế hoạch khôi phục nền tài chính của CLB, trong buổi thông báo kết quả quá trình thẩm định chuyên sâu Due Diligence, tiết lộ rằng ban lãnh đạo cũ Bartomeu đã từng có những thời điểm ký hợp đồng với các cầu thủ mà không biết rõ họ có đủ tiền hay không. Chẳng hạn như trong thương vụ Antoine Griezmann, ngay trong đêm chiêu mộ tiền đạo người Pháp, bộ sậu Bartomeu đã phải vay nóng 85 triệu euro để trang trải chi phí chuyển nhượng. Hay như trong thương vụ Philippe Coutinho, chi phí phát sinh thêm mà Barcelona phải chịu là 16,6 triệu euro.

Barca trả lương cầu thủ cao hơn thị trường

Còn theo tiết lộ từ nhà báo uy tín Marcelo Bechler, Barcelona từng trả lương cho các cầu thủ cao hơn 30-50% so với thị trường. Trong khi, phí môi giới chuyển nhượng dành cho người đại diện thường nằm trong khoảng từ 5-10%, nhưng Barcelona đã trả từ 20-33%. Và tính từ năm 2017 đến 2020, quỹ lương của CLB này đã tân lên tới 61%.

Barcelona thời Bartomeu đã bị đặt vào một đường xoắn ốc chi tiêu khủng khiếp, không có sự kiểm soát và không có tương lai. Họ vay nóng, với niềm tin rằng doanh thu hàng năm sẽ càng tăng (thực tế là tăng) để bù đắp cho mức chi tiêu khủng đó. Nhưng rồi đại dịch bùng phát đã đẩy toàn bộ kế hoạch chệch khỏi quỹ đạo, rơi xuống vực. Nếu là một công ty, xét ở khía cạnh kế toán tài chính, Barcelona coi như xong đời.

Nói tóm lại, dù phát biểu của Laporta chỉ là trong phút ngẫu hứng hay mơ mộng của một kẻ si tình. Đấy cũng là phi thực tế và càng khơi dậy những vết thương lòng trong lòng người hâm mộ Barcelona cũng như người hâm mộ Messi. Đồng thời, nó càng khắc họa sâu sắc vấn đề bi thảm của nền tài chính CLB này.

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Nhà phân tích bóng đá

Có thể bạn thích