Trang chủ     Bóng đá   /   Messi ra đi và sự đi xuống của La Liga

Messi ra đi và sự đi xuống của La Liga

Có một thời gian, các CLB La Liga thay nhau xưng hùng khẳng định vị thế là giải đấu số 1 châu Âu.

Trong khoảng thời gian 10 mùa giải UEFA Champions League từ 2009-2018, tổng cộng 9 lần các đội bóng Tây Ban Nha lọt vào tới trận đấu cuối cùng với đỉnh cao là các năm 2014 và 2016, khi Real Madrid và Atletico Madrid tạo ra hai cặp đấu nội bộ quốc gia. Tuy nhiên, vị trí độc tôn ấy đã lung lay dữ dội những năm gần đây, khi 3 năm liên tiếp vắng bóng đại diện Tây Ban Nha xuất hiện tại chung kết. Sự chia tay của mối lương duyên giữa Leo Messi và Barcelona dường như là giọt nước tràn li, khẳng định rõ nét hơn cho sự đi xuống của tầm vóc La Liga.

La Liga bán cổ phần, mở đường cho Messi trở về “nhà”

La Liga bán cổ phần, mở đường cho Messi trở về “nhà” La Liga mới đây đã chấp nhận bán 10% cổ phần cho quỹ đầu tư CVC để nhận về 2,7 euro và đây sẽ là chìa khó để Barca ký một bản hợp đồng với Lionel Messi.

La Liga cứng rắn vụ Messi, Barca như ngồi trên đống lửa

La Liga cứng rắn vụ Messi, Barca như ngồi trên đống lửa Barca như đang ngồi trên đống lửa khi La Liga không đồng ý cho phép họ vượt quỹ lương để ký hợp đồng mới với Messi.

Thời kì huy hoàng

Mùa hè năm 2009 là cột mốc đáng nhớ trong lịch sử hiện đại của La Liga, khi Barcelona trở thành CLB hàng đầu châu lục với cú ăn 3 lịch sử, trong đó có chiến thắng đáng nhớ truất ngôi Manchester United bằng hình tượng lối chơi sau đó khiến cả thế giới ngưỡng mộ và học tập, tiki-taka. Nhằm đối phó với sự trỗi dậy của kình địch, Real Madrid cũng không thể ngồi yên. Sự trở lại của Florentino Perez không chỉ đem theo hào quang quá khứ, mà còn dẫn về Santiago Bernabeu một loạt siêu sao hàng đầu thế giới, trong đó có chủ nhân của những Ballon d’Or gần nhất, như Cristiano Ronaldo, như Kaka, cùng những cầu thủ ưu tú như Karim Benzema, Xabi Alonso hay Angel Di Maria.

QUẢNG CÁO

Cuộc chạy đua vũ trang giữa hai ông lớn Tây Ban Nha biến El Clasico trở thành trận đấu đáng được mong chờ nhất mọi lúc, mọi nơi toàn cầu, bất kể phạm vi giải đấu. Dàn sao Barcelona đụng độ “Dải ngân hà” Real Madrid, với sự dẫn dắt của hai siêu cầu thủ hàng đầu Messi và Ronaldo được coi mặc định như hình ảnh đại diện cho chất lượng ưu việt của La Liga. Giải đấu vỗ ngực tự hào với đội bóng hàng đầu, cầu thủ hàng đầu và cả HLV hàng đầu trong hình tượng Pep Guardiola và Jose Mourinho. Trong 4 mùa giải liên tiếp từ 2009-2013, dù chỉ là một trận đối đầu tại Copa del Rey, El Clasico luôn nằm trong nhóm những sự kiện bóng đá sở hữu lượt xem đầu bảng thế giới.

La Liga thời kì đỉnh cao thuộc về Real Madrid và Barcelona, Cristiano Ronaldo và Leo Messi

La Liga thời kì đỉnh cao thuộc về Real Madrid và Barcelona, Cristiano Ronaldo và Leo Messi

Sự thành công của riêng Real Madrid và Barcelona không chỉ đem tới lợi ích cho riêng hai CLB lớn. Danh tiếng và tiềm năng khai thác của La Liga gia tăng, tạo điều kiện cho những CLB nhóm trung bình khá vươn lên. Atletico Madrid, Sevilla hay Athletic Bilbao đều tiến sâu và có thành tích khả quan tại đấu trường châu Âu những năm sau đó. Đội tuyển Tây Ban Nha với nòng cốt là những cá nhân hàng đầu cũng hưởng lợi với liên tiếp danh hiệu vô địch World Cup và Euro.

Dấu hiệu xuống dốc

Với nền tảng vững chắc về nhân sự và lối chơi định hình từ mùa hè 2009, Real Madrid và Barcelona tiếp tục khẳng định sức mạnh tại đấu trường quốc nội lẫn châu lục với liên tiếp những danh hiệu, đỉnh cao là chuỗi 5 chức vô địch Champions League liên tiếp từ 2014-2018. So sánh đội hình vô địch gần nhất của Real Madrid mùa giải 2017-18 với biên chế CLB kết thúc mùa giải 2020-21 vừa qua, đáng ngạc nhiên thay khi sau 3 năm, 9/11 cầu thủ vẫn còn có mặt tại Santiago Bernabeu.

Trái ngược với đại kình địch, thay vì phụ thuộc vào một nhóm cầu thủ, Barcelona lại chọn con đường phụ thuộc vào… một cầu thủ. Đương nhiên, không ai khác ngoài “tượng đài sống” tại Nou Camp, chính Leo Messi. Khi những con người sáng giá nhất tạo nên thành công của tiki-taka lần lượt già cỗi hoặc bị thay thế, Messi vẫn được giữ lại và cung cấp những biệt đãi ở mức cao nhất.

Lựa chọn của Real Madrid và Barcelona không hoàn toàn sai, khi đẳng cấp của những ngôi sao hàng đầu, dù đều đã bước qua tuổi 30, mốc điểm thường bị cho là phía bên kia của sườn dốc sự nghiệp, ít nhất vẫn đem lại phần nào thành công cho đội nhà. Thống kê tại La Liga 2020-21 cho thấy, hai cầu thủ tấn công có thời gian gắn bó lâu nhất tại mỗi CLB lại là người sở hữu thông số đẹp nhất. Trong khi Messi bỏ xa phần còn lại để dẫn đầu với 291 hành vi tham gia tấn công, Benzema xếp thứ 2 với chỉ số xóa bỏ định kiến lười biếng của tiền đạo người Pháp. Những cái tên tiêu biểu còn lại của Real và Barca góp mặt trong bảng vàng tấn công cũng đều đã hơn 30, như Luka Modric, Jordi Alba hay Antoine Griezmann.

Top 10 cầu thủ sở hữu số lượng hành động tấn công tại La Liga 2020-21

Top 10 cầu thủ sở hữu số lượng hành động tấn công tại La Liga 2020-21

Dẫu vậy, có thật sự là cả hai ông lớn muốn lệ thuộc vào những cựu binh? Dù không muốn, nhưng Real và Barca đều phải chọn cách thức bất khả kháng này nhằm duy trì thành tích ngắn hạn. Những biện pháp thắt lưng buộc bụng hay nhờ cậy tài năng trẻ thay vì chiêu mộ ngôi sao thành danh không thể duy trì được vị thế độc tôn trong quá khứ cho Real Madrid và Barcelona nói riêng, lẫn La Liga nói chung nữa rồi. Đã ba năm liên tiếp, không đại diện nào của Tây Ban Nha đi tới chung kết Champions League, giải đấu họ từng dễ dàng thống trị. Bắt đầu từ mùa giải tới, khi thành công trong quá khứ bắt đầu bị loại trừ trên BXH giải đấu UEFA, La Liga được dự báo cũng sẽ mất vị trí số 1 vào tay Premier League.

Tương lai bất định

Hệ quả tiêu cực đến từ chi phiếu vung tay quá trán hay sự quản lí tài chính lỏng lẻo nay bắt đầu xuất hiện dày hơn sau những năm tháng bị danh hiệu nhất thời che mờ. Những khoản nợ xấu và lãi vay tới hạn không đủ khả năng chi trả buộc cả hai đội bóng đã chưa hết nợ cũ, nay chồng thêm nợ mới chỉ để kéo dài thời gian. Ảnh hưởng tai hại của Covid-19 càng làm chồng chất thêm khó khăn cho những “chúa chổm”. Không quá ngạc nhiên khi Real Madrid và Barcelona lại đi tiên phong và quyết bảo vệ tới cùng dự án Super League, bởi giải đấu ngoại lai này là cứu cánh duy nhất giải thoát tình hình bi đát của bộ đôi kình địch.

Tuy nhiên, trong khi Super League chưa thành hình, Real và Barca vẫn bị trói buộc trong guồng quay thường lệ của bóng đá Tây Ban Nha và Châu Âu, dưới sự chi phối của các quy tắc công bằng tài chính. Messi ra đi, gương mặt đại diện nổi bật nhất cho giá trị thương mại của La Liga như tặng thêm một cú tát vào tham vọng gượng dậy của những nhà điều hành. Họ hiểu tầm quan trọng của Messi nói riêng, hay những ngôi sao trong quá khứ tác động ra sao tới thành bại giải đấu, nhưng càng làm, sự tuyệt vọng và hỗn loạn lại càng lộ rõ.

Super League liệu có là cứu cánh cho Real Madrid và Barcelona?

Super League liệu có là cứu cánh cho Real Madrid và Barcelona?

Nhằm ngăn chặn sự trốn chạy của Real Madrid và Barcelona tới Super League, La Liga bán máu nhằm huy động vốn bơm tiền cho CLB. Nhưng số tiền và lợi ích đổi lại quá ít ỏi, khiến những ông lớn càng thêm bức xúc và thổi lửa vào nguyện vọng ra đi. Ngược lại, không tiền đồng nghĩa với không ngân quỹ chuyển nhượng, không ngôi sao, CLB buộc phải tiếp tục bán người để thoi thóp duy trì. Chất lượng giải đấu từ đó lại ngày càng đi xuống.

Hãy nhìn lại vào 10 gương mặt tấn công tiêu biểu giải đấu mùa trước không thuộc biên chế Real Madrid và Barcelona, ngoài Nabil Fekir trung bình khá đã 29 tuổi, La Liga chẳng còn ai triển vọng để trông chờ. Hãy nhìn vào BundesligaLigue 1, ít nhất vẫn còn đó Bayern Munich và PSG hùng mạnh để công chúng nhìn vào. Ngoài ra, chất lượng và số lượng tài năng nội địa để hai ông lớn này “đào mỏ” luôn gần như vô tận. Thế nhưng, Real Madrid và Barcelona vốn đã khó khăn tài chính, thì tới nay tài năng lại càng hiếm hoi để thu nhặt.

Thống kê trong 5 mùa giải gần nhất, tổng cộng 118 cầu thủ đã đầu quân cho các CLB Anh từ La Liga, trong khi chiều ngược lại thấp hơn, chỉ 89 người. Trong đó, 39% số cầu thủ gia nhập dưới dạng cho mượn ngắn hạn 1 mùa. Những tài năng mới ở độ tuổi U21 như Ferran Torres hay Bryan Gil đã sẵn sàng chấp nhận tới Premier League để so tài hơn là duy trì vị trí ổn định tại La Liga. Dần dần, La Liga tạo ấn tượng trở thành một giải đấu “hạng hai”, vừa là nơi bơm quân, vừa là nơi rèn quân cho “ông kẹ” Premier League.

Đó chắc chắn không phải viễn cảnh những nhà điều hành La Liga hay CLB lớn như Real Madrid và Barcelona. Dẫu vậy, nếu không chấp nhận những hi sinh cải tổ đau thương trước mắt, La Liga nói chung cùng Real và Barca nói riêng khó lòng có thể trở lại vị thế thuở xưa.

Hoàng Bách

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Chuyên gia phân tích

Có thể bạn thích