Trang chủ     Bóng đá   /   Từ chuyện triệu tập đội hình của Enrique & Southgate: Nghịch lý “lựa chọn”

Từ chuyện triệu tập đội hình của Enrique & Southgate: Nghịch lý “lựa chọn”

UEFA hồi tháng 4 đã cho phép các đội tuyển được nâng số lượng cầu thủ triệu tập vào đội hình ở kỳ Euro 2020, thay vì 23 thì số lượng giờ là 26 cầu thủ. Song, không phải cứ “nhiều” là “vui”.

Con người chúng ta thường rơi vào một nghịch lý: Lúc ít thì than thiếu, lúc nhiều thì than dư. Nhưng nghịch lý ấy lại hợp lý.

Nếu chỉ có một đối tượng để chọn lựa, chúng ta sẽ không thể thực hiện phép so sánh. Không so sánh thì không thể biết được cái nào tốt hơn cái nào. Phép so sánh luôn cần có ít nhất hai đối tượng trở lên. Vậy nên, ít quá – mà đơn cử chỉ có một đối tượng – thì than thiếu kể khổ là phải.

Song, nếu chọn lựa một trong hai thì dễ, thì khi có từ ba đối tượng trở lên, bài toán chọn lọc bắt đầu trở nên đau đầu. Cứ thế tăng dần theo tỷ lệ thuận. Trừ khi trong đầu đã có sẵn một đối tượng nhất định, bằng không bạn sẽ tốn hàng giờ đồng hồ để chọn một đôi giày ưng ý khi bước vào một cửa hàng ở một trung tâm thương mại nào đó. Vậy nên, nhiều quá – mà đơn cử là ba, bốn đối tượng trở lên – thì than dư kể khó là phải.

QUẢNG CÁO

Thông báo chính thức của UEFA về việc nâng số cầu thủ triệu tập

Đấy cũng chính là vấn đề được đặt ra khi UEFA cho phép các đội tuyển tham dự Euro 2020 được nâng số lượng cầu thủ triệu tập từ 23 lên 26 người. UEFA có lý do cho quyết định ấy, trong bối cảnh đại dịch luôn khiến các cầu thủ đứng trước nguy cơ nhiễm bệnh, cũng như một mùa giải cày ải liên tục với ít quãng nghỉ sẽ bào mòn thể lực của họ. UEFA hy vọng các HLV trưởng các đội tuyển sẽ thoải mái hơn trong việc dùng người, lấy lượng bù đắp cho sự hao hụt về thể trạng, từ đó giữ chất lượng thi đấu ở mức cao nhất có thể.

Dễ dàng rút ra kết luận, càng nhiều thì càng tốt, càng có thêm sự lựa chọn để linh hoạt đấu pháp và chiến thuật, cũng như dễ dàng xoay tua.

Nhưng khi xem xét như vậy, chúng ta đã rơi vào nghịch lý đã nêu. Ngay từ khi ý tưởng gia tăng số lượng cầu thủ triệu tập manh nha, chính Gareth Southgate từng nói trước truyền thông: “Tôi không chắc mình sẽ ủng hộ ý tưởng này. COVID đúng là đã để lại ảnh hưởng, nhưng việc chọn ra 23 cầu thủ đòi hỏi cả một bộ kỹ năng chứ không hề đơn giản. Nghĩa là bạn phải đưa ra quyết định sáng suốt và quan trọng. Một vài kỹ năng ấy có thể biến mất một khi bạn gia tăng đội hình.”

Southgate không thực sự ủng hộ sự thay đổi này

Càng đông, bài toán cân bằng trở nên phức tạp. Nhất là ở cấp độ đội tuyển. Không nói đâu xa xôi, chẳng phải học phụ đạo hay các lò luyện thi, càng ít học sinh càng đảm bảo chất lượng hơn là những lớp học đầy hơi người? Trở lại câu chuyện bóng đá. Một HLV nói trước 26 cầu thủ thì mức độ phân tán, tập trung sẽ cao hơn so với 23 cầu thủ.

Và còn bởi, cấp đội tuyển khác cấp CLB ở chỗ, quãng thời gian thi đấu ngắn ngày hơn và ít sự chuẩn bị hơn. Vấn đề xoay tua lực lượng không thể sánh với cấp CLB trong một mùa giải kéo dài. Đơn cử, nếu trong mắt HLV đã có sẵn một tuýp thủ môn cho vị trí số 1, ông ta đơn giản sẽ không xoay tua vị trí ấy giống như ở cấp CLB khi một người thì bắt chính ở giải vô địch quốc gia, một người thì được trao cơ hội ở các mặt trận đấu cúp.

Nếu đã chọn được một bộ khung ưng ý, chẳng dại gì bạn phải thay đổi. Ở đây là câu chuyện về chất, thay vì lượng. Euro 2016, khi Bồ Đào Nha vượt qua vòng bảng, vì đội bóng để thủng lưới quá nhiều, Fernando Santos mới buộc phải điều chỉnh nhân sự ở vị trí trung vệ. Ông trao cơ hội cho Jose Fonte và gần như toàn bộ giai đoạn vòng knockout từ vòng 16 đội cho đến chung kết, cặp trung vệ số 1 của Bồ Đào Nha là Fonte và Pepe (có một trận Fonte đá cặp Bruno, nhưng chung kết thì vẫn là Fonte và Pepe).

Do đó, mấu chốt làm nên thành công của một đội tuyển thường nằm ở mức độ kết dính của tập thể. Ở đó, sự hài hòa và hạnh phúc của các cá nhân trong đội bóng trở nên hết sức quan trọng.

Sự gắn kết của tập thể là yếu tố hay bị bỏ qua khi phân tích lực lượng mỗi đội bóng

Đó là chưa kể, một cá tính ương ngạnh, nổi loạn hoặc đời tư có vấn đề ắt sẽ khiến các HLV cảm thấy phiền lòng. Chẳng nói đâu xa, câu chuyện Karim Benzema suốt những năm qua đã luôn là một minh chứng. Hay như trước đây, Glenn Hoddle từng loại Paul Gascoigne khỏi đội hình Tam Sư cho kỳ World Cup 1998 cũng là một ví dụ điển hình. Thế hệ bóng đá Anh ngày đó, Gascoigne đơn giản là kỳ tài, nhưng vì cái tính tinh nghịch và thích làm trò mà ông bị Hoddle cự tuyệt, dù ngày đó cựu huyền thoại Tottenham lấy vấn đề thể trạng của Gascoigne làm lý do không triệu tập và khiến Gazza nổi trận lôi đình trong phòng khách sạn.

Nói ra để thấy, việc giữ một tập thể trong khuôn khổ, không bị ảnh hưởng bởi những tác nhân xấu, hoặc đơn giản là tác nhân “lạ” quan trọng thế nào với các HLV.

Ngoài ra, một đội hình quá dày còn dễ dẫn đến hệ lụy là càng có thêm nhiều cá nhân cảm thấy… không hạnh phúc nếu không được lựa chọn. Nếu chọn một trong hai, chỉ một người còn lại cảm thấy buồn. Cứ thế ta dễ dàng có phép tính 26 cầu thủ trừ đi 11 cá nhân đá chính (hoặc góp mặt vào đội hình xuất phát) ra một con số lớn hơn khi chỉ phải triệu tập 23 cầu thủ.

Trong hoàn cảnh đại dịch như hiện tại, việc tập trung và ở lì trong khách sạn suốt một tháng diễn ra giải đấu sẽ càng khiến những cá nhân không được lựa chọn trở nên “nhàn cư vi bất thiện”. Những xì xào qua lại sẽ dễ khiến nội bộ đội bóng nảy sinh rạn nứt.

Mâu thuẫn của Benzema và Deschamps khiến không ai tin tiền đạo Real Madrid còn cơ hội lên tuyển

Rõ ràng các HLV luôn cần đề phòng những điều tồi tệ nhất có thể xảy đến. Song, nhìn ở một góc cạnh nhân văn hơn, tình người hơn, một người thuyền trưởng chắc chắn sẽ không muốn quá nhiều cầu thủ cảm thấy họ chỉ đơn giản là “một phụ tùng thay thế”, từ đó có thể ảnh hưởng đến tình bạn giữa chính các cầu thủ với nhau, và cả mang đến cảm giác hụt hẫng đối với ước mơ trong màu áo cấp tuyển của một vài gương mặt. Các cầu thủ thời nay không còn mang những nét nổi loạn kiểu như Gascoigne ngày trước, nhưng đồng thời họ lại trở nên quá nhạy cảm.

Mới đây, sau khi công bố danh sách sơ bộ/mở rộng lên tới 33 cầu thủ, Southgate một lần nữa than phiền: “Thách thức đặt ra là chúng tôi phải giữ 15 cầu thủ không có tên trong đội hình ra sân trong trạng thái hạnh phúc.” (Sở dĩ 15 là vì danh sách 33 cầu thủ rồi sẽ được rút gọn lại thành 26 cầu thủ cuối cùng, trong 26 người này, chỉ có 11 cầu thủ ra sân mỗi trận đấu)

Thấu hiểu tầm quan trọng của công tác làm tư tưởng với các cầu thủ, Southgate đã phải nhờ đến chuyên gia Owen Eastwood. Ông giữ chức danh “cố vấn văn hóa đội bóng” với nhiệm vụ chính là xử lý các vấn đề liên quan tới những cầu thủ không được sử dụng trong kỳ Euro 2020 sắp tới. Ở đây là vấn đề về tâm lý. Điều này đòi hỏi một cách tiếp cận thiên về trí tuệ xúc cảm (EQ), bởi gần như đội hình Tam Sư tại Euro sẽ là một tập hợp của rất nhiều những cầu thủ trẻ (độ tuổi trung bình của tuyển Anh trong đợt triệu tập hiện tại đang là 25 tuổi 12 ngày, trẻ hơn 1 tuổi so với đội hình triệu tập ở kỳ World Cup 2018).

Những cầu thủ cho dù phải ngồi dự bị cần được làm tư tưởng để họ vẫn cảm thấy có giá trị, có ích cho sự thành bại của đội bóng. Nói tới đây, chính bản thân Southgate đã là một ví dụ. Ông từng cùng với Martin Keown và Wes Brown là những người chưa từng ra sân phút nào suốt kỳ World Cup 2002.

Cũng HLV tuyển Anh đã từng phát biểu như sau: “Khi tôi rời Nhật Bản, dù biết mình không có cơ hội được đá quả bóng trong một trận đấu chính thức nào, nhưng tôi vẫn cảm thấy mình là ‘một phần’ của đội bóng. (Trên sân tập) Tôi trở thành một đối thủ khó nhằn giúp các đồng đội trên hàng công được thử thách, cũng như ngăn Martin Keown không nổi nóng với họ.”

Nhưng nếu đã luôn phản đối ý tưởng mở rộng đội hình và nhìn thấy quá nhiều nguy cơ có thể phát sinh, vì sao Southgate lại triệu tập đội hình sơ bộ tới 33 cầu thủ?

Có lẽ ông đang muốn “câu giờ”, bởi hoàn cảnh chấn thương hiện tại (như Maguire) và cả việc có đến 3 đội bóng Anh vẫn còn chơi các trận chung kết Europa League và Champions League. Những nguy cơ sức khỏe vẫn còn thời hạn để phát sinh. Và vì thế, đây là lúc Southgate cảm thấy “càng nhiều càng tốt”, một tâm thế luôn sẵn sàng có phương án thay thế cho trường hợp xấu nhất. Nhưng nếu mọi thứ xuôi chèo mát mái, Southgate sẽ rơi vào mệnh đề như lúc đầu. Câu chuyện cắt giảm, chọn lọc lại từ 33 cầu thủ xuống còn 26 sẽ không tránh khỏi đau thương.

Từ hoàn cảnh của Southgate, há chẳng phải hành động như Luis Enrique lại là khôn ngoan? Khi HLV người Tây Ban Nha chỉ triệu tập có 24 cầu thủ, thay vì “hết ga” với 26 người như UEFA cho phép? Nhìn phản ứng của dư luận thì rõ ràng là không.

Tuy nhiên, vấn đề Enrique đang phải đối mặt xuất phát từ câu chuyện Sergio Ramos không được gọi và sạch bóng Real Madrid trong danh sách triệu tập lần đầu tiên ở các kỳ Euro và World Cup trong lịch sử nền bóng đá này.

Ramos là một trường hợp khó hiểu, kể cả cho Enrique đã lên tiếng giải thích

Mọi thứ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu có ít nhất một cầu thủ Los Blancos xuất hiện trong bảng danh sách của Enrique. Lúc đó, có lẽ việc ông quyết định chỉ chốt 24 người sẽ dễ dàng được tiếp nhận hơn.

Đồng ý rằng Ramos đã liên tục gặp phải những vấn đề về chấn thương và thể trạng trong mùa giải vừa khép lại, nhưng khi vẫn còn đó đến 2 suất không được tận dụng, phải chăng Enrique nên tỏ ra phóng khoảng hơn?

Ngay cả khi vẫn nhất quyết không trọng dụng Ramos, thì Nacho – người đã có một giai đoạn thi đấu ấn tượng từ đầu năm 2021 trong màu áo Real Madrid, khiến có những lúc các Madridista không còn sống trong hơi thở của Ramos – cũng rất xứng đáng có một suất? Chưa kể, Nacho là trung vệ lệch chơi chân phải và lại khá đa năng, thậm chí đá hậu vệ biên phải cũng được. Trong khi danh sách của Enrique thì lại quá ít những hậu vệ thuận chân phải, hoặc thuần hậu vệ phải.

Khó có thể lý giải Enrique đã suy nghĩ điều gì. Nhưng rõ ràng, ông cũng đang bị đánh giá bởi cái nghịch lý về sự lựa chọn, giống như Southgate.

Hoàng Thông Le Foot

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Nhà phân tích bóng đá

Có thể bạn thích