Trang chủ     Bóng đá   /   Tuổi thọ ghế nóng

Tuổi thọ ghế nóng

Ngày 31/05, nhật báo AS (TBN) đăng tải toàn văn bức thư ngỏ Zinedine Zidane gửi các CĐV Real Madrid. Và trong bức thư ấy có một điều khiến chúng ta hiểu được khó khăn của nghề HLV ở thời đại này là như thế nào. Zidane gọi nó là “tuổi thọ ghế nóng”.

Cùng lúc với sự kiện Zidane từ nhiệm ở Real, ở Juve, biểu tượng của bóng đá Ý là Pirlo bị Juve sa thải. Allegri lập tức được gọi về khiến mọi đồn đoán rằng Zidane bỏ Real để về Juve trở nên sai bét. Thêm vào đó, ở Pháp, Pochettino nằng nặc đòi ra đi, với lý do có mâu thuẫn với Leonardo. Pochettino bị Tottenham sa thải cách đây chưa lâu. Người thay ông là Mourinho cũng đã bị sa thải. Tottenham giờ lại muốn có Pochettino lần nữa trong khi Real cũng đang ve vãn HLV này. Tất cả những thay đổi chóng mặt đó làm chúng ta có cảm giác: làm HLV thật sướng, lúc nào cũng đắt khách, bị đuổi vẫn còn có tiền.

Bức tâm thư Zidane gửi lại thành Madrid

Bức tâm thư Zidane gửi lại thành Madrid Tờ AS cho hay HLV Zidane đã quyết định gửi tâm thư cuối cùng tới Real Madrid. Trong đó, ông giải thích rõ lý do chia tay đội bóng và không quên gửi lời cảm ơn chân thành tới những người đã giúp ông trong quãng thời gian tại Bernabeu.

Ra đi theo cách Zinedine Zidane

Ra đi theo cách Zinedine Zidane Tờ La Razon của Tây Ban Nha làm một thống kê đơn giản, với ba lần chia tay Real Madrid khi vẫn còn hợp đồng, Zinedine Zidane không khác gì đã từ bỏ tổng cộng 42 triệu euro khoản tiền lương còn lại.

Nhưng có thực sự làm HLV là sung sướng hay không? Nếu sướng, Ferguson đã không phải mổ tim và tóc của Mourinho đã không bạc nhanh đến thế. Và ngay cả một HLV đi vào huyền thoại như Zidane (thành tích ăn 3 cúp Champions League liên tiếp của ông chắc nửa thế kỷ nữa chưa có người phá nổi) cũng không hẳn đã kiếm tìm điểm đến dễ dàng ở lúc này dù ông thuộc diện “ai cũng mong có”. Cơ bản, như Zidane nói, nghề này không phải chỉ là tiền, danh vọng và danh hiệu. Có một thứ còn quan trọng hơn: mối quan hệ giữa người với người.

QUẢNG CÁO

Zidane không thiếu vinh quang và Real Madrid thực sự chưa muốn dừng lại với ông, nhưng...

Ví dụ, những CLB có khả năng trả rất nhiều tiền để có Zidane lúc này là ai? Inter, PSG, Tottenham. Nói thẳng luôn, Zidane khó lòng đến 1 trong CLB ấy, trừ phi thư ông viết toàn nói lời giả dối về tình người hoặc có một thỏa hiệp thực sự lớn. Với Zidane, cuộc đời ông gắn liền với 3 thành phố: Marseilles, Torino, Madrid. Nó là các quãng đời của ông rất cụ thể, thậm chí có nơi còn là máu mủ, gia đình như Marseille chẳng hạn. Và với việc gắn bó với 3 thành phố ấy, ông không thể đến Paris hay Milan.

Dễ hiểu, Inter và Juve không đội trời chung và việc Zidane tới Inter, nó là sự phản bội chính bản thân mình chứ chưa nói đến các Juventini. Tương tự là Marseilles và PSG. Zidane chưa bao giờ đá cho Marseilles nhưng ông sinh ra lớn lên ở đó, gia đình ông ở đó. Ở Marseilles, người ta nói có 1 “cây đinh ba” nắm giữ sinh mệnh của thành phố. Cây đinh ba ấy gồm 3 mũi: Toà thị chính, bến cảng và CLB bóng đá. Là một người Marseilles thì không thể nào làm việc cho “bọn PSG”. Zidane sẽ không lựa chọn chống lại chính nơi sinh ra mình.

Hơn nữa, với cách mà Leonardo trả lời phỏng vấn trên tạp chí France Football về chu kỳ của HLV ở PSG, chúng ta càng thấy rõ khó có thể tìm điểm chung giữa PSG và Zidane. Leonardo chỉ thằng ra lý do PSG thay HLV không chỉ nằm ở danh hiệu mà còn ở chu kỳ của HLV và đội bóng. Khi PSG nhận thấy HLV đã đi đến hết chu kỳ, không thể làm PSG tốt đẹp hơn, họ sẽ tìm người mới. Một chu kỳ dài nhất ở đó là 3 năm, với cái tên Laurent Blanc.

Với Pochettino, mọi thứ có thể chỉ đến... 6 tháng

Zidane thích làm việc dựa trên sự tôn trọng chứ không chỉ đánh giá sòng phẳng quá như vậy. Bởi thế, chỉ có chuyện ông đạt được một hoà ước với những người ở Marseilles và đồng thời buộc Leonardo cùng ban lãnh đạo PSG nhượng bộ về cách làm việc thì họa may ông mới tới PSG. Chuyện đó thật khó.

Còn riêng với Tottenham, nơi không có mâu thuẫn gì, Zidane khó lòng chấp thuận bước một bước lùi như thế. So với các CLB đã có ông và muốn có ông như Real, Juve, PSG thậm chí có thể là Man Utd, Tottenham chỉ là hạng 2.

Nhưng câu chuyện riêng của Zidane chỉ là phần mở ra cho thứ chúng ta quan tâm hơn là tuổi thọ ghế nóng. Trong thư, Zidane nói 1 điểm rất giống với Leonardo nói về chu kỳ. Zidane cho rằng ở thời đại này, tuổi thọ ghế nóng chỉ là 2 năm hơn mà thôi. Trong 2 năm hơn ấy, nếu không đạt kỳ vọng là ra đi. Rõ ràng, áp lực nghề huấn luyện quá kinh khủng.

Trước tiên, chúng ta phải xét xem ở châu Âu hiện nay có mấy dạng sở hữu CLB điển hình. Thứ nhất là dạng 1 chủ, hoặc chủ là cổ đông chi phối, giống như các CLB Premier League hiện thời. Thứ hai là dạng công ty cổ phần, với một HĐQT quyết định tất cả. Thứ ba là dạng “50+1” điển hình Bundesliga, tức là 51% thuộc về cộng đồng và 49% còn lại thuộc về các chủ đầu tư lớn. Và cuối cùng là dạng còn sót lại hiếm hoi, phổ biến ở TBN, loại hội đoàn với 100% sở hữu thuộc về các hội viên (socios) như Real, Barca....

Koeman vẫn có khả năng rất cao sẽ ra đi ở mùa hè này

Trừ thể loại hội đoàn, với tiếng nói đa số quyết định và chủ tịch chỉ thể hiện ý chí của hội đoàn qua hành động của mình, phần còn lại đều hoạt động như các cỗ máy kinh doanh hoàn thiện. Nhưng ngay cả thể loại hội đoàn cũng có cái quân phiệt của nó khi chủ tịch là người ra quyết định tối cao. Muốn chống lại thì phải họp thường niên chứ chẳng ai tổ chức họp bất thường chỉ để bàn xem nên giữ HLV hay thay mới. Các thể loại khác, họ coi mỗi chu kỳ 2 năm là một giai đoạn đầu tư. Trong 2 năm ấy không thấy hiệu quả hay niềm tin về một hiệu quả rõ rệt sắp tới thì “a lê hấp, chào tạm biệt và chúc bạn may mắn ở CLB sau”.

Cái áp lực 2 năm phải có gì đó đã và đang giết dần giết mòn các HLV. Hãy tưởng tượng thế này, nếu bạn bước vào một sòng bài, với vốn lận lưng không phải nghĩ, bạn sẽ dễ chiến thắng hơn nếu như ngay từ đầu bạn coi như mình mất hết sau khi rời sòng bài và mất mát ấy chả ảnh hưởng gì tới đời sống của mình. Nhưng nếu bạn bước vào sòng bài chỉ với 1 hữu hạn được phép thua, thậm chí với mục tiêu phải có lãi sau 3 tiếng đồng hồ, khả năng bạn ra về với chút an ủi từ chủ sòng bài là 1 phòng nghỉ thượng hạng, một chai rượu ngon, một bữa ăn ngon cùng xe hơi miễn phí đưa bạn ra sân bay trong tiếng nhạc “Tiễn bạn lên đường”.

Ai có thể sống được trong áp lực đòi hỏi liên tục đó? Nó được song hành và cộng hưởng với các kỳ vọng từ người hâm mộ, từ các cầu thủ. Câu chuyên một cầu thủ nào đó sáng sớm gõ cửa phòng HLV chỉ với câu hỏi “tại sao tôi lại không được ra sân?” đã đủ khiến một HLV phải nhức đầu rồi chứ chưa nói đến chuyện mỗi tuần bạn phải đối phó với một kẻ cũng đang áp lực như mình và việc đè bẹp mình là một phần góp sức cho sinh tồn của họ.

Liệu Bale có bao giờ gõ cửa phòng Zidane và hỏi 'chuyện riêng'?

Trong lúc phải sống như một hạng mục đầu tư ngắn hạn mà giới chủ CLB nhìn vào mình như thế, HLV còn áp lực hơn nữa khi mỗi ngày, nhật báo thể thao lại có thể đăng một câu chuyện tiêu cực về mình khi bạn không đáp ứng được đòi hỏi chuyên môn. Mà truyền thông thời nay lại khác xa 10-15 năm trước. Bây giờ không chỉ có báo chí, TV, phát thanh như xưa nữa mà mỗi tay bút lại có thêm một vài kênh để tuyên bố quan điểm như twitter, facebook, youtube.

Zidane 3 lần bị truyền thông “cảnh cáo” về nguy cơ sa thải trong mùa bóng này và cả 3 lần ấy ông đều cảm giác bị đâm sau lưng khi chính Real là đơn vị đã tuồn thông tin ra ngoài. Các chủ nhân của các CLB cho rằng việc tuồn thông tin ấy mang cho họ mấy cái lợi. Thứ nhất, tạo áp lực để cải thiện thành tích lên HLV hiện thời. Thứ hai, đăng tải một tuyển dụng ngầm miễn phí. Và thứ ba, cho CĐV thấy rằng giới điều hành chả có lỗi gì. Tội vạ đâu HLV chịu hết.

Sẽ là mơ mộng nếu chúng ta nghĩ đến một CLB gắn bó với HLV như thời sir Alex Ferguson hay Wenger. Người ta cũng từng nghĩ Mourinho là một “máu mủ” của Chelsea như thế và rồi vỡ oà ra hiểu rằng ông ấy chẳng là gì hơn một hạng mục của Abramovich. Zidane nói đến sự “ghi nhớ”. Vâng, chỉ có CĐV mới ghi nhớ thôi. Giới chủ CLB thì dễ bật chế độ “não cá vàng” khi ai đó hỏi họ về những gì một HLV từng mang lại lúc họ quyết định sa thải một HLV đó.

Những mẫu HLV như Alex Ferguson và Arsene Wenger chỉ còn là dĩ vãng

Xem ra, chỉ có làm HLV bàn phím là dễ nhất. Tất cả những gì một HLV bàn phím nói cũng chỉ là “quan điểm”, là “dự đoán” hay là phân tích. Giữa họ và HLV thực chiến là hai đẳng cấp xa nhau ngàn vạn dặm trình độ, kiến thức. Và khi ở đẳng cấp cao, tức là một HLV thực chiến, tất nhiên áp lực cũng tăng lên ngàn lần.

Bởi thế, khi CLB bạn yêu thích bổ nhiệm một HLV nào đó, trước tiên hãy thử phân tích xem trong thời hạn hợp đồng ông ta có thể mang lại thành tích gì. Nếu nhận thấy khả năng đáp ứng thành tích ấy là khó, bạn hoàn toàn có thể nghĩ về một HLV kế tục người ấy là ai, và đếm tuần xem bao giờ người ấy sẽ đến, rồi lại đếm tuần xem người mới đến trụ lại nổi bao lâu.

Hà Quang Minh

Chia sẻ bài viết:
Zalo
Chuyên gia phân tích bóng đá

Có thể bạn thích